Sunday, March 27, 2016

"HIỆP THƯƠNG TỔ DÂN PHỐ" : GIỚI TỰ ỨNG CỬ CÓ BỊ CHÍNH QUYỀN "ĐẤU TỐ" ? (Phạm Chí Dũng)





27.03.2016

‘Đấu tố’ và ‘cân đối’

Sau hội nghị hiệp thương lần 2 tạm yên bình, gần ba chục nhân vật tự ứng cử đại biểu Quốc hội của xã hội dân sự và giới đấu tranh nhân quyền sắp chạm vào “lằn ranh đỏ”: vòng “hiệp thương tổ dân phố”.

Đây cũng chính là một rào cản mà trong quá khứ, chính quyền rất tâm đắc với thủ pháp “ý kiến quần chúng”. Ở những kỳ bầu cử Quốc hội khóa trước, một số người tự ứng cử như luật sư nhân quyền Lê Quốc Quân đã chẳng thể chống lại màn “đấu tố” không thể lộ liễu hơn: anh bị “di dời” từ tổ dân phố nơi cư trú đến một tổ dân phố khác hoàn toàn lạ lẫm. Ở đó, nhiều chục người lạ mặt đã hùng hổ hóng sẵn cùng một trận tố cáo kịch liệt về “thành phần bất hảo”, “phản động”, theo tài liệu được chuẩn bị rất chu đáo. Sau hết, khối “quần chúng tự phát” ấy đồng loạt giơ tay biểu quyết là Lê Quốc Quân “không được tổ dân phố tín nhiệm”. Như tất thảy dân oan mất đất, người tự ứng cử không còn chỗ cắm dùi. Cuối cùng, “tên anh không có trong danh sách”. Chính quyền được tuyên xưng dân chủ đương nhiên loại được một kẻ đấu tranh cho dân quyền.

Lần này, biện pháp “đấu tố” trên lại đang lăm le được thực thi. Ngay sau hội nghị hiệp thương lần 2 ở Hà Nội, người tự ứng cử đầu tiên và cũng là người phát động phong trào tự ứng cử ở Việt Nam - Tiến sĩ Nguyễn Quang A - đã phát hiện tổ trưởng tổ dân phố nơi ông cư trú đến từng nhà trong tổ phát tài liệu lên án ông. Chiến dịch “quần chúng tự phát” bắt đầu lên nòng. Nhịp nhàng cùng lúc, giới dư luận viên tung ra những clip bôi nhọ người tự ứng cử trên mạng xã hội. Một cuộc chiến hoàn toàn không cân sức giữa dân chủ thực chất với dân chủ giả hiệu.

Không cân sức nhưng lại có thể rất “cân đối”. Người nêu ra khái niệm độc đáo này là Chủ tịch Ủy ban Hòa bình thành phố Hà Nội - bà Đào Thanh Hương. “Việc ai bước được vào vòng ba (hiệp thương) thì khi đó trí tuệ của chúng ta, những người ngồi ở đây và đặc biệt các ban ngành của thành phố sẽ xem xét để làm sao 48 người tự ứng cử cân đối với 39 người được các đơn vị, cơ quan thành phố giới thiệu” - bà Hương cân nhắc từng từ nhưng cuối cùng vẫn bộc tuệch tư tưởng của mình.

“Cân đối” là từ ngữ vừa bóng bẩy vừa ẩn dụ, muốn hiểu sao cũng được. Từ ngữ - tư tưởng này lại được bổ nghĩa bởi một phát ngôn như thể răn đe của ông Đào Văn Bình, Phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam: “Khi thực hiện đưa về tổ dân cư nhận xét, để xem những ứng viên đó có chấp hành pháp luật hay không”.

Sau hội nghị hiệp thương lần 2, nguy cơ hiển hiện trước mắt đối với giới ứng cử viên được chính quyền giới thiệu là “một chọi một” với giới tự ứng cử. Thậm chí số tự ứng cử còn cao hơn cả số được giới thiệu. Nếu sau vòng “hiệp thương tổ dân phố”, “hiệp thương nơi công tác” và hiệp thương lần 3 mà vẫn không “cân đối”, tức không loại được “đủ số” ứng viên độc lập, danh sách đưa ra bầu cử chắc chắn sẽ bị “pha loãng”, mà do vậy nguy cơ những ứng cử viên được đảng giới thiệu nhưng bị thất cử sẽ không còn là hão huyền.

Hẳn đó là nguồn cơn để xuất lộ một tư tưởng khác thù hiểm hơn nhiều: Có tổ chức phản động đứng sau một số người tự ứng cử.

‘Thế này thế khác’ và ‘tổ chức phản động’

Một tuần sau khi người đứng đầu đảng Nguyễn Phú Trọng phát động chiến dịch đả kích giới tự ứng cử độc lập bằng cảnh báo: “Không để lọt vào cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước những phần tử thế này thế khác” tại một cuộc tiếp xúc với cử tri Hà Nội, một đoàn giám sát do ông Nguyễn Xuân Phúc - ứng cử viên cơ cấu cho chức vụ thủ tướng trong tương lai rất gần, đã làm việc với thành phố Hà Nội. Nội dung lập tức gây sốc trong cuộc họp này là “Theo một thành viên đoàn giám sát, Tiểu ban an ninh, trật tự, an toàn xã hội của Hội đồng bầu cử Quốc gia nhận định kỳ bầu cử lần này phức tạp hơn, đã hình thành phong trào tự ứng cử. Trong 47 người tự ứng cử tại Hà Nội, “một số người có sự ủng hộ của tổ chức phản động trong nước, nước ngoài đứng ra vận động bầu cho họ, thậm chí cung cấp tài chính để vận động”, ông cho hay, tuy nhiên ông không nêu cụ thể trường hợp nào” (báo điện tử VnExpress, ngày 15/3/2016 bài “Tổ chức phản động đứng sau một số người ứng cử Quốc hội”).

Chi tiết đáng chú ý không kém là khi tường thuật lại phần đánh giá trên, báo nhà nước đã không nêu tên người đánh giá. Lối đưa tin theo cách “bảo mật” này càng tô đậm tính mù mờ lập lờ của đánh giá này - một cung cách rất gần với phong cách “phòng chống diễn biến hòa bình” mà báo Công An Nhân Dân, cơ quan ngôn luận của Bộ Công an - thường thể hiện.
Nếu việc Tổng Bí thư Trọng thể hiện từ ngữ “thế này thế khác” rất thiếu tự tin trong cách dùng từ, thì cách nói chung chung theo kiểu “vơ đũa cả nắm” của “một thành viên đoàn giám sát” càng làm nổi bật tâm thế ngổn ngang bối rối của chính quyền trong việc đối phó với giới ứng viên độc lập.

Cần chú ý về thời điểm phát ngôn của Tổng Bí thư Trọng là vào ngày 8/3, tức trước thời điểm cuối cùng đăng ký ứng cử vào ngày 13/3. Sau ngày 13/3 này, con số tự ứng cử đăng ký lên đến hàng trăm người, chủ yếu ở Hà Nội và Sài Gòn, lớn hơn rất nhiều so với chỉ khoảng 10-15 người tại những kỳ bầu cử Quốc hội trước đây. “Một bộ phận không nhỏ” trong số ứng cử độc lập lại là những người hoạt động dân chủ và nhân quyền.

Có thể hiểu tâm trạng ‘kinh khủng” ra sao đối với giới chức chính quyền và công an vào những ngày này. Chỉ cần chịu khó theo dõi các trang dư luận viên trong thời gian qua, có thể dễ dàng nhận ra giới đảng và chính quyền lo lắng, thậm chí hoảng hốt trước phong trào tự ứng cử. Đủ các loại thủ đoạn nói xấu, bôi nhọ, tung clip, quy kết phản động… được lôi ra để đả kích, hạ bệ những người ứng cử độc lập.

Vậy quan chức nào trong đoàn giám sát đã phát ngôn “Tổ chức phản động đứng sau một số người tự ứng cử” để hạ bệ giới tự ứng cử?

Câu trả lời có lẽ nên dành cho Phó Tiểu ban an ninh của Hội đồng bầu cử quốc gia - Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương.

Nội bộ chia hai

Vào kỳ bầu cử năm 2016, rõ là tình thế không còn như những năm trước, khi công an và chính quyền muốn loại ai thì loại, muốn làm gì thì làm. Ngay sau khi xuất hiện thông tin về “tổ chức phản động đứng sau một số người tự ứng cử”, không chỉ “lề dân” mà cả một số đại biểu Quốc hội và quan chức có trách nhiệm đã phản pháo thủ đoạn tung hỏa mù này.

Đúng vào ngày 15/3 khi xuất hiện thông tin trên, một quan chức cao cấp của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là ông Vũ Trọng Kim đã trả lời phỏng vấn báoPháp luật TP.HCM với quan điểm “Tôi hoan nghênh tất cả người tự ứng cử. Nếu những tên tuổi được người dân lựa chọn, bằng lòng dựa vào những công việc cụ thể họ đã làm có hiệu quả cụ thể thì rất tốt… Tôi nghĩ, cần phải có số lượng người tự ứng cử nhiều hơn và tỉ lệ người tự ứng cử đi đến “chung cuộc” phải nhiều hơn. Không có rào cản gì đối với những người tự ứng cử. Chỉ có những định kiến hẹp hòi mới ngăn cản người tự ứng cử. Điều này phụ thuộc vào lãnh đạo của từng đơn vị, địa phương nào đó. Điều này không phù hợp với xu thế phát triển và định kiến không phải là điều được cho phép”.

Dư luận càng trở nên đa nguyên hơn khi người từng được phong tặng “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” - Thiếu tướng Lê Mã Lương - cho rằng, nếu không chỉ rõ được ai thì không được nói chung chung như vậy, sẽ phương hại đến người tự ứng cử. Cùng quan điểm, ông Nguyễn Túc - Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn các vấn đề văn hoá xã hội - nói ông hơi sửng sốt khi mà đang vận động người dân tự ứng cử, thì lại nói có tổ chức phản động đứng đàng sau. Nói chung chung như thế là xúc phạm những người tự ứng cử.

Cuộc bầu cử Quốc hội Việt Nam khóa 14 bắt đầu có dấu hiệu đỡ nhàm chán. Nói cách khác, bắt đầu có kịch tính.

Bất chấp quá nhiều vu oan giá họa và kêu gào của giới dư luận viên về “phải tống cổ bọn tự ứng cử”, hầu như không một ứng cử viên độc lập nào bị loại khỏi danh sách sơ bộ sau Hội nghị hiệp thương lần 2. Thậm chí, người ta còn ghi nhận một bức ảnh đặc biệt: 100% đại biểu có mặt giơ tay nhất trí trong hội nghị hiệp thương lần thứ hai của Thành phố Hà Nội để thông qua danh sách người nộp hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội khóa 14.

Theo tường thuật của báo điện tử Vnexpress, thậm chí tại hội nghị trên, nhiều đại biểu cho rằng số người tự ứng cử tăng hơn kỳ bầu cử trước thể hiện sự tiến bộ về dân chủ và người nộp hồ sơ tự ứng cử đầy đủ, theo đúng luật, phải được tôn trọng. Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội Bùi Danh Liên cho rằng ứng cử đại biểu Quốc hội là quyền của mỗi công dân, không nên đưa họ ra khỏi danh sách, chỉ trừ trường hợp phát hiện có vi phạm pháp luật: “Tôi thấy tự ứng cử là một bước tiến về mặt dân chủ trong bầu cử, để tiến tới xã hội dân chủ hơn”.

Dân chủ hóa xã hội đang dần hình thành. Ngay cả những người trong đảng cũng dần nhận ra một trong những bước tiến đến dân chủ là bằng vào những ứng cử viên độc lập có trách nhiệm và có chương trình hành động cụ thể.

Đã đến lúc những tờ báo ra sức mạt sát người tự ứng cử như Quân Đội Nhân Dân, Công An Nhân Dân, Petrotimes cùng các trang dư luận viên cần nhận ra rằng số đông người dân, chứ không phải Bộ Chính trị, mới là nhân tố quyết định đảng cầm quyền phải đi theo hướng nào có lợi nhất cho dân tộc.

Hãy chờ xem những thế lực phi dân chủ và phản dân chủ ở Việt Nam làm được gì tại vòng “hiệp thương tổ dân phố” để cản đường giới ứng cử viên độc lập - những người mà ít nhất đã có được một chương trình hành động cụ thể, thay cho lời nói suông của vô số đại biểu Quốc hội đương nhiệm và “hàng trăm đại biểu không phát biểu gì trong nhiều kỳ họp”.

-------------------------------
* Blog của Phạm Chí Dũng là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.






No comments:

Post a Comment