Monday, December 28, 2015

Venezuela: Chủ nghĩa Chávez đang khủng hoảng (Phil Gunson - New York Review of Books)





Phil Gunson
08/12/2015

Venezuela đang đứng ngồi không yên. Trong một thất bại choáng váng của đảng cầm quyền ở nước này – đòn nặng nề nhất trong hơn một thập niên giáng vào phong trào do cố lãnh tụHugo Chávez tạo lập – cử tri đã bỏ phiếu với tỉ lệ áp đảo ủng hộ liên minh đối lập Đoàn kết Dân chủ (MUD) trong kỳ bầu cử quốc hội hôm Chủ nhật 6/12/2015. Vào rạng sáng ngày 7/12, cơ quan bầu cử (CNE) cho biết liên minh MUD đã giành được 99 trong số 167 ghế, với 22 ghế vẫn chưa xác định được. Tuy nhiên, MUD tuyên bố đã giành được 112 ghế, nghĩa là vừa đủ để liên minh này có được “tỉ lệ siêu đa số” hai phần ba cần để lập hội đồng lập hiến chẳng hạn.

Kết quả này tốt hơn những dự báo lạc quan nhất của phe đối lập, trao cho liên minh MUD đủ quyền kiểm soát quốc hội để sớm dẫn tới tình thế đối đầu với Tổng thống Nicolás Maduro và phe theo chủ nghĩa Chávez ủng hộ ông. Trong tình hình quốc gia này hiện đang bị khủng hoảng kinh tế, điều này có thể gây ra bất ổn chính trị nghiêm trọng; hoặc nó có thể buộc cả hai phe chấp nhận một giai đoạn chuyển tiếp được thương lượng. Trong khi đảng cầm quyền ngoan cố bám giữ quyền lực và có nhiều nỗ lực để tác động tới kỳ bầu cử này, kết quả ngoạn mục này đã diễn ra như thế nào và báo hiệu điều gì?

Ai muốn hiểu được kỳ bầu cử này thì nên bắt đầu với hệ thống siêu thị quốc doanh Bicentenario có ở thủ đô Caracas và các thành phố khác. Thử đơn cử siêu thị ở Las Mercedes, một quận trung lưu của thủ đô: hàng ngày, trước 7 giờ sáng, người dân xếp hàng dài quanh dãy phố với mong mỏi mua được mấy món nhu yếu phẩm – gạo, bột bắp, dầu ăn, và xà phòng – ở mức giá do chính phủ kiểm soát. Càng lúc càng dài trong mười tám tháng qua ở bất cứ nơi đâu có bán hàng hóa được kiểm soát giá, những hàng người này là dấu hiệu dễ thấy nhất của cuộc khủng hoảng kinh tế và xã hội đã lan tràn trên khắp đất nước này kể từ khi Maduro lên cầm quyền với tư cách là người được chính Chávez chọn để kế vị vào năm 2013.

Người dân xếp hàng dài trong siêu thị quốc doanh Bicentenario chuyên bán thực phẩm được chính phủ trợ giá ở Maracaibo. (Miguel Gutiérrez / The Wall Street Journal)

Binh lính Vệ binh Quốc gia canh giữ thực phẩm bị tịch thu từ những người tìm cách bán cao giá hơn giá do chính phủ ấn định. (Miguel Gutiérrez / The Wall Street Journal)

Khi người dân đi bầu hôm 6/12, một số vẫn chưa biết bỏ phiếu ra sao, nhất là các nhân viên nhà nước đã được khuyến cáo là họ sẽ mất việc nếu họ bày tỏ “sự vô ơn” “sự bất trung” bằng cách bỏ phiếu sai lầm. Azucena, một nhân viên ngân hàng quốc doanh 24 tuổi, đã hỏi mẹ cho ý kiến nên bầu cho ai. Người mẹ sinh ra ở Colombia nói với cô: “Cứ bỏ phiếu theo như lương tâm của con chỉ dẫn. Cô đáp: “Con sẽ không bầu cho chính phủ. Chúng ta không thể tiếp tục sống như thế này, chẳng có gì để mua, phải có thay đổi gì đó.”

Ngay cả với một quốc gia từng trải qua nhiều biến động lớn lao trong thời gian gần đây, tình hình hiện tại cũng đáng lo ngại. Dù chính phủ đã ngừng công bố số liệu thống kê, GDP dự kiến sẽ giảm 7 phần trăm hoặc hơn nữa trong năm nay, sau khi đã giảm mạnh vào năm 2014. Do sản lượng nội địa sụp đổ và cầu gia tăng trong khi chính phủ tăng cung tiền, giá cả đang tăng với tỉ lệ hàng năm gần 200 phần trăm (và giá thực phẩm còn tăng nhanh hơn nữa). Sự khan hiếm hàng hóa cơ bản hiện ở mức cao kỷ lục, với thực phẩm, thuốc men và các nhu yếu phẩm khác ở các vùng nằm sâu trong đất liền còn khó kiếm hơn ở các thành phố lớn. Tỉ lệ sát nhân nằm trong số cao nhất thế giới. Chín phần mười người dân Venezuela cho rằng tình hình “tệ” hoặc “rất tệ”. Một chuyên gia thăm dò dư luận hàng đầu nói: “Trong bốn mươi năm làm thăm dò dư luận, tôi chưa bao giờ thấy tỉ lệ đánh giá tiêu cực 90%.”
Chính phủ dường như cũng chẳng biết cách giải quyết những thách thức này. Maduro, từng là một nhà hoạt động nghiệp đoàn cực tả, bất ngờ được đẩy vào vị trí quyền lực cao nhất vào năm 2013, sau khi vị tiền nhiệm và người thầy dẫn dắt Hugo Chávez chết vì ung thư. Kể từ khi Maduro giành thắng lợi sít sao – và bị tranh chấp quyết liệt – trong kỳ bầu cử vào tháng Tư năm đó, các chính sách kinh tế và xã hội đã phạm sai lầm, do những bất đồng phe phái xuất hiện khi không có uy quyền vô đối của vị cựu lãnh tụ. Trong khi đó, những lời tố cáo rằng chính phủ vô cùng tham nhũng và có quan hệ với tội phạm có tổ chức đã có sức thuyết phục mới sau khi có tiết lộ là hai thân nhân của đệ nhất phu nhân đã bị tù ở New York vì bị cáo buộc buôn lậu ma túy.

Dẫu vậy, quy mô của thắng lợi của liên minh MUD quả đáng kinh ngạc, vì chế độ này – cách mạng, theo cách gọi lực lượng người ủng hộ ngày càng giảm đi – đã dành quá nhiều sức lực để trau chuốt hệ thống đã được Chávez hoàn chỉnh trong mười sáu năm qua, một hệ thống mà trong đó, tuy những lá phiếu đã được bỏ được đếm chính xác, tất cả mọi khía cạnh khác của quy trình này đều hết sức bất lợi cho các đối thủ của hệ thống. Trước tiên phải kể tới chuyện số phiếu cần có để bầu một dân biểu tại các thành phố lớn – nơi tập trung phiếu ủng hộ phe đối lập – cao gấp nhiều lần số phiếu cần có ở vùng nông thôn sâu trong đất liền mà xưa nay đã là lực lượng cử tri cốt lõi của Chávez và đảng của Maduro.

Tuy nhiên, ngay cả với một sân chơi vô cùng thiên vị như vậy, chính quyền Maduro từ lâu lo ngại về một thắng lợi của phe đối lập và phải dùng tới các thủ đoạn hung hăng hơn để thao túng kết quả. Hồi giữa tháng 10, Maduro đã nói tới chuyện cần phải thắng cử “como sea”, tạm dịch là “bằng tất cả mọi cách cần thiết”. Ông cảnh báo Jesús Chuo Torrealba, tổng thư ký MUD, rằng có một “nhà tù tử tế, hiện đại” đợi ông nếu ông nghi vấn về kết quả bầu cử. Đó không phải là một lời đe dọa vu vơ. Hiện có khoảng bảy mươi nhân vật đối lập bị giam tù, và nhiều người nữa đã bị buộc phải lưu vong trong hơn chục năm qua. Leopoldo López, lãnh tụ có sức thu phục nhân tâm nhất của đảng Nguyện vọng Dân chúng (Voluntad Popular, VP) sắp bắt đầu thụ án mười bốn năm tù vì tội xúi giục các cuộc biểu tình chống chính phủ năm ngoái; trong khi Antonio Ledezma, thị trưởng thuộc phe đối lập của thủ đô Caracas, đang bị quản thúc tại gia vì bị cho là tìm cách lật đổ chính phủ.

Trước kỳ bầu cử, nhiều lãnh tụ đối lập cũng bị cấm ra tranh cử vì những lý do rõ ràng là bịa đặt, ví dụ như bị cho là không nêu các tem phiếu thực phẩm khi khai về thu nhập và tài sản. Và Lilian Tintori, vợ ông López, đã đi khắp nước trong những tuần trước kỳ bầu cử để vận động về nhân quyền và ủng hộ các ứng cử viên đối lập; bà là nạn nhân của một số cuộc tấn công bạo lực tại các buổi vận động tranh cử nhân danh MUD, với đỉnh điểm là vụ sát hại một nhà hoạt động đối lập hôm 25/11, người này bị bắn trúng hai phát đạn khi chỉ cách chỗ bà đứng chừng mấy tấc. (Ba người đã bị bắt về vụ sát nhân này mà chính phủ khẳng định là do các băng đảng tội phạm giải quyết ân oán với nhau.)

Chính phủ cũng sắp xếp để liên danh “Unidad” (Đoàn kết) của MUD trên màn hình bầu chọn bị bao quanh bằng các liên danh thân chính phủ dùng cùng từ và cùng màu, rõ ràng là để khiến các cử tri ủng hộ phe đối lập bỏ phiếu nhầm ứng cử viên. Một ứng cử viên tiếng tăm của liên minh MUD thậm chí đối đầu với một ứng cử viên “Unidad” giả mạo với cái tên giống hệt. Trong khi đó, chính phủ không chịu mời những nhà quan sát bầu cử đủ tư cách từ các cơ quan như Tổ chức Các Nhà nước Châu Mỹ (OAS) và Liên hiệp Châu Âu tới kỳ bầu cử này.

Bất chấp những điều này, khi thức dậy vào sáng ngày 7/12 người dân Venezuela chứng kiến phe đối lập giành được đa số áp đảo trong quốc hội – và một thực tế chính trị mới. Vậy thực tế đó ra sao? Liên minh MUD là một mớ hỗn tạp gồm hơn hai chục đảng, phần lớn các đảng này quá nhỏ nên chẳng gây tiếng vang gì. Ngay cả đảng lớn nhất cũng chỉ chiếm một tỉ lệ ít ỏi trong tổng số cử tri. Ví dụ, đảng VP của López chiếm 2,5 phần trăm về mức trung thành của cử tri theo một cuộc thăm dò dư luận mới đây của Datanálisis; Đảng Công lý Trên hết (Primero Justicia, PJ), đảng của người hai lần tranh cử tổng thống Henrique Capriles, có tỉ lệ cao hơn một chút. Cả hai đảng này đều có lập trường chính trị trung dung nhưng thường bất đồng với nhau về chiến thuật. Đảng Hành động Dân chủ (Acción Democrática, AD), từng là bá chủ trong nền chính trị Venezuela, và đảng xuất thân từ đó Một Thời đại Mới (Un Nuevo Tiempo, UNT) là đảng dân chủ xã hội. Mỗi đảng đều không chiếm được tỉ lệ ủng hộ 3 phần trăm.

Quả thực, tuy phe đối lập chiếm được khoảng hai phần ba số phiếu hôm 6/12, chỉ có khoảng 10 phần trăm cử tri nhận là ủng hộ MUD, theo thăm dò dư luận trước bầu cử. Nói cách khách, phe đối lập lớn hơn MUD rất nhiều. Điều đó chứa đựng mối nguy là cả chính phủ đang rệu rã lẫn một liên minh MUD cho tới nay vẫn rạn nứt và thiếu sức thuyết phục đều sẽ không thể xử lý nổi làn sóng dân chúng bất bình mà hiện có nguy cơ làm sụp đổ các thể chế mỏng manh và bị tổn hại của Venezuela.

Hiện thời, tình hình bất ổn chung dường như đã tránh được, ít nhất một phần là nhờ triển vọng có được giải pháp qua bầu cử cho hoàn cảnh khốn cùng của quốc gia. Nhưng một hệ quả khả dĩ của kỳ bầu cử này là tình trạng bế tắc, với quốc hộ do phe đối lập thống lĩnh bị cản trở do chính phủ kiểm soát tất cả các nhánh khác của nhà nước, trong đó có cơ quan hệ trọng Tối cao Pháp viện. Về phần mình, MUD một lần nữa có thể bị chia rẽ giữa phe có chủ trương đối đầu, do lãnh tụ đang bị tù López và các đồng minh của ông đứng đầu, muốn nhanh chóng ra tay chống Maduro, có thể bằng cách tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân bãi miễn giữa nhiệm kỳ, với phe ôn hòa như ông Henrique Capriles muốn có quá trình chuyển trình qua thương lượng. Và nếu phe đa số MUD mới trong quốc hội ưu tiên cho cuộc đấu đá chính trị hơn cho các vấn đề xã hội, MUD có thể nhanh chóng đánh mất sự ủng hộ của cử tri. Như các cuộc thăm dò dư luận đã cho thấy rõ ràng, cử tri quan tâm nhất tới các vấn đề thực tiễn như thực phẩm và các dịch vụ công và muốn có trật tự trị an chứ không phải xung đột trên đường phố – ví như những cuộc biểu tình kéo dài mấy tháng vào năm 2014 khiến hơn 40 người chết.

Về phần mình, nhánh hành pháp cũng đã cố gắng đẩy nhanh xung đột công khai với quốc hội. Trước kỳ bầu cử, Maduro đã dọa “xuống đường” trong trường hợp phe đối lập thắng cử, và dọ cai trị “với nhân dân và liên hiệp dân sự-quân sự”. Ông tuyên bố rằng bản chất của cách mạng sẽ thay đổi nếu phe đối lập chiếm quyền kiểm soát quốc hội – ám chỉ rằng chính phủ sẽ tìm cách xúc tiến thành lập cái gọi là “nhà nước công xã” mà hiện đã có luật cho phép: nhà nước này sẽ thay thế “nền dân chủ tư sản” bằng các hội đồng dân chúng do đảng cầm quyền thống lĩnh. Nhưng rất đáng nghi ngờ là một tổng thống vừa bị giáng một đòn chí tử về uy tín và uy quyền chính trị của mình lại có thể thật sự thực hiện lời đe dọa đó, cho dù hàng triệu người (nhất là trong tầng lớp nghèo ở thành thị và nông thôn) vẫn ủng hộ cách mạng. Muốn “cực đoan hóa cách mạng” ngược với ý nguyện của đa số thì rất có thể phải dùng tới vũ lực có vũ trang, và không có gì bảo đảm là có thể nhờ cậy quân đội nếu họ được lệnh bắn vào người biểu tình.

Trong phát biểu được truyền hình trực tiếp sáng 7/12, tổng thống Maduro chấp nhận kết quả bầu cử và có vẻ dịu giọng. Nhưng ông cũng đổ lỗi cho một “cuộc chiến tranh kinh tế” do phe đối lập và các đồng minh ngoại quốc gây ra; và ông có khả năng cản trở quốc hội bằng những cách nghiêm túc nếu muốn. Là tổng thống, Maduro có thể phủ quyết bất cứ luật nào xuất phát từ Quốc hội. Nếu sự phủ quyết đó bị bác bỏ, Tối cao Pháp viện của ông có thể tuyên bố bất cứ hành động nào của quốc hội là vi hiến, trong khi quyền kiểm soát của tổng thống đối với công ty dầu quốc doanh PDVSA, nguồn của 96 phần trăm lợi nhuận ngoại tệ của quốc gia, có nghĩa là ông chẳng phải mất ăn mất ngủ về triển vọng MUD phủ quyết ngân sách của ông – ngay cả với giá dầu hiện nay chỉ bằng một phần ba giá trung bình trong năm 2014. Muốn đấu thì phải đá văng giám đốc tài chính của PDVSA và chủ tịch ngân quỹ quốc gia Erick Malpica Flores, cháu trai của Cilia Flores, đệ nhất phu nhân (“đệ nhất chiến sĩ” theo thuật ngữ cách mạng). Nhưng khả năng bám giữ quyền lực của Maduro trên thực tế có thể không vững chắc như trên giấy tờ.

Thách thức lớn nhất có thể xuất phát từ chính hàng ngũ lực lượng cách mạng. Maduro không chỉ phung phí vốn liếng chính trị lớn lao mà ông thừa hưởng từ người dẫn dắt giỏi thu phục thiên hạ của mình và đẩy Venezuela vào cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng nhất trong thời hiện đại, ngay chính thân nhân của ông cũng bị nghi ngờ dính líu tới buôn lậu ma túy. Hai người cháu trai khác – một người được biết là đã lớn lên trong gia đình Maduro – đang bị giam ở một nhà tù New York vì buộc tội âm mưu nhập 800 ký cocaine vào Mỹ. Cả Maduro lẫn Flores đều không bình luận, và chính phủ đã cố gắng giấu nhẹm vụ này. Nhưng vụ xì căng đan này đang là đề tài nóng hổi trên mạng xã hội dù báo chí, radio và truyền hình gần như không nhắc tới; vụ này đang làm suy giảm sự nhiệt tình của cả những người ủng hộ tích cực nhất. Số lượng lớn các bằng chứng được biết là do giới chức trách Mỹ thu thập liên quan tới các mối liên hệ giữa các nhân vật cao cấp của chế độ và tội phạm có tổ chức càng làm phức tạp các triển vọng cho một sự chuyển tiếp thanh bình, vì một số nhân vật quan trọng của đảng cầm quyền có thể phải mất mát quá nhiều nếu nhường lại quyền lực.

Không chỉ phe đối lập muốn phế truất Maduro; có nhiều đồn đoán rằng nhiều người bên trong chính phủ muốn ông ra đi. Cái khó của họ là không có một người kế vị rõ ràng nào – ít nhất là không có người đủ khả năng thắng cử tổng thống. Nếu Maduro có thể trụ lại cho tới cuối năm 2016, hiến pháp cho phép thay thế ông bằng phó tổng thống (một nhân vật được bổ nhiệm có thể được thay thế bất cứ lúc nào) cho thời gian còn lại trong nhiệm kỳ của ông. Đó có thể là một phương án dễ chấp nhận hơn cho những người chỉ trích ngay trong đảng của ông.

Trong khi đó, với nền kinh tế sụt giảm, dự trữ cạn dần, và các khoản trả nợ hàng tỉ đô-la sắp tới hạn, không thể loại trừ triển vọng vỡ nợ trong hỗn loạn. Các áp lực tại nội địa và ngoại quốc sẽ tăng lên. Ví dụ, cho tới nay tuy không được lòng Mỹ và các nước khác, chính phủ Maduro có thể trông cậy vào sự ủng hộ của đa số các nước trong khu vực, không chỉ nhờ các mối quan hệ chính trị mà còn nhờ cung cấp dầu giá rẻ. Nhưng điều này có thể sắp thay đổi. Ví dụ, kỳ bầu cử ở Argentina đã bầu tân tổng thống Mauricio Macri, một chính khách từng kêu gọi cấm Venezuela khỏi các tổ chức khu vực vì các lý do nhân quyền (dù ông đã rút lại lời đe dọa đó sau khi Maduro thừa nhận thua trong kỳ bầu cử này). Với Maduro, dường như chuyện bám víu quyền lực “bằng tất cả mọi cách cần thiết” có thể sẽ khó hơn nhiều.

Nguồn: Phil Gunson, Venezuela: Chavismo in Crisis, New York Review of Books, 7/12/2015









No comments:

Post a Comment