Friday, February 26, 2016

NGA & SAUDI ARABIA KHÔNG CỨU NỔI, MỸ "GIẾT CHẾT" GIÁ DẦU ? (Thành Luân)





Chi tiết
Được đăng ngày Thứ sáu, 26 Tháng 2 2016 04:05

Theo ông Bùi Ngọc Sơn, cái bắt tay Nga-Saudi Arabia không có ý nghĩa nhiều với thị trường dầu mỏ và Mỹ là tác nhân giết chết giá dầu trong tương lai.

Cái bắt tay giữ thị phần

Nga và Saudi Arabia vừa đạt thỏa thuận giữ nguyên sản lượng khai thác dầu thô ở mức như trong tháng 1/2016 nhằm ổn định thị trường dầu mỏ thế giới với điều kiện các nhà sản xuất lớn khác cũng phải tuân theo quyết định này. Điều đáng nói, thỏa thuận giữ nguyên sản lượng khai thác dầu thô của Nga và Saudi Arabia đạt được khi hai nước đã bơm dầu tới mức cao kỷ lục. Thêm nữa, nhu cầu dầu thế giới đã bão hòa.

Đánh giá về tác động của cú bắt tay Nga-Saudi Arabia đối với giá dầu thế giới, Thạc sĩ Bùi Ngọc Sơn, Trưởng phòng Kinh tế Quốc tế, Viện Nghiên cứu kinh tế và chính trị thế giới cho rằng, nó không có ý nghĩa nhiều đối với thị trường dầu mỏ thế giới vì khối lượng dầu dư thừa và dự trữ đã lên đến cả năm. Nhiều ý kiến cho rằng, không chỉ Nga, Saudi Arabia mà một số quốc gia xuất khẩu dầu khác tham gia vào thỏa thuận này cũng không có tác dụng nhiều bởi nó chỉ làm giảm lượng dầu thừa hàng ngày, dầu thừa vẫn cứ thừa, chẳng qua mức thừa đó giảm bớt đi mà thôi.

"Không có triển vọng gì cho giá dầu với thỏa thuận của Nga-Saudi Arabia. Lưu ý rằng Nga và Saudi Arabia chỉ giữ nguyên sản lượng đang ở mức kỷ lục chứ không phải cắt giảm. Hơn nữa triển vọng kinh tế thế giới vẫn chưa mấy sáng sủa, từ Trung Quốc đến Ấn Độ hay các quốc gia khác đều chưa có triển vọng gì về việc tiêu thụ dầu nhiều trở lại. Kể cả Trung Quốc có tăng trưởng trở lại thì họ cũng không thể tiêu thụ nhiều dầu như trước đây vì nhiều lý do, mà lớn nhất là vấn đề môi trường.

Ngoài ra, Iran mới nhập cuộc trở lại thị trường xuất khẩu dầu, bây giờ bảo họ giảm sản lượng làm sao họ đồng ý ? Nếu các nước khác giảm bao nhiêu thì Iran lại bơm lên bấy nhiêu. Chưa kể, nếu các nước cắt giảm sản lượng dầu, không bán ra thì các công ty dầu phiến sét của Mỹ sẽ bán, chiếm lấy thị phần mà các nước kia rời bỏ. Do đó, dẫu các nước có cắt giảm thì tình hình vẫn không sáng sủa, thậm chí chính những nước cắt giảm đó còn gánh phần thua thiệt", ông Bùi Ngọc Sơn phân tích.

Theo vị chuyên gia này, thỏa thuận của Nga-Saudi Arabia chỉ có tác dụng giữ nguyên thị phần của hai quốc gia này trên thị trường dầu lửa vì thực chất họ vẫn giữ nguyên mức khai thác cũ, tức tạm thời để dầu ở mức dư thừa ổn định. Bản thân hai nước này cũng không thể tăng thêm thị phần vì rất khó, đặc biệt với sự tham gia của Iran vào thị trường xuất khẩu.

Ông Sơn khẳng định, cũng chính bởi Nga-Saudi Arabia chỉ làm giảm bớt chút ít lượng dầu dư thừa nên Mỹ không chịu ảnh hưởng gì từ cái bắt tay của hai cường quốc dầu mỏ này. Riêng đối với Trung Quốc, trong bối cảnh giá dầu giảm mạnh, đây là nước được hưởng lợi nhiều nhất. Lý do là : là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, Trung Quốc tiêu thụ rất nhiều năng lượng, riêng năm 2015 Trung Quốc đã nhập khối lượng dầu lớn kỷ lục và theo Bloomberg, tiết kiệm được khoảng 320 tỷ USD do giá dầu giảm.

Cũng theo ông Sơn, Trung Quốc được lợi lớn nhờ chi phí trong nước hạ và họ sẽ dành được tiền để hỗ trợ cho quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế đất nước.

"Còn về chuyện nhập khẩu dầu thô tháng 1/2016 của Trung Quốc giảm từ mức kỷ lục xuống thấp nhất 3 tháng, trong bối cảnh các hãng lọc dầu quốc doanh cũng phải sản xuất chậm lại khi dự trữ phình lên, là do yếu tố khác. Thứ nhất do tăng trưởng trong nước chậm lại ; dự trữ dầu của Trung Quốc đã ở mức đỉnh và họ chưa có thêm các phương tiện dự trữ nên không thể nhập thêm dầu được nữa. Các tàu chở dầu của Trung Quốc phải đậu ngoài khơi do không còn chỗ nào để đổ", ông nói.

Không chỉ Trung Quốc, nhiều nước khác cũng được lợi, đặc biệt là Mỹ vì đây là quốc gia chạy ô tô rất nhiều, sản xuất nhiều. Khi giá dầu giảm, người tiêu dùng Mỹ có thêm tiền để mua các sản phẩm khác, từ đó thúc đẩy sản xuất trong nước tăng trưởng vì tiêu dùng chiếm tới 72% GDP của Mỹ. Chính vì thế, giá dầu giảm người Mỹ được lợi rất nhiều dù các công ty dầu lửa có thể bị thua thiệt.

Mỹ : Tác nhân giết chết giá dầu ?

Thạc sĩ Bùi Ngọc Sơn cho rằng, giá dầu cứu được hay không phụ thuộc vào sự phục hồi của kinh tế thế giới, nhưng giá dầu phục hồi được đến mức nào là vấn đề khác. 

"Trong tương lai, giá dầu không thể quay lại như trước đây được vì thị trường năng lượng thế giới đã chuyển sang giai đoạn bùng nổ về thương mại năng lượng sạch, nghĩa là người ta sẽ không đốt dầu lửa để lấy điện nữa.
Việc sử dụng năng lượng hóa thạch gây áp lực nặng nề về mặt môi trường mà Trung Quốc và Ấn Độ là hai ví dụ điển hình. Giờ đây đã có những tiến bộ công nghệ đến mức bùng nổ về mặt thương mại nên các nước phải thay đổi cách thức sử dụng năng lượng, ví dụ người ta dùng đèn Led nhiều, ô tô tiết kiệm xăng dầu, và luật cũng quy định khắt khe hơn... tóm lại, mọi thứ đã thay đổi", ông Sơn chỉ rõ.

Vị chuyên gia cũng khẳng định rằng, đừng hy vọng Mỹ sẽ không cứu giá dầu bơi đây chính là tác nhân "giết chết" giá dầu trong tương lai. Ông lý giải : Mỹ là nước đang bùng nổ và dẫn đầu về công nghiệp năng lượng sạch, điều đó có nghĩa Mỹ đang chuẩn bị nắm trong tay nền công nghệ sản xuất các thiết bị và máy móc liên quan đến năng lượng sạch. Họ phải quảng bá những công nghệ đó và một khi những công nghệ ấy có giá thành rẻ, người ta sẽ không cần đến dầu lửa nữa. Điều này cũng liên quan đến việc Mỹ cho phép các công ty dầu lửa của nước này xuất khẩu. Chừng nào Mỹ chưa có được biện pháp dự phòng, chưa chuyển sang giai đoạn sẵn sàng thì không bao giờ họ cho phép bán dầu ra. Do đó, Mỹ chính là người giết giá dầu trong tương lai.

"Trong các năm 2016-2018 chưa có triển vọng gì nhiều cho giá dầu, giá vàng đen sẽ chỉ dao động trong khoảng 30-50 USD/thùng.
Một trong những điều kiện quan trọng để giá dầu tăng trở lại là kinh tế Trung Quốc phải phục hồi. Nhưng như đã nói ở trên, Trung Quốc khó tăng trưởng cao như trước, mà có tăng trưởng được thì họ cũng không thể đốt dầu như trước đây do vấn đề môi trường đã đến mức giới hạn.
Có thể nói các yếu tố ủng hộ về mặt cầu cho giá dầu đều không có và nếu quay trở lại cũng không mạnh như trước đây. Trong khi đó, nguồn cung lại được bổ sung, xu hướng thế giới chuyển đổi sang năng lượng sạch đang mạnh lên, bởi thế không có triển vọng gì cho giá dầu", Thạc sĩ Bùi Ngọc Sơn nhận định.

Thành Luân
Nguồn : Đất Việt, 24/02/2016




No comments:

Post a Comment