Monday, December 28, 2015

Angela Merkel, nhân vật có ảnh hưởng nhất thế giới năm 2015 (Thanh Phương - RFI)





Thanh Phương  -  RFI
Đăng ngày 28-12-2015 

Chính Angela Merkel đã công nhận : năm 2015 là năm khó khăn nhất đối với bà. Tuy nhiên, ai cũng thấy rõ là trong năm 2015, Thủ tướng Đức đã nổi lên như là lãnh đạo số một của Châu Âu, luôn đứng ở tuyến đầu trong các cuộc khủng hoảng đã làm rung chuyển lục địa này.

Sau khi được tuần báo Mỹ Time và nhật báo Anh Finnancial Times bình chọn là Nhân vật của năm 2015, bà Merkel cũng vừa được hãng tin AFP tôn vinh là nhân vật có ảnh hưởng nhất trong năm nay. Hiếm có lãnh đạo chính trị thế giới lại có được vinh dự như thế.

Đúng là trong những tháng qua, trong mọi « mặt trận », từ cuộc « đọ sức » với Hy Lạp để cứu vãn khu vực đồng euro, thương lượng với Nga để giải quyết khủng hoảng Ukraina, cho đến việc đối phó với làn sóng người tị nạn từ Trung Đông ồ ạt đổ sang Châu Âu, Thủ tướng Đức vẫn là nhân vật được mọi người theo dõi nhiều nhất, vì những hành động và lập trường của bà có ảnh hưởng rất lớn đến diễn biến tình hình ở Châu Âu.

Có lúc Thủ tướng Merkel bị dân chúng thủ đô Athens cực lực phản đối vì chính bà đã áp đặt chính sách khắc khổ rất ngặt nghèo lên Hy Lạp, nhưng cũng có lúc bà được ca ngợi như là Mẹ Theresa, vì bà đã mở cửa nước Đức để đón nhận hàng trăm ngàn người di dân một cách hào phóng, đặc biệt là người tị nạn chiến tranh Syria.

Ngay cả cựu Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Yanis Varoufakis, người đã chống đối quyết liệt bà Merkel, cũng không che giấu lòng ngưỡng mộ đối với Thủ tướng Đức, đến mức tuyên bố với tuần báo Stern rằng : « Có thể nếu tôi là người Đức, tôi sẽ bầu cho bà Merkel ».

Cuộc khủng hoảng di dân nghiêm trọng nhất ở Châu Âu từ năm 1945 đã làm lộ rõ một gương mặt khác của bà Merkel. Trong suốt nhiều năm cầm quyền, nữ Thủ tướng gốc Đông Đức vẫn lãnh đạo theo kiểu gió chiều nào, xoay chiều ấy, tùy theo xu hướng của công luận Đức mà ra các chính sách.

Nhưng khi đối phó với làn sóng người tị nạn, bà Merkel bổng trở nên hết sức cương quyết, bất chấp kết quả các cuộc thăm dò dư luận, dứt khoát mở rộng cánh cửa nước Đức. Trước đây vẫn bị chê là nói năng nhàm chán, Thủ tướng Đức chợt biểu lộ tài diễn thuyết hùng hồn, thuyết phục người dân Đức hãy đừng sợ tiếp đón hàng trăm ngàn người di dân.

Như một nhà truyền giáo nhiệt thành, bà Merkel không ngớt lập luận rằng : Để giải quyết khủng hoảng di dân, Châu Âu phải làm đúng theo những giá trị của mình, cho dù ở nhiều nước, kể cả ở Đức, xu hướng dân túy, cực hữu bài ngoại đang trỗi dậy mạnh mẽ.

Nhưng việc bà Merkel gần như áp đặt nhãn quan của bà lên các lãnh đạo Châu Âu khác khiến một số người nghi ngờ về « âm mưu bá quyền » của nước Đức. Từ Thủ tướng Hungary Viktor Orban, Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Donald Tusk cho đến Thủ tướng Cộng hòa Séc, Bohuslav Sobotka đều chỉ trích nặng nề chính sách của Thủ tướng Đức, nhất là về hồ sơ di dân.

Ngay cả trong nước, hơn phân nửa người dân Đức nay không tin là bà Merkel có thể vượt qua thử thách lớn nhất kể từ khi nước Đức thống nhất. Tâm lý này có thể gây khó khăn cho Thủ tướng Merkel khi bà ra tranh cử cho nhiệm kỳ thứ tư vào năm 2017. Năm 2016 được xem là một năm trắc nghiệm cho uy tín và cho tương lai chính trị của bà.





No comments:

Post a Comment