Monday, December 28, 2015

Từ khi nào Người Việt lại trở nên “khôn quá hóa hèn” ? (Nguyễn Trọng Bình)





Nguyễn Trọng Bình
Viet-Studies ngày 16-12-15

1. Những cuộc tranh cãi liên miên và không có hồi kết

Xem ra cuộc tranh cãi về chuyện du học sinh Việt Nam ra nước ngoài học tập rồi không về nước lập nghiệp đến giờ vẫn chưa có hồi kết. Điều đáng nói là, các ý kiến tham gia tranh luận đều chân thành và hợp lý mới... chết. Người không chịu về hay chưa muốn về thì bảo cái chính sách “trải thảm đỏ” để chọn người tài về nước làm việc (nhất là vào các cơ quan Nhà nước) thực ra là nói “dzậy chứ không phải dzậy”; và tuy không về nước nhưng trong thời đại “công dân toàn cầu” và “thế giới phẳng” hiện nay họ vẫn có thể đóng góp cho nước nhà... Ở chiều ngược lại, phía kêu gọi du học sinh trở về tuy không đến nỗi quá “cứng nhắc” nhưng lại cho rằng các du học sinh cũng nên nhìn lại mình, bớt than vãn, kêu ca và chỉ trích đi; đặc biệt là cần phải giữ chữ “tín” (trường hợp những người đã sử dụng ngân sách Nhà nước để đi du học). Cuộc tranh cãi cứ thế và không có hồi kết, chỉ có chuyện “chảy máu chất xám” là tiếp tục “vũ như cẩn”.

Từ đây nhìn rộng ra, mỗi ngày trên đất nước này có không biết bao nhiêu là cuộc hội thảo, hội nghị lớn nhỏ; không biết bao nhiêu vấn đề bức thiết của đất nước (cũng xin lưu ý là trừ vấn đề liên quan đến “người anh em” Trung Quốc đang thao túng đất nước và cướp đảo ngoài biển Đông) được người ta mang ra bàn thảo nhưng cuối cùng không có vấn đề nào được giải quyết rốt ráo; không có giải pháp mang tính đột phá nào để tạo ra sự thay đổi thực sự theo hướng tiến bộ và tích cực hơn.

Có lẽ nào “cái nước mình nó thế”? Người viết bài này nghĩ mãi và buộc lòng phải nhắc lại câu nói nổi tiếng của cố giáo sư Hoàng Ngọc Hiến năm nào trước khi mạo muội đặt ra một vấn đề khác nhân cuộc bàn thảo này: Người Việt hôm nay có khát vọng và ước mơ chung nào không bên cạnh cái khát vọng và ước mơ riêng (tuy rất chính đáng) của mỗi người? Có khi nào lâu nay, chúng ta đang tự lừa dối mình và “lừa nhau ngay trên quê hương” bằng những suy nghĩ cùng nhưng lời lẽ mỹ miều, trau truốt chứ thực ra chúng ta chưa biết và chưa sẵn sàng để nắm tay nhau cùng đưa đất nước này thoát khỏi tình trạng mà đã từ lâu ai nói: đất nước có rất nhiều tiềm năng nhưng lại “không chịu phát triển”. Hay cụ thể hơn đa phần chúng ta hiện nay đang trong tình trạng mạnh ai nấy sống nhưng là sống một cách lầm lũi với những tham vọng mơ hồ, huyễn hoặc; thoạt nhìn tưởng là lớn lao nhưng kỳ thực rất vặt vãnh, nhỏ nhen nếu không muốn nói là rất ích kỷ?

2. “Anh có đau không, chị có đau lòng không”?

Thật ra, nếu bình tâm nhìn lại và liên hệ vấn đề du học sinh không chịu về nước làm việc với thực trạng những người dân quê nghèo khó trên khắp 3 miền đất nước đã và đang đi vay nóng để đóng tiền thế chân cho các công ty xuất khẩu lao động với mục đích được ra nước ngoài làm ôsin cho thiên hạ; nhất là thực trạng có người dù đã đến hạn về nước nhưng lại không chịu về, chấp nhận trốn chui trốn nhũi nơi xứ người... sẽ thấy cả hai chuyện này về bản chất chẳng khác gì nhau. Có chăng một bên là lao động trí óc (nhờ có cơ hội và điều kiện học hành) còn một bên là lao động chân tay chứ kỳ thực đa phần đều chung thân phận của những kẻ làm thuê cho những “ông chủ, bà chủ” nước ngoài mà thôi.

Cho nên, có thể nói những lý lẽ và lập luận “sắc bén” từ cả hai phía trong cuộc tranh cãi trên tuy chân thành nhưng là sự chân thành trong tâm thế của những người đang có cuộc sống vui vẻ, thoải mái về đời sống vật chất; phần nhiều đang rất bằng lòng với cái “tổ ấm” của riêng mình chứ không phải là những suy nghĩ xuất phát từ tâm thế của những “kẻ trăn trở” [1] về hiện tình ngổn ngang (nếu không muốn nói là bi đát và tệ hại) của đất nước trong cái nhìn toàn cục. Hãy thử nghĩ xem tại sao dãy đất hình chữ  S thương yêu này giờ đây lại trở nên “khó ở”, “khó sống” với nhiều người đến thế? Người có học thức không chịu về vì trong nước không có điều kiện để thi thố tài năng đã đành nhưng đến những người lao động chân tay cũng thà chấp nhận trốn chui trốn nhũi nơi xứ người là sao? Tại sao một đất nước, một dân tộc có bề dày lịch sử, văn hóa rất lâu đời; có “rừng vàng biển bạc” và đang trong thời kỳ “dân số vàng” nhưng giờ đây người ta lại phải tranh nhau sang xứ người bằng mọi giá?

Nhớ lại cách nay đúng ba mươi năm, ngay sau Đại hội Đảng 1986, tưởng đã được “cởi trói” thật sự, nhạc sĩ Trần Tiến khi ấy cũng đã cảnh báo chuyện người Việt phải trôi dạt muôn phương trong ca khúc có nhan đề “Trần trụi 87”. (Tương truyền” cũng vì chuyện này mà ông đã phải “lên bờ xuống ruộng” đến nổi phải nhờ đến sự bảo lãnh của cố thủ tướng Võ Văn Kiệt ông mới thoát nạn bị... “mũ đè”). Thế nhưng, xem ra những lời gan ruột của người nhạc sĩ năm nào giờ đây vẫn còn nguyên tính thời sự. Nghĩa là người Việt, dù tài năng hay không tài năng vẫn phải tranh nhau ra xứ người để “tìm miếng bỏ vào mồm”; là chủ đề chính cho cuộc tranh cãi hôm nay. Hãy cùng ngẫm lại mấy dòng dưới đây của Trần Tiến để xem có phải vậy không?

“Tôi đã thấy bạn tôi đi buôn trên đường phố Nga,
Bạn tôi lang thang trên đường phố Mỹ
Bạn bè lừa nhau ngay trên quê hương
Cũng chính vì...
Anh có đau không ? 
...Tôi đã thấy bạn tôi lao công trên đường phố Nga,
Bạn tôi xây bao công trình cho Mỹ
Người Việt tài năng lang thang nơi đâu
Xa dấu quê nhà .....
Anh có đau không?
Tôi đã thấy người Việt năm xưa con Rồng cháu Tiên
Thật thà yêu thương nhau xây dựng nước
Người Việt nào giờ đây lo toan riêng tư
Khôn quá hoá hèn
Anh có đau không
Chị có đau lòng không”? [2].

***

3. Thay lời kết

         Thật là trái khoáy vì trong khi cả nước đang sục sôi về một kỳ Đại hội nữa của những người trong Đảng; và trong khi những người “có trách nhiệm” (trước mỗi kỳ Đại hội) đều luôn miệng bảo vấn đề “sàng lọc” tìm kiếm người “đủ đức đủ tài” để dẫn dắt, lèo lái con thuyền dân tộc vốn được làm rất nghiêm túc, cẩn trọng vậy mà giờ đây cả xã hội lại cãi nhau chuyện nhân tài đất nước đang trôi dạt muôn phương và không chịu về nước làm việc! Hay chính xác hơn là những người có thực tài vốn từ lâu đã không mặn mà hoặc có mặn mà nhưng lại không có cơ hội đứng trong hệ thống bộ máy công quyền quản lý Nhà nước (vì những rào cản vô hình nhưng được ngụy biện là “đúng quy trình”). Nếu vậy thì có tin được không những lời phát biểu cam đoan việc tìm kiếm, tuyển chọn, “sàng lọc” những người “đủ đức đủ tài” được làm rất nghiêm túc và cẩn trọng? Hay giả cứ cho là nghiêm túc, cẩn trọng thật đi nhưng phải chăng đó là sự nghiêm túc, cẩn trọng của những cái đầu được điều khiển bởi lối tư duy bảo thủ, độc đoán và duy ý chí?

Không biết từ lúc nào nhiều người Việt hôm nay lại trở nên rất... khó hiểu. Đặc biệt là với những người hay nói mình “thích” sự chân thật trong cuộc sống và luôn miệng kêu người khác hãy nhìn thẳng vào sự thật và gọi tên nó ra. Thế nhưng, khi đối diện với những lời nói thật thì chính họ chứ không phải ai khác lại đập bàn quát tháo và bảo rằng “thằng nọ, con kia” nói chuyện“sai quan điểm, mất lập trường” quá! Chao ôi, chỉ vì chuyện“sai quan điểm, mất lập trường” này mà đã cản trở, ngăn cách người Việt đến với nhau và nhất là không thể ngồi xuống đối thoại với nhau để giải quyết nhiều vấn đề bất cập và bức thiết của đất nước! Hay tệ hơn, đã làm cho người Việt hôm nay không thể cùng nhìn về một hướng nhằm đưa đất nước này thoát ra cái “ao làng” đang ngày một rất “đục” và dơ!

-------------
Chú thích:
[1]: “Kẻ trăn trở” - tên quyển sách của TS Lương Hoài Nam.
[2]: Trích ca từ trong bài hát “Trần trụi 87” của nhạc sĩ Trần Tiến.
 
Cần Thơ, 12/2015
NTB

Tác giả gởi cho viet-studies ngày 16-12-15







No comments:

Post a Comment