Sunday, January 3, 2016

Mối đe dọa mới từ Trung Quốc (Xergey Aksyonov - Russkaia Planeta)






Xergey Aksyonov  -  Russkaia Planeta
Được đăng ngày Chủ nhật, 03 Tháng 1 2016 04:43
http://ethongluan.org/index.php?option=com_content&view=article&id=21003:m-i-de-d-a-m-i-t-trung-qu-c-xergey-aksyonov&catid=66&Itemid=301
  
Lời nói đầu : Không hiểu sao trong những ngày cuối năm cũ, đầu năm mới này (cụ thể là ngày 30/12) tờ "Russkaia Planeta" (Nga) lại cho đăng một bài có nội dung "u ám" như vậy của tác giả Xergey Aksyonov về triển vọng mối quan hệ Nga-Trung liên quan đến một chính sách của Trung Quốc bắt đầu có hiệu lực từ 01/01/2016.
Nhưng dù sao đọc cũng thấy thú vị và có nhiều liên tưởng nên xin phép dịch lại và giới thiệu cùng bạn đọc (Ảnh của bài trên "Russkaia Planeta").

***********************

Trung Quốc bỏ chính sách "mỗi gia đình chỉ có một con" - mối nguy hiểm đối với Nga

Chính sách dân số của Trung Quốc sẽ có những thay đổi cơ bản. Từ 01/01/2016 nguyên tắc "mỗi gia đình sẽ có một con" sẽ được bãi bỏ. Đất nước này sẽ có tốc độ tăng dân số nhanh hơn, còn các nước láng giềng sẽ phải đau đầu trước người khổng lồ đang tăng trưởng nhanh và mạnh hơn này.

Những lợi ích của Nga với đối tác chiến lược là Trung Quốc sau khi "xoay trục" sang hướng Đông sẽ bị thiệt hại. Sự hợp tác vô hạn độ và thiếu suy nghĩ (của Nga) với Trung Quốc sẽ có nguy cơ biến thành sự đối đầu căng thẳng trong tương lai.

Trung Quốc đã thực hiện chính sách kiềm chế tốc độ tăng trưởng dân số bằng cách này hay cách khác suốt từ sau chiến tranh đến nay. Nhưng Chương trình "mỗi gia đình chỉ có một con" được áp dụng từ năm 1979 là thành công nhất. Nguyên nhân buộc (Trung Quốc) phải hạn chế tốc độ tăng dân số là do thiếu nghiêm trọng nguồn tài nguyên đất đai canh tác, nguồn nước và năng lượng.

Ảnh : XUE JUN/LANDOV/ТАСС

Nền kinh tế Trung Quốc không đủ khả năng nuôi tất cả công dân của mình. Trẻ em trên thực tế là "một cái miệng ăn theo", và tốt nhất là không nên có nhiều những "miệng ăn theo" như vậy. Chính sách hạn chế sinh đẻ được thực hiện chủ yếu bằng các biện pháp kinh tế : nếu vi phạm nguyên tắc này, gia đình khổ chủ phải đóng một khoản tiền phạt tương đương với thu nhập trong mấy năm liền.

Chương trình được áp dụng tương đối linh hoạt và có nhiều ngoại lệ. Ví dụ, cư dân nông thôn (có hàng trăm triệu người) không thuộc diện điều chỉnh của chương trình này. Dân cư Bắc Kinh cũng có thể có 2 con nếu như cả bố và mẹ đều là con duy nhất trong gia đình của mình.

Tuy nhiên, nhờ thực hiện chương trình này mà tỷ lệ sinh trung bình của một phụ nữ đã giảm từ 5,8 con xuống còn 1,8 con. Kết quả là đến năm 2000, Trung Quốc đã duy trì được mức dân số khoảng 1,2 tỷ người. Vấn đề "các miệng ăn theo" đã được giải quyết.

Còn bây giờ thì chính sách hạn chế cứng rắn trên sẽ được bãi bỏ và, không còn nghi ngờ gì nữa, sẽ ảnh hưởng đến tốc độ tăng dân số. Trong năm 2014 Trung Quốc đã có thêm 17 triệu trẻ em - tương đương với dân số của cả một nước Châu Âu.

Sau khi mỗi gia đình được phép sinh hai con, khả năng mỗi năm sẽ có thêm 3 triệu trẻ em mới sinh nữa (cộng với con số 17 triệu). Nguyên nhân dẫn tới quyết định tăng tỷ lệ sinh, cũng như nguyên nhân dẫn đến việc hạn chế - đó là các nguyên nhân xã hội- chính trị : dân tộc Trung Quốc đang già đi, giới trẻ Trung Quốc đang ở lứa tuổi lao động đã không thể đảm bảo cho lớp người cao tuổi.

Một nhân tố khác không kém phần quan trọng - đó là những thay đổi trong nền kinh tế Trung Quốc trong các thập niên vừa qua. Nền kinh tế này tăng trưởng với tốc độ ấn tượng - trung bình 9,5%/ năm. Theo số liệu của Liên Hợp Quốc, tổng GDP của Trung Quốc đã tăng từ 263 tỷ đô la năm 1979 (đứng thứ 8 trên thế giới) lên 7.200 tỷ như hiện nay (thứ 2 thế giới).

Những chỉ số về số lượng cũng cho thấy sự khác nhau về chất lượng giữa Trung Quốc năm 1979 và Trung Quốc hiện nay. Nếu như 36 năm trước đây mỗi một người Trung Quốc "thừa" là một " miệng ăn theo" theo đúng nghĩa đen của từ này, thì hiện nay người đó là công nhân, nhà sản xuất, là những người bằng sức lao động của mình đóng góp vào sự tăng trưởng sức mạnh kinh tế Trung Quốc.

Kế hoạch của Đặng Tiểu Bình và đường lối cứng rắn của ĐCS Trung Quốc trấn áp sự thâm nhập "dân chủ" trong xã hội nước này đã thành công. Trong thời gian đầu, Bắc Kinh sao chép những thành tựu của nước ngoài, mua công nghệ và chỉ là "xưởng lắp ráp" của thế giới.

Nhưng sau đó Trung Quốc đã giáo dục cả một thế hệ cán bộ có trình độ cao và điều đó cho phép nước này bắt đầu chuyển từ sao chép sang tự sản xuất. Nói thêm, chính Nhật Bản cũng hành động như vậy trong thời kỳ sau chiến tranh.

Cùng với việc giải quyết vấn đề cán bộ, Trung Quốc đồng thời giải quyết vấn đề thiếu hụt tài nguyên. Để làm được điều này, Trung Quốc đã "đột nhập" vào Châu Phi theo nghĩa bóng, tích cực mua các hợp đồng nhượng quyền và cuối cùng đã thành nhà đầu tư chủ chốt trên lục địa này.

Kim ngạch thương mại của Trung Quốc với các nước Châu Phi gấp 2,5 lần con số tương tự của Mỹ. Trong khi Lục địa cũ (Châu Âu) hoài niệm và tự dày vò mình về quá khứ thuộc địa và chủ yếu làm công tác nhân đạo, Trung Quốc miệt mài chiếm lĩnh những không gian sống mới cho mình. Và đã thành công.

Và như vậy, đến thời điểm hiện tại Thiên Triều đã có một đội ngũ cán bộ nòng cốt, cơ sở tài nguyên tối thiểu và một điều không kém phần quan trọng nữa, là một cơ sở hạ tầng công nghiệp và vận tải được xây dựng gần hoàn chỉnh trong nhiều năm.

Những nền tảng cho sức mạnh tương lai đã được chuẩn bị xong. Chính đây là lúc bắt tay vào việc tăng cường tiềm lực con người - chúng ta có thể thấy rõ qua việc bãi bỏ chính sách "mỗi gia đình chỉ có một con".

Đối tác nguy hiểm

Mặc dù công nghệ - công nghệ dân sự và quân sự,- có ý nghĩa rất quan trọng, nhưng sự vượt trội về dân số vẫn có rất nhiều ưu thế. Rất có thể, còn có ưu thế nhiều hơn trước kia. Chỉ cần xem lại một số cảnh quay cách đây không lâu về hàng trăm nghìn người tỵ nạn tràn vào lãnh thổ Châu Âu.

Mặc dù có ưu thế vượt trội về công nghệ những EU đã không thể bảo vệ được mình. Không thể bắn vào những người tỵ nạn vì những giá trị mà chính Châu Âu đã tuyên truyền phổ biến trong một thời gian dài và không thể từ bỏ các giá trị đó trong phút chốc.

Trong tương lai, những cảnh tượng tương tự như vậy có thể lặp lại, ví dụ , như ở biên giới Nga - Trung.

Điều gì sẽ xảy ra, nếu như hàng triệu người dân lỉnh kỉnh đồ đạc tiến về hướng Sibiri ? Liệu Nga có đủ quyết tâm để tấn công họ bằng "Grad" như đã từng làm ở Đảo Damanski ? Và sau đó sẽ là gì, nếu như sau lưng những người dân thường Trung Quốc là một quân đội siêu hiện đại ?

Tiện đây cũng xin bổ sung, một "cách làm" như vậy đã từng được M. Gaddafi thử thực hiện khi khiêu khích Ai cập bằng cách cho hàng triệu người "Lybia mong muốn ôm những người anh em đồng đạo trong vòng tay thân ái của mình". Cairo khi đó phải rất vất vả mới xử lý được thách thức này.

M. Gaddafi Ảnh : HAMZA TURKIA/ТАSS

Mối đe dọa Trung Quốc thường được mô tả giống như một con ngáo ộp nào đó. Trong thời gian gần đây, chỉ những kẻ lười mới không nói đến mối đe dọa này. Nhưng chính các sự kiện có tính tận thế đã từng xảy ra trong lịch sử theo đúng kiểu như vậy.

Ngày hôm qua còn không có vấn đề gì , nhưng ngày mai thì đã không thể còn ngăn được thảm họa nữa. Nếu nước Nga không muốn có một lúc nào đó lầm vào một tình thế không thể sửa chữa được, thì phải áp dụng các biện pháp ngay từ hôm nay.

Trước hết, cần phải đánh giá đúng những gì đang xảy ra. Việc bãi bỏ những hạn chế tỷ lệ tăng dân số (của Trung Quốc) - đó là một tín hiệu báo nguy hiểm chắc chắn. Trước tín hiệu này thì mọi lợi lộc có thể có từ quan hệ đối tác kinh tế đều trở nên mờ nhạt. Hơn nữa, khi mà quan hệ đối tác này mang tính chất bành trướng rõ rệt.

Cho thuê đất ở Sibiri, xây dựng các xí nghiệp Trung Quốc ở Viễn Đông, mời các nhà đầu tư Trung Quốc tham gia vào các dự án hạ tầng bên trong nước Nga như sửa chữa tuyến đường xuyên Sibiri hay xây dựng tuyến đường cao tốc "Matxcova- Kazan" -tất cả những cái đó đều có nghĩa là giao nộp không gian sống của chính mình, của chính nước Nga (cho Trung Quốc).

Các quan chức địa phương " hồ hởi" tham gia vào tất cả các dự án xuyên biên giới cùng có lợi các kiểu, vì biết chắc chắn phần mình sẽ được lót tay.

Các quan chức lớn cấp Liên Bang cũng luôn ‘vui mừng" hành xử theo tình thần "đường lối chung", dù đó là là xây dựng chủ nghĩa tư bản tự do hay chương trình thay thế hàng nhập khẩu được thực hiện trong liên minh với Trung Quốc mà không ai biết lý do tại sao.

Tuy nhiên, khi kẻ mạnh và kẻ yếu xích lại gần nhau (kinh tế và dân số Trung Quốc gấp Nga hàng chục lần) thì bao giờ kẻ mạnh cũng thắng. Trong trường hợp với Trung Quốc thì những lợi ích ngắn hạn sớm hay muộn cũng biến thành sự cưỡng ép cứng rắn, dù có những cam kết yêu hòa bình mới đây của đồng chí Tập (nguyên văn) đi chăng nữa.

Sẽ có ngày đẹp trời nào đó những người khác lên thay đồng chí Tập, và họ sẽ không bị trói buộc bởi những cam kết của người tiền nhiệm. Chính vì thế mà đường lối duy nhất đúng của Nga chỉ có thể là dựa vào chính sức mình.

Danh mục nổi tiếng trong lịch sử về "những đồng minh" - tức quân đội và hạm đội - cần phải được bổ sung thêm : một nền kinh tế thực sự mạnh của chính mình và một chính sách dân số thích hợp.

Không có một nước Phương Tây cũng như Phương Đông nào có thể làm thay công việc của người Nga. Đã đến lúc phải chấm dứt việc mê mẩn những thành tựu của kẻ khác, kể cả đó là của những người Trung Quốc.

Rất không lâu nữa, dân số của họ sẽ là 1,5 tỷ người. 

Xergey Aksyonov (theo Russkaia Planeta).
Lê Hùng (dịch)

Nguồn : Đất Việt, 02/01/2016






No comments:

Post a Comment