Thursday, February 25, 2016

HÃY NHƯ HẠNH ! (FB Phạm Lê Vương Các)





.
Đây là Hạnh.

Hạnh là một nhà hoạt động hiếm hoi đang tranh đấu dũng cảm và không biết mệt mỏi vì quyền lợi cho công nhân và người lao động.
Hạnh tuổi đời tuy còn trẻ nhưng đã có thâm niên hơn 10 năm đấu tranh trong lĩnh vực này.

Hạnh sanh ngày 13/3/1985, tên đầy đủ là Đỗ Thị Minh Hạnh, sinh trưởng tại Di Linh - Lâm Đồng.
Hạnh tuy cao có thước mốt nhưng tấm lòng lại rộng đến thước hai.
Sau khi tốt nghiệp phổ thông trung học, Hạnh khăn gói xuống Sài Gòn học Cao đẳng Kinh tế TP.HCM.
Trong quá trình học tập tại đây, Hạnh được chứng kiến đời sống cơ cực, bị áp bức của giai cấp công nhân và người lao động. Với tấm lòng nhân hậu vốn có đã thôi thúc Hạnh đấu tranh đòi quyền lợi cho họ, và giúp đỡ những người lang thang, bần hàn.

Khi đang là cô sinh viên với độ tuổi mười tám đôi mươi, Hạnh đã ngược xuôi ra Bắc vào Nam, lao vào những điểm nóng khó khăn nhất.
Hạnh là con người của hành động, âm thầm nhưng hiệu quả.
Đỉnh điểm của hoạt động này, là Hạnh cùng với 2 người bạn của mình đã vận động được hơn 10.000 công nhân Công ty giày Mỹ Phong ở Trà Vinh đình công, biểu tình đòi tăng lương và đòi quyền lợi cho họ.
Và Hạnh đã trả giá cho hoạt động này, với bản án 7 năm tù giam vì tội "kích động, xúi dục công nhân đình công, biểu tình phá rối an ninh trật tự nhằm chống chính quyền" theo điều 89 BLHS vào năm 2010.

Khi bị bắt giam tại Trà Vinh, Hạnh đã bị đánh đến hộc máu và bị biệt giam trong nhiều tháng trời.
Trong hoàn cảnh ngục tù khó khăn nhất, Hạnh vẫn giữ được tinh thần và ý chí kiên cường của một người đấu tranh.
Hạnh như con chim sơn ca trong lồng sắt.
Nếu một người tù hay cai ngục nào đã từng nghe tiếng hát thánh thót của một người con gái với những ca từ đấu tranh được phát ra từ một buồng giam tăm tối của trại giam B34 - Bộ Công an, thì đó là tiếng hát của Hạnh.

Tiếng hát của Hạnh - tiếng hát của tinh thần bất khuất, sự yêu đời của một người tranh đấu hết lòng vì quyền lợi của người công nhân và lao động.
Tiếng hát của Hạnh - tiếng hát của niềm tin và khát vọng cho công cuộc đấu tranh vì sự phát triển cho đất nước vào ngày mai.
Tiếng hát của Hạnh - tiếng hát của tấm lòng trong sáng, nhân hậu và vị tha ở nơi u tối nhất cuộc đời.

Khi Hạnh bị bắt giam rất ít người biết và ít được chú ý vì Hạnh hoạt động âm thầm.
Một nhóm bạn bè hiểu về hoạt động của Hạnh và cảm kích trước tấm lòng của Hạnh, đã liên tục mở chiến dịch vận động trả tự do cho Hạnh.
Sau đó Hạnh nhanh chóng được công luận trong nước và thế giới chú ý. Và may mắn là, 4 năm sau khi Hạnh bị bắt, Việt Nam bắt đầu đàm phán gia nhập TPP.
Một trong những yêu cầu về nhân quyền đầu tiên để Việt Nam gia nhập TPP, là phía Hoa Kỳ đề nghị chính quyền Việt Nam trả tự do cho nhà hoạt động vì quyền lợi công nhân Đỗ Thị Minh Hạnh.
Thế là Hạnh được phóng thích trước thời hạn 3 năm, bước ra khỏi cánh cổng nhà tù vào giữa năm 2014.

Ra tù, Hạnh vẫn tiếp tục đấu tranh và mang tiếng hát cho đời..
Hạnh bôn ba, bắt đầu xuất ngoại đi nhiều nơi như Áo, Ba Lan, Đức, Úc... gặp gỡ giới chức các nước vận động để Việt Nam có một công đoàn độc lập bảo vệ cho người lao động đúng nghĩa.
Trong một chuyến đi vận động này, nhiều người yêu mến Hạnh tưởng có tin vui, khi thấy hình ảnh Hạnh mặc áo cưới, và để trạng thái "đã kết hôn" trên fb cá nhân.
Nhưng thật ra, đó chỉ là "áo cưới đểu", vì Hạnh không muốn ai theo đuổi mình.

Hạnh đã tự nguyện kết hôn. Hôn nhân của Hạnh là sự kết duyên và gắn bó suốt đời với quyền lợi của người công nhân và lao động.
Cuộc hôn nhân nào cũng phải trải qua nhiều gian khó và đau thương.
Mới đây nhất, trong một lần tổ chức buổi gặp gỡ giữ luật sư và công nhân ở Đồng Nai, Hạnh đã bị an ninh Đồng Nai bắt đi, mang đến một đoạn đường vắng và đánh bất tỉnh phải nhập viện sau đó.

Tình trạng hiện tại của Hạnh trong nhiều tháng nay luôn bị nhiều an ninh thường phục canh giữ túc trực 24/24 trước cổng nhà và đeo bám khi rời khỏi nhà ở Quận 7, Sài Gòn.
Ngay cả Mùng 1 Tết vừa rồi, Hạnh về thăm quê cũng không thoát khỏi tình trạng đeo bám này.
Nhưng Hạnh - chú chim sơn ca nhỏ vẫn vỗ cánh tung bay dưới trời giông bão.

Hãy như Hanh!



No comments:

Post a Comment