Thursday, March 3, 2016

BÀN VỀ TÍNH CHÍNH DANH NHÂN BẦU CỬ QUỐC HỘI VIỆT NAM 2016 (Cafe Ban Mê)





Cafe Ban Mê
Posted by adminbasam on 03/03/2016

Một hoạt động chính trị có ý nghĩa nhất, thiết thực nhất mà người dân có thể chạm đến, có thể tham gia đó là kỳ bầu cử Quốc Hội khóa 14, sẽ diễn ra vào tháng 5 tới đây. So với một sự kiện hệ trọng khác vừa kết thúc cách đây chưa lâu, đó là đại hội lần thứ XII của đảng Cộng Sản Việt Nam, thì kỳ bầu cử Quốc Hội lần này mang tính xã hội hơn, có tính “dân” hơn.

Đây là một hoạt động duy nhất thể hiện tính dân chủ, thể hiện việc nhân dân làm chủ trong việc xây dựng một nhà nước pháp quyền XHCN. Tính chính danh của nhà nước, của Quốc Hội hiện nay đang dựa cả vào hoạt động này. Chúng ta thử xem Quốc Hội đã chính danh thật chưa!

Có người nói chính danh trong chính trị có thể được hiểu là điều hợp pháp, hợp hiến, từ Latin là Legitimus có nghĩa là xác định bằng luật, phù hợp với luật lệ.

Hệ thống pháp luật, bao gồm cả Hiến Pháp Việt Nam, còn nhiều vấn đề bất cập. Nếu lấy người dân làm chủ thể, làm nhân tố cốt lõi để xem xét, thì ngay cả Hiến Pháp cũng có thể coi là chưa chính danh.

Hiến Pháp là khế ước, giao kèo giữa người dân và nhà nước, giữa các thành phần xã hội với nhau, vì vậy phải được chuẩn thuận của chính các chủ thể đó. Tương tự như khi chúng ta ký một bản hợp đồng, để bản hợp đồng có hiệu lực, thì phải có sự chuẩn thuận của các bên bằng việc ký vào đó. Thiếu một chủ thể nào thì bản hợp đồng đó không có hiệu lực, không hợp pháp hoặc là không chính danh. Người dân Việt Nam chưa được thực hiện việc chuẩn thuận bất kỳ một bản Hiến Pháp nào.

Một đại biểu Quốc Hội chính danh sẽ là một người được người dân bỏ phiếu bầu lên. Mấu chốt vấn đề và lại có vấn đề chính ở chỗ này! Việt Nam chúng ta có rất nhiều đặc thù, một trong những đặc thù đó là hệ thống độc đảng, nếu không hiến định trong điều 4 Hiến Pháp rằng đảng Cộng Sản là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội thì đảng Cộng Sản vẫn lãnh đạo. Họ hiến định vào đây chỉ với mục đích tìm kiếm sự chính danh, nhằm hợp thức hóa một vấn đề gây tranh cãi nhưng thực tế vẫn không thể không gây tranh cãi.

Vấn đề chính danh của đại biểu Quốc Hội đương nhiên được xác nhận thông qua bầu cử, nhưng chúng ta không thể chỉ nhìn bề ngoài, nhìn hiện tượng. Người dân được đi bầu cử nhưng toàn bộ quá trình, quy trình, thủ tục bầu cử vẫn bị chi phối, chịu tác động của nhóm lợi ích, đó là nhóm quyền lực và nhóm quyền lực đó chính là đảng Cộng Sản Việt Nam.

Cơ cấu này thể hiện rất rõ sự ảnh hưởng, chi phối của nhóm quyền lực. Ảnh: tác giả gửi

Người dân đi bầu người đại diện cho mình nhưng những người là ứng viên để bầu đó là ai? Ít nhất 12-14 người là ủy viên ban chấp hành trung ương đảng sẽ thuộc các ứng viên đó (dẫn dắt Quốc Hội?), có thể thấy ít nhất 93% ứng viên đó là đảng viên đảng Cộng Sản Việt Nam.
Ngoài ra các ứng viên có thể ứng cử độc lập khoảng 7-10%, có nghĩa lớn hơn số đó họ sẽ “tìm cách” loại đi. Thực vậy, sau 3 vòng hiệp thương ở các kỳ bầu cử trước, chỉ ứng viên nào được hệ thống quyền lực hỗ trợ mới có thể thắng cử còn ứng viên độc lập thật sự thì bị 3 vòng hiệp thương này đánh trượt. Luật sư Võ An Đôn là một ví dụ điển hình. Chúng ta có thể đọc được tình trạng thất bại của ứng viên này trên facebook của anh ấy.

Nếu chỉ nhìn thoáng qua có thể nhầm tưởng rằng các bước, các quy trình đó rất chặt chẽ, khoa học nhằm chọn lựa được người có đủ khả năng, có đức, có tài nhưng kỳ thực sự chặt chẽ đó còn nhằm mục đích kiểm soát, chi phối quá trình bầu cử. Về lý thì số phiêu bầu là cơ sở pháp lý khẳng định sự chính danh hay không. Tuy nhiên như đã nói ở trên về sự đặc thù của Việt Nam, ngoài sự độc diễn chính trị của đảng Cộng Sản Việt Nam, về phía người dân cũng có sự tác động, có những đặc tính phù hợp với đặc thù hoàn cảnh.

Nói đến chính trị ở Việt Nam là một sự rè rặt, sợ sệt, không chỉ ở phía người dân mà ngay cả đối với các lãnh đạo trong nội bộ Đảng, từ đó tạo nên những vùng tối, vùng cấm hoặc những vùng mờ ảo mà người dân không còn muốn quan tâm tới các hoạt động chính trị. Dẫn đến quy trình, thủ tục bầu cử ra sao không được sự giám sát, quan tâm của người dân. Những con số hơn 90%, 100% phiếu bầu gần như trở thành những con số bình thường mặc dù điều đó nói lên sự phản khoa học, phản dân chủ trong một cộng đồng xã hội thực tế luôn đa dạng, luôn tồn tại tính đa nguyên.

Việc đi bầu cử đại biểu Quốc Hội là một hoạt động được coi là trực quan nhất, gần gũi nhất, nó thuộc vùng sáng hơn cả, tuy nhiên nó lại được bao bọc, chi phối bới các vùng tối, vùng mờ ảo và chúng ta sẽ không thể biết chắc chắn được vùng sáng đó là trung thực, phản ánh đúng sự lựa chọn của người dân hay không.
Qua thực tế trên cho thấy người dân được cung cấp một mâm cơm đã được soạn sẵn, ăn gì, ăn bao nhiêu, mắm muối thế nào đã được hệ thống quyền lực áp đặt trước, vì lẽ đó kết quả của cuộc bầu cử “dân chủ” nhưng không thể chọn được người thực sự đại diện cho người dân.






No comments:

Post a Comment