Monday, February 1, 2016

3 KHOẢNH KHẮC ĐÁNG NHỚ TRONG LẦN TRỞ VỀ (Nguyễn Anh Tuấn)






Nguyễn Anh Tuấn
Tue, 02/02/2016 - 00:00 — nguyenanhtuan

Dù không quá xa lạ với việc đối thoại cùng cơ quan an ninh, vì gần 5 năm trước mình đã có khá nhiều lần tới lui số 7 Nguyễn Đình Chiểu (Cơ quan An ninh Điều tra BCA) nhưng thú thật là vẫn có những bỡ ngỡ và trải nghiệm khó quên trong lần trở về này. Theo yêu cầu của một số người bạn, mình xin chia sẻ 3 điều đáng nhớ nhất:

10:30pm : Chạnh lòng

"Qua Siem Reap làm gì vậy anh?", bạn an ninh xuất nhập cảnh hí húi vào hộ chiếu của mình, tiếp tục dò xét trong khi dòng người xếp hàng ngày càng dài hơn, "Sao đi lâu vậy mà không về?" "Sao đi nhiều nước thế?" "Ở nước ngoài làm gì?" "Về làm gì?" "Lúc nào đi lại?". Tất cả đều cộc lốc, xa lạ với tinh thần phụng sự cần có của nhân viên công quyền.

Hóa ra bạn ấy đang câu giờ để chờ một cán bộ an ninh khác tới mời mình ra ngồi ở băng ghế chờ.

Trong hai giờ đồng hồ ngồi đó, nhìn dòng người Hàn Quốc, Trung Quốc tíu ta tíu tít được đón tiếp nồng hậu trên quê hương, mình không khỏi có chút chạnh lòng và tự hỏi nhiều điều:

"Sao các nhà ga quốc tế Việt Nam không có dù chỉ là một hàng dành riêng cho công dân của nó, như nhiều nước?"

"Sao an ninh xuất nhập cảnh cứ thích hỏi han và làm khó dễ người Việt đi ra nước ngoài hoặc trở về, nhưng lại khá thoải mái với người nước ngoài?"

"Sao nạn vòi vĩnh tiền, lấy hàng ở các sân bay Việt Nam chỉ toàn diễn ra với người Việt (gồm cả người gốc Việt) chứ gần như hoàn toàn không diễn ra với người nước ngoài; và sao tình trạng này mãi không chấm dứt dù đã bị lên án nhiều lần và không quá khó để giải quyết?"

Dường như có một bí mật nào đó đằng sau những thực tế trên. Mình đoán rằng nhà nước có chủ đích làm những điều này, hoặc ít nhất là không có nỗ lực chấm dứt chúng, vì lẽ họ muốn gây trong lòng người Việt, ở mỗi lần ra đi và trở về - những lần nhắc nhớ về ý niệm Tổ quốc - một mối ác cảm với đất nước để không còn yêu và thương nó nữa. Sao họ lại làm vậy? Đơn giản thôi, khi con người ta không còn yêu và thương, họ sẽ mặc kệ. Những người nắm quyền không mong gì hơn được đứng đầu một quốc gia với những người dân mặc kệ đất nước, miễn sao vẫn đóng thuế đầy đủ nuôi họ.

Là đủ.

"Nhưng mấy ông bà ơi, ít nhất chiến thuật này thất bại với tôi rồi. Dù bị hành tỏi cả lúc đi lẫn về song tôi vẫn yêu và thương Việt Nam của tôi lắm, và tôi sẽ không mặc kệ nó."

1:00am: Im lặng thở dài

Trong chuyến taxi đưa mình về CAP Hòa Thuận Tây để làm việc (thay vì trụ sở CA TP như thông báo ban đầu để mình nhắn cho ba mẹ với lý do được đưa ra là không có chìa khóa phòng), mình có dịp trao đổi với hai anh an ninh đi cùng về Bí thư mới đắc cử Xuân Anh.

"Mấy anh thấy Bí thư mới Xuân Anh thế nào?"

Thấy mấy ảnh im lặng, mình hỏi tiếp: "Em ở xa cũng không biết sao, chỉ thấy sao mới nhậm chức 3 tháng, báo chí đã đặt vấn đề đất đai, 12 lô ngoài biển có dính dáng tới gia đình Bí thư?"

"Thì báo chí, người dân có quyền nêu thắc mắc chứ?", một trong hai anh trả lời.

"Vâng, em có người quen trước làm Báo Thanh Niên, nói Xuân Anh lúc ở đó cũng chẳng có gì nổi bật cho lắm. Bạn em nhiều người làm trong cơ quan nhà nước ở thành phố mình cũng tỏ vẻ không hài lòng khi một người chỉ mới vào làm 4-5 năm đã đứng đầu toàn thành phố thế này. Mấy anh nghĩ sao?"

Im lặng hơi lâu, chỉ còn tiếng thở dài...của bác tài taxi. :)

4:00am: Nửa mừng nửa lo

Câu chuyện đôi bên dần trở nên hào hứng khi phần mình nói về vai trò của các tổ chức xã hội dân sự với cộng đồng và những trải nghiệm thực tế của mình về điều này ở nhiều nước nhận được sự hưởng ứng của mấy ảnh, hoặc ít nhất trong cảm nhận của mình là thế.

Một trong hai anh còn nói với mình rằng chủ đề 'xã hội dân sự' hiện được dạy ở rất nhiều trường đại học trong cả nước. Nghe tới đó mình mừng thực sự vì lúc mình học Đại học ở Việt Nam khái niệm này còn mới mẻ lắm, và ít nhất, đối với những cán bộ an ninh, 'xã hội dân sự' dường như đã không còn quá xa lạ, và có vẻ họ cũng không có ác cảm với nó cho lắm.

Song, ngay lập tức mình tự hỏi thế thì vì sao trên khắp mọi miền đất nước thời gian qua, những nhà hoạt động nhân quyền vẫn bị đánh đập, sách nhiễu; những tổ chức xã hội dân sự vẫn bị ngăn cấm, quấy phá.

Nghĩ tới đó, không dám nghĩ nữa vì cái lo bỗng choán hết chỗ nỗi mừng.







No comments:

Post a Comment