Thursday, December 3, 2015

Không tuân theo tòa quốc tế, Bắc Kinh sẽ mất uy tín (Người Việt Online)





Người Việt Online
Wednesday, December 2, 2015 5:41:50 PM 

Bài liên quan

BẮC KINH (NV) - Khi vẫn ngang ngạnh tuyên bố bất chấp phán quyết của tòa án quốc tế vì bị Philippines kiện, Bắc Kinh sẽ mất uy tín chính trị, lộ rõ bộ mặt bá quyền bành trướng đối với thế giới.

Tòa Trọng Tài Quốc Tế đặt tại La Haye, Hòa Lan, vừa kết thúc phần trình bày của chính phủ Philippines ngày 1 tháng 12, 2015 trong vụ kiện nước này kiện Trung Quốc tuyên bố chủ quyền “lưỡi bò” chiếm gần hết Biển Ðông mà nhiều chỗ cái vạch “lưỡi bò” đó liếm sâu vào vùng đặc quyền kinh tế và chủ quyền của các nước khác.

Tòa Trọng Tài về Luật Biển của Liên Hiệp Quốc cho Trung Quốc một tháng để phản biện, nhưng như những dấu hiệu gần đây, người ta tin rằng Bắc Kinh sẽ tảng lờ.

Ngay sau khi kết thúc phiên tòa hôm Thứ Ba, Trung Quốc đã cho Bộ Ngoại Giao bắn tiếng lập lại những lời tuyên bố trước đây, tức phủ nhận thẩm quyền của tòa quốc tế nói trên. Phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc, Hoa Xuân Oánh, còn thách thức rằng cho dù phán quyết thế nào, vụ kiện của sẽ “chẳng dẫn tới đâu.”

Bắc Kinh đã cho tàu chiến, tàu bán quân sự ngăn chặn, xua đuổi tàu Philippines tại một số khu vực trong quần đảo Trường Sa dù những vùng này nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines theo Công Ước Quốc Tế về Luật Biển (UNCLOS). Bắc Kinh lấy cớ những khu vực đó là thuộc chủ quyền Trung Quốc “từ cổ xưa” dù đó chỉ là các bằng chứng mơ hồ, ngang ngược, cậy thế nước lớn quân sự ăn trùm nước nhỏ.

Không những ngăn cản các hoạt động của Philippines và Việt Nam trên Biển Ðông, hai năm gần đây, Bắc Kinh còn ồ ạt bồi đắp 7 bãi đá ngầm tại khu vực quần đảo Trường Sa thành 7 căn cứ quân sự quy mô rộng lớn, gồm cả phi trường và cảng biển. Giới phân tích thời sự nhiều lần tố cáo Bắc Kinh dùng các căn cứ này hợp với các căn cứ trên quần đảo Hoàng Sa để khống chế toàn bộ Biển Ðông.

“Philippines đơn phương nêu vấn đề và vận động Tòa án Trọng Tài Quốc Tế chỉ là đòn khiêu khích chính trị núp dưới bóng pháp lý.” Bà Hoa Xuân Oánh nói trong một cuộc họp báo. Bắc Kinh đã nhiều lần vừa dụ dỗ vừa đe dọa nhưng đã không ép được Philippines rút lại vụ kiện.
Cũng vì biết đuối lý, chỉ còn trông vào sức mạnh quân sự mà các nước nhỏ không dám đối đầu, Hoa Xuân Oánh mới dè bỉu rằng vụ kiện chỉ là “cố gắng vô ích nhằm chối bỏ chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Ðông.” Phán quyết dự trù sẽ được tuyên bố vào giữa năm 2016.

Giới chuyên gia pháp lý tin rằng Philippines có cơ hội thắng kiện rất lớn căn cứ trên những tài liệu và các luận cứ mà nước này trình bày tại tòa án quốc tế. Họ cho rằng Bắc Kinh như bị cái cối đá nặng đè trên đầu. Trong tất cả các phiên họp khu vực và quốc tế, đại diện của Bắc Kinh sẽ phải nghe những lời chỉ trích vì đã không tuân thủ theo luật chơi quốc tế.

“Tất cả các nước khác sẽ dùng nó (phán quyết) như một cái gậy để đập lên đầu Bắc Kinh. Ðó là lý do tại sao họ lại phản ứng rất tức tối về toàn thể vụ kiện.” Ian Soney, một chuyên viên về các vấn đề Ðông Nam Á và Trung Quốc của Viện Nghiên Cứu Ðông Nam Á tại Singapore phát biểu trên bản tin thông tấn Reuters.

Còn bà Bonnie Glaser, một chuyên viên của Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế (CSIS) tại Hoa Thịnh Ðốn thì cho rằng, “Có một sự bí mật tồi tệ ở đây là người Trung Quốc giả bộ như đối với họ thì rất dễ tảng lờ và bác bỏ nó (phán quyết). Nhưng theo tôi, trên thực tế, họ sẽ phải trả giá (trên bình diện chính trị) quốc tế cho nó.”

Cả Trung Quốc, Philippines, Việt Nam đều là thành viên ký công nhận và tuân thủ Công Ước Quốc Tế về Luật Biển (UNCLOS). Công ước không bao gồm vấn đề liên quan đến chủ quyền, nhưng có hệ thống căn bản để các nước xác định chủ quyền lãnh thổ và các vùng đặc quyền kinh tế trên biển tính từ đất liền. Các đảo nhân tạo mà một nước bồi đắp sẽ không được dùng làm căn cứ để xác định chủ quyền lãnh thổ.

Vì bất cứ phán quyết nào của Tòa Trọng Tài Quốc Tế tuy có giá trị pháp lý phải tuân hành nhưng cũng không có cơ quan nào cưỡng bách Bắc Kinh thi hành ngoài những áp lực chính trị, theo giới chuyên gia pháp lý quốc tế.

Các nhà phân tích thời sự cho rằng phán quyết của tòa nói trên sẽ thúc đẩy Trung Quốc hành xử theo luật lệ quốc tế nếu họ không muốn bị khinh chê. Tuy không là thành phần vụ kiện nhưng một số quốc gia đã có đại diện làm quan sát viên của phiên tòa trên như Việt Nam, Malaysia, Nhật Bản, Thái Lan, Úc và Anh Quốc.

Khi đến Bắc Kinh hồi tháng 10 vừa qua, thủ tướng Ðức, bà Angela Markel đã khuyến cáo nước này nên tuân thủ theo phán quyết của tòa trọng tài quốc tế hầu giải quyết vấn đề tranh chấp biển Ðông. Các nguồn tin không chính thức nói rằng nhiều lãnh tụ Bắc Kinh đã làm áp lực mạnh để Việt Nam không đưa Trung Quốc ra tòa. (TN)

---------------------------






No comments:

Post a Comment