Sunday, January 3, 2016

Hãy quên đi tức giận (Lê Phan)





Lê Phan
Saturday, January 2, 2016 1:39:55 PM 

Trong năm 2015, nếu bày tỏ ý kiến của mình trên Internet, quý vị có nguy cơ sẽ bị nhận nước dưới những lời phê phán bẩn thỉu. Thành ra trên tờ Guardian của Luân Đôn, một nhà bình luận nói đã đến lúc chúng ta cần có một lời hứa cho năm tới: Phải bớt giận. Hơn thế năm nay chúng ta nên bắt đầu chuyển những năng lượng phí phạm đó sang chuyện khác. Nếu có cách gì chúng ta có thể chuyển những tức giận trên Internet về chẳng hạn như chuyện cái chết của sư tử Cecil thì có lẽ chúng ta có thể gửi được người lên Hỏa tinh rồi.

Trên tay chúng ta hay trên bàn chúng ta có một dụng cụ cho chúng ta được tiếp cận ngay tức thời có thể là toàn kho kiến thức của nhân loại, qua một kỹ thuật tân kỳ của thời đại không gian. Ấy vậy mà tại sao chúng ta cứ hành động như là một kẻ khùng điên? Một phần, nó là khoảng cách giữ những gì chúng ta có thể làm được và những cái gì đã làm. Chúng ta có thể đứng trên một đỉnh núi để nhìn quang cảnh tuyệt vời. Chúng ta có thể khám phá các đại tác phẩm nghệ thuật của nhân loại. Nhưng chúng ta chỉ ngồi trong phòng gửi hình selfies bậy bạ hay nằm trên giường xem video của các con mèo của thiên hạ.

Chưa bao giờ trong lịch sử loài người lại có quá nhiều kỹ thuật với một tiềm năng vô cùng vĩ đại lại lọt vào tay của nhiều người đến thế, và cái sự phí phạm liên tục của nó đáng lẽ phải làm chúng ta tức giận. Cuốn tiểu thuyết chưa hoàn tất, những cuốn sách chưa kịp đọc, và những lớp học chưa bắt đầu. Có thể trong thâm tâm chúng ta đang ước gì mình bỏ thời giờ học một ngoại ngữ. Bản thân tôi muốn học chữ hán để đọc xem người Trung Cộng đang viết gì cho nhau về Việt Nam chúng ta. Nhưng thực ra chúng ta phí phạm thời giờ đọc truyện lẩm cẩm, viết cho nhau những chuyện còn lẩm cẩm hơn. Chuyện Kiều, Chinh Phụ Ngâm hay ngay cả bản dịch Tỳ Bà Hành nổi tiếng chỉ một cái click thôi, nhưng chúng ta có mấy khi google những tác phẩm tuyệt tác đó.

Những cuộc tranh luận trên Internet trở thành những cơn bão táp của một trận chửi thề, còn hàng tôm hàng cá hơn cả các bà hàng cá hồi xưa nữa. Twitter đã không còn biết cười, và đã trở thành một nơi không một câu chuyện khôi hài nào hay một sáng kiến nào có thể tồn tại trước cơn bão tố của hận thù. Mỉa mai hay châm biến không còn có thể hiện hữu nữa. Mọi sự bị im tiếng, tràn ngập bởi hận thù.

Chúng ta trở thành những kẻ chỉ quanh quẩn với nhóm người ngày càng nhỏ không thách thức chúng ta. Chả trách một hệ thống có thể cung cấp biết bao nhiêu thông tin đã xuống cấp trở thành nơi cung cấp những hình mèo con, thú vật dễ thương và các emojis. Làm sao có thể cáo buộc ai đó là có lời lẽ khiếm nhã khi nếu họ chỉ tweet những khuôn mặt đang liếc mắt. Mọi sự phức tạp không còn chỗ đứng. Mèo và những lời nguyền rủa chế ngự Internet. Tới đây có lẽ chúng ta sẽ thấy mèo lên tiếng xỉ vả.

Các cuộc bầu cử cũng chẳng giúp ích gì. Sự tức bực trở thành giận dữ như là những con rối tiếp tục bực mình vì ứng cử viên của mình thất bại. Cũng như những binh sĩ của Đế chế Nhật Bản, không chịu ngưng cuộc chiến tranh ở Thái Bình Dương, Internet tràn ngập những người vẫn còn chiến đấu cho trận chiến hôm qua. Họ vẫn đòi viết lại lịch sử chiến tranh Việt Nam. Họ vẫn còn đòi từ chối thảm sát Mậu Thân. Bên này bờ Thái Bình Dương, họ vẫn tiếp tục chống Obamacare, đòi đóng cửa hệ thống ngân hàng dự trữ Liên Bang Fed.

Rồi thì sự thờ phượng phản ứng cảm tính. Các viện đại học nay có vẻ cố tình giáo dục một thế hệ mới chỉ thích kiểm duyệt hơn là giáo dục. Quá nhiều người coi việc gây xúc phạm là con đường tắt để được chú ý trong bầu không khí nơi những phản ứng cảm tính trở thành một sự thay thế giả mạo cho nhận thức. Dĩ nhiên, dễ dàng hơn và được nhiều người chú ý hơn khi ta diễn tả ai đó là một kẻ thù mà không cần giải thích tại sao mình nghĩ họ sai.

Hành động trên Internet như là hành động khi phải đối diện với những người khác trong một bữa cơm sẽ là một bước khởi đầu tốt. Hãy thử tưởng tượng trong một bữa cơm tối giữa bạn bè, một người nói là ông Trump có quyền mạ lỵ cựu Tổng Thống Bill Clinton, chúng ta hẳn sẽ hỏi người đó tại sao lại nói như vậy thay vì là đứng lên, rướn người sang phía đối diện và la lớn những lời xỉ vả kẻ thù của ông Trump cho đến khi các khách khác chán quá bỏ về.

Dĩ nhiên thật là chán đời khi với khả năng bất tận so với các thời đại khác để khám phá sự vô tận của kiến thức nhân loại chúng ta chọn sự bình thường của cuộc sống của chúng ta. Chúng ta có thể xuất bản bất cứ cái gì, nhưng chúng ta chọn nói xấu kẻ khác.Tức giận đã không đem lại gì cho năm 2015. Mặc cho hơn nửa triệu người Anh ký tên vào kiến nghị đòi không cho ông Trump vào Anh quốc nhưng ông ta vẫn tiếp tục được các cuộc thăm dò dư luận cho là dẫn trước trong đảng Cộng Hòa. Mặc dầu những phản đối vì bất công cho cả người sử dụng lẫn người cung cấp dịch vụ, chúng ta vẫn tiếp tục sử dụng những dịch vụ tiện lợi như Uber hay Amazon. Uber hay Amazon có thể đặt ra một khuôn mẫu doanh nghiệp dựa trên đứng giữa hưởng lợi chỉ vì là trung gian giữa hai nhu cầu, nhưng sự tiện lợi đó đang phá hoại toàn thể cơ cấu nhân dụng hiện tại của chúng ta. Nhưng chúng ta vẫn không từ bỏ được sự lôi cuốn đó.

Họa sĩ Picasso đã tìm cách lập lại bức tranh Las Meninas của Velazquez 45 lần hồi năm 1957 chỉ để nghiên cứu nó. Nhân loại phải cảm ơn ông Picasso là ông đã không trải cuộc đời phân vân là các tác giả của các bài bình luận có thực sự được trả tiền cho những cái rác rưởi họ viết không hay là tweet về đạo đức trong báo chí mỹ thuật.

Thành ra một giải pháp đơn giản nhất cho tất cả chúng ta muốn có được một đóng góp tích cực cho cuộc đời là phải từ bỏ tức giận. Hãy đừng tin là phản ứng phản xạ của mình về một biến cố sẽ thay đổi nó. Thay vì vậy hãy dùng các dụng cụ điện tử mà chúng ta có sẵn để học hỏi một cái gì đó và tử tế hơn với người lạ. Chúng ta có thể thiếu một tí xíu sự thích thú trong giây lát vì có thể bộc lộ sự nhỏ mọn, nhưng có thể thay thế nó với một cái gì quan trọng hơn, một cái gì có thể mang chúng ta xích lại gần nhau hơn, và thực sự có một cơ hội để tạo thay đổi.

Hay là thay vì tức giận và nguyền rủa trên Internet, hãy ra đường đi bộ, tìm đến một vườn hoa hay vào một viện bảo tàng, đi xem hát, sống một cuộc sống thực sự thay vì cuộc sống ảo của Internet. Cuộc đời ngắn ngủi, chôn vùi trong thế giới ảo đó quả thật phí phạm.







No comments:

Post a Comment