Thursday, November 26, 2015

Tấn công khủng bố tại Paris là đụng độ giữa hai nền văn minh? (Lê Mạnh Hùng)





Lê Mạnh Hùng
Wednesday, November 25, 2015 1:07:06 PM

Kể từ khi nhà chính trị học Samuel Huntington hồi năm 1993 đưa ra lý thuyết rằng chính trị quốc tế sẽ bị chi phối bởi sự “đụng độ giữa các nền văn minh” (clash of civilisations), lý thuyết này đã trở thành thời thượng, và có lẽ không ai ủng hộ nó hơn là những người Hồi giáo cực đoan cuồng tín. Những kẻ khủng bố tạo ra cảnh giết người hàng loạt tại Paris tuần trước là thành viên của một phong trào cho rằng Hồi Giáo và phương Tây là hai kẻ thù trong một cuộc chiến một mất một còn.

May mắn là những chính khách hàng đầu của phương Tây hầu như luôn luôn bác bỏ phân tích của Huntington. Ngay cả cựu tổng thống Hoa Kỳ George W. Bush cũng khẳng định “Không hề có đụng độ giữa các nền văn minh.” Và cuộc sống thường ngày tại những thành phố lớn ở phương Tây như Luân Ðôn vốn có một thiểu số đông đảo những người Hồi Giáo đã cho một bằng chứng bác bỏ triệt để luận điệu rằng những người thuộc các tôn giáo và văn hóa không thể sống và làm việc một cách hòa hợp bên cạnh nhau.

Với vụ thảm sát tại Paris, người ta cần khẳng định lại cái ý tưởng cốt lõi đó. Và hành động này lại càng cần thiết hơn nữa khi nhìn vào một số chiều hướng đáng lo ngại trên thế giới. Sự kiện là tinh thần Hồi Giáo cực đoan đang lấn lên so với Hồi Giáo ôn hòa ngay tại những quốc gia như Thổ Nhĩ Kỳ, Malaysia hay Bangladesh vốn trước đó vẫn được coi như là gương mẫu của những xã hội Hồi Giáo hiện đại. Ðồng thời những lời tuyên bố thể hiện một thiên kiến chống lại Hồi Giáo cũng xuất hiện trong dòng chính chính trị chứ không phải chỉ ở biên duyên cực hữu tại Hoa Kỳ hay một số nước Châu Âu.

Hai khuynh hướng đó họp lại càng làm khó hơn cố gắng của những ai muốn chống lại việc biến cuộc chiến chống khủng bố này trở thành một cuộc “đụng độ giữa các nền văn minh”
Các cuộc tấn công khủng bố tỷ như sự kiện vừa xảy ra tại Paris làm gia tăng những căng thẳng giữa những người Hồi Giáo và không Hồi Giáo. Ðó chính là một mục đích của những kẻ khủng bố. Nhưng bên cạnh đó còn có những yếu tố khác, dài hạn hơn thúc đẩy việc cực đoan hóa trong Hồi Giáo. Một trong những phát triển nguy hiểm nhất là cung cách mà các quốc gia Hồi Giáo vùng Vịnh, đặc biệt là Saudi Arabia dùng tiền bạc của mình để truyền bá một thứ Hồi Giáo hẹp hòi và thiển cận của họ vào phần còn lại của thế giới Hồi Giáo.

Hậu quả của các hành động này có thể thấy rõ tại Ðông Nam Á, tiểu lục địa Ấn Ðộ cũng như Phi Châu và Âu Châu. Malaysia từ lâu vẫn được ca tụng như là một bằng chứng của một xã hội thành công và phồn thịnh; một xã hội đa văn hóa vói một đa số người Mã Lai theo Hồi Giáo và một thiểu số quan trọng người Hoa theo các tôn giáo khác. Nhưng ngay tại chính Malaysia tình hình đang thay đổi. Bihari Kausikan, một cựu bộ trưởng ngoại giao tại nước láng giềng Singapore đã chỉ ra “một tình trạng càng ngày càng đáng kể làm hẹp không gian chính trị và xã hội cho những người không phải là Hồi Giáo tại Malaysia.” Và ông nói thêm, “Ảnh hưởng của những người Arab từ Trung Ðông trong nhiều thập niên qua đã xói mòn bản chất Mã Lai của Hồi Giáo,” thay thế nó với một “Hồi Giáo khắc khổ và thiếu bao dung hơn.” Vụ bê bối tham nhũng đang ám ảnh chính phủ của Thủ Tướng Najib Razak đã làm gia tăng căng thẳng giữa các cộng đồng vào lúc mà chính phủ Malaysia đã quay lại một nền chính trị tôn giáo để lấy sự ủng hộ. Ngay cả một vị bộ trưởng trong chính phủ Malaysia lúc gần đây đã tấn công những người đối lập là một thành viên trong “âm mưu Do Thái toàn cầu” chống lại Malaysia. Tại Bangladesh, một nước Hồi Giáo với một Hiến Pháp thế quyền, những người Hồi Giáo cực đoan đã ám sát chết nhiều nhà trí thức, blogger và nhà báo trong năm qua. Các cuộc tấn công vào những người Thiên Chúa Giáo, Ấn Giáo và cả Hồi Giáo Shia cũng gia tăng. Hầu hết những hành động khủng bố này được thực hiện bởi chi nhánh địa phương của al-Qaeda hay ISIS, nhưng cũng như tại Malaysia mầm mống của Hồi Giáo cực đoan này có vẻ như phát xuất từ các nước vùng Vịnh qua việc họ tài trợ những trường học Hồi Giáo cũng như qua các công nhân Bangladesh di cư sang các nước vùng này làm việc.

Ðối với nhiều người tại Châu Âu, Thổ Nhĩ Kỳ là điển hình tốt nhất của một xã hội Hồi Giáo mà cũng là một xã hội dân chủ thế quyền thành công. Cuộc cách mạng Thổ do Kemal Ataturk thực hiện đã loại bỏ tôn giáo ra khỏi chính trị. Nhưng trong thời đại của Tổng Thống Recep Tayyip Erdogan, tôn giáo đã càng ngày càng xâm nhập vào chính trị. Ông Erdogan đã được tạp chí The Economist và một số khác ca tụng như là một người Hồi Giáo ôn hòa, Nhưng không có gì là ôn hòa trong lời tuyên bố của ông trước các thân hữu năm 2014 nói rằng “người phương Tây nói là bạn chúng ta nhưng họ muốn chúng ta chết, muốn thấy con cháu chúng ta chết.”

Tại Châu Âu, ngay trước khi xảy ra cuộc tấn công khủng bố tại Paris, cuộc khủng hoảng di dân đã dẫn đến sự nổi lên của các đảng và phong trào chống Hồi Giáo. Vào lúc Ðức mở cửa đón nhận các dân tỵ nạn từ vùng Trung Ðông, các cuộc bạo động chống những nơi chứa người tỵ nạn đã gia tăng, Tại Pháp đảng cực hữu Front National đã được rộng rãi chờ đợi sẽ lấy được nhiều ủng hộ hơn trong cuộc bầu cử địa phương vào tháng tới. Hành động và lời nói chống Hồi giáo cũng gia tăng tại Mỹ và trở thành lời nói cửa miệng của những ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng Hòa. Donald Trump ứng cử viên đang dẫn đầu trong sự ủng hộ của cử tri Cộng Hòa tuyên bố ông sẽ trục xuất bất kỳ một người tỵ nạn Syria nào được cho nhập cảnh vào Hoa Kỳ nếu ông trúng cử tổng thống.

Sự trùng hợp của những diễn biến tại Bắc Mỹ, Châu Âu, Trung Dông và châu Á nuôi dưỡng ý tưởng một cuộc dụng độ giữa các nền văn minh. Nhưng thực tế là thế giới Hồi Giáo và không Hồi Giáo nay đã quyện lại trên khắp thế giới. Ða văn hóa không phải là một nguyện vọng mà là một thực tế của thế giới hiện đại. Phá hủy thực tế đó như những người chủ trương “đụng độ giữa các nền văn minh” chỉ dẫn đến bạo động, chết chóc và đau khổ.


-----------------------

Germany and European will in big trouble in future.
Please watch this video





No comments:

Post a Comment