Saturday, December 26, 2015

Khi đồng tiền chỉ còn một mặt (Cánh Cò)





Sat, 12/26/2015 - 15:31 — canhco

Là tựa một bài báo được GiađinhNet loan tải rộng rãi trên mạng. Bài báo phỏng vấn LS Lê Văn Thiệp, trưởng văn phòng luật sư Toàn Cầu thuộc đoàn Luật sư Hà Nội. Nội dung quan trọng nhất mà LS Thiệp đưa ra là “Hành vi lập fanpage kêu gọi tẩy chay Tân Hiệp Phát nếu như gây hậu quả nghiêm trọng thì Tân Hiệp Phát có thể tố cáo ra cơ quan công an là lợi dụng quyền tự do dân chủ quy định tại điều 258 Bộ luật Hình sự vì nó đã làm tổn hại đến lợi ích, danh dự, nhân phẩm của người khác chứ không thể có chuyện anh thích làm gì thì làm”.

Ngay sau khi bài báo xuất hiện, một rừng đá xanh đủ loại ném vào ông LS này. Cư dân mạng lên án ông đã ăn tiền Tân Hiệp Phát đem điều 258 của Bộ Luật hình sự ra hù dọa dân chúng với ý đồ ngăn cản một cuộc tẩy chay rộng khắp của người tiêu dùng khi nhìn thấy sự trở mặt của Tân Hiệp Phát đối với người bỏ tiền ra mua sản phẩm của nó.

Nội dung phát biểu của LS Thiệp không sai nếu căn cứ các án lệ từ trước tới nay đối với những ai bị truy tố về tội danh này. Hầu hết nạn nhân của 258 đều dính đến quyền tự do phát biểu bởi tin rằng đó là quyền tối thiểu của con người trong bất cứ thời đại, chế độ nào. Có điều họ quên, tự do phát biểu không hề được thừa nhận tại bất cứ một quốc gia cộng sản nào.

Các blogger Nguyễn Quang Lập. Trương Duy Nhất, Phạm Viết Đào, Basam Nguyễn Hữu Vinh, Cô gái Đồ Long, Hồng Lê Thọ, Đinh Nhật Uy đếu bị bắt vì điều 258. Tất cả các bài viết của họ bị xem là phương hại tới an ninh quốc gia và chế độ. An ninh quốc gia thật ra chưa bao giờ quan trọng hơn sự tồn vong của chế độ. Đối với lập luận của người cộng sản, chế độ còn thì tất cả đều còn tuy có thiệt hại uy tín hay mất đất mất dân tại một khu vực nào đó.

Điều 258 được đặt ra là để bảo vệ sự sống còn của chế độ. Người bị bắt về điều 258 đa số đều biết trước và chấp nhận thử thách, chấp nhận đối mặt với bộ máy cầm quyền. Lợi ích của họ là quyền được nói, được phát kiến những gì mà chế độ muốn giấu vì vậy bắt càng nhiều người như thế thì chế độ càng bị bào mòn bởi các phê phán của các định chế nhân quyền trên toàn thế giới.

Tuy nhiên khác với các blogger, người tiêu dùng hoàn toàn không có khả năng làm hại tới bất cứ một cơ cấu chính trị nào của nhà nước. Họ có tẩy chay hay tuyên truyền về mức độ nguy hiểm và mất vệ sinh của chai nước Tân Hiệp Pháp thì nhà nước vẫn không có thời gian để mà truy lùng, bắt bớ, giam giữ hay xét xử tất cả. Cái ghế của lãnh đạo đã rung rinh trước hàng ngàn chuyển biến chính trị, không ai trong bọn họ muốn đụng tới một lực lượng bất bình tràn lan ngoài xã hội khi bản thân Tân Hiệp Phát không đủ sức nặng cho con tàu kinh tế Việt Nam.

500 triệu đô la cho toàn bộ tài sản của Tân Hiệp Phát chỉ là chuyện “ruồi”, không thể sánh với các tập đoàn nhiều tỷ đô la khác. Là một tập đoàn tư nhân, sự sống chết của Tân Hiệp Phát không phải là nỗi lo của dàn lãnh đạo cao nhất vì vậy bắt giam người dân bức xúc tẩy chay nó là tự cầm dao chặt tay mình.

Có hối lộ thì Tân Hiệp Phát cũng chỉ đủ khả năng chung chi cho một hay hai người chứ không thể bao trùm cả bọn. Trong khi đó một tập đoàn nhà nước, lợi nhuận của nó được ban phát đồng đều cho mọi tay chân chủ chốt và nhất là lại bền lâu và không sợ ai tố cáo. Lựa chọn bênh vực cho Tân Hiệp Phát bằng cách bỏ tù hàng loạt người dân như đã bỏ tù anh Võ Văn Minh ở Tiền Giang không phải là lựa chọn tốt. Không một chính trị gia nào lại chấp nhận cho xã hội đảo điên bởi vài trăm triệu tiền lẻ trong khi bỏ mất nguồn thu vô tận từ các công ty nhà nước ngày càng mập ú vì trốn thuế và báo lỗ triền miên.

Nếu xét cho kỹ trong bài phỏng vấn này thì lập luận của LS Lê Văn Thiệp là một ná bắn cả hai chim.

Con chim Tân Hiệp Phát sẽ hí hửng vì tưởng rằng những ai tẩy chay sản phẩm của nó phải chùn tay khi đưa lên “vote no” đối với Tân Hiệp Phát. Điều này đã thỏa mãn đối tác Tân Hiệp Phát nếu thực sự ông LS này nói theo đơn đặt hàng.

Còn với ai đang tiếp tục dùng fanpage của mình để cổ vũ việc tẩy chay Tân Hiệp Phát thì lời phát biều này là một nhắc nhở cho họ để điều chỉnh hành động tẩy chay nếu có. Mặc dù nó không nhắc nhở với ngôn ngữ của một luật sư mà cách dùng chữ của ông không cách xa mấy với một cơ quan tuyên giáo.

Ai cấm được người dân nói với nhau về sự dơ dáy của Tân Hiệp Phát và nhất là bảo nhau rằng bọn nó đang mua chuộc nhà nước, công an, tòa án để khóa miệng người dân.

Ai cấm được trên những trang fanpage đó đăng lại các nhân chứng có tên tuổi, sự việc và nhất là họ đang lên tiếng đòi được bồi thường như chị Nguyễn Thị Thu Hà ở Đồng Nai đang kiện đòi 450 triệu? Ai cấm được những fanpage đó đăng những đường link của cơ quan nhà nước như Cà Mau đã xác nhận rằng sản phẩm của Tân Hiệp Phát là vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm?

Một mình Tân Hiệp Phát đòi chống người tiêu dùng cả nước qua cung cách mượn con dao 258 để giết người phản ứng khó mà thành công. Có thành công trong một giai đoạn ngắn rồi cũng lụi tàn.

Cho dù Tân Hiệp Phát có đóng thuế bao nhiêu một năm cũng không thể bắt người dân nhắm mắt nuốt ruồi vào bụng. Lập luận này cho thấy sự dã man của hệ thống báo chí lề đảng khi lớn tiếng la làng “yêu nước thì phải yêu Tân Hiệp Phát”.

Xưa rồi Diễm. Chủ nghĩa xã hội vô hình nên muốn nói sao cũng được vì người dân chưa thấy sự bức hại của nó như những con ruồi trong các sản phầm của Tân Hiệp Phát. Bất cứ thứ nước nào của công ty này cũng đều có cặn bã, ruồi bậu thì chỉ có các tờ báo ăn tiển của nó mới yêu và nuốt được mà thôi.

Xưa rồi LS Lê Văn Thiệp. Nếu ông cố tình mang cảnh báo của ông làm lợi cho Tân Hiệp Phát thì đó là ông tự lấy miếng vải đã qua sử dụng để chùi cái mùi mà con ruồi vừa đậu trên mặt để lại. Không ai lại nghĩ nghề luật sư thu nhập kém hơn một dư luận viên, nhưng cách mà ông giải thích mang dáng dấp của một lời đe dọa hơn là có hậu ý giúp cho người không rành luật. Thử hỏi khi người dân cần ông bảo vệ họ sẽ tin tưởng bao nhiêu về tính công bằng, trong sáng mà một luật sư cần có?






No comments:

Post a Comment