Friday, February 26, 2016

[CHẶT CHÉM DU KHÁCH] KHÔNG PHẢI CHỈ CÓ Ở VIỆT NAM (Phạm Thị Hoài)





Phạm Thị Hoài
27/02/2016

Trên toàn thế giới du khách đều có thể bị lừa gạt và chặt chém: Ở thánh địa Thiên chúa Vatican và thánh địa Do Thái Jerusalem, ở đất nước chùa chiền Thái Lan và xứ sở Phật giáo Ấn Độ, ở Ai Cập Hồi giáo và Thổ Nhĩ Kỳ Hồi giáo, ở Machu Picchu của Đế chế Inca và Angkor của Đế chế Khmer, ở nước Nga hậu cộng sản và Cuba cộng sản cuối mùa, ở thân vương quốc triệu phú Monaco nhỏ xíu và nước cộng hòa nghèo đói khổng lồ Congo, ở thiên đường tuyết trắng St. Moritz và chốn thần tiên biển biếc Maldives, ở New York và London, Amsterdam và Hamburg, Istanbul và Athens, Praha và Budapest, Bắc Kinh và Hong Kong..., thậm chí ở Singapore mệnh danh The Fine City, nơi mọi động thái của con người có thể làm phiền con người đều bị phạt, từ đem sầu riêng vào taxi và tàu xe công cộng trở đi (500 SGD). Trước vụ một người Việt mua điện thoại iPhone bị lừa ở khu mua sắm Sim Lim, sáu người Mỹ đã bị một quán ở Newton Hawker Centre chém 239 SGD cho 8 con tôm sú.

Lên Tuk-Tuk ở Thái là chấp nhận giá đi đằng giá, đường đi đằng đường - NGUỒN ZMETRAVEL.COM

Không thể kể hết những nỗi đoạn trường của du khách ở thời đại du lịch đại chúng toàn cầu này: Một tài xế taxi chém 400 euro của một khách Mexico cho đoạn đường 10 km ở Berlin, giá thông thường chưa đầy 20 euro. Cũng tài xế taxi, Hong Kong, chém 8000 HKD của một khách Thụy Sĩ cho đoạn 30 km từ sân bay về Kowloon, giá thông thường 300 HKD. Lên Tuk-Tuk ở Thái là chấp nhận giá đi đằng giá, đường đi đằng đường. Đi taxi ở Ấn Độ là chơi xổ số, vận may của bạn là một phần mấy triệu. Ở Praha, bạn có thể nâng vận may ấy lên hai lần nhưng nỗi bực thì nhảy vọt hai nghìn phần trăm. Ở Rome, trước khi lên taxi bạn nên đặt tay lên Kinh Thánh cầu nguyện. Cũng ở thành phố bất tử này, một cửa hàng kem gần Quảng trường Tây Ban Nha chém 60 Euro cho 4 cây kem ốc của một gia đình du khách Anh và một nhà hàng ở Quảng trường Navona chém 695 Euro cho một bữa ăn trưa của một cặp du khách Nhật. Thủ đô nước Ý nói chung gợi nhớ đến đặc sản Ý: mafia, cũng như Paris xứng đáng với phát minh của người Pháp: nó là trọn vẹn một cỗ máy chém vĩ đại.


Hóa đơn 11 Euro cho một chai nước Evian 1/3 lít ở Paris và 695 Euro cho một bữa trưa ở Rome.

Tất cả những gì về nạn chặt chém mà người Việt đang bị giật mình và ám ảnh, phẫn nộ và bức xúc, bị choáng, bị sốc nặng, phải nản lòng, phải cắn răng, phải nghẹn, phải ứa nước mắt, phải ôm cục tức, phải khóc ngất và khóc thét đều đã được thế giới này sáng tạo, phát triển và tinh luyện từ lâu lắm. Người Việt, những người đến muộn và còn rất ít kinh nghiệm trong ngạch kinh doanh khao khát hương xa này, không thể coi mình là tác giả đầu tiên.

Không phải chỉ có ở Việt Nam. Trước chúng ta, xe dù và mafia taxi, chèo kéo đeo bám và kì kèo dọa dẫm, hét giá, ép giá và đội giá, ăn bớt và phụ thu, treo đầu dê bán thịt chó, ém để chém (tàu hết vé, chùa đóng cửa, khách sạn cháy phòng), xin đểu, nhầm tiền thối, nhảy đồng hồ, câu đường, ép mua quà lưu niệm và nữ trang rởm, chụp ảnh vòi tiền, gài bẫy cô nhi, giăng lưới em gái nhà lành, khám tiền miễn phí kê toa cắt cổ, cò mồi, bắt nạt và bắt chẹt, hăm dọa, rạch túi, hành hung, trấn lột..., không có gì xa lạ với lòng tham của con người mà chưa được thử nghiệm trên thế giới. Và lòng tham luôn giàu sáng kiến hơn sự tử tế. Bao giờ cũng thế, sự đểu giả thì xông xáo bạo dạn, sự lương thiện thì rụt rè; sự bất tài thường xấn xổ, tài năng lớn thường ngại ngùng; cái Ác chẳng cần ai bảo vệ, cái Thiện chưa đi một bước đã tổn thương.

Ai còn mong đòi bản quyền những chiêu chặt chém vô đối cho người Việt, hãy bỏ chút thời gian xem loạt phóng sự Scam City của kênh truyền hình National Geographic. Những thành phố được chiếu cố ở đó theo thứ tự thực hiện là Buenos Aires, Praha, Rio de Janeiro, Barcelona, Rome, Delhi, Istanbul, Bankok, Las Vegas, Marrakech, New Orleans, Mexico City, New York City, Amsterdam, Jerusalem, Mumbai, Paris, London, Bogota và Hong Kong. Thượng Hải với chiêu nữ sinh viên rủ đi uống trà; Manila với chiêu rơi điện thoại, rơi máy ảnh, rơi đủ thứ bắt đền; Phukhet với chiêu đánh dằn mặt còn chưa đến lượt; vậy Đà Nẵng với suất cơm hải sản 200,000 đồng sẽ phải chờ lâu, dù trên một số diễn đàn du lịch quốc tế Việt Nam đã được định nghĩa là đất nước của những số không bất ngờ trên hóa đơn, tất nhiên không phải ở đầu, mà ở cuối số tiền báo giá.

Người điều khiển xe kéo tại London “chém” khách du lịch 206 bảng cho chuyến đi 'ba phút' - NGUỒN METRO.CO.UK

Tôi đã tưởng Nhật Bản là ngoại lệ duy nhất. Tôi từng xem một bộ phim, cả tên lẫn nội dung nay đều quên, chỉ nhớ duy nhất một câu nói trong một tình huống: nhân vật nữ, một cô gái - không phải người Nhật - đòi chia tay với nhân vật nam, một người Nhật. Cô trách anh nói dối. Chàng trai Nhật chìa ra một bộ mặt sửng sốt vô hạn và chỉ biết lắp bắp: Không, không thể có chuyện đó, anh không nói dối, vì anh là người Nhật, em hiểu không, vì anh là người Nhật.

Giữa phim ảnh và đời thực tất nhiên có một khoảng cách, ít nhất bằng đoạn từ màn hình chiếu bóng xuống hàng ghế đầu trong rạp. Chính sách thông tin của cả Tập đoàn Điện lực TEPCO lẫn nhiều cơ quan nhà nước và cả hệ thống truyền thông chủ lưu ở Nhật trong đại họa hạt nhân ở Fukushima khó có thể gọi là thành thực. Người Nhật cũng có thể nói dối, ở trình độ chết người. Nếu cứ theo phim hình sự Bắc Âu thì trong mỗi chiếc tủ Ikea mà ta tự tay lấy từ trong kho ra khuân về nhà và tự tay lắp ghép đều có một xác chết, song tôi vẫn bị sốc vì lập luận quá sức giản dị của chàng trai Nhật trong bộ phim vừa kể. Ấn tượng từ hai tuần ở Nhật càng khiến tôi tin rằng đất nước ấy luôn là một ngoại lệ. Song ngoài TEPCO Nhật còn có Kabukicho, với những pha cắt cổ khách làng chơi không khác ở khu đèn đỏ Reeperbahn khét tiếng của Hamburg.

Loạt phóng sự Scam City của kênh truyền hình National Geographic, phóng viên Conor Woodman - NGUỒN POPTOWER.COM

Có lẽ chỉ còn Bắc Triều Tiên và Vương quốc Bhutan. Một nơi thì bạn muốn chìa cổ ra để chém cũng không được, kể cả khi đã húi đầu cạo gáy theo style Chính Ân. Một nơi thì ra chỉ tiêu, mỗi ngày bạn phải chi bao nhiêu để dân bản địa duy trì Chỉ số Hạnh phúc Quốc gia. Tối thiểu mỗi ngày 200 dollar, và mỗi bước chân du khách đều do chính quyền kẻ mực.

*
Không phải chỉ người Việt mơ làm giàu, song giấc mơ Việt hoang đường hơn những giấc mơ ở nơi khác. Xuất phát từ một số không tròn hơn số không thông thường, hành trình từ không đến có của chúng ta nhuộm màu siêu thực. Là người đến muộn, chúng ta phải chạy nước rút. Phải cuống cuồng mọc cho bằng hết những ung nhọt của du lịch đại chúng khắp thế giới, cho đến khi cơ thể không còn chỗ nào lành. Như chúng ta đã học khóa cấp tốc về chủ nghĩa tư bản, để sống bản tóm tắt kinh dị của nó cho đến khi có lịch lên chủ nghĩa xã hội. Chúng ta không muốn, không thể và không biết đợi, trong khi tất cả những gì tốt lành bền vững đều cần rất nhiều thời gian.

Tôi không thấy nạn lừa gạt chặt chém du khách ở Việt Nam là cái gì quá khác thường. Người Việt lừa gạt chặt chém mọi lúc mọi nơi và trong mọi lĩnh vực, cớ sao ngành du lịch phải làm một ngoại lệ? Chính quyền thì tham nhũng và kém hiệu quả, dân chúng thì lầm than và mông muội, luật pháp thì bát nháo, luân lý thì chao đảo, văn hóa thì nhộn nhạo, ngôn ngữ thì thô bỉ phũ phàng, con người thì hành hạ nhau và là nạn nhân lý tưởng của nhau, thời của nước đục thả câu, một đất nước như thế ắt phải có một ngành du lịch như thế.

Trên toàn thế giới du khách đều có thể bị lừa gạt và chặt chém, song ở Việt Nam họ tất yếu bị lừa gạt và chặt chém.






Nạn lường gạt, chặt chém đã trở thành bản sắc quốc gia? - NGUỒN WWW.TAYBACHOTEL.COM

22/1/2016
P.T.H.

Được đăng bởi bauxitevn vào lúc 07:1






No comments:

Post a Comment