Saturday, February 27, 2016

MỸ THAY ĐỔI CHIẾN LƯỢC & NHỮNG BIẾN LOẠN (Lữ Giang)





Được đăng ngày Thứ sáu, 26 Tháng 2 2016 16:24

Dù thắng hay bại ở Syria, kế hoạch Tá đao sát nhân của Mỹ ở Trung Đông cũng đã đập vỡ được khối Hồi giáo ở trong vùng ra thành nhiều mãnh, đẩy hai giáo phái Sunni và Shiite vào tình trạng đối đầu với nhau một mất một còn.

*
Trong những tháng qua, các cơ quan nghiên cứu và truyền thông Mỹ cũng như quốc tế đã viết rất nhiều bài nói về những sai lầm của Mỹ trong việc thay đổi chiến lược, đang đưa thế giới vào những cảnh biến loạn, đặc biệt là tại Trung Đông, Châu Âu và Biển Đông. Đây là những vấn đề khá phức tạp, nhưng chúng tôi sẽ cố gắng trình bày vắn gọn để việc theo dõi tình hình được dễ dàng hơn.

Tại sao Hoa Kỳ phải thay đổi chiến lược ?

Trước đây, khi muốn bảo vệ nền an ninh hay quyền lợi của nước Mỹ, nhất là quyền lợi của các giới đại tư bản quốc phòng Mỹ, các chính quyền Mỹ thường xử dụng biện pháp Can thiệp bằng quân sự (Military Intervention) và sẵn sàng trả bằng mọi giá, điển hình nhất là cuộc chiến Việt Nam, cuộc chiến Afghanistan và cuộc chiến Iraq. Trong cuộc chiến Iraq, Hoa Kỳ đã bất chấp luật pháp quốc tế khi hành động.

Tuy nhiên, kể từ năm 2011, Hoa Kỳ đã tìm cách đi ra khỏi biện pháp can thiệp bằng quân sự này, có lẽ vì nhu cầu tiêu thụ các võ khi cũ không còn. Trước hết, các nhà chiến lược và phân tích của Hoa Kỳ đã đưa ra các tài liệu cho thấy rằng can thiệp bằng quân sự quá tốn kém và không có hiệu quả. Họ đã đưa ra các con số để chứng minh điều đó.

Website của đại học Harvard công bố một bản báo cáo của nữ giáo sư khoa học chính trị Linda J. Bilmes và nhà kinh tế đoạt giải Nobel - Joseph Stiglitz cho biết theo dự báo, tổng số chi của cuộc chiến Afghanistan và Iraq có thể lên tới 2.000 tỉ USD, nhưng tới năm 2010, con số thực chi đã vượt mức 3.000 tỉ USD. Theo Tổ chức Brookings Institution Iraq Index, về mặt tài chính, cuộc chiến Iraq đã góp phần không nhỏ vào việc làm gia tăng công nợ của nước Mỹ, tính đến ngày 19/8/2010 đã lên đến 13.310 tỉ USD, chưa kể các tổn thất về nhân mạng và tài sản của cả đôi bên, nhất là của người dân Iraq. Mặc dầu đã phải chi ra một khoản chi phí lớn như vậy, Mỹ đang sa lầy ở Afghanistan và chưa biết cuộc chiến Iraq sẽ đi về đâu, và "khi người Mỹ rút đi, cay đắng ở lại" !

Ngày 8/4/2011 tờ Washington Post đã cho đăng một bài dưới đầu đề "Grounds for U.S. military intervention" (Các căn bản can thiệp bằng quân sự của Hoa Kỳ) của cựu Ngoại Trưởng Henry Kissinger nhằm chuẩn bị cho việc thay đổi chiến lược của Hoa Kỳ. Trong bài đó Kissinger nói rằng như một nguyên tắc chung, nước Mỹ chỉ nên can thiệp bằng quân sự khi lợi ích quốc gia đang bị đe dọa. Ông đưa ra năm việc phải làm khi muốn can thiệp bằng quân sự.

Ngày 12/12/2015, trong cuộc họp báo chung tại Tòa Bạch Ốc với Thủ tướng Nouri al-Malaki đến từ Iraq sang, Tổng thống Obama tuyên bố :
"Sau gần chín năm, cuộc chiến của Mỹ tại Iraq sẽ chấm dứt trong tháng này. Chúng tôi có mặt tại đây hôm nay để đánh dấu sự kết thúc cuộc chiến này và mở ra trang mới trong lịch sử quan hệ giữa hai nước và từ hôm nay một nước Iraq mới sẽ tự quyết định số phận của mình."

Ông Obama cho biết Mỹ vẫn sẽ tiếp tục cam kết duy trì an ninh và hỗ trợ Iraq phát triển kinh tế, nhất là trong lĩnh vực dầu khí.

Từ năm 2008, khi đắc cử Tổng thống Hoa Kỳ, ông Obama đã cam kết rút hết quân đội Hoa Kỳ ra khỏi các xung đột ở Trung Đông. Kể từ tháng 12 năm 2011, chính quyền Obama quyết định thay thế biện pháp Can thiệp bằng quân sự (Military Intervention) bằng một chiến lược khác được gọi là Chiến lược Chiến tranh ủy nhiệm (Proxy War Strategy). Nhưng đây là một chiến lược lớn cho từng giai đoạn của Mỹ, Tổng thống Obama hay bất cứ tổng thống nào ở trong giai đoạn đó cũng phải thi hành. Vậy Chiến tranh ủy nhiệm là gì ?

Chiến tranh ủy nhiệm hay Tá đao sát nhân ?

Chiến tranh ủy nhiệm (proxy wars) thường được định nghĩa là một cuộc chiến tranh do các thế lực đối nghịch xúi biểu (proxy war is a war instigated by opposing powers). Các thế lực này không trực tiếp dùng vũ lực để chống nhau mà viện trợ vũ khí, trang bị, huấn luyện và cố vấn cho các phe trong nước hay trong khu vực chiến đấu chống nhau thay cho họ, còn họ đứng ngoài chỉ đạo, yểm trợ, cung cấp tin tức tình báo, và nhất là lèo lái dư luận quốc nội và quốc tế.

Trong Tam thập lục kế (36 kế) của Tàu có kế "Tá đao sát nhân", tức mượn dao để giết người, mượn tay người khác để giết kẻ thù của mình. "Chiến tranh ủy nhiệm" chính là kế "Tá đao sát nhân". Tào Tháo mượn Lưu Biểu giết Nễ Hành, mượn lòng quân giết Dương Tu, rồi lại được làm cái việc "mèo già khóc chuột"... Nhưng kế này không phải lúc nào cũng thắng.

Ngày 14/8/2012, trên website http://nickturse.tumblr.com/, sử gia và nhà phân tích Nick Turse đã cho phổ biến bài "Washington puts its money on proxy war" (Washington xài nhiều tiền vào chiến tranh ủy nhiệm) nói rằng : "Mặc dù có một lịch sử xử dụng ngầm hàng tỷ USD vào các đạo binh ủy nhiệm (proxy armies) đã bị sụp đổ, bỏ ra đi hay biến thành kẻ thù, Washington hiện đang theo đuổi kế hoạch chiến tranh ủy nhiệm trên toàn cầu…".

Ông Nick Turse hiện đang viết nhiều bài nghiên cứu cho các tờ New York Times, Los Angeles Times, đài BBC, v.v. Với bài trên, ông đã tường thuật lại những cuộc chiến tranh ủy nhiệm mà Hoa Kỳ đã thực hiện khắp nơi trên thế giới để bảo vệ an ninh và quyền lợi của Mỹ nhưng bị thất bại, với mục tiêu khuyến cáo Hoa Kỳ phải cảnh giác với loại chiến tranh này.

Hiện nay, chính phủ Hoa Kỳ không phải chỉ dùng chiến tranh ủy nhiệm để điều hành các cuộc chiến tại Trung Đông mà còn tìm cách xử dụng nó tại Âu Châu và Biển Đông bằng cách lôi kéo các cường quốc trong vùng nhập cuộc để thay thế dần vai trò của Mỹ. Không nắm vững sự thay đổi chiến lược này rất khó có thể hiểu được tại sao các biến loạn đang xảy ra từ Trung Đông qua Châu Âu đến Biển Đông.

Tá đao tại Trung Đông

Bản đồ Đại Trung Đông mới (Greater Middle East), theo chủ thuyết Georges W/ Bush (2003)

Trước hết, chúng tôi xin nhắc lại rằng theo Chiến lược "Một Trung Đông Mới" của Hoa Kỳ được Thổng Thống George W.Bush công bố ngày 17/8/2006 để chận đứng sự vùng dậy của khối Hồi giáo gây thảm họa cho thế giới, trong đó có hai kế hoạch chính :

- Kế hoạch thứ nhất là thanh toàn các lãnh tụ Hồi giáo chủ trương tái lâp một đế chế Hồi giáo như đế chế Ottoman trong lịch sử, đó là Saddam Hussein, Mubarak, Gaddafi, và Assad.

- Kế hoạch thứ hai là phân chia 5 quốc gia Hồi giáo trong vùng trung tâm thành 14 quốc gia để phân tán sức mạnh của khối Hồi giáo.

Việc thực hiện kế hoạch thứ nhất khá gay go và nếu không hoàn thành được kế hoạch này, không thể thực hiện kế hoạch thứ hai.

Chính Tổng thống Bush đã áp dụng biện pháp can thiệp bằng quân sự để thanh toán Saddam Hussein và lấy quyền lực từ khối Sunni chuyển giao cho khối Shiite. Ngày 14/12/2003, Saddam Hussein đã bi bắt và bị tử hình ngày 30/12/2006. Nhưng hành động này đã bị cả thế giới lên án vì bất chấp luật pháp quốc tế. Để thanh toán Mubarak, Hoa Kỳ phải tạo ra cuộc "Cách mạng hoa lài" để trong nội bộ các nước Hồi giáo thanh toán nhau. Ngày 11/2/2011 Mubarak phải từ chức. Vì không thể dùng biện pháp can thiệp bằng quân sự hay "Cách mạng hoa lài" để thanh toán Gaddafi, Tổng thống Obama phải giao cuộc chiến này cho Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy lãnh đạo, Hoa Kỳ chỉ yểm trợ về thông tin và tình bào. Ngày 20/10/2011, Gaddafi đã bị giết.

Tuy nhiên, Hoa Kỳ đã gặp rất nhiều khó khăn khi thanh toán Tổng thống Syria là Bashar al-Assad, vì Syria có một vị trí địa lý rất quan trọng ở Trung Đông nên Nga không để cho Mỹ chiếm vị trí này. Hoa Kỳ đã xử dụng rất nhiều kịch bản khác nhau để đánh chiếm Syria, chúng tôi xin ghi lại những kịch bản chính :

Kịch bản một : Tuyên bố sẽ tấn công Syria vì "sử dụng võ khí hóa học".
Ngày 21/8/2013, Tổng thống Obama tuyên bố sẽ tấn công Syria vì "xử dụng võ khí hóa học" mặc dầu chưa chứng minh được. Hôm 4/2/2012, Nga và Trung Quốc đã phủ quyết việc tấn công Syria. Nga gởi ngay 3 tàu chiến đến Syria. Trừ Pháp, các cường quốc khác không ủng hộ Obama. Tại Hoa Kỳ, có đến 60% dân chúng không ủng hộ cuộc tấn công Syria của Obama.

Kịch bản hai : Thành lập Binh Đoàn Syria Tự Do
Tại Syria có đến 74% người theo giáo phái Hồi giáo Sunni, chỉ có 16% theo giáo phái Shiite, nhưng chính quyến Assad là chính quyền Shiite. Do đó, Hoa Kỳ kêu gọi những người Sunni bỏ quân đội Assad ra thành lập Binh Đoàn Syria Tự Do (Free Syrian Army - FSA) để chống lại Assad. Lực lượng của Assad lúc đó có khoảng 220.000 quân.

Theo lời kêu gọi của Hoa Kỳ, số người Sunni đào ngũ ngày càng đông. Họ được đưa qua Thổ Nhĩ Kỳ và Jordan để huấn luyện. Mỹ đã tốn rất nhiều tiền và công sức để tập họp họ lại, huấn luyện và trang bị cho họ chống Assad, nhưng không thành công, vì chẳng ai chịu tuân phục ai. Nhiều người bỏ đi theo tổ chức al-Nursa của Al-Qaeda và sau này tham gia cả vào nhóm Nhà Nước Hồi giáo (ISIS). Theo tài liệu của LHQ, hiện nay quân nổi dậy ở Syria có đến 600 nhóm, trong đó có hơn 300 nhóm mang lá cờ đen, biểu tượng của phe Thánh Chiến Hồi giáo. Lực lượng chính của tổ chức FSA do Đại tá Riad Al-Asaad cầm đầu, tổng hành dinh lúc đầu đặt ở bên kia biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.

Kịch bản 3 : Liên kết với các nhóm al-Qaeda
Từ trước Hoa Kỳ vốn coi al-Qaeda là tổ chức khủng bố và tìm cách tiêu diệt, nhưng nay vì các nhóm của Binh Đoàn Syria Tự Do không làm nên cơm cháo gì nên Hoa Kỳ phải nhờ Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar hình thành một tổ chức khác để chống Assad. Một tổ chức mới được thành lập có tên là Ahrar al-Sham, có nghĩa là Phong Trào Hồi giáo của Những Người Tự Do Vùng Cận Đông. Nhóm này được huấn luyện tại Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar, được trang bị những võ khí tối tân và đưa về chiếm giữ hai tỉnh Idlib và al-Shugour nắm sát biên giới Thổ Nhỉ Kỳ. Lữ đoàn của nhóm này đã phối hợp với một số lực lượng như al-Nusra, Jaish al-Islam, Jaysh al-Sunna… và hình thành một tổ chức liên hiệp đấu tranh được gọi là Jaish al-Fatah (Đạo Binh Chinh Phục - Army of Conquest). Đạo Binh này đang tan rã. Hiện nay, Ahrar al-Sham được coi là lực lượng đối lập mạnh nhất ở Syria, có từ 10.000 đến 20.000 quân, rất thiện chiến và sắt máu, có thể kháng cự với quân Assad.

Trước đó, Hoa Kỳ đã ký hợp đồng bán cho Saudi Arabia một số vũ khí trị giá 90 tỷ USD, được giao trong giai đoạn từ năm 2010 đến 2014. Một phần vũ khí này được trang bị cho phiếm quân Syria.

Kịch bản 4 : Lùa dân ra khỏi miền Bắc Syria để đánh chiếm vùng này
Sau khi đào tạo được một lực lượng có tổ chức và trang bị đầy đủ, Hoa Kỳ quyết định lùa dân phía Bắc Syria qua biên giới Thổ Nhĩ Kỳ và cho đánh chiếm vùng này. Biên giới giữa Syria và Thổ Nhĩ Kỳ dài khoảng 822 cây số (511 mi), nhưng phần quan trọng nằm ở phía Tây dài chỉ khoảng 98 cây số, giữa Azaz và Jarabulus, gồm hai tỉnh Idlib và Aleppo. Syria chỉ có một phần đất liền dài khoảng 120km tiếp xúc với Địa Trung Hải gồm hai tỉnh Tartus và Latakia. Vậy chỉ cần chiếm 4 tỉnh là Tartus, Latakia, Idlib và Aleppo ở phía Bắc và Tây Bắc là chế độ Assad sẽ bị cô lập và sụp đổ.

Bản đồ Syria với tên những thành phố lớn

Biết trước kế hoạch của Mỹ, ngày 5/9/2015 Nga bắt đầu đổ bộ quân vào Syria, chiếm giữ căn cứ quân sự ở Tartus và căn cứ không quân Latavia, và mở các cuộc không kích ngăn chặn tất cả các phiến quân chống Assad. Tuy nhiên, nếu không phá được thông lộ tiếp viện qua biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, khó có thể tiêu diệt phiến quân được. Hôm 24/11/2015, Nga đã cho oanh tạc cơ Su-24 bay lấn qua lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ. Thổ nghĩ rằng nếu không ngăn chặn, Nga có thể tiếp tục xâm phạm vùng bất khả xâm phạm ở biên giới của Thổ, nên đã ra lệnh cho 2 chiến đấu cơ F-16 lên bắn rơi chiếc Su-24. Thế là Thổ đã trúng kế Nga. Viện cớ máy bay Nga bị bắn rơi, Nga đã cho oanh tạc tất cả các lực lượng của phiến quân ở khu biên giới và phá luôn các đoàn xe của ISIS chở dầu lậu qua Thổ bán. Từ đó, Nga đẩy mạnh cuộc oanh kích để tiêu diệt các phiến quân ở biên giới, nhất là các tổ chức thuộc nhóm Ahrar al-Sham.

Với sự tiếp ứng của khoảng 20.000 quân Iran và nhóm Hezbollah ở Lebanon, quân đội Assad đã mở cuộc phản công trên khắp các mặt trận, nhất và vùng biên giới giữa Syria và Thổ. Bản tin ngày 9/2/2016 của đài RFI cho biết : Được không quân Nga trút bom dọn đường, các đơn vị quân đội Syria, Hezbollah-Lebanon và vệ binh Hồi giáo Iran đã ồ ạt tiến về Aleppo, chỉ cách biên giới Thổ Nhĩ Kỳ có 20 km.

Bài học cay đắng

Để cứu các phiến quân chống Assad, Mỹ chỉ đưa ra những kịch bản tiêu cực như tố cáo Nga oanh tạc thường dân, không tấn công ISIS mà chỉ tấn công quân phe "đối lập ôn hòa" (moderate oppositions), ngăn chặn đoàn xe cứu trợ... Một cuộc hòa đàm giữa các phe đã được tổ chức tại Genève từ ngày 1/1/2016 nhưng thất bại và chẳng ai tin nó sẽ đưa tới một giải pháp nào, kể cả ngưng bắn để "cứu bồ", vì Nga đã quyết định chiến thắng ở Syria bằng quân sự. Khi quân của Assad kiểm soát được biên giới giữa Syria và Thổ Nhĩ Kỳ, lực lượng phiến quân ở bên trong Syria sẽ mất tiếp liệu, bị cô lập và tan rã.

Trong bài xã luận "Bài học cay đắng Aleppo", nhật báo Le Monde phân tích : đánh vào Aleppo, Nga làm một công hai việc : bao vây chốt chiến lược cuối cùng của phe nổi dậy, chận đường tiếp liệu từ Thổ Nhĩ Kỳ, và còn tạo ra làn sóng tị nạn, tạo thêm gánh nặng cho kẻ thù muốn lật đổ chế độ Bachar al Assad (RFI, 9/2/2016).

Trong bài "Chiến tranh ủy nhiệm, Sự can thiệp của Nga vào Syria, Washington phải làm gì?" đăng trên tạp chí Foreign Affairs ngày 24/11/2015, Thượng nghị sĩ Tom Cotton của bang Arkansas nói về cuộc chiến tranh ủy nhiệm đang xảy ra và nêu ý kiến phải làm thế nào để thắng cuộc chiến tranh ủy nhiệm.

Dù thắng hay bại ở Syria, kế hoạch Tá Đao Sát Nhân của Mỹ ở Trung Đông cũng đã đập vỡ được khối Hồi giáo ở trong vùng ra thành nhiều mãnh, đẩy hai giáo phái Sunni và Shiite vào tình trạng đối đầu với nhau một mất một còn. Đây là một cuộc chiến mà Giáo hoàng Francis gọi : "Có một một thứ thế chiến thứ 3 diễn ra từng mảnh" (They are a kind of third world war being fought piecemeal). Mỹ và Nga sẽ bán thêm được nhiều vũ khí và khối Hồi giáo không còn đủ sức mạnh để thực hiện các biến cố lớn trong tương lai gần.

Ngày 25/2/2016
Lữ Giang

*************************

Đằng sau thỏa thuận ngừng bắn là kịch bản "chia cắt" Syria ?
(Tin Tức, 25/02/2016)

Giữa lúc các bên đạt được nhất trí về thỏa thuận ngừng bắn tạm thời ở Syria thì Ngoại trưởng Mỹ John Kerry bất ngờ cảnh báo : Có thể quá muộn để giữ nguyên một Syria thống nhất, đồng thời bắn tiếng Washington sẽ ủng hộ chia cắt Syria nếu lệnh ngừng bắn thất bại.

Sau nhiều nỗ lực ngoại giao, các bên liên quan tới xung đột Syria cuối cùng đã đi tới được một thỏa thuận ngừng bắn ở quốc gia Trung Đông này. Thỏa thuận được Nga và Mỹ - hai nước đồng chủ tịch "Nhóm quốc tế hỗ trợ cho Syria" (ISSG) đề xuất này sẽ chính thức có hiệu lực từ 12h00 đêm ngày 26/2 (giờ Damascus - tức 10 giờ GMT ngày 27/2). Văn bản công bố ngày 22/2 cho phép Nga, liên quân do Mỹ đứng đầu tiếp tục tiến hành các cuộc tấn công chống IS, lực lượng hiện đang kiểm soát nhiều phần lãnh thổ của Syria và Iraq, cũng như Mặt trận al-Nursa có liên hệ với al-Qaeda và nhiều nhóm thánh chiến bị Liên hợp quốc liệt vào danh sách các tổ chức khủng bố. 

Ông John Kerry tới phòng họp dự phiên điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện hôm 23/2. Ảnh : Reuters

Thỏa thuận là bước tiến lớn trong nỗ lực của quốc tế nhằm tạo lập hòa bình ở Syria sau quãng thời gian giao tranh hơn 5 năm. Tuy nhiên, ngay trước đi vào thực thi, dư luận nhìn chung đều cho thấy một thái độ "lạc quan trong thận trọng". Về thực tế, đâu không phải lần đầu tiên các bên tham chiến ở Syria đạt được đồng thuận về ngừng bắn. Thế nhưng những diễn biến trước đó đều cho thấy, các thỏa thuận đều nhanh chóng bị phá vỡ, do những phức tạp liên quan đến nội tình Syria, cùng với những toan tính, can dự từ bên ngoài. 

Tuy lên tiếng xác nhận đề xuất của Nga - Mỹ, nhưng Ủy ban Đàm phán Cấp cao (HNC) - nhóm chính trị đại diện cho quân nổi dậy Syria tham gia đàm phán hòa bình cho biết sẽ tôn trọng lệnh ngừng bắn trong vòng 2 tuần để "đánh giá cam kết của đối phương". Phe nổi dậy nghi ngại, việc cho phép tấn công IS, nhóm al-Nursa có thể là "lỗ hổng" để Nga, quân đội Syria lấy đó làm vỏ bọc tiếp tục tấn công lực lượng này. 

Mỹ, nước đồng bảo trợ cho kế hoạch ngừng bắn, cũng tỏ ra nghi ngờ khả năng hiện thực. Tổng thống Barack Obama ngày 24/2 cho biết Washington "rất thận trọng" khi đưa ra kỳ vọng đối với thỏa thuận này. Cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter, Tham mưu trưởng Liên quân Joseph Dunford lẫn Giám đốc Cục tình báo Trung ương Mỹ (CIA) John Brennan đều bày tỏ nghi ngờ khả năng Nga tuân thủ thỏa thuận về Syria, "đòi" Nhà Trắng gây sức ép mạnh hơn nữa nhằm vào Moskva, thực thi các giải pháp mới để "làm Nga đau đớn thực sự". 

Thổ Nhĩ Kỳ, một tác nhân liên quan đến tình hình Syria, tuy tuyên bố ủng hộ đình chiến, nhưng vẫn lớn tiếng khẳng định quan điểm cứng rắn với các tay súng người Kurd. Tổng thống Recep Tayyip Erdogan nói rằng lực lượng dân quân người Kurd tại Syria (YPG) cần phải nằm ngoài phạm vi của lệnh ngừng bắn. Nó cho thấy, Ankara chưa hẳn sẽ dừng các đợt tấn công, pháo kích nhằm vào cứ điểm của lực lượng này tại Syria gần tuyến biên giới.

Nguy cơ phân rã Syria ?

Phát biểu trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện ngày 23/2, ông Kerry tuyên bố sẵn sàng theo đuổi "Kế hoạch B" về Syria nếu lệnh ngừng bắn thất bại. Từ chối mô tả chi tiết về lựa chọn chính sách này, Ngoại trưởng Mỹ chỉ nói một cách khái quát rằng sẽ sai lầm nếu cho rằng Mỹ sẽ không có bước đi kế tiếp. Đáng chú ý, ông Kerry hé lộ "Kế hoạch B" kia có thể sẽ liên quan đến việc chia tách Syria, một khi thỏa thuận ngừng giao tranh thất bại, hoặc là không có bước chuyển biến rõ nét nào về lộ trình chính phủ chuyển tiếp ở Damascus trong vòng 3 tháng tới. Không xem đây là giải pháp chính, nhưng vị quan chức ngoại giao Mỹ ngầm cho thấy "chia cắt" đó sẽ là bước đi cuối cùng, với ngụ ý đến một lúc nào đó sẽ là "quá trễ" để giữ Syria như là một lãnh thổ thống nhất. 

Sông Euphrate (xanh) sẽ là ranh giới phân vùng ảnh hưởng giữa các bên ? Ảnh : Artishok Interactive

Thỏa thuận Nga - Mỹ lần này thành hình tại phiên thảo luận có sự tham gia của 17 bên thuộc ISSG bên lề Hội nghị An ninh Munich (Đức) ngày 12/2. Tuy nhiên, mạng tin tình báo Debka (Israel) nói rằng, hợp tác giữa hai "người chơi" lớn nhất này đã được xác lập từ tháng 12/2015, khi mà ông Obama và đồng cấp người Nga Vladimir Putin nhất trí về một thỏa thuận bí mật nhằm chấm dứt xung đột Syria. 

Cụ thể, theo Debka, đó là sự phân vùng ảnh hưởng và trách nhiệm quân sự của mỗi bên. Mỹ sẽ "phụ trách" các khu vực phía đông sông Euphrates, còn Nga "bao quát" vùng lãnh thổ bờ tây của sông. Trang mạng này bình luận, diễn biến thực tế trên chiến trường thời gian qua cũng củng cố cho lập luận này. 

Bản đồ giao tranh cho thấy, các lực lượng trung thành với Tổng thống Bashar al-Assad được sự hỗ trợ của không quân Nga liên tục tấn công, giành quyền kiểm soát các vùng đất ở phía nam, miền trung và tây Syria, trong đó có Damascus, thành phố Daraa, Homs, Hama và Latakia và một phần Aleppo. Liên minh quân sự do Mỹ đứng đầu thì vẫn "hoạt động mạnh" tại các thành phố Hassakeh và Qamishli ở phía bắc, thành trì Raqqa của IS và vùng biên giới Syria - Iraq. Còn biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ dưới quyền kiểm soát của lực lượng người Kurd là nơi "điều phối ảnh hưởng" của cả Mỹ và Nga. 

Một sự phân vùng ảnh hưởng như vậy sẽ có tác động như thế nào tới cục diện Syria ? Phải chăng đó chính là "Kế hoạch B" mà ông Kerry ngầm đề cập ? Nga sẽ được gì trong kịch bản này, đó có phải là một "nhà nước" với người Alawite chiếm đa số sẽ bảo đảm chỗ đứng cho Moskva tại Địa Trung Hải, với căn cứ hải quân quan trọng và duy nhất là Tartus ? Còn với Mỹ, làm tan rã Syria hẳn nhiên là một mục tiêu mà Washington đeo đuổi ?

Hoài Thanh








No comments:

Post a Comment