Tuesday, January 26, 2016

VIỆT NAM THUA TOÀN DIỆN KHI CHƠI VỚI HÀN QUỐC (Cafe Ku Búa)





26/01/2016

Người Hàn Quốc (HQ) có nhận xét chung là người Việt Nam (VN): “순진하다”, dịch theo nghĩa tốt thì là thật, trong sáng, còn dịch theo nghĩa đen thì là đơn giản, ngây thơ.
HQ và VN đã có hai mươi năm hợp tác trên nhiều lĩnh vực. Các bài phát biểu khoa trương cho rằng hai bên đạt được nhiều thành tựu tốt đẹp, là đối tác chiến lược toàn diện. Nhưng nhìn vào số liệu thống kê, thì VN luôn thua toàn diện trong cuộc chơi này.

Về kinh tế
Khi đàm phán hiệp định thương mại tự do, HQ đàm phán rất căng các mặt hàng như tỏi, hành.. Ý của họ là, nếu có ký hiệp định này thì VN cũng chẳng có gì để xuất cả.
Khỏi phải bàn đến hiệp định thương mại tự do 2015 (và các hiệp định sắp tới) khi phát huy hiệu lực sẽ thâm hụt ra sao, trong hai mươi năm qua, VN đã luôn nhập siêu từ HQ, thậm chí nhập siêu rất nhiều. Vẫn biết do các công ty HQ đầu tư sang nên nhập nguyên liệu nhiều, nhưng điều đó không nói lên tất cả.
Mới đây báo chí HQ đưa tin VN trở thành một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của HQ. Năm 2014, VN chỉ xuất được sang HQ 6,63 tỷ USD, chủ yếu là thủy sản, quần áo, trong khi HQ xuất sang VN 20.7 tỷ USD, tăng 33.2% mỗi năm.

Về đầu tư
Các tập đoàn của HQ đầu tư vào VN chỉ là những nhà máy lắp ráp đơn thuần. Gần như không có bất cứ sự chuyển giao kĩ thuật hay bản địa hóa công nghệ nào cho VN. Đơn giản, họ không chịu nổi giá gia công và ăn cắp công nghệ từ Trung Quốc nên mới sang VN. Chẳng có gì đáng ca ngợi ở đây cả!
Năm 1989, Mĩ áp thuế hàng loạt hàng may mặc của HQ. Giá nhân công tăng khiến cho các doanh nghiệp dệt, sợi, may mặc HQ phải đầu tư sang các nước khác. Vậy thì, các doanh nghiệp này sang VN cũng chỉ vì giá nhân công rẻ thôi, chứ chẳng phải yêu quý gì đâu. Mai mốt họ lại chuyển qua nước khác…
Nhiều người VN nghĩ các công ty dệt may HQ sang VN yêu quí Việt Nam nên mới sang đầu tư. Mơ mộng quá!

Về văn hóa
Trên thế giới, chẳng có nước nào yêu quý văn hóa HQ (phim, nhạc, thời trang) nhiều như VN. Thậm chí người Việt giờ còn coi HQ là một chuẩn mực cho mình: đẹp như diễn viên HQ. Người VN hiểu khá nhiều về văn hóa HQ, trong khi người HQ hiểu rất ít về văn hóa VN. Thậm chí họ vẫn coi VN gần như Bắc TT – đất nước cộng sản, nghèo nàn, lạc hậu.
Phim HQ được chiếu tràn lan ở VN – từ truyền hình cho đến internet. Nhưng ở phía ngược lại, không bộ phim nào của VN được chiếu ở truyền hình HQ – trừ phim truyền hình về VN. Người VN sợ người HQ như sợ cọp, ca ngợi người HQ như thiên thần. Nhưng người HQ coi người VN bầy cừu ngây thơ để họ vặt lông và làm thịt.
Doanh nghiệp HQ sang VN tuyển dụng lao động, rồi vi phạm luật lao động, vi phạm nhân quyền ngay tại đất nước VN. Một chuyện hoang đường giữa thế kỷ 21 mà giới chức VN vẫn để yên.

Về giáo dục
HQ hiện có bốn trường đại học có khoa tiếng Việt, còn ở VN 14 trường có khoa tiếng Hàn. HQ không có trung tâm tiếng Việt nào tử tế. Còn VN có cỡ 15 trung tâm tiếng Hàn, phần lớn là người HQ thành lập. Dạy thu tiền người VN chơi như thật. Còn người VN thì cặm cụi học và coi đó là sành điệu.
Du học sinh VN ở HQ hiện khoảng 5000 người, mỗi năm tốn bao nhiêu tiền du học. Còn người HQ sang VN học không đáng kể. Có chăng chỉ là học tiếng vài bữa rồi bỏ. Người VN phải học tiếng Hàn để xin việc, còn người HQ chẳng cần học, họ bắt người VN học tiếng họ rồi mới nhận việc.

Mức độ xâm nhập lẫn nhau
HQ xâm nhập vào VN toàn diện. Lớn là Hyundai, Samsung, Daewoo, LG…,  nhỏ là các cửa hàng cà phê với thức ăn nhanh. Còn VN thì chẳng xâm nhập được gì vào HQ ngoài đưa người sang làm thuê, giúp việc và làm vợ những anh chàng ế.
Người HQ ở VN nhận được nhiều ưu đãi. Có đến 120 ngàn người HQ (đông nhất ở nước ngoài từ sau 1980) ở VN. Họ làm đủ nghề: kinh doanh, buôn bán, cho vay…, làm gì cũng dễ… Còn người VN thì bị hạn chế nhiều thứ ở HQ, bị coi chẳng ra gì.
Hàng hóa HQ tràn ngập ở VN, từ nhỏ đến lớn, từ sâu rum này sang siêu thị khác. Hàng hóa VN sang HQ chỉ là thủy sản và ít trái cây. Các doanh nghiệp HQ sang đầu tư ở VN các mảng về sản xuất, điều vận đang giành hết lợi ích (miếng ngon) của các doanh nghiệp VN.
Người HQ sang VN làm quản lý, người VN sang HQ làm thuê. Người HQ sang VN chỉ cần vốn là tiếng Hàn là đã đủ sống, thậm chí sống khỏe. Người VN sang HQ thì bỏ mạng xứ người, làm việc như trâu bò, súc vật.

Mức độ phụ thuộc lẫn nhau
VN ngày càng phụ thuộc vào HQ. HQ không có VN cũng chẳng sao cả. Nhưng VN không có HQ thì thực sự là rất khó khăn.
Năm 2014, kim ngạch xuất khẩu của Samsung VN bằng 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước VN. Vốn viện trợ ODA của HQ là nguồn tài chính tốt cho chính phủ VN. Nguồn thu từ xuất khẩu lao động sang HQ là nguồn thu hiệu quả.
HQ cắt chỉ tiêu lao động bốn năm nay khiến VN đứng ngồi không yên. Không có các nhà máy HQ chắc VN không biết làm thế nào để giải quyết gần 500 ngàn công ăn việc làm cho người lao động.
VN có tiếng nói với Bắc TT trong quan hệ liên triều, nhưng gần đây, từ khi KJU lên, thì không còn mấy hiệu quả. Trong quá khứ, nếu không có sự tham chiến của gần 300 ngàn lính HQ tại VN, thì HQ không có ngày hôm nay. Chiến tranh VN đã hỗ trợ HQ phát triển!

Bình đẳng quan hệ
HQ nắm quyền chủ động trong rất nhiều vấn đề. Từ đầu tư kinh tế, cho đến giao lưu con người (văn hóa).
Người VN sang HQ phải chờ được cấp thị thực (visa), xin trầy trật. Còn người HQ sang VN thì thoải mái. Gia hạn thị thực cũng rất dễ dàng. Người HQ ở VN dễ dàng truyền đạt ý kiến của mình đến cán bộ cấp cao. Còn người VN ở HQ thì làm tu nghiệp sinh (một hình thức bóc lột) và chỉ mới được thừa nhận là người lao động (được thỏa thuận lương, tham gia bảo hiểm…)
Những ý kiến từ VN, có vẻ HQ không lưu ý lắm. Tổng thống Lee Myong Park (2008-2013) còn suýt thừa nhận những người lính HQ tham chiến tại VN là những người có công với đất nước. Mấy năm gần dây, Nhật Bản còn lên tiếng ủng hộ VN về vấn đề biển đảo, còn HQ thì chỉ im lặng, không nói gì. Chiến tranh VN kết thúc đã 40 năm, nhưng HQ vẫn chưa chính thức xin lỗi VN.

Tổng kết
Người VN hễ cứ nói gì là sợ ảnh hưởng đến “quan hệ ngoại giao”, người HQ đã không chơi đẹp, thì làm sao chúng ta phải sợ? Nói thế, nhưng thành thật, người HQ vẫn dễ chơi hơn cả! Họ cũng “máu đỏ da vàng”, dễ đồng cảm, dễ sẻ chia giống mình… Duy chỉ có điều, mình ngây thơ quá!

Phản hồi của Hanami trên Góc nhìn Alan.





No comments:

Post a Comment