Wednesday, February 3, 2016

PHẠM THÀNH, TỪ "HẬU CHÍ PHÈO" TỚI "CÒ HỒN XÃ NGHĨA" (Đỗ Trường)






Khi đất nước đi vào đường hầm không lối thoát, nhiều gia đình miền núi phía Bắc đã bị chết đói. Đảng CS buộc phải tự giải thoát, bằng cách mở cửa, đổi mới về cái quan hệ sản xuất (cũ) ngàn đời của cha ông. Cùng đó, Nguyễn Văn Linh kêu gào, nới lỏng dây trói cho văn nghệ sỹ. Và đến khi cơn gió mùa Thu đã quật đổ bức tường ô nhục Berlin, đưa nước Đức đến bến bờ thống nhất. Chủ nghĩa cộng sản đã hoàn toàn sụp đổ ở Đông Âu và Nga Sô. Trước sự sinh tử đó, Nguyễn Văn Linh run sợ, vội vàng siết chặt lại thòng lọng, và cánh cửa được khép trở lại.

Tuy thời gian thật ngắn ngủi, nhưng nó là một cơ hội, một tia sáng chợt vụt lên cho các văn nghệ sỹ. Thời gian này, hàng loạt tác phẩm gắn liền với tên tuổi nhà văn ra đời, được công chúng đón nhận, gây tiếng vang không chỉ đóng khung ở trong nước. Ta có thể thấy, ngoài những tác phẩm của các nhà văn Dương Thu Hương, Bảo Ninh, Nguyễn Huy Thiệp… còn có Phùng Gia Lộc với Cái đêm hôm ấy... đêm gì? , Phạm Thành với Hậu Chí Phèo. Hai tác phẩm đặc biệt này, không riêng tôi, mà còn rất nhiều người thích thú khi đọc. Có một sự trùng hợp ngẫu nhiên, hai tác giả đều xuất thân từ nghề báo, và cùng sinh ra lớn lên ở miền quê nghèo xứ Thanh. Nếu Cái Đêm Hôm Ấy… Đêm Gì là tiếng kêu cứu trong nỗi thống khổ, bần cùng của người nông dân dưới sự cai trị của giai cấp cường hào mới, thì Hậu Chí Phèo lại chỉ ra những nguyên nhân đã sản sinh ra tầng lớp thống trị dốt nát, nhưng cực kỳ lưu manh này. Cả hai tác phẩm trên, dù trải qua mấy chục năm, đọc lại vẫn thấy mới, giá trị và sức nặng, rọi thẳng vào cuộc sống xã hội của ngày hôm nay.

* Từ nhận thức tư tưởng đến sự can trường qua từng con chữ.

Nhà văn Phạm Thành sinh năm 1952, tại Yên Định, Thanh Hóa, trong một gia đình có truyền thống yêu văn học nghệ thuật. Cha ông, một trí thức bộc trực, uyên bác đã ảnh hưởng không nhỏ đến nhận thức tư tưởng, cũng như tính cách của ông. Có lẽ, đó là khởi nguồn, động lực giúp cho Phạm Thành sớm đến với nghề báo, và theo đuổi nghiệp văn sau này. Ông có những năm tháng dài là người lính lái xe vận tải, trong cuộc chiến tang thương và đẫm máu nhất của dân tộc. Chiến tranh kết thúc, Phạm Thành về làm phóng viên cho Đài phát thanh Thanh Hóa. Sau đó, ông theo học Đại học báo chí, thuộc Trường Tuyên Huấn Trung Ương. Năm 1984 ông về làm phóng viên cho Đài tiếng nói Việt Nam. Từ đây, Phạm Thành đi nhiều, viết nhiều, không chỉ riêng cho báo chí. Mà những trang văn, những cuốn tiểu thuyết nặng chịch, ngồn ngộn chất liệu, hơi thở ấy, có được từ kinh nghiệm, vốn sống mấy chục năm đi lại, tiếp xúc lăn lộn với nghề báo của ông.

Kinh nghiệm vốn sống ấy đã ủ men, làm thức tỉnh tâm hồn nghệ sĩ, văn nhân trước nỗi thống khổ của con người, cũng như sự đểu cáng, ngu muội của bọn cường hào, thống trị mới. Để từ đó, Phạm Thành suy nghĩ và viết hoàn toàn theo con tim mách bảo. Có thể nói, ông là một trong những nhà báo hàng đầu Việt Nam về chí khí, lòng dũng cảm trước cường quyền. Ông dám đánh đổi cả sinh mạng chính trị, để đăng một bài báo chống giặc Tàu, khi đang làm thư ký tòa soạn báo Đài tiếng nói Việt Nam. Vâng! Văn nhân là thế, nếu không được sẻ chia với người với đời thì trái tim tựa hồ vỡ nát, và dù có để lại hàng trăm ngàn trang sách thì cũng chỉ là những trang viết chết.

Nếu nói, “văn là người“, đúng sai với ai, còn có thể bàn cãi, nhưng với Phạm Thành, quả thật đúng y chang. Cái yêu ghét rạch ròi, thẳng tưng ấy, không chỉ có trên trang văn, mà nó còn đậm đặc đến “cực đoan“ trong tính cách thường nhật của ông. Tôi đã ngồi bia rượu khật khừ với Phạm Thành mấy lần, chứng kiến những câu chuyện thẳng ruột ngựa, oang oang chốn đông người của ông. Có lần, chịu không nổi, nhà văn Hoàng Minh Tường lùa cả đám về nhà mình, tự tay nấu đồ nhậu, bảo: Về đây, thằng Phạm Thành xả những gì cũng được và nói cho hết đi!

Hiện nay, nhà văn Phạm Thành sống và viết tại Hà Nội. Ông cũng là chủ trang báo điện tử
Bà Đầm Xòe được nhiều người biết đến và yêu mến.

So với các nhà văn cùng thời, tuy Phạm Thành là người ham đọc, ham viết , nhưng sách được xuất bản không nhiều. Ông chỉ có cuốn tiểu thuyết Hậu Chí Phèo. Hậu Chí Phèo và mấy tập ký, truyện ngắn in chung, được phép xuất bản ở trong nước. Còn lại, đều phải in ấn, xuất bản ở nước ngoài, hoặc tự in, mà gần đây nhất, ta có thể thấy như: Giáp Chiến Cộng Sản  và Cò Hồn Xã Nghĩa .

Ngoài tiểu thuyết, tôi cũng đã được đọc khá nhiều truyện ngắn và bút ký dạng bản thảo của ông, hiện nay chưa (hoặc không) thể in ấn ở trong nước. Bởi, nó phơi bày một cách trần truồng hiện thực của cuộc sống, con người. Mỗi câu chuyện, một vấn đề mổ xẻ trên trang văn Phạm Thành như những bản án luận tội đối với Đảng và chế độ xã hội thối nát đương thời.

Với tôi, Cò Hồn Xã Nghĩa và Hậu Chí Phèo là hai cuốn tiểu thuyết đặc trưng nhất về văn phong cũng như lòng can đảm của ông. Nếu Hậu chí phèo những lưu manh dốt nát của tầng lớp thống trị mới còn thoắt ẩn, thoắt hiện đằng sau tấn bi hài kịch, thì đến Cò Hồn Xã Nghĩa, Phạm Thành đã xé toạc tấm màn nhung đó, bóc trần bộ mặt thật của cái chủ thuyết quái thai cũng như lãnh tụ cao nhất của đảng, của chế độ. Như vậy, Cò Hồn Xã Nghĩa đã được đẩy lên nấc cao, mạnh mẽ, điểm mặt, gọi tên cụ thể, rõ ràng. Tôi nghĩ, hai cuốn tiểu thuyết này có mối quan hệ như hình đồng dạng trong toán học vậy. Từ mối quan hệ này, cho ta thấy, sự chuyển biến tư tưởng, nhận thức một cách logic từ thấp đến cao, dẫn đến dũng khí, lòng can đảm của nhà văn thông qua lăng kính và ngòi bút của mình.

Tuy nhiên, cái giá phải trả cũng không nhỏ cho Phạm Thành, một nhà văn còn ở trong nước đối với chế độ độc quyền chân lý này. Và cho đến nay, nhà văn Phạm thành đã nhiều lần bị an ninh triệu tập và truy bức. Có lẽ, với chí khí và con người ấy, chính quyền chỉ có thể giam hãm thể xác. Còn hồn khí ông vẫn rong chơi trong cái thế giới văn chương tự do, tự tại của chính mình.

Với bút pháp hiện thực hư ảo, thông qua những linh hồn, Cò Hồn Xã Nghĩa đã đến với người đọc một cách trung thực, và chuyển tải thành công tư tưởng của nhà văn đến với họ. Tuy nhiên, trước đây cũng bằng bút pháp nghệ thuật này, nhà văn Võ Thị Hảo rất thành công với Dạ Tiệc Qủy. Và gần đây nhất, tôi được đọc (bản thảo) tiểu thuyết Que Diêm Thứ 8 khá hay và “nặng đô“ của nhà văn Văn Biển. Cùng dày dặn đến tám, chín trăm trang như Cò Hồn Xã Nghĩa, nhưng cả hai đều có chung một nhược điểm, quá tham khi đưa các sự kiện vào tiểu thuyết. Làm cho người đọc, dường như có cảm giác bội thực, và trùng lặp. Bởi, trong văn chương mỗi điều muốn gửi gắm, chuyển tải, không nhất thiết cần một sự kiện để làm tiền đề hay minh chứng. Mà đôi khi chỉ một sự kiện tự nó đã nói lên nhiều điều.

* Tính hiện thực và bi hài trong một xã hội lưu manh hóa.

Tuy Cò Hồn Xã Nghĩa có vị trí đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp sáng tác, nhưng để làm nên chân dung một nhà văn Phạm Thành, với tôi phải là tiểu thuyết Hậu Chí Phèo. Năm 1989, Phạm Thành viết xong Hậu Chí Phèo, và đã chuyển qua nhiều nhà xuất bản, nhưng không thể in ấn. Năm 1991, lúc này Nguyễn Văn Linh đang siết chặt lại dây trói không chỉ riêng với các văn nghệ sĩ. Ấy vậy, Hậu Chí Phèo lọt qua cửa in ấn, phát hành của Nhà xuất bản Thanh niên, và đến năm 2006 được Nhà xuất bản Thanh Hóa tái bản. Quả thật, văn chương trong chế độ độc tài, đôi khi cũng như chơi Lotto xổ số vậy. Đây là cuốn sách gây tranh cãi khá nhiều trong giới chuyên môn cũng như người đọc.

Thoạt tưởng, hoặc nếu đọc một cách vội vàng, có lẽ không riêng tôi, mà nhiều người đều nghĩ đến sự nối tiếp, mối quan hệ giữa Chí Phèo của Nam Cao và Hậu Chí Phèo của Phạm Thành. Nhưng khi đào sâu suy ngẫm, ta có thể thấy, hai cuốn sách này, cốt lõi, tư tưởng chẳng hề liên quan gì đến nhau, ngoài cái tựa, tên nhân vật và một vài chi tiết. Thực ra, Chí Phèo của cụ Nam Cao chỉ là vỏ bọc che chắn. Hoặc nói cách khác, Phạm Thành đã mượn Chí Phèo để bộc lộ tư tưởng của mình và chuyển tải đến người đọc, trong sự kiểm duyệt hà khắt của chế độ.

Thật vậy, đọc Hậu chí phèo, có khi ta gặp lại chính mình, gia đình, bạn bè và cả những số phận nghiệt ngã xung quanh. Hoặc tìm thấy thân phận một anh hùng Ngô Thị Tuyển cùng đồng đội cầu Hàm Rồng trong và sau chiến tranh, thông qua nhân vật Cúc, Ni sư. Hay gặp lại cuộc sống, hình ảnh con người Hồ Chí Minh cùng đồng chí của ông từ nhân vật cụ Chí…

Và nếu Chí Phèo cất lên lời khát vọng từ làng Vũ Đại, muốn được làm người lương thiện, thì cụ Chí trong Hậu Chí Phèo được dựng ngược lên thành một vĩ nhân, để trèo đầu cỡi cổ, và đẻ ra những luật lệ quái đản, cai trị toàn đất Việt sau 1954.

Có thể nói, tính bi hài hòa trộn, đan xen, không chỉ xuyên suốt tác phẩm Hậu Chí Phèo. Mà nó còn là yếu tố chính làm nên những nét riêng biệt trong văn xuôi Phạm Thành. Cùng với lối kể chuyện, cũng như từ ngữ dân dã, mang đậm tính truyền thống dân gian làm cho người đọc khóc đấy và cười đấy.

Thật vậy, từ nỗi đau và oan trái của những nữ du kích Hàm Rồng, Sông Mã, Phạm Thành đã hình tượng hóa một cách rất chân thực, như gieo nỗi ám ảnh vào lòng người. Với một chiếc gương nhỏ ở trong túi, người nữ dân quân kiên cường, vác hai hòm đạn nặng gấp đôi trọng lượng cơ thể, phục vụ chiến đấu, bị gán cho cái tội gián điệp. Buộc chị phải trốn chạy, rồi vào tù để trở nên điên dại… Bởi, sự ấu trĩ, ngu muội, gian manh của con người với con người. Và nó là sản phẩm tất yếu của một xã hội với cái chủ thuyết vô nhân: 

“Thường vụ Đảng ủy Vũ Đại cùng quân báo họp kín mấy tối thì dư luận làng Vũ Đại rộ lên: Cô Cúc làm gián điệp Mỹ, ém gương trên các trận địa pháo, chỉ điểm cho máy bay ném bom. Công an kéo về xác minh. Tang chứng cụ Chí đưa ra rành rành. Kèm theo cái gương, cụ Chí còn đưa ra bức ảnh chụp Cúc đang lăn lóc bên người vừa hy sinh. Cụ Chí giải thích:
- Nhà nó có người đi Nam. Lại có bức ảnh này nữa. Đấy mọi người xem đi… Chẳng phải nó thương xót bộ đội ta đâu. Tóc nó rũ ra, mặt nó tái đi, nó lo sợ chưa tìm ra ám hiệu đấy.
Làng Vũ Đại thêm một phen ngơ ngác nữa. Lo sợ về chết chóc trùm lên. Có người tin Cúc làm gián điệp. Có người không tin. Có người phân vân, lấp lửng:
- Cái máu địa chủ nhà nó có đánh chết cái nết cũng không chừa.
Nghe thế, Cúc sợ run lên. Ngoài hai mươi tuổi, cô còn non trẻ lắm.
Chính quyền có lệnh bắt Cúc…” (Hậu Chí Phèo chương 4)

Cái bi hài ấy, được đẩy lên ngang bằng với sự đại lừa bịp lưu manh của chế độ, ở đây đứng đầu là cụ chủ tịch Chí. Lợi dụng cách mạng dân tộc, với người cày có ruộng, Đảng lừa bịp nhân dân chiến đấu, giành lấy chính quyền. Cải cách ruộng đất là cuộc trả thù, cướp bóc đất đai, tài sản đối địa chủ phú nông, tư sản trí thức của nông dân cho Đảng phát động. Và khi củng cố vững chắc quyền lực, một lần nữa đảng lại cướp đất từ tay nông dân, bằng hợp tác xã nông nghiệp. Chiếc cũi mang tên chủ nhiệm hợp tác xã đóng lên cổ người nông dân còn dã man, tàn bạo gấp nhiều lần so với thời thực dân. Có lẽ, đây là cái bi hài kịch lớn nhất của lịch sử dân tộc. Chúng ta hãy đọc lại đoạn trích dưới đây để thấy rõ điều đó:

“Bác sai người đánh trống gọi làng đến họp. Rất đông đủ cả làng, bác mới ra lệnh:
- Trước cách mạng, nhà nào chưa có đất, đứng sang một bên.
Bác hỏi những người này:
- Ruộng đất, trước khi cách mạng chia cho bà con là của ai?
Mọi người trả lời:
- Của địa chủ, phong kiến, đế quốc ạ.
Bác hỏi tiếp:
- Ai giành ruộng đất từ tay địa chủ, phong kiến, đế quốc?
Mọi người lại đồng thanh:
- Cách mạng. Cách mạng ạ.
- Đúng rồi. Vậy, bà con nghĩ coi, đất đó là của ai? Của cách mạng chứ còn của ai nữa? Trước đây, cách mạng chia cho bà con mỗi người mỗi ruộng. Nay, cách mạng yêu cầu bà con đem đất đó nộp vào hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, cùng nhau làm ăn chung… : Ai không vào là chống cách mạng, là cách mạng sẽ thu hồi lại ruộng đất.
Bác chỉ mới nói có thế mà hợp tác xã sản xuất nông nghiệp thành công đấy, các cháu ạ. Ai mà dám chống lại cách mạng, đúng không?
- Tài thật! Tài thật! Vĩ nhân! Cụ là vĩ nhân, nhất định là vĩ nhân” (Hậu chí Phèo- chương 3)

Đọc và nghiên cứu Phạm Thành, ta có thể thấy, văn ông thẳng tưng, nếu không muốn nói trần truồng, hịch toẹt, nhất là những tác phẩm sáng tác ở những năm gần đây. Có điều lạ, tuy thẳng tưng như vậy, nhưng văn ông vẫn đậm tính hình tượng độc đáo, kể cả trong những tình huống bi hài nhất.

Để đẩy cái bi hài trong sự áp đặt thứ chủ nghĩa ngoại lai, vô đạo lên toàn lãnh thổ của Đảng, Phạm Thành đã hình tượng hóa sự dốt nát của giới lãnh đạo mới, với bất kể đồng đất, thổ nhưỡng nào cũng chỉ được phép gieo trồng một loại giống cây. Tôi nghĩ, đây là sáng tạo rất độc đáo và tài năng dân gian hóa tình tiết, câu chuyện kể của nhà văn, gây nên những tiếng cười chua chát: 

“Trong một chuyến đi tham quan về phía Nam, ông đã đem giống lúa nông nghiệp 1A về. Sau một vụ khảo nghiệm trên đồng ruộng, cụ thấy năng suất lúa cũng khá. Cụ sướng lắm! Cụ lệnh cho tất cả các cơ quan khoa học, các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, các chi bộ, Đảng ủy, phải "1A hóa đồng ruộng". Cụ còn thể hiện quyết tâm của mình bằng một nghị quyết, có ghi: "Phá cửa ải năm tấn không có con đường nào khác là lấy giống lúa 1A". Cụ Chí đi tới vùng quê nào cũng ra lệnh: "Bất luận đồng đất thế nào, cũng phải cấy giống lúa 1A" (Hậu Chí Phèo- Chương 3)

Có thể nói, Phạm Thành là nhà văn hiện thực có tài và sở trường viết về cái bi hài trong sự nhiễu nhương của con người và xã hội. Những năm lăn lộn với báo chí, tiếp xúc nhiều tầng lớp, nhất là giới nông dân, thợ thuyền đã cho ông chất liệu sống. Để những nỗi đau, tiếng cười ấy đi thẳng vào trang văn của ông. Cũng vì lẽ đó, đọc văn Phạm Thành, ta thấy chất báo chí vẫn còn phảng phất trên những con chữ của ông. Dẫu biết rằng, viết văn và viết báo là hai con đường khác xa nhau. 

* Từ dốt nát, ngu muội đến hành động tàn nhẫn, đểu cáng của tầng lớp cường hào, thống trị mới.

Cũng như Hò Văn Đản trong tiểu thuyết Cò Hồn Xã Nghĩa, Chí là nhân vật trung tâm, xuyên suốt tác phẩm Hậu Chí Phèo. Là một tên thất học, vô lại, dựa vào chủ thuyết quái đản và gặp thời, hắn lộn ngược lên chức chủ tịch. Từ đây, hắn làm cách mạng bằng cuộc cải cách ruộng đất long trời lở đất. Và sự kích động lòng căm thù, giữa con người với con người, hắn đã phá tan mối quan hệ gia đình, xóm làng. Dẫn đến hành động cướp đất, cướp nhà, đấu tố, giết người man rợ, kinh hoàng của những nông dân ít học.

Tôi đã từng đọc, từng nghe và đã từng viết về những ngày tháng không bình yên này. Nhưng đập chết, rồi dựng người dậy, để đấu tố như Phạm Thành miêu tả, thì quả thật, người đọc phải sởn tóc gáy, kinh hãi mà thốt lên, thời của những lũ thú hoang: 

"Bá Kiến bị đập chết tươi ngay từ phút đầu đoàn người xông vào... Khi Bá Kiến còn đang thoi thóp, mọi người kéo hắn ra giữa sân. Và khi Bá Kiến chỉ còn như một búi giẻ rách tơi tả nằm bất động ở giữa sân, nhiều người nhìn mà thấy tiếc… Nó chết rồi, biết đấu tố thế nào? …Bá Kiến nhất quyết phải được dựng dậy. Để cho lão quỳ được, phải buộc một khúc luồng thẳng đứng dọc theo xương sống lão. Khúc luồng được chôn vững xuống đất…" (Hậu Chí Phèo- Chương 1)

Nếu như “Đêm Giữa Ban Ngày” của nhà văn Vũ Thư Hiên, viết về Nông Thị Xuân vừa sinh con, đã bị chồng, một lãnh tụ cao nhất của Đảng thủ tiêu một cách dã man, thì đọc Hậu Chí Phèo, ta sẽ bắt gặp y chang hình ảnh chủ tịch Chí, ra lệnh tử hình, người đàn bà đang mang thai với mình, cùng vì chiếc ghế quyền lực. Nhìn lại lịch sử của dân tộc, chắc chắc không thời nào, chế độ nào có những quân vương, thủ lĩnh tàn độc đến như vậy. Và nếu đây không phải là sự thật, tôi tin Vũ Thư Hiên và Phạm Thành không đủ can đảm viết ra điều này.

Tôi nghĩ, đoạn văn dưới đây, với những lời thoại vạch trần, tố cáo và chuyển tải bi hài kịch cao độ, độc đáo nhất của tác phẩm Hậu Chí Phèo. Và hình ảnh bà Ba cởi truồng, khi bị xử bắn, kèm theo câu nói (bất hủ) của Chủ Tịch Chí, nên trang trọng ghi vào lịch sử của Đảng CS: "Đơn giản thôi, tôi không đồng ý là vì chính cái đó đã suýt cắt đời cách mạng của tôi

Vâng! Với tôi, đó cũng là câu thoại hay nhất trong cuốn tiểu thuyết này:

“Tay Chí tuyên bố tử hình bà Ba… Bản án tử hình được thi hành ngay…
- Báo cáo anh Chí, bây giờ bắn người phải có lệnh.
Mắt tay Chí trợn lên, tỏ rõ sự ngạc nhiên, hỏi lại:
- Cái gì?
- Dạ thưa anh, bắn người phải có lệnh ạ.
- Lệnh nào?
- Người thư ký chìa tờ lệnh cho tay Chí nhìn. Tay Chí nói:
- Ai ra lệnh?
- Dạ thưa, chính anh ạ.
- Tao đã ra lệnh?
- Nhưng anh phải ký vào lệnh ạ.
Tay Chí cười lên sằng sặc:
- À, à! Có bước tiến mới này phải không? Đưa đây. Ký vào chỗ nào?...
Trước khi nhằm bắn bà Ba, có người nói với tay Chí: "Mặc cho bà Ba cái quần". Nhưng tay Chí lại kiên quyết không đồng ý. Mãi sau này, tay Chí mới giải thích: "Đơn giản thôi, tôi không đồng ý là vì chính cái đó đã suýt cắt đời cách mạng của tôi".(Hậu Chí Phèo- Chương 1)

Không dừng lại ở những quan chức đương quyền, Hậu Chí Phèo còn lật mặt cả những quan già hết đát, đang biến tướng thành những cố vấn, lãnh tụ danh dự, một thứ thái thượng hoàng kiểu mới. Có thể nói, đây là một thứ bệnh nghiện quyền lực, nghiện ăn cắp, nghiện trèo đầu cỡi cổ nhân dân.

Nhắc đến chuyện này, làm tôi nhớ đến câu chuyện xảy ra đã khá lâu: Dòng họ ngoại tôi có bác làm quan to. Anh Lê Thanh Đ. trung tá, đã tu nghiệp ở Nga, quê ở Nghệ An, làm bảo vệ cho ông. Vợ con anh Lê Thanh Đ. làm ruộng ở quê, muốn ra Hà Nội. Thập niên tám mươi của thế kỷ trước, hộ khẩu Hà Nội vô cùng khó khăn, vì nó gắn liền với sổ gạo, thực phẩm. Dù có giấy đề nghị của văn phòng TW dội xuống, nhưng hồ sơ cứ bị ngâm tôm… Biết bên nội tôi có ông chú là phó phòng hộ khẩu, trực tiếp quản lý những vụ này, nên anh đến, nhờ dẫn đến nhà ông chú. Sau đó, thỉnh thoảng anh hay đến nhà tôi chơi. Một lần, anh kể: Buổi sáng, cụ (tức ông bác) vào nhà vệ sinh, thấy lâu không ra, anh đành mở cửa phụ. Bước vào nhìn thấy cụ ngồi trên bồn cầu, đang suy tư điều gì có vẻ hệ trọng, lớn lao lắm…

Lúc đó, tôi buộc miệng: Có lẽ, cụ lẫn rồi.

Có thể, câu nói vô ý của tôi làm mất hứng, nên anh đứng dậy ra về. Đến nay, đôi khi tôi vẫn tự hỏi, một người được đào tạo cơ bản, kể cả sinh học, tâm lý học như anh Lê Thanh Đ lẽ nào, không hiểu cái điều đơn giản này.

Khi đọc và nghiên cứu Phạm Thành, chợt nhận ra, hầu như những câu chuyện, hay tình tiết trong tiểu thuyết và truyện ngắn của ông, tôi đã bắt gặp, hoặc đã được nghe thực ngoài đời. Nhưng đọc lại trên những trang sách của ông, tôi vẫn cảm thấy mới và sinh động: 

“- Xã hội chủ nghĩa ở cái đầu, chứ đâu phải ở chân tay. Nay, chân tôi yếu thật, nhưng cái đầu tôi còn minh mẫn, tôi còn phục vụ được chủ nghĩa xã hội, sao mời tôi về hưu?...
- Thưa cụ Chí…Cụ làm lãnh tụ danh dự, là thái thượng hoàng …
- Các đồng chí, danh dự là như thế nào nhỉ?
- Nghĩa là cao hơn cả bí thư, chủ tịch đang chức. Như ngày xưa vua chúa lên thái thượng hoàng ấy mà. Tuy cụ không phải là bí thư, chủ tịch, nhưng mọi chỉ thị, mệnh lệnh của cụ đều được bí thư, chủ tịch nhất nhất thực hiện.”(Hậu Chí Phèo)

Phạm Thành là một trong số rất ít nhà văn đương thời có tính dự báo trên những trang viết của mình. Ta có thể thấy, tính dự báo trong văn ông khá đậm nét, sâu sắc, thường được cài đặt vào lời thoại của nhân vật. Điều này, mang đến cảm giác mới lạ, thích thú cho người đọc. Ta có thể thấy sự cha truyền con nối, vây cánh trong quyền lực của ngày hôm nay, trắng trợn, bẩn thỉu hơn bao giờ hết, đã được Hậu Chí Chí Phèo dự báo, dù Phạm Thành đã viết cách nay gần ba mươi năm:

“Cụ Chí còn là một người có hậu nữa. Mấy chục năm sau cách mạng đã để lại cho đời ba cậu con trai, được cài cắm ở ba khu vực khác nhau. Cứ từ đám ma cụ mà suy ra, thì ba người con của cụ cũng xứng đáng là ba ông tổ của dòng họ Chí Phèo mới. Với kiểu cách trả thù của cụ Chí di truyền lại, hẳn họ sẽ sinh con đàn, cháu đống, nối dõi mãi mãi về sau.” (Hậu Chí Phèo- Chương cuối)

Và đây nữa, trong chương “Thuốc Thần Làng Vũ Đại” Phạm Thành đã tiên lượng trước đổi mới với những việc cần làm ngay sẽ bị phản bội. Người chống chống tiêu cựcsẽ bị chính quyền thẳng tay đàn áp trở lại. Nó là hiện thực bị hài của đường lối “Nói một đằng, làm một nẻo” của Đảng và thân phận của lương tri chỉ còn là “Đấu tranh, tránh đâu”. Lão Nội, một người nghe theo tiếng gọi của Đảng tố cáo, vạch mặt quan tham “Thái thượng hoàng” Chí, rồi lại bị chính quyền ấy triệu tập, bắt giam, như một con tốt thí:

“- Gọi lão Võ Đức Nội lên để làm gì?
- Lên để chịu tội vu cáo tôi, chứ còn làm gì nữa - Mặt cụ Chí vênh lên.
- Vu cáo ai? - Giọng lão Bá tắc nghẹn.
- Vu cáo tôi, chứ ai? Tôi bị nó vu cáo là mọt dân, là cường hào mới. Huân chương tôi còn, Đảng tôi còn, thế mà dân Vũ Đại dám láo, bảo tôi là cường hào mới, là mọt dân. Đừng thấy tôi nghỉ chức rồi mà mừng. Bí thư, chủ tịch bây giờ cũng nơi bàn tay tôi đào tạo mà ra cả. Những đứa đi kiện, rồi có ngày. "Con kiến mà kiện củ khoai"
Vây cánh bè phái, gia đình trị của giới lãnh đạo chóp bu là điều tất yếu dẫn đến sự đói khát, và tuyệt vọng của người dân lương thiện. Nếu thân phận chị Dậu trong Tắt Đèn của Ngô Tất Tố, anh Pha trong Bước Đường Cùng của Nguyễn Công Hoan dưới cái thời thực dân, đế quốc mới dừng lại mức độ đói khát và bần cùng hóa, thì anh cu Tĩn dưới chế độ CS trong Hậu Chí Phèo chỉ còn duy nhất con đường chết:
“Con bị đói ăn, đến nỗi phải thắt cổ chết ư? Mẹ Âu Cơ chừng như còn ngái ngủ, hỏi:
- Thưa vâng. Ruộng đất cụ Chí tập trung lại. Ai làm gì do cụ ấy phân công. Đến mùa thu hoạch, sản phẩm chất vào kho. Ai được phần bao nhiêu đều do cụ Chí quyết cả. Con năm nào cũng nai lưng ra làm mà phần chia bao giờ cũng được ít hơn. Cụ Chí và người anh em của cụ Chí, chẳng làm gì, lãnh đạo lăng nhăng thì mặc sức thu vén…” (Chương cuối-Hậu Chí Phèo)

Vâng! Bần cùng hóa như anh Pha, chị Dậu hay đói phải thắt cổ tự tử như anh cu Tĩn cũng không đáng sợ bằng sự tước đoạt, bán cả linh hồn để: Điên dại như nữ anh hùng tên Cúc, buộc câm điếc mù lòa của một trí thức như cụ Bá, dưới sự ngu muội, đểu cáng của tầng lớp thống trị mới.

Một số nhà phê bình cho rằng, văn Phạm Thành cứng, thô ráp. Điều này đúng, nhưng tôi nghĩ, có thể không hoàn như vậy. Có lẽ, ngoài sự thô ráp ấy, văn ông nhiều đoạn, nhiều câu rất đẹp, giàu hình tượng, và cảm xúc. Điều đó, ta có thể tìm thấy qua chương Ám Ảnh Một Dòng Sông và Thuốc Thần Làng Vũ Đại. Với tôi, đây là hai chương hay, chuyển tải tư tưởng đậm nét nhất của Phạm thành đến với người đọc. Nhà văn đã hình tượng hóa cái chủ thuyết cộng sản như một thứ Tơ hồng không gốc, sống ký gửi, và chỉ có bằm nát, sắc thuốc uống, mới có thể lành căn bệnh câm, mù, điếc của con người. Đất nước mới có thể hồi sinh.

Ngay từ những năm tám mươi của thế kỷ trước, nhà văn Phạm Thành đã dám viết những điều thật nhất, mà không phải ai cũng đủ can đảm. Hơn thế nữa, nó vượt qua sự kiểm duyệt đến với người đọc, thật là điều không thể tưởng. Đoạn trích đầy hình tượng dưới đây, cho ta thấy rõ cái tư tưởng và sự can đảm của ông: 

“Tơ hồng kết thành từng mảnh dầy, đè nặng trĩu trên bờ rào cúc tần. Những cây cúc tần, thân xanh, lá xanh, cố cụm lại với nhau chống đỡ, nhưng cũng không chịu đựng nổi sức đè nặng của những mảnh tơ hồng. Thuận tay, anh lần tìm gốc của tơ hồng. Anh vô cùng ngạc nhiên thấy tơ hồng là loại cây không gốc. Chúng quen sống nhờ trên thân thể của loài cây xanh. Lòng anh như reo lên: "Thuốc đây rồi!" …Tơ hồng là loại cây không gốc mà lại có tác dụng chữa bệnh thần kinh cho người. "Bố mình bị liệt thần kinh chứ còn gì? Lặng lẽ suốt thâu đêm, anh cắt toàn bộ tơ hồng trên bờ rào và kéo hết chúng vào trong sân. Sáng đến, anh dùng dao thật sắc băm vụn chúng ra thành từng đoạn. Sau đó anh đem chúng phơi héo, rồi rang vàng hạ thổ, sắc cho lão Bá uống. Lạ kỳ chưa! Chỉ trong vòng mười ngày uống thuốc, bệnh câm, mù, điếc của lão Bá biến mất hẳn.”

Trên đây là một vài suy nghĩ chủ quan của tôi về văn thơ, cũng như con người nhà văn Phạm Thành. Không rõ đúng sai thế nào? Nhưng ấn tượng chính để lại trong tôi không phải là tài năng chữ nghĩa văn chương, mà nhân cách, tư tưởng, khí phách cũng như tấm lòng của nhà văn đối với đất nước, dân tộc làm tôi cảm phục.

Và tôi xin mượn bài thơ vẽ chân dung rất hay và chính xác về Phạm Thành của nhà thơ Thế Dũng để kết thúc bài viết này:

“Bà đầm xòa cũng... lắm râu
Bệnh Chí Phèo tưởng tuyệt lâu... Ai dè...
Di căn tác hoại bét nhè
70 năm ám lập lòe ma chơi
Cò hồn lừa mấy chân trời...
Xã không hội... Đảng thay Giời được không?
Nghĩa Văn hồn Chữ xé lòng
Giáp chiến Cộng sản tay không giữa đời.”

Leipzig ngày 2-2-2015






No comments:

Post a Comment