Monday, January 25, 2016

225.000 CỬ NHÂN THẤT NGHIỆP & CÁI GIÁ PHẢI TRẢ CỦA MỘT NỀN GIÁO DỤC Ì ẠCH (Ngọc Quang - GDVN)





Ngọc Quang  -  GDVN
25/01/16 08:09

(GDVN) - PGS.TS Nguyễn Văn Nhã – nguyên Trưởng Ban Đào tạo ĐH Quốc gia Hà Nội nhận định, lẽ ra Bộ Giáo dục phải hạn chế tỷ lệ đào tạo đại học từ nhiều năm trước.


Chỉ còn 6 ngày nữa (1/2/2016), Thông tư 32 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, có hiệu lực, trong đó quy định: Quy mô sinh viên chính quy tối đa của cơ sở giáo dục đại học không quá 8.000 sinh viên đối với các cơ sở giáo dục đại học thuộc khối ngành VI (khối ngành sức khỏe); không quá 5.000 sinh viên đối với các cơ sở giáo dục đại học thuộc khối ngành II (khối ngành nghệ thuật); không quá 15.000 sinh viên đối với các cơ sở giáo dục đại học thuộc khối ngành I, III, IV, V, và VII.

Trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Văn Nhã – nguyên Trưởng Ban Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội nhận định, cả nước có khoảng 768.000 sinh viên đang học tập, nghiên cứu khoa học trong các trường Đại học, Cao đẳng. Nếu chia bình quân thì đạt tỷ lệ 118 sinh viên/10.000 dân. Tỷ lệ này không phải là cao so với các nước trong khu vực.

“Dù vậy, tôi vẫn ủng hộ phương án của Bộ Giáo dục, bởi vì quy định như vậy là nhằm mục tiêu dừng tăng trưởng về quy mô để chú trọng tới chất lượng. Chúng ta đều biết những năm gần đây tỷ lệ cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp tăng lên rất nhanh, chỉ từ quý II cho tới hết quý IV năm 2015 đã tăng lên 26.000 người.
Vì vậy, nếu các trường không đổi mới, không thay đổi chương trình đào tạo, phương thức đào tạo thì hậu quả là sẽ còn hàng nghìn cử nhân nữa không có việc làm. Khi đó thì chính các trường không nhanh chóng đổi mới sẽ không thể tuyển sinh và đương nhiên không thể tồn tại”, PGS Nhã chia sẻ.

Trên thực tế, cũng không có nhiều cơ sở đào tạo có quy mô đào tạo chính quy vượt qua ngưỡng này, bởi vì các cơ sở đào tạo rất khó đạt được cả 3 tiêu chí nêu tại Điều 5 của Thông tư 32, đó là: Số lượng sinh viên/giảng viên; số lượng sinh viên/diện tích sàn; Quy mô sinh viên tối đa của cơ sở giá dục đào tạo.

Nguy cơ dư thừa cử nhân (chất lượng kém) đã được một số chuyên gia giáo dục cảnh báo từ năm 2004. Trong giai đoạn này, ngành giáo dục đang hướng vào mục tiêu đào tạo 400 SV/10.000 dân dựa trên thông tin là ở nhiều nước xung quanh Việt Nam và trên thế giới con số đi học Đại học là khoảng 400-450/10.000 dân. Tuy nhiên, tính toán này hoàn toàn sai lầm, bởi ở nhiều quốc gia tỷ lệ ghi danh học đại học rất cao, nhưng không phải ai cũng học để lấy bằng, có nhiều người chỉ học một phần kiến thức phục vụ cho công việc.

Sai lầm này là nguồn cơn dẫn tới việc ra đời của hàng loạt trường đại học, cao đẳng trong giai đoạn từ 2004 – 2010, tuyển sinh đại học ồ ạt và lỏng lẻo đầu vào, không kiểm soát chặt chẽ đầu ra, do đó rất nhiều trường đào tạo theo “hình ống”

Hậu quả là số lượng cử nhân thất nghiệp ngày càng tăng cao, trở thành gánh nặng của xã hội.

Theo GS.Nguyễn Minh Thuyết – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội thì sau đó không lâu, Chính phủ ký Chiến lược phát triển nhân lực Việt Nam đến năm 2020, trong đó số sinh viên/10.000 dân chỉ còn 400 (rút 50 sinh viên).

Hai năm sau, Chính phủ ra Quyết định số 37/2013/QĐ-TTg điều chỉnh Quy hoạch mạng lưới các trường Đại học, Cao đẳng giai đoạn 2006-2020, trong đó chỉ tiêu số sinh viên/10.000 dân được xác định lại là khoảng 256, tức là giảm tới 46% so với chỉ tiêu được xác định trước đó 2 năm.

Điều đó cho thấy rõ, chỉ tiêu được xác định ban đầu là 450 sinh viên/10.000 dân không chính xác, không có căn cứ khoa học.

Hệ lụy là có hàng chục nghìn cử nhân tốt nghiệp đại học, thậm chí sau đại học, nhưng vẫn thất nghiệp. Thống kê do Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) thực hiện cho thấy: Vào tháng 7/2015 con số này được xác định là 178.000 cử nhân và thạc sĩ thất nghiệp. Chỉ 6 tháng sau, con số này đã là 225.500 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp (tăng tới 26,1 nghìn).

Trước thực trạng này, PGS.TS Nguyễn Văn Nhã bình luận: “Nếu khẳng định Thông tư 32 đã hợp lý hay chưa thì rất khó, vì cần phải có thời gian để thẩm định. Nhưng theo tôi thì nên hình dung đơn giản là một dây chuyền sản xuất mà hàng năm cung cấp ra lượng sản phẩm ế thừa đến mức báo động, thì phải tạm dừng quy mô sản xuất để nâng chất lượng sản phẩm”.

Thay đổi thói quen ở Việt Nam rất khó

Theo GPS.TS Nguyễn Văn Nhã, con số 225.000 cử nhân (kể cả tốt nghiệp loại giỏi, 2 bằng đều thất nghiệp) là nỗi đau không chỉ của các nhà giáo dục mà là nỗi trăn trở của cả xã hội.

“Vẫn biết rằng ở nước nào thì cũng có một tỷ lệ thất nghiệp nhất định, vì điều đó phụ thuộc vào sức khỏe của nền kinh tế, nhưng rõ ràng chất lượng đào tạo thay đổi quá chậm theo nhu cầu thực tế cũng là một nguyên nhân.
Sắp tới đây, thị trường Asean trở thành ngôi nhà chung, lao động Việt Nam sẽ còn phải đối diện với nhiều nguy cơ hơn nữa, bởi vì hầu hết chỉ có thể làm những công việc thu nhập thấp, và chúng ta đang rất thiếu lao động trình độ cao”, PGS Nhã băn khoăn.

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Nhã, để hạn chế nguy cơ thất nghiệp tăng cao, giải pháp chính vẫn là phát triển nền kinh tế - xã hội. Các cơ sở đào tạo phải gắn quy trình đào tạo với nhu cầu của các doanh nghiệp, phải đồng hành cùng với các nhà doanh nghiệp để ngay khi còn trên ghế nhà trường, sinh viên đã có cơ hội trải nghiệm trong các cơ sở sản xuất, được trải nghiệm thực tế trong các phân xưởng, nhà máy, xí nghiệp, công ty, ngân hàng.
Đồng thời, các doanh nghiệp cũng cần chủ động đến với các cơ sở đào tạo, góp ý về chương trình đào tạo, phương pháp đào tạo, đặt hàng, đầu tư theo địa chỉ.

Mặc dù vậy, PGS. Nhã vẫn lo lắng: “Ở Việt Nam mình, thay đổi thói quen bất cứ điều cũng rất khó. Chẳng mấy ai dám chất nhận cái mới, nhất là khi cái mới lại làm hạn chế hoặc mất đi cái lợi mà các trường đang được hưởng.
Nhiều người nghĩ rằng thôi thì cứ duy trì như vậy, thay đổi gì thì đợi thế hệ sau làm tiếp, điều này xảy ra phổ biến ở các trường thuộc hệ thống công lập.
Các trường tư thục thì ít nhận được sự hỗ trợ từ nhà nước, thành ra họ cũng chịu nhiều sức ép về chi phí, cho đến nay một số trường đã làm tốt thì có nền tảng ổn định, nhưng nhiều trường cứ loay hoay với bài toán tuyển sinh và chưa làm sao thoát ra được.

PGS.TS Nguyễn Văn Nhã cho rằng, để thay đổi được thực trạng này thì cần thêm ít nhất 10 năm nữa kèm theo một điều kiện các nhà quản lý giáo dục phải làm rất quyết liệt, phải siết chặt đầu ra để nâng cao được trình độ của cử nhân.

Đồng thời với những gì đã diễn ra, PGS. Nhã đưa ra lời khuyên với các cử nhân thất nghiệp: “Thực tế đã diễn ra cho thấy các bạn đang bị thiếu kỹ năng, cho dù khi học thì các bạn đều rất chăm chỉ và có điểm số tốt. Thế hệ trẻ ngày nay, nhiều bạn rất sáng tạo, đột phá, phá cách, có tư duy mới, hướng đi mới nên còn ít tuổi mà các bạn đã rất thành công.
Vì vậy, tôi mong các bạn chưa có việc làm không chán nản, hãy kiên trì học hỏi, tận dụng từng cơ hội để khẳng định mình”.
Ngọc Quang





No comments:

Post a Comment