Friday, December 25, 2015

Còn có một Tập đoàn gấp nhiều lần Tân Hiệp Phát (J.B Nguyễn Hữu Vinh)





Sat, 12/26/2015 - 00:45 — nguyenhuuvinh

Tập đoàn Tân Hiệp Phát đứng trước cơn giận dữ của cộng đồng Việt sau những vụ án đưa người tiêu dùng vào chốn lao tù. Cuộc khủng hoảng của Tập đoàn này đang hứng chịu bắt nguồn từ những ứng xử mà hệ thống truyền thông, báo chí và mạng xã hội gọi là "ứng xử kiểu trọc phú", "trên tiền", "thiếu đạo đức"... cùng nhiều ngôn từ khác được dành tặng cho Tập đoàn này sau phiên tòa xử Võ Văn Minh.

Mẹo lừa đã mắc vào khuôn - (K)
Võ Văn Minh là một đối tác, khách hàng của Tân Hiệp Phát sau khi nhận 500 triệu đồng để đổi lấy chai nước nhãn hiệu Tân Hiệp Phát có chứa con ruồi như thỏa thuận thì công an ập đến bắt ngay sau đó rồi đưa ra tòa. 

Kết quả là Võ Văn Minh nhận bản án 7 năm tù. Còn Tân Hiệp Phát, sau khi đưa được khách  hàng của mình vào tù, thì nhận "bản án chung thân" của xã hội.

Người ta tranh cãi nhiều về những vấn đề pháp lý của vụ án cũng như những cách hành xử của một Tập đoàn đối với người tiêu dùng, khách hàng của mình, thì nổi lên những vấn đề không chỉ có ở trong một vụ việc Tân Hiệp Phát hôm nay.

"Trong tay đã sẵn đồng tiền" - (K)
Nhiều luật sư đã cho rằng: Vụ án được Tòa án Tiền Giang đưa ra xét xử đã vi phạm nghiêm trọng Bộ luật Tố tụng hình sự. Ngay tại Tòa, các luật sư đã tranh tụng, biện hộ... chỉ ra những sai sót, những vi phạm mà trong suốt quá trình vụ án, các cơ quan tố tụng đã mắc phải. Lẽ ra, với những hành vi vi phạm pháp luật đã được chứng minh, phiên tòa phải hủy bỏ. Những tranh tụng, những ý kiến của các luật sư ngay tại phiên tòa cũng như các ý kiến ngoài xã hội cho người ta có một cảm giác rằng: Đã ra tòa, thì nhiệm vụ của Tòa là phải tuyên cho được một bản án và kẻ đứng trước Tòa phải có tội mới được.

Người nông dân Võ Văn Minh, bị cáo trong phiên tòa bị Tòa tuyên mức án 7 năm. Với dư luận xã hội, đây là một hình phạt khắc nghiệt và bất công khi Võ Văn Minh với tư cách là khách hàng của Tân Hiệp Phát, là người tiêu dùng với sản phẩm mang nhãn hiệu của Tân Hiệp Phát.

Có thể nói, Võ Văn Minh thuộc đối tượng "thượng đế - ông chủ", là người nuôi sống và sự tồn tại của Tân Hiệp Phát phụ thuộc vào lớp người này. Chính lớp người này, mới có quyền trong sự tồn tại hay diệt vong của Tập đoàn Tân Hiệp Phát.

Rồi người ta mới phát hiện ra rằng: Tân Hiệp Phát không phải lần đầu đưa khách hàng của mình vào tù, mà đã từng có nhiều nạn nhân vào tù vì những sản phẩm của Tân Hiệp Phát khi gặp sản phẩm lỗi và sập bẫy của Tập đoàn này.

Sở dĩ sự việc diễn tiến theo chiều hướng hình sự, nhà tù và đối kháng, lên án và tẩy chay với Tập đoàn Tân Hiệp Phát, chính là ở tư duy của họ thể hiện ra bằng những cách hành xử đối với "thượng đế - ông chủ" của mình.

Thay vì việc nghiêm túc nhìn nhận những khiếm khuyết có thể có trong các sản phẩm của mình, Tập đoàn này đã nhất nhất khẳng định sản phẩm của mình là "tuyệt đối vô trùng và khép kín" nên không thể có lỗi. Thậm chí họ còn tuyên bố: "Nếu ai bỏ được dị vật vào sản phẩm hoặc dây chuyền sản xuất sẽ được tập đoàn này thưởng 500 triệu đồng" - đúng bằng con số mà Võ Văn Minh đã được thương lượng và nhận 7 năm tù.

Trong khi đó, hàng loạt các sản phẩm của chính Tân Hiệp Phát ngày càng được phát hiện khắp nhiều nơi.

Thay vì việc phải bảo đảm sức khỏe xã hội, tôn trọng người tiêu dùng là những đối tượng đang nuôi chính họ, có quyền để họ tồn tại hay tiêu vong, Tân Hiệp Phát đã dùng đến hệ thống công an, nhà tù, hình sự và bạo lực để trấn áp chính người tiêu dùng sản phẩm của họ.

Đó là tư duy của những "đầy tớ" nhưng nắm quyền ông chủ với "thượng đế - ông chủ" của mình. Tư duy của kẻ lắm tiền bạc, chức quyền và thế lực mạnh theo lý thuyết "trong tay đã sẵn đồng tiền".

Đó cũng là kết quả của phiên tòa Tiền Giang kết tội Võ Văn Minh - Một đặc trưng của Tòa án thời Cộng sản. Ở phiên tòa đó, nhiều vấn đề vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng đã được chỉ ra. Nhưng, phiên tòa đó, cũng như nhiều phiên tòa khác mà kết quả phiên tòa gần như đã được định sẵn. Ở đó vai trò luật sư, biện hộ, tranh tụng... chỉ là những màn kịch vui không có giá trị pháp luật. Cũng ở đó, vai trò của Viện Kiểm sát giữ vai trò của một kẻ điếc trong tranh tụng, bất chấp lẽ phải và ý kiến của các luật sư bào chữa ra sao.

Thế rồi, Tòa vẫn cứ tuyên án "Nhân danh Nước CHXHCN Việt Nam" - Một cái nhân danh quái gở bởi ngay cả cái XHCN vẫn là một ẩn số mờ mịt đầy kinh hãi mà không hề "Nhân danh Công lý" như Ls Ngô Ngọc Trai mới đây đã chỉ ra. Bởi vậy nên công lý vắng bóng và người dân nghèo ít học cứ vậy vào tù.

Điều này đã làm dấy lên làn sóng phản đối dữ dội trong xã hội, được thể hiện trên cộng đồng mạng xã hội và báo chí.

Càng cay nghiệt lắm càng oan trái nhiều - (K)

Kể từ khi Võ Văn Minh bị bắt và báo chí, mạng xã hội lên tiếng, Tân Hiệp Phát đã chịu nhiều đòn trừng phạt nặng nề chính từ tầng lớp "ông chủ - thượng đế" là người tiêu dùng. Những chiến dịch tẩy chay đã đặt Tân Hiệp Phát vào cơn khủng hoảng nặng nề.

Khắp nơi, một phong trào tẩy chay Tân Hiệp Phát được khởi động và lan truyền chóng mặt trên khắp mạng xã hội và trong thực tế. Những quán hàng "Nói không với Tân Hiệp Phát", những công ty "Cấm dùng sản phẩm của Tân Hiệp Phát", những trang mạng "Tẩy chay Tân Hiệp Phát" mọc lên rầm rộ và người dân, là tập thể cũng như các cá nhân không ngại ngùng tuyên bố tẩy chay Tân Hiệp Phát và các sản phẩm của Tập đoàn này.

Theo tuyên bố của Tân Hiệp Phát, họ đã mất đi 2.000 tỷ đồng vì âm mưu và hành động của mình qua vụ án con ruồi.

Không chỉ có thế, cơn giận dữ của xã hội đã và đang tiếp tục dâng cao.

Và Tân Hiệp Phát đang đứng trước những hiểm họa khôn lường. Đến mức, ông chủ Tập đoàn này đã phải cay đắng thừa nhận: "Nếu không được sự ủng hộ, thì Tân Hiệp Phát chỉ tồn tại được 1-2 năm nữa mà thôi".

Cho đến hôm nay, có lẽ đã phần nào nhìn thấy trước một tấn thảm kịch dành cho mình sau những hành động đó, Tân Hiệp Phát đã bắt đầu bỏ bớt thói cao ngạo vốn có của mình để đưa ra lời xin lỗi và nhận trách nhiệm về sản phẩm của mình - Đó là lời xin lỗi muộn màng

Mạt cưa mướp đắng đôi bên một phường - Đâu chỉ có một Tân Hiệp Phát

Những hành động của Tập đoàn Tân Hiệp Phát đã không được sự ủng hộ của xã hội. Không ai chấp nhận cách hành xử của Tập đoàn này đối với "ông chủ - thượng đế" của họ, và họ đã bị tẩy chay đến điêu đứng.

Vụ Tập đoàn Tân Hiệp Phát vừa qua, đáng để cho chúng ta suy nghĩ về những hiện tượng, hành động và bản chất của Tập đoàn này trong môi trường Cộng sản hiện nay.

Đó là kết tinh của một cách nghĩ và cách làm không giống ai: Sự cao ngạo, ưa bạo lực, hành xử tàn bạo đối với thượng đế, ông chủ của mình và dẫn tới đau thương phải hứng chịu.

Nhưng, ngẫm lại, ở Việt Nam đâu chỉ có mỗi tập đoàn Tân Hiệp Phát. Còn có một tập đoàn hơn Tân Hiệp Phát rất nhiều, thậm chí cách hành xử và thái độ với ông chủ còn cao hơn Tân Hiệp Phát nhiều bậc.
Đó là Tập đoàn Cộng sản Việt Nam.

Tập đoàn Cộng sản Việt Nam luôn kêu rằng là "đầy tớ trung thàn và tận tụy của nhân dân", là "của dân, do dân và vì dân". Nhưng những hành xử của họ thì Tân Hiệp Phát chỉ là con muỗi trên lưng con voi.

Cũng như Tân Hiệp Phát, Tập đoàn Cộng sản Việt Nam với đặc trưng của sự kiêu ngạo Cộng sản. Luôn tự coi mình là"trí tuệ nhân loại, là đỉnh cao thời đại, là lương tâm, đạo đức, là văn minh"...

Thế nhưng, cho đến nay, sau hơn 85 năm ra đời và 70 năm cầm quyền ở Việt Nam, họ đã đưa Việt Nam đến chỗ đứng hàng cuối cùng của thế giới về mọi mặt. Đất nước Việt Nam từ lãnh thổ vẹn toàn, đến ngày nay, một phần lãnh thổ lớn lao đang nằm dưới gót giày quân xâm lược.

Có lẽ, với 4000 năm lịch sử, ngoại trừ những kẻ bán nước như Lê Chiêu Thống, Trần Ích Tắc... chưa có thời đại nào ở đất nước này, kẻ cầm quyền lại luôn coi kẻ xâm lược đất nước mình là "bạn vàng" như Tập đoàn CSVN hiện nay.

Người dân Việt Nam - những ông chủ của họ - được chu du khắp thiên hạ mong được làm đầy tớ, bán sức lao động hoặc bán thân để kiếm tiền nuôi hệ thống Cộng sản đang ngày một phình ra không ai nuôi nổi.

Để đối xử với những "ông chủ" của mình, hệ thống CSVN đã không tiếc tiền nuôi hàng đàn, hàng đống những lực lượng Công an và đủ mọi lực lượng khác chỉ để nhằm thực hiện "Còn đảng, còn mình" dưới cái vỏ "nhân dân". Với bất cứ những yêu cầu, đòi hỏi nào từ "ông chủ" về các quyền cơ bản của họ, đều được đám đầy tớ trả lời bằng súng, đạn, nhà tù.

Với bất cứ tài sản nào của ông chủ, họ tự ý định đoạt và thực hiện bằng hệ thống bạo lực mà họ sắm, nuôi nấng bằng những đồng thuế mà ông chủ của họ nai lưng làm thuê làm mướn, làm nô lệ kiếm về.

Với vai trò "đầy tớ" họ bán cả lãnh thổ cho nước ngoài, cho thuê với thời hạn cả 50 - 70 năm, bằng mấy đời người để khai thác tận cùng các khả năng kiếm tiền. Họ đã ăn cả phần con cháu của ông chủ.

Với vai trò "đầy tớ" họ đã không màng đến chuyện lãnh thổ, đất đai cha ông bị cướp đoạt phải giữ lấy, phải đòi lại mà họ sẵn sàng để món nợ đó cho con cháu ông chủ sau này.

Với đất đai, tài sản từ bao đời của người dân - ông chủ - họ cướp quyền định đoạt bằng hệ thống luật lệ do chính họ ban ra để phục vụ lợi ích của họ. Và ông chủ cứ thế mà lưu vong trên chính quê hương mình trở thành tầng lớp mới trong xã hội: Dân oan.

Với quyền lực độc tài trong tay, hệ thống thuế má của họ đặt ra đến mức người dân chỉ còn một nước kêu trời. Theo điều tra mới đây của Viện Thị trường và giá cả (Bộ Tài chính), một hạt thóc nông dân sản xuất ra phải cõng hơn 100 khoản đóng góp, mỗi con gà chịu đến 14 loại thuế - phí.

Với sự độc quyền do độc tài trong tay, thì xăng dầu, điện nước, y tế, giáo dục... người dân cứ thế mà chịu còn hơn cả thuế thân thời Thực dân.

Nhưng, họ vẫn luôn kêu gào rằng họ là đầy tớ "trung thành, tận tụy" của người dân và họ là "Của dân, do dân, vì dân".

Nếu như Võ Văn Minh bị đi tù vì lòng tham, đòi hỏi 500 triệu đồng cho chai nước có con ruồi để rồi Tân Hiệp Phát gài bẫy đưa vào tù, thì với tập đoàn CSVN, chỉ cần những người đòi cho mọi người quyền làm người, cho đất nước phát triển, dân tộc tiến bộ đã được đưa vào tù bằng những bản án đến mức hài hước nhưng vô cùng nặng nề.

Nếu như Tân Hiệp Phát không chịu nhận lỗi của mình mà lại đổ cho sự phá hoại từ bên ngoài, thì tập đoàn CSVN là bậc thầy về việc đổ cho "các thế lực thù địch".

Nếu như Tân Hiệp Phát coi người tiêu dùng là đối tượng cần đưa vào tù khi khiếu nại, thì tập đoàn CSVN coi người dân là thế lực thù địch khi họ đòi quyền lợi của họ.

Nếu như Tân Hiệp Phát chỉ mới đưa được một vài trường hợp vào tù, thì Tập đoàn CSVN đã đưa hết lớp người này, đến lớp người khác qua bao tù ngục và chết chóc.

Nếu như Tân Hiệp Phát cho đến giờ mới nhìn nhận được lỗi lầm của mình để đưa ra lời xin lỗi và nhận trách nhiệm, thì Tập đoàn CSVN đã quá nhiều lần "rút kinh nghiệm" để rồi cứ thế. Rồi lại tiếp tục cao giọng là "đỉnh cao trí tuệ, là lực lượng lãnh đạo không thể thay thế".

Điều cuối cùng, là nếu như tập đoàn Tân Hiệp Phát chỉ vì một bản án 7 năm tù cho nạn nhân - ông chủ của họ - đã bị cộng đồng xã hội lên án, tẩy chay không khoan nhượng buộc họ thay đổi thái độ. Thì ngược lại, người dân và xã hội Việt Nam vẫn là đàn cừu cho Tập đoàn CSVN chăn dắt mà không hề dám mở mồm kêu than. Họa hoằn nếu có, cũng chỉ là những tiếng kêu đơn độc giữa sa mạc.

Đó mới là tai họa của đất nước và dân tộc này hiện tại và tương lai.

Hà Nội, Ngày 26/12/2015
J.B Nguyễn Hữu Vinh





No comments:

Post a Comment