Thursday, December 24, 2015

Giáng Sinh này bạn tặng quà cho ai? (Ngô Nhân Dụng)





Thứ Tư, ngày 23 tháng 12 năm 2015

Hồi mới dọn tới căn nhà tôi đang ở, sáng sớm đầu tiên có người gõ cửa. Mở ra, tôi thấy một người đàn ông đang cười toe, tự giới thiệu: “Tôi là hàng xóm của ông, tôi ở nhà bên trái.” Gặp nhau vài lần, tôi biết ông làm nghề thợ điện. Vài tháng sau, có bữa tôi thấy một chỗ cắm điện trong nhà không có điện. Tôi sang gõ cửa, ông hàng xóm qua, ngó tìm một hồi rồi chỉ cho tôi một cái nút đỏ, bấm vào đó là có điện ngay!

Lễ Giáng Sinh đầu tiên ở nhà mới, bà hàng xóm bên phải mời cả xóm tới dự tiệc Christmas, cùng các con các cháu bà ở xa về. Ai cũng mang một món ăn hay gói quà và thiệp chúc mừng ngày lễ. Từ đó, chúng tôi có thói quen tặng quà hàng xóm trong dịp lễ Giáng Sinh. Và họ cũng tặng quà lại.

Hơn mười năm sau, có lúc tôi cũng tự hỏi: Một gói kẹo, cái bánh, giá dưới 10 đô la như vầy có ích lợi gì cho các người hàng xóm hay không? Họ có vui sướng hơn chút nào không, hay lại chỉ băn khoăn không biết phải đem nó tặng cho một người khác – giống như mình, không ai muốn ăn quá nhiều kẹo, bánh!

Như vậy thì có nên chấm dứt thói quen hàng xóm tặng quà cho nhau không?

Thật tình, giữa những người hàng xóm khác nhau về nghề nghiệp, tuổi tác, lối sống, không cùng chung một văn hóa, cả năm chỉ có một lần bầy tỏ tình thân vào dịp lễ lạc, thì tặng nhau một món quà nhỏ, kèm theo tấm thiệp là tập tục không nên bỏ. Bởi vì đó là cách duy nhất để biểu lộ tình liên đới.

Nhưng đối với những người thân của mình thì khác. Người ta có thể chọn tặng quà cho nhau vào những dịp như đám cưới, sinh nhật, tốt nghiệp, thăng thưởng. Tặng quà trong những dịp này biểu lộ tình ý đặc biệt đối với người nhận quà. Nếu muốn tặng nhau trong những ngày lễ chung của xã hội, của hàng trăm triệu người, thì cần để tâm sao cho món quà hợp với sở thích, nhu cầu của người nhận. Nếu không thì chẳng khác gì tặng quà hàng xóm.

Tặng quà đúng nhu cầu và sở thích của anh chị em, của vợ hay chồng, con, cháu, hay bè bạn, đòi hỏi một cố gắng thường xuyên: Phải thực sự chú ý đến người sống quanh mình. Chỉ khi quan tâm đến một người mình mới theo dõi và biết người đó đang cần gì hay vẫn ao ước cái gì. Khi sống gần nhau, nhiều người không hề có thói quen đó.

Tặng quà đúng với nhu cầu hoặc sở thích của người nhận thì giá trị món quà tăng lên. Bên trên giá tiền mua món quà, còn có những giá trị tinh thần khác.

Một nhà kinh tế học là Joel Waldfogel đã viết một bài nghiên cứu nổi tiếng từ năm 1993, “lên án” việc tặng quà như một việc làm phí phạm, phản kinh tế! Thí dụ, một người mua cái áo giá 30 đồng tặng tôi, nhưng nếu tôi mua lấy thì cái áo đó giá 20 đồng họa may tôi mới mua. Giáo sư Waldfogel kết luận: Mười đồng bạc thả trôi xuống sông xuống biển! Trong bài nghiên cứu, ông tính tổng số tiền phí phạm, “The Deadweight Loss of Christmas” vào khoảng 18% giá mua quà. Năm 2013, người Mỹ chi trung bình hơn 700 đô la mua quà Giáng sinh, mỗi người đã vứt qua cửa sổ gần 140 đô la! Năm nay kinh tế khá hơn nhiều, số “phí phạm” cũng tăng theo! Nhưng cũng trong năm 2013 đó, nhân dịp Christmas các cửa hàng bán lẻ đã mướn thêm gần 800 ngàn người làm việc; sản lượng quốc gia đã tăng lên để bù lại những phí phạm dễ thương đó!

Khi nghiên cứu đề tài trên, Waldfogel yêu cầu mọi sinh viên tham dự hãy bỏ qua những giá trị tinh thần. Ông nhìn việc tặng quà thuần túy là một cuộc “trao đổi hàng hóa.” Nói cho công bằng, ông cũng nhìn tới những thỏa mãn tinh thần của người nhận. Nhưng ông lý luận rằng, với cùng số tiền mua quà đó, nếu đưa tiền cho người đó đi chọn lấy thì chắc giá trị tinh thần sẽ tăng lên!

Nhưng làm cách nào so sánh giá trị tinh thần với “thiệt hại kinh tế” tính bằng đô la? Một người nhận được quà có thể cảm thấy sung sướng vô vàn khi thấy người cho biết mình đang cần cái gì, hoặc vẫn thích cái gì. Mình mua lấy thì “hiệu quả kinh tế” cao hơn thật, nhưng mình sẽ không có dịp nhìn thấy mối quan tâm của người cho đối với mình. Mối quan tâm đó đáng giá bao nhiêu? Nói, “Con yêu mẹ” rất dễ. Nhưng bạn sẽ chứng tỏ tình yêu đó rõ ràng khi quan sát mẹ trong cuộc sống hàng ngày, biết mẹ đang cần hay đang muốn gì dù mẹ không nói với ai. Nỗ lực thường xuyên đó lớn gấp bội so với công đứng xếp hàng ở tiệm, mua bằng được một món quà mẹ vẫn thầm ước ao.

Trong kinh tế học, người ta bàn về vấn đề này trong “Lý thuyết Tín hiệu” (signaling theory) mà một cha đẻ là Michael Spence, giải Nobel kinh tế học năm 2001. Spence thường nêu thí dụ: Sinh viên tốt nghiệp một đại học nổi tiếng khó khăn chưa chắc đã học được điều gì hữu ích cho công việc cô ta sẽ làm khi ra trường; nhưng cái tên trường là một tín hiệu chứng tỏ cô dám đương đầu với những thử thách trong môi trường khó khăn đó.

Giáo sư Janet Currie, Đại học Princeton coi giá trị tín hiệu của quà tặng quan trọng hơn cả giá trị món quà. Tặng quà đúng nhu cầu và sở thích người nhận, giá trị lớn gấp nhiều lần số tiền mua. Nó đòi hỏi công phu, cố gắng, thường xuyên chú ý đến người thân bên mình. Ngay cả những món quà tặng hàng xóm kể trên đầu bài này, cũng chứa một tín hiệu: Chúng tôi muốn làm những người bạn xóm tốt, sớm lửa tối đèn có nhau. Tín hiệu đó không tính thành số đô la được.

Hai giáo sư môn tiếp thị, marketing, cho biết ngay giữa những người thân cận ở bên mình, chúng ta cũng thường đoán nhầm sở thích của nhau khi tặng quà. Davy Lerouge và Luk Warlop làm trắc nghiệm với nhiều cặp vợ chồng đã sống lâu với nhau, thấy rằng trong việc mua bàn ghế giường tủ trong nhà, rất nhiều người nghĩ sai khi đoán về sở thích của người bạn đời. Những người đoán trúng thường vì hai vợ chồng vốn chung một sở thích với nhau. Lần sau nếu quý ông muốn mua tặng quý bà một cái bàn trang điểm, hãy mời quý bà đi chọn. Sẽ mất cái thú nhìn đôi mắt ngạc nhiên người bạn đời khi mở món quà ra, nhưng còn hơn là chính mình khám phá ra người nhận quà không thích mầu hay kiểu bàn, ghế mình tặng! Có những ông chồng mua tặng vợ cái khăn quàng mầu tím, rồi ngạc nhiên hỏi: Anh thấy Cưng vẫn thích mầu tím mà? “Cưng” phải mất công giải thích: Đó là hồi mình mới quen nhau kìa! Thế suốt 30 năm rồi ông đi “cải tạo” những nhà tù nào? Trong nhà đã có 800 cái khăn quàng tím rồi!

Câu chuyện cặp vợ chồng kể chỉ để đùa cợt thôi, còn theo các cuộc nghiên cứu thì “tặng quà sai” nặng nhất không phải là các người phối ngẫu. Những món quà “vô duyên” thường là do những cô, dì, chú, bác. Họ không có mấy dịp gặp gỡ, cho nên cũng không thể quan sát cuộc sống, nhu cầu và sở thích của các cháu! Nhưng ngay trong trường hợp đó, người ta vẫn nhận được một tín hiệu: Chú, bác, cô, dì vẫn nghĩ đến mình!

Cuộc nghiên cứu của hai giáo sư kinh tế học Sara Solnick và David Hemenway cho thấy giá trị tinh thần của món quà lên rất cao nếu đó là những món quà tặng bất ngờ. Một người không nghĩ sẽ được bạn tặng quà, hay không ngờ sẽ được bạn tặng món quà đó, thì họ sẽ rất sung sướng khi được tặng. Họ cảm thấy người tặng quan tâm đến mình nhiều hơn mình vẫn tưởng.

Vậy người Mỹ nghĩ thế nào về luận đề của Giáo sư Waldfogel? Năm 2013, Đại học Chicago mời một số người có tiếng đến, hỏi có đồng ý với mệnh đề sau đây hay không: “Tặng quà trong dịp lễ lạc là thiếu hiệu quả kinh tế, vì người nhận có thể thỏa mãn hơn nếu được cho tiền tự mua.” Đa số không đồng ý. Quà tặng đáp ứng nhiều mục đích trong tương quan giữa người với người, trao đổi của cải không phải chỉ là mục tiêu chính.

Giáo sư Waldfogel đã phân bua rằng: “Nhiều người nghĩ rằng tôi chủ trương không nên cho quà, chỉ nên tặng tiền mặt thôi! Không phải như vậy!” Ông nói: “Quý vị cứ tiếp tục tặng quà nhau đi, nhưng nên nhớ rằng mình không biết rõ người được tặng như mình tưởng đâu. Điều quan trọng nhất là phải suy nghĩ tỉnh thức khi tặng quà.”

Cuối cùng, nói theo kinh tế học, khi tặng quà, chúng ta cần giảm thiểu đến cùng (minimising) những phí phạm kinh tế, như Waldfogel cảnh cáo; đồng thời nên nâng giá trị tinh thần lên tối đa (maximising). Khi không biết rõ người nhận muốn gì, cần gì, thì chọn một món quà không đắt để minimising phí tổn kinh tế, và maximising giá trị tinh thần bằng những cử chỉ, những lời nói, hay những cuộc gặp gỡ trong tình thân yêu, nhân dịp lễ Giáng Sinh này. Muốn tặng thêm tiền bạc, có thể làm vào dịp khác. 






No comments:

Post a Comment