Tuesday, January 26, 2016

CHỜ ĐỢI GÌ Ở BẦU CỬ SƠ BỘ IOWA & NEW HAMPSHIRE (Hà Tường Cát / Người Việt)





Hà Tường Cát / Người Việt
Friday, January 15, 2016 6:28:33 PM 

Bài liên quan

-------------------

HOA KỲ - Không bao lâu nữa, mùa bầu cử Tổng Thống Hoa Kỳ năm 2016 sẽ chính thức mở màn với hai cuộc bầu cử đầu tiên ở Iowa và New Hampshire, ngày Thứ Ba 1 tháng 2 sắp tới.

Hình thức và tính chất của hai cuộc bầu cử ấy hoàn toàn khác nhau. Tại Iowa là “caucus” trong khi tại New Hampshire là “primary."

Trước hết nên hiểu rằng tiến trình bầu cử Tổng Thống trải qua hai giai đoạn: bầu cử sơ bộ và tổng tuyển cử. Thủ tục này không phải được quy định bởi hiến pháp mà do các tiểu bang và các chính đảng phát triển qua thời gian lịch sử. Do đó trong sự thực hiện có rất nhiều chi tiết phức tạp và khác biệt. Bài viết này chỉ nói về hai cuộc bầu cử (sơ bộ) đầu tiên tại Iowa và New Hampshire.

Bầu cử sơ bộ nhằm tuyển chọn một ứng cử viên riêng trong mỗi đảng. Thể thức bầu cử có thể là “primary” hoặc “caucus” tùy theo từng tiểu bang, với cùng mục đích đề cử đại biểu tham dự đại hội toàn quốc của đảng. Ở đại hội toàn quốc họp vào tháng Bảy, các đại biểu này sẽ biểu quyết tấn phong một ứng cử viên chính thức đại diện đảng trong cuộc tổng tuyển cử tháng 11.

Khác biệt căn bản giữa hai thể thức bầu cử nói trên là, caucus do đảng tổ chức, còn primary do hội đồng bầu cử của tiểu bang tổ chức giống như những cuộc bỏ phiếu thông thường. Ở New Hampshire, cử tri độc lập được quyền tham gia primary, còn ở Iowa chỉ có cử tri đã ghi danh đảng nào (Dân Chủ hay Cộng Hòa) tham gia caucus của đảng ấy. Caucus, theo định nghĩa, là cuộc họp nội bộ của đảng, không hẳn là cuộc bầu cử mà là một hình thức tuyển chọn đại biểu dự đại hội toàn quốc.

Iowa áp dụng hình thức caucus bắt đầu từ năm 1972. Cử tri không được tự do muốn đến phòng phiếu lúc nào cũng được trong ngày, mà mỗi người phải có mặt vào một thời điểm tại một nơi định sẵn trong số 1,682 “phòng bầu phiếu” để dự cuộc họp. Những nơi này có thể là hội trường, nhà thờ, trường học hay phòng khách của tư gia. Trong cuộc họp ấy mọi người có quyền phát biểu ý kiến vận động cho ứng cử viên. Cuối cùng mỗi người viết tên ứng cử viên mình ủng hộ lên giấy và bỏ vào thùng phiếu, thường đơn giản chỉ là một chiếc hộp, bình gốm hay thủy tinh.

Đó là thể thức caucus của đảng Cộng Hòa. Còn caucus ở Iowa của đảng Dân Chủ diễn tiến phức tạp hơn nhiều, không bầu bằng lá phiếu kín mà tuyển lựa công khai. Sau phần phát biểu vận động, những cử tri cùng ủng hộ một ứng cử viên sẽ lập thành nhóm ngồi vào một khu trong hội trường để ban tổ chức đếm. Ứng cử viên nào không được hơn 15% ủng hộ của số người có mặt trong phòng đương nhiên bị loại. Việc gom người ủng hộ như vậy tiếp tục có thể qua vòng thứ hai, ba,... (những người ủng hộ ứng cử viên bị loại ở vòng trước được quyền chọn ứng cử viên khác nếu muốn).

Cuối cùng khi tất cả ứng cử viên nào còn lại có trên 15% ủng hộ thì sẽ lập danh sách căn cứ theo tỷ lệ, để được phân phối số đại biểu gởi lên quận (county). Caucus của đại hội cấp county chọn đại biểu cho đại hội đảng cấp đơn vị bầu cử. Hầu hết đại biểu dự đại hội toàn quốc được chọn từ đại hội cấp đơn vị bầu cử và cấp tiểu bang.

Iowa có 27 đại biểu ở Đại Hội Đảng Cộng Hòa và 44 đại biểu ở Đại Hội Đảng Dân Chủ. Theo thể thức của tiểu bang này, số đại biểu phân phối cho các ứng cử viên căn cứ trên tỷ lệ ủng hộ chứ không phải chỉ một ứng cử viên duy nhất thắng cuộc nghĩa là không phải thể thức “thắng ăn cả” (winner-take-all).

Trong quá khứ, có một số lần ứng cử viên thắng caucus ở Iowa cuối cùng trở thành người được đảng tấn phong, như trường hợp Bob Dole, George W. Bush bên Cộng Hòa và Al Gore, John Kerry, Barack Obama bên Dân Chủ. Tuy nhiên Dick Gephardt, Dân Chủ năm 1988, và gần đây Rick Santorum, Mike Huckabee bên Cộng Hòa, thắng tại Iowa nhưng không được đảng tấn phong.

Như vậy bầu cử (caucuses) Iowa quan trọng ở chỗ nào? Đây là cuộc bầu cử đầu tiên, các ứng cử viên và giới truyền thông có mặt ở đây nhiều lần trong nhiều tuần lễ chứ không phải chỉ một thời gian ngắn hoặc không bao giờ như tại nhiều tiểu bang khác. Vai trò lớn nhất của Iowa chưa phải chứng tỏ ai sẽ thắng mà là thu hẹp con số ứng cử viên có triển vọng thắng. Thường thường có 3 ứng cử viên nổi hẳn lên ở Iowa. Ứng cử viên nào chỉ đạt thành tích kém cỏi thường bỏ cuộc sau đó, vì không còn vận động được sự ủng hộ về tài chính nữa.

New Hampshire từ lâu là tiểu bang bầu cử sơ bộ đầu tiên và được coi như nơi mà ứng cử viên nào không chiếm được một trong ba vị trí dẫn đầu thì sau đó khó có hy vọng được đảng đề cử hay cuối cùng đắc cử Tổng Thống. Năm 1992, Bill Clinton, một Thống Đốc chưa được biết nhiều trên toàn quốc, chiếm hạng nhì trong kỳ bầu cử sơ bộ New Hampshire và nổi lên để cuối cùng đắc cử vào Bạch Ốc, đánh bại đương kim Tổng Thống George W.H. Bush. Từ 1952, các Tổng Thống Hoa Kỳ đều thắng sơ bộ ở New Hampshire và thành tích đứng hạng nhì của Bill Clinton sau này trở thành mẫu mực để cuối cùng đi đến đắc cử với George W. Bush năm 2000 và Barack Obama năm 2008.

Người ta thường coi khuynh hướng chính trị của cử tri New Hampshire là có một giá trị quan trọng trên toàn quốc trong các cuộc bầu cử Tổng Thống. Nếu Iowa có tác động nhiều với cử tri miền Trung-Tây thì New Hampshire có ảnh hưởng mạnh khắp miền Đông Bắc, đặc biệt là vùng New England.

Các thăm dò dư luận cho đến nay cho thấy bên đảng Cộng Hòa, Ted Cruz, Donald Trump và Marco Rubio là các ứng cử viên có nhiều triển vọng thắng ở Iowa. Trong khi đó bên phía đảng Dân Chủ, Bernie Sanders, có thể thằng cả hai tiểu bang Iowa và New Hampshire. Bà Hillary Clinton chỉ trong tình trạng ngang ngửa hoặc thua kém tại hai nơi này, tuy nhiên không có nghĩa là sẽ thất thế vì bà còn rất nhiều lợi thế trong bầu cử ở những tiểu bang khác sau đó. Thật ra kết quả ở Iowa cũng như New Hampshire, hai tiểu bang nhỏ, chỉ có giá trị tượng trưng và cần thiết cho những ứng cử viên chưa được quen biết, hơn là với ứng cử viên đã nổi trội hẳn và nắm ưu thế vững vàng trong đảng Dân Chủ. (HC)




No comments:

Post a Comment