Thursday, December 24, 2015

Đàn ông Việt với quán nhậu, gái gọi và Tân Hiệp Phát (VietTuSaiGon)





Thu, 12/24/2015 - 11:41 — VietTuSaiGon

Đàn ông Việt Nam (ngoại trừ một số rất ít biết quan tâm đến xã hội, dân tộc, quốc gia) đã làm được gì sau khi đàn bà đã hy sinh quĩ thời gian quí báu, tuổi xuân để mà cáng đáng việc gia đình, cho người chồng, người con, thậm chí người em, người anh đi ra xã hội? Thật đáng buồn và xấu hổ khi phải nói rằng đại đa số đàn ông Việt Nam chỉ quan tâm đến tiền, quán nhậu và gái gọi! Câu chuyện con ruồi Tân Hiệp Phát là một ví dụ điển hình.

Dựa vào cơ sở nào để nói rằng đại đa số đàn ông Việt Nam chỉ quan tâm đến tiền, quán nhậu và gái gọi? Và câu chuyện con ruồi Tân Hiệp Phát (THP) cũng như vấn đề chính trị, xã hội Việt Nam có liên quan gì đến nhận thức, lựa chọn của đại đa số đàn ông Việt Nam?

Từ quyền chọn lựa, ý thức cá nhân

Để trả lời câu hỏi thứ nhất, phải nói đến một vấn đề khác đáng xấu hổ hơn cho đại đa số đàn ông Việt Nam ăn hàng nhiều hơn đàn bà. Và có vẻ như đàn bà Việt Nam đã thay đổi thói quen, chuyện đi chợ, ghé siêu thị mua thực phẩm về nấu cho cả gia đình cùng thưởng thức đang là chuyện phổ biến của phụ nữ Việt Nam. Đây là dấu hiệu đáng mừng cho phụ nữ Việt nhưng lại đáng xấu hổ cho đàn ông Việt Nam.

Bởi vì Việt Nam tuy là một nước có nền kinh tế èo ọp nhưng lượng bia rượu tiêu thụ mỗi năm nếu chia tổng số lượng tiêu thụ với bình quân đầu người thì có thể nói rằng Việt Nam nhậu thuộc vào hàng sư tổ của thế giới. Vui – nhậu, buồn – nhậu, có bạn mới – nhậu, đầy tháng con – nhậu, tao nôi con – nhậu, chó bị xe cán – nhậu, heo bị dịch – nhậu, con gà bị tai nạn vì chui vào lưới – nhậu, thằng bạn mới sinh được con trai nối dõi – nhậu, vợ thằng bạn mới lành bệnh – nhậu, thằng bạn li dị vợ – nhậu, mừng thằng bạn có vợ mới – nhậu, mừng có bài thơ đăng trên báo văn nghệ thành phố - nhậu, thậm chí giết cả con bò mời cả làng cùng nhậu vì có bài thơ đăng trên báo văn nghệ trung ương… Kính thưa các lý do để nhậu. Nói ra vài câu là thấy “bữa nào rảnh anh em mình cùng nhậu!”.

Hình như chữ nhậu đã gắn sẵn trên vùng ngôn ngữ của đại đa số đàn ông Việt Nam! Và hình như phụ nữ Việt Nam cũng đã quen chịu đựng với việc chồng đi nhậu tùy hứng, thậm chí bỏ bê công việc, nói không chừng, có nhiều trường hợp dù biết chồng nhậu xong rủ nhau đàn đúm gái gú, tìm ca-ve nhưng vẫn làm thinh cho xong chuyện. Bởi nói có khi bị đánh đập hoặc bị cắt “viện trợ” hằng tháng, con cái không có tiền mà ăn học. Và có lẽ cũng chính vì sự bất công này mà đa số các chị em phụ nữ ở chợ lại am hiểu về chính trị hơn cánh đàn ông ở các quán nhậu.

Đi bất cứ khu chợ nào cũng có thể nghe các bà bàn tán về chuyện Trung Quốc xâm lược, các phố Tàu ở Đà Nẵng, Bình Dương, Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Trị, Quảng Nam, Tây Nam Bộ… Hầu hết các câu chuyện này đều là của chị em phụ nữ ngồi “tám” với nhau ở các chợ. Ngược lại, cánh đàn ông, đại đa số nhậu với nhau xong, nếu có yêu nước thì cũng yêu nước trên bàn nhậu, nói dóc năm điều bảy chuyện, bình luận đủ điều về chính trị… Nhưng sau bữa nhậu, vấn đề họ quan tâm là tiền đâu để chiều nay, chiều mai nhậu tiếp, chỗ karaoke Cẩm Tú, Cẩm Li, Cẩm Kì, Cẩm Cọ… có mấy em chân dài bốc lửa, giá cũng được… vân vân và vân vân…!

Và nói về chuyện ăn hàng, có lẽ ít ai ăn hàng như các ông nhậu, chỉ cần nhìn thấy bà bán chả đi ngang qua thì cách gì cũng làm vài cây lót bụng trong lúc chờ mồi, thấy lạc rang đi qua cũng làm một bao ngồi nhâm nhi đưa cay, me xoài cóc ổi bán chạy nhất, được lãi nhiều nhất cũng nằm ở các quán nhậu chứ không phải ở chợ. Nói đến chuyện này thật là ốt dột cho cánh đàn ông, đặc biệt là cánh đàn ông trẻ chưa có sự nghiệp và thừa thời gian, thừa hèn nhát nhưng lại thiếu tri thức, thiếu hiểu biết chính trị và thiếu cả lòng tự trọng cũng như ý thức cá nhân.

Sở dĩ đàn ông Việt, đại đa số ra nông nổi như đang thấy phải nói rằng do họ chưa kịp hoàn hồn sau quá trình kinh tế tập thể, tập trung bao cấp thì lại ngoi ngóp trong cái thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Vì sao lại nói rằng nguyên nhân của hèn nhát, thiếu hiểu biết chính trị, thiếu tự trọng và thiếu ý thức cá nhân là do nền kinh tế xã hội chủ nghĩa?

Bởi lẽ, chính cái nền kinh tế tập trung bao cấp, không có sở hữu tư nhân một thời rồi sau đó mạnh thằng nào thằng nấy vơ cào, tư túi dưới ánh sáng định hướng xã hội chù nghĩa của một thị trường kinh tế hỗn loạn, cá lớn nuốt cá bé đã lấy mất dũng khí cũng như ý thức tư hữu, quyền cá nhân của đại bộ phận đàn ông, những người chủ chốt trong vấn đề nuôi gia đình. Thậm chí có những thằng đàn ông đổ liều, chấp nhận dùng năng lực dưới lưng quần vợ để nâng cao địa vị, sự nghiệp tổ tiên và xem đó là điều hiển hách. Chuyện này không hiếm trong nền chính trị Việt Nam hiện tại. Và cũng không hiếm những thằng đàn ông moi trộm tiền vợ để đi chơi với gái…!

Đến tính vong thân, vong tộc…

Tất cả những thứ đó đều là biểu hiện của một dân tộc đang đi đến chỗ đánh mất nhân phẩm, đánh mất lòng tự trọng, đánh mất ý thức về bản thân. Và một khi ý thức về bản thân không có thì quyền lựa chọn cá nhân, quyền phát biểu những gì mình đã lựa chọn hoặc quyền khước từ hầu như không còn. Cũng chỉ có Việt Nam mới có câu chuyện THP đã nhiều lần phạm lỗi với khách hàng, có quá nhiều sản phẩm lỗi mà họ vẫn ngang nhiên ‘làm từ thiện’ đánh bóng tên tuổi, ngang nhiên tung sản phẩm và ngang nhiên gài thế đẩy những nạn nhân của họ vào chốn lao lý.

Bởi nếu ở các nước tiến bộ, người tiêu dùng coi trọng bản thân, coi trọng sức khỏe và nhân phẩm của họ thì họ đã khai trừ bất kì hãng sản xuất nào có sản phẩm không đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng. Và họ sẽ kiện đòi bồi thường cho dù chưa dùng sản phẩm mà chỉ mới mua về nhưng phát hiện nguy hiểm. Bởi lẽ, nền pháp lý của những nước đó không những chặt chẽ mà còn đề cao nhân phẩm, giá trị của cá nhân. Chính vì có được hệ thống luật pháp coi trọng và bảo vệ cá nhân nên công dân sẵn sàng đi kiện, sẵn sàng đối mặt với sự thật.

Ngược lại, ở Việt Nam, trong trường hợp này nếu đi kiện thì mất tiền án phí mà có thể mất cả mạng sống bởi xã hội đen hỏi thăm, cuối cùng cũng không được gì. Nếu gọi điện cho công ty bán sản phẩm lỗi thì họ có thể gài bẫy và tống vào tù… Trường hợp con ruồi THP là một điển hình. Và sở dĩ THP có thể cậy quyền cậy thế để làm mưa làm gió bấy lâu nay là vì đa số người Việt, đặc biệt là đàn ông Việt không quan tâm đến pháp luật, chính trị, tình hình thế giới bằng quan tâm đến tình hình các quán nhậu, bia ôm, hớt tóc thanh nữ, các tụ điểm ăn chơi…

Và khi người ta không quan tâm đến bản thân, không quan tâm đến danh dự, không quan tâm đến giá trị cá nhân, giá trị cộng đồng, điều này cũng đồng nghĩa với việc người ta thây kệ ai chết mặc ai, miễn mình chưa chết, còn có cái để ăn chơi, sung sướng là đủ. Cũng chính thứ tâm lý kỳ quái này đã kết tạo thành một sinh quyển xã hội đầy tính vong thân, sợ quyền thế, sợ nói ra điều mình nghĩ. THP tồn tại được với hàng loạt sản phẩm hư hỏng mà vẫn không bị phá sản là nhờ vào thứ tâm lý này. Không riêng gì THP mà bất kì tập đoàn hay công ty ma mãnh nào cũng có thể dùng cái dù quyền thế của họ để đè người tiêu dùng, để nhân danh thứ này thứ nọ.

Ngay cả trong giới trí thức, giới luật sư vẫn không thiếu những luật sư khốn nạn hoặc không thiếu những nhà báo đầu chứa toàn nịnh bợ và sợ sệt. Một bài báo nói rằng “nếu khai trừ THP thì đó là một lựa chọn ngu ngốc” đã xuất hiện.

Điều này cho thấy tâm lý coi thường người tiêu dùng và lấy miếng ăn đe dọa người khác trong giới bồi bút vẫn còn nặng. Họ vẫn nuôi tâm lý khi lấy miếng ăn đe dọa, tỉ như nếu tẩy chay THP thì có hơn 50 ngàn con người sẽ đói khổ, thiếu việc làm… để phân tích. Trong khi đó họ chưa hoặc không bao giờ nghĩ tới chuyện đã bao nhiêu năm nay, có 50 ngàn con người đã sống trong một tập đoàn mà ở đó, sự giả dối, không đảm bảo chất lượng và tính thủ đoạn, đẩy người nghèo vào chỗ lao lý. Điều đó cũng đồng nghĩa với hơn 50 ngàn con người đã được nuôi trong bầu khí quyển tội ác, hưởng lợi trên tội ác. Và khi xóa sổ tội ác, đương nhiên cái thiện được mở cửa tự do trong mỗi người. Không có THP thì họ sẽ làm nơi khác…! Bởi nếu nghĩ được vậy và quyền cá nhân, quyền lựa chọn của người tiêu dùng được đề cao thì sẽ không bao giờ có những bài báo đại loại như thế.

Phong trào tẩy chay THP, nếu nói đúng bản chất, nó phát biểu lên tính coi trọng quyền của người tiêu dùng một cách mạnh mẽ nhất và nó cũng cho thấy nghĩa khí bảo vệ kẻ yếu đã trở lại. Đây là một tín hiệu mừng sau 40 năm ngủ quên của dân tộc.




No comments:

Post a Comment