Sunday, February 21, 2016

THOÁT KHỎI NỖI SỢ HÃI CỦA BẢN THÂN ĐÃ LÀ MỘT SỰ THAY ĐỔI – NHIỀU NGƯỜI NHƯ VẬY, SẼ KHIẾN XÃ HỘI NÀY THAY ĐỔI (Đặng Bích Phượng)





Saturday, 20 February 2016

Một người hỏi tôi: tại sao bà ứng cử vào Quốc hội?

Tôi trả lời, bao nhiêu năm nay, chuyện bầu bán dân ta chỉ quen với chuyện Đảng cử, dân bầu. Tôi muốn người dân thay đổi nếp suy nghĩ đó. Cứ bảo dân làm chủ, vậy thì hãy để dân tự cử người mình tin tưởng, hoặc để họ tự ứng cử đi.

Tôi lấy 2 ví dụ:

1/Hàng xóm nhà tôi nuôi chim cảnh. Một lần tôi chứng kiến, khi lồng chim mở, con chim đã không hề bay ra. Nó khiến tôi liên tưởng đến những người quen tuân thủ đến mức, quên mất mình có những quyền gì.

2/Trước đây tôi không bao giờ viết ra những điều mình nghĩ. Nhưng rồi lên mạng, đọc những gì thiên hạ viết, tôi nghĩ: viết thế thì mình cũng viết được. Thế là tôi viết. Và tôi thấy nhiều người đọc bài của tôi. Nó không có gì mới. Chỉ là tôi đã nói ra những gì họ nghĩ.

Đó là một trong những lý do tôi quyết định ứng cử vào quốc hội kỳ này. Tôi muốn nhiều người làm như tôi. Thay đổi cách suy nghĩ thụ động bấy lâu nay đi. Nói dân làm chủ, thì hãy làm chủ từ những điều như thế này.

Hiến pháp không quy định 90-95% đại biểu quốc hội là đảng viên cộng sản. Kể cả đã có từ 5-10% đại biểu quốc hội là đại biểu ngoài đảng đi chăng nữa, nhưng cứ nhìn và nghe những gì mà các đại biểu nói và làm ở quốc hội xem, họ có thể làm gì? Nếu khi cần biểu quyết, thì cả 5-10% đại biểu ngoài đảng phản đối có thay đổi được cục diện? Quốc hội này phục vụ cho quyền lợi của đảng cộng sản, hay của nhân dân?

Nếu bây giờ, số người tự ứng cử không phải 10 người, mà là 100 người, 200 người, hoặc nhiều hơn thế, và số người tự ứng cử đó là những người có tài, có tâm huyết, thì Ủy ban bầu cử quốc hội có lý do gì để gạt ngần ấy con người?

Lý do khác nữa, tôi thấy đại biểu quốc hội hiện tại quá xa dân. Rất nhiều người chưa từng gặp một vị đại biểu bằng xương bằng thịt nào trong đời. Trong khi người dân đề nghị đại biểu quốc hội thực thi trách nhiệm giám sát của mình, thì các đại biểu lại đa phần chỉ làm phận sự của người đưa thư, tức là chuyến các khiếu nại, kiến nghị của người dân đến chính cơ quan, cá nhân bị khiếu nại. Đây cũng là điều tôi muốn thay đổi.

Câu hỏi tiếp theo: nếu bà trúng cử, bà sẽ làm gì?

Báo Vneconomic ngày 26/7/2012 đưa tin: “Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường: Khiếu kiện về đất đai chiếm trên 90%. Tính đến hết tháng 6/2012, số vụ khiếu kiện liên quan đến thu hồi đất đai, bồi thường giải phóng mặt bằng vẫn chiếm tỷ lệ gần như tuyệt đối...”

Tôi có thâm niên ít nhất là 8 năm làm công tác giải phóng mặt bằng, nói vui như ông trưởng phòng của tôi, là làm cái nghề đào mồ cuốc mả thiên hạ. Và tôi có thâm niên 16 năm làm trong một cơ quan quản lý về các dự án làm đường, cũng là liên quan đến đất đai. Ít nhất các quy trình thu hồi và đền bù đất đai theo Luật tôi nắm khá rõ.

Nhiều năm gần đây, rất nhiều đất nông nghiệp đã bị thu hồi từ tay những người nông dân, để giao cho chủ đầu tư các dự án xây dựng khu đô thị, khu công nghiệp. Việc chuyển giao đất đai này không được thực hiện theo cơ chế thị trường, mà theo cách áp đặt thô bạo của chủ đầu tư, được chính quyền bảo trợ. Có một mối quan hệ kỳ lạ giữa chính quyền và chủ đầu tư, khi nhiều nông dân bị chính quyền bỏ tù vì không chịu giao đất cho chủ đầu tư với giá đền bù rẻ mạt, hoặc vẫn muốn có đất canh tác để nuôi sống gia đình. Lợi nhuận khổng lồ từ đất đai, chủ yếu rơi vào tay những chủ đầu tư hay cái mà người ta nói đó là nhóm lợi ích. Một m2 đất nông nghiệp được đền bù với giá trên dưới 300.000 đồng. Sau khi đổ đất san nền, chủ đầu tư bán lại với giá 30.000.000 đồng. Lợi nhuận gấp cả trăm lần như thế, làm sao không tạo ra bất công cho được?

Trong bài: “Đất đai đứng đầu danh sách tham nhũng “ đăng trên báo đời sống pháp luật, ngày 21-08-2014, có đoạn viết: “ Trong một khảo sát gần đây do Ngân hàng Thế giới và Thanh tra Chính phủ thực hiện, quản lý đất đai bị đánh giá là một trong những ngành tham nhũng nhất, chiếm xấp xỉ 60%.”

Truyền thông nhiều lần đưa tin về những khu đô thị ma bạt ngàn ở Hà Nội, Bắc Ninh. Người ta cố sống cố chết lấy đất trồng trọt của người nông dân bằng được, để xây lên những đô thị bỏ hoang như thế. Còn người nông dân, sau hơn 70 năm kể từ cuộc cách mạng tháng 8/45, đến nay vẫn tiếp tục đi đòi quyền “người cày có ruộng”!

Tham nhũng đất đai, và tỷ lệ khiếu kiện đất đai chiếm tới 90% là hệ quả tất yếu của chính sách đất đai thuộc sở hữu toàn dân. Thúc đẩy việc sửa đổi Luật đất đai từ sở hữu toàn dân sang sở hữu đa thành phần là điều tôi hướng tới nếu trúng cử đại biểu quốc hội.

Ngoài ra, tôi cũng sẽ đề nghị quốc hội thúc đẩy việc thực thi Luật trưng cầu dân ý một cách có hiệu quả hơn. Lâu nay truyền thông nhà nước luôn nói rằng đa số người dân đồng thuận với các chính sách của nhà nước. Nhưng không có một biện pháp nào để kiểm chứng được điều này. Ví dụ hôm trước các quan chức vừa nói dân đồng thuận việc thay thế cây xanh ở thủ đô Hà Nội, thì hôm sau lại nói dừng chặt cây theo nguyện vọng của người dân.

Tất cả những vấn đề liên quan đến vận mệnh của đất nước, liên quan đến môi trường sống của người dân, phải được thông qua các cuộc trưng cầu dân ý.

Câu hỏi cuối cùng:  Bà nghĩ bà có cơ hội nào trúng cử không?

Đáp: tôi chẳng có cơ hội nào cả.

Vậy tại sao tôi vẫn muốn ứng cử nhỉ?

Tôi nghĩ, thoát khỏi nỗi sợ hãi của bản thân đã là một thay đổi. Nhiều người như vậy, sẽ khiến xã hội này thay đổi.




No comments:

Post a Comment