Saturday, January 30, 2016

KHÔNG LÃNG PHÍ NHÂN TÀI (Ngọc Việt - Giáo Dục)





Ngọc Việt  -  Giáo Dục
29/01/16 07:04

(GDVN) - Ông Lý Quang Diệu đã biết trước xã hội Singapore sẽ hình thành lực lượng đối lập trong chính trị dù đất nước có phát triển và đạt được nhiều thành công.

Ngày 27/1 The Straits Times đưa tin, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã đưa ra đề xuất ba điểm cho việc đổi mới chính trị tại nước Cộng hòa Singapore mà theo ông là để cho kịp với sự phát triển của đất nước trong thời đại mới.

Trong ba điểm chính ấy có nội dung về việc nâng số lượng ghế tối thiểu cho các Nghị sĩ đối lập trong Quốc hội Singapore bởi vì hiện nay số ghế của các lực lượng đối lập giành được quá ít – chỉ có 9 ghế giành được trong cuộc bầu cử hồi tháng 9/2015. Số tối thiểu mà ông Lý Hiển Long đề xuất cho phe đối lập trong các cuộc bầu cử tiếp theo là 12 ghế.

Theo đề xuất mới này, sẽ có những đại diện của phe đối lập không trúng cử vì giành được ít phiếu bầu nhưng sẽ trở thành những Nghị sĩ không đầy đủ, có quyền và nghĩa vụ gần như một Nghị sĩ quốc hội thực thụ.

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, ảnh: AP.

Tại sao Thủ tướng Lý Hiển Long lại tạo điều kiện cho những người đối lập với mình khẳng định sức mạnh, bởi theo lẽ thường tình thì sức mạnh của họ sẽ là mầm móng đe dọa sự chính quyền của ông và đảng Nhân dân Hành động (PAP) cầm quyền?

Không lãng phí nhân tài

Đề xuất đảm bảo số ghế tối thiểu cho những người đối lập, những người bất đồng chính kiến với chính phủ và đảng Nhân dân Hành động đã được cố Thủ tướng Lý Quang Diệu nêu lên từ nắm 1984 – khi mà đảng PAP chiến thắng tuyệt đối mọi cuộc bầu cử tại đảo quốc Sư tử này, theo The Straits Times.

Dư luận cho rằng ý tưởng này có thể được xem là tầm nhìn “vượt thời đại” của ông Lý Quang Diệu bởi hai lý do. Thứ nhất, ông đã nhìn thấy sự phát triển của xã hội bắt đầu từ bất ổn rồi được định hình trong sự ổn định. Và trong quá trình phát triển ổn định thì những mầm mống của sự bất ổn xã hội lại hình thành.

Nghĩa là, theo cảm nhận thì ông Lý Quang Diệu đã biết trước xã hội Singapore sẽ hình thành lực lượng đối lập trong chính trị dù đất nước có phát triển và đạt được nhiều thành công như thế nào đi chăng nữa. Bởi lẽ, mọi lợi ích kinh tế mà người dân nhận được sẽ luôn nằm trong sự cảm nhận là họ không công bằng với những người khác.

Từ không công bằng về lợi ích kinh tế sẽ hình thành nên bất bình đẳng về lợi ích chính trị và từ đó sẽ xuất hiện những người đối lập về chính trị, bất đồng về chính kiến. Lực lượng đối lập với chính quyền sẽ hình thành và dần sẽ trở thành một lực lượng tham gia vào đời sống chính trị. Điều đó sẽ hình thành nên sự cạnh tranh chính trị trong các cuộc bầu cử tự do.

Lý do thứ hai, sẽ có rất nhiều người muốn đóng góp công sức và trí tuệ cho việc xây dựng đất nước nhưng họ không đồng tình với cương lĩnh chính trị của đảng PAP và không đồng ý với chương trình hành động của chính phủ của PAP.

Điều đó gây ra hai hệ quả. Thứ nhất sẽ có nhiều người rất tài năng nhưng không có cơ hội cống hiến vì bất đồng chính kiến với PAP. Hệ quả tiếp theo là khi những trí tuệ tuyệt vời nằm trong những tư tưởng bất đồng mà không được trọng dụng thì nó sẽ hình thành nên những diễn đàn tranh luận bán công khai, những hoạt động có thể gây nên bất ổn xã hội.

Tổng thống Singapore Tony Tan, Thủ tướng Lý Hiển Long và các thành viên Nội các, ảnh: The Straits Times.

Vì vậy cần có một cơ chế, vừa thu hút được nhân tài phục vụ đất nước, vừa có thể triệt tiêu mầm mống gây bất ổn xã hội bởi những tài năng “hợp lòng nhưng không chung ý” với chính quyền.

Cảm nhận của ông Lý Quang Diệu đã đúng khi lực lượng đối lập gần đây đã có những sự gia tăng đáng kể ảnh hưởng và uy tín qua các cuộc bầu cử tại Singapore, nhất là từ khi Thủ tướng Lý Hiển Long nắm quyền.

Người ta cho rằng ông Lý Hiển Long và PAP kém về chiến lược tranh cử nên để mất ghế. Nhưng theo cá nhân người viết, thực tế không phải như vậy và điều này đã được ông Lý Quang Diệu tiên liệu từ trước.

Tuy nhiên, vì mức sống của người dân Singapore khá cao và xã hội khá ổn định nên người ta dành sự ưu ái cho lực lượng đối lập chưa nhiều. Hiện nay, Quốc hội khóa 13 của Cộng hòa Singapore chỉ có 9/89 ghế Nghị sĩ đối lập được bầu.

Với số lượng ít ỏi như vậy, tiếng nói của họ bị hạn chế và sự dân chủ trở thành hình thức. Từ đó sẽ có những người đối lập có tài năng nhưng không có cơ hội thể hiện tài năng của mình, đóng góp cho đất nước.

Với sự phát triển của công nghệ thông tin như hiện nay, những tư tưởng bất đồng sẽ trở nên lợi hại hơn nếu như nó xuất hiện trên mạng xã hội và hình thành nên một lực lượng chống đối bắt đầu từ cộng đồng mạng. Ông Lý Hiển Long đã nhìn thấy nguy cơ ấy nên đã đề xuất dành số ghế tới thiểu là 12/89 ghế cho phe đối lập.

Nghĩa là nếu phe đối lập giành được ít ghế hơn thì sẽ có những người không đủ số phiều bầu vẫn trở thành những Nghị sĩ không đầy đủ theo cơ chế này. Những người này có quyền lợi và nghĩa vụ gần như Nghị Sĩ Quốc hội được bầu chính thức, chỉ bị hạn chế một số quyền mang tính hiến định dành cho Nghị sĩ thực thụ.

Cùng với 9 Nghị sĩ được chỉ định, Quốc hội luôn đảm bảo sẽ có ít nhất 21 Nghị sĩ quốc hội không phải là thành viên đảng PAP.

Điều này giúp cho chính quyền đạt được cả hai mục đích là thu hút nhân tài và đảm bảo ổn định xã hội. Bởi lẽ, dân chủ không đã còn là hình thức nữa, nó làm cho phe đối lập thấy họ được trân trọng và họ hy vọng tiếng nói của họ sẽ có giá trị trong cơ quan lập pháp. Bên cạnh đó những người đối lập đã được nhà nước tạo một cơ chế để họ thể hiện quan điểm của mình.

Nghĩa là nếu trước đây nhiều ý kiến của họ có thể chỉ là dư luận thì nay được nhà nước tạo cơ chế để trở thành công luận. Vì vậy, họ sẽ không nêu quan điểm của mình qua những trang mạng xã hội và từ đó sẽ không gây nên làn sóng dư luận bất đồng chính kiến mà chính phủ Singapore không thể kiểm soát.

Bất ổn xã hội luôn bắt đầu từ dư luận xã hội. Nay dư luận có cơ hội trở thành công luận thì đương nhiên bất ổn xã hội đã được ngăn chặn từ xa. "Quốc hội luôn luôn là nơi thảo luận và quyết định các chính sách quan trọng, nơi quan điểm đối lập sẽ không bao giờ bị gạt ra và Chính phủ sẽ vận dụng những ý tưởng đối lập vào chương trình hành động của mình”, Thủ tướng Lý Hiển Long nói, theo The Straits Times.

Như vậy, đây là một sự tiết kiệm cho tương lai, mà cụ thể là không lãng phí tài năng và không phải sử dụng tài năng vào việc khống chế hay triệt tiêu những tài năng khác vì bất đồng chính kiến – bất bình đẳng trong lợi ích chính trị.

Bảo vệ sự bền vững cho chế độ

Sẽ có người người đặt câu hỏi rằng sự đối lập trong chính trị là nguy cơ làm suy yếu chế độ thì tại sao lại quan niệm đề xuất tăng cường sức mạnh cho phe đối lập tại Cộng hòa Singapore lại là cách thức bảo vệ chế độ được.

Tổng thống Singapore Tony Tan. Ảnh:  The Straits Times.

Tuy nhiên, theo người viết thì bản chất sự việc không hẳn như vậy. Thứ nhất, chế độ chính trị là một thể chế mà biểu hiện thực thể đặc trưng của nó là nhà nước và các tổ chức chính trị khác hình thành nên hệ thống chính trị. Như vậy theo nguyên lý biện chứng, nó sẽ là sự thống nhất của hai mặt đối lập và sự thống nhất ấy đảm bảo sự tồn tại của chế độ.

Ông Lý Hiển Long nói: "Chúng ta cần phải có một hệ thống chính trị mà tất cả các đảng phái chính trị phải chiến đấu hết mình, đáp ứng mong đợi của mọi người dân, và giành quyền trở lại trong mỗi cuộc bầu cử".

Thứ hai, việc đề xuất của Thủ tướng Singapore là tận dụng nhân tài và ngăn chặn nguy cơ gây bất ổn xã hội nên từ đó đảm bảo sự bền vững cho chế độ. Đây là một cơ chế bảo vệ rất “mềm” nhưng rất “chặt”. Bởi lẽ người ta “ăn cây nào rào cây đó” – nghĩa là ai, tổ chức nào, chế độ nào tạo điều kiện và đảm bào quyền lợi cho người dân thì đương nhiên họ sẽ bảo vệ.

Chính quyền Singapore tạo điều kiện cho những người đối lập được đảm bảo quyền lợi chính trị thì họ không thể muốn lật đổ chính quyền, còn những tư tưởng, ý kiến không đồng thuận với chính quyền được xem là góp phần vào việc xây dựng chính quyền trong sạch hơn, vững mạnh hơn theo phép biện chứng về hai mặt đối lập.

Và cũng chính trong việc tranh luận với những ý kiến trái chiều mà chính quyền sẽ thẩm định, sàng lọc để đưa ra được những chính sách, những biện pháp quản lý ưu việt hơn, hợp lòng dân hơn. Nghĩa là chính quyền có một sự phản biện trực tiếp tuyệt vời thông qua cơ chế công luận hóa dư luận bất đồng. Chính quyền sẽ tốt hơn với tất cả người dân - Chính quyền sẽ mạnh hơn.

Còn với đảng Nhân dân Hành động cầm quyền thì giữa họ với những đảng phái đối lập sẽ giảm bớt sự khác biệt - mà có thể hình thành nên nhưng cực đoan mâu thuẫn - thông qua cơ chế đối thoại “người nói có người nghe” này.

Đặc biệt, với những người bất đồng chính kiến, khi đã có “người nghe” rồi thì họ không thể nói vô tổ chức, nói không đúng cách – nghĩa là không thể “bạ đâu nói đó”. Chính quyền Singapore có thể dùng biện pháp của sức mạnh nhà nước đối với những người có tư tưởng đối lập, ý kiến bất đồng không thể hiện theo cơ chế nhà nước đã tạo ra cho họ mà qua đó vị thế và vai trò của họ được nâng lên.

Qua việc thực hiện cơ chế Nghị sĩ Quốc hội không đầy đủ tại Singapore, có thể thấy rằng cố Thủ tướng Lý Quang Diệu, và vây giờ là Thủ tướng Lý Hiển Long đã nghĩ tới việc đảm bảo giá trị của những di sản quý giá mà những người đi trước để lại cho thế hệ mai sau.

Giá trị của những di sản quý giá đó không chỉ là những thành quả mà nhân dân và đất nước Singapore đã đạt được mà còn là cách thức giữ gìn những thành quả ấy – đó là tạo ra những chính sách “vượt thời gian” để khẳng định chế độ chính trị tại Cộng hòa Singapore hiện nay và mai sau luôn là một chế độ ưu việt của toàn thể nhân dân Singapore và nó sẽ luôn luôn bền vững.

“Không ai có thể dự đoán tương lai hay nói về nhu cầu của chúng ta sẽ thay đổi như thế nào. Chúng ta xây dựng hệ thống chính trị là để phục vụ cho các thế hệ tương lai được tốt. Và chúng ta có trách nhiệm thường xuyên tái kiểm định, điều chỉnh và cải thiện hệ thống chính trị quốc gia, trong khi vẫn giữ vững những nguyên tắc nền tảng của nó'', Thủ tướng Lý Hiển Long kết luận.

Ngọc Việt




No comments:

Post a Comment