Monday, November 2, 2015

Ông Ban Ki-moon nói đến quan hệ với Phan Huy Chú (Trinh Nguyễn - Thanh Niên Online)





Trinh Nguyễn   -  Thanh Niên Online
02/11/2015 06:02

Theo GS Phan Huy Lê, trong trao đổi, ông Ban Ki-moon nói là hậu duệ của họ Phan Huy, cụ thể hơn là hậu duệ của Phan Huy Chú.

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon thăm nhà thờ họ Phan Huy ở Quốc Oai, Hà Nội tháng 5.2015 - Ảnh: Lê Quân chụp lại từ tư liệu gia đình

Cuộc gặp cá nhân

Cuộc sống vẫn bình thường với dòng họ Phan Huy kể từ khi ông Ban Ki- moon, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc tới thăm và thắp hương ở nhà thờ họ tại Quốc Oai, Hà Nội vào tháng 5.2015. Đương nhiên, họ tự hào, song tất cả chỉ dừng lại ở đó.

“Một người lãnh đạo Liên Hiệp Quốc về nhà thờ họ tôi thắp hương. Tôi có đủ thông tin, có Facebook mà chẳng dám đưa lên mạng đâu. Mình đưa lên thấy nó vô duyên quá”, ông Phan Huy Huân, trưởng họ, khẳng định.

Chính ông Huân đã đứng ra lựa chọn những người tới dự cuộc gặp mặt hôm đó. Cũng chính ông là người đã mời một nhà khoa học lớn trong họ - GS Phan Huy Lê đến dự. Vì lý do sức khỏe, GS Lê không thể có mặt, chỉ gửi tặng sách Lịch triều hiến chương loại chí (tác phẩm của Phan Huy Chú) cho ông Ban Ki-moon.
“Vì là chuyện riêng tư nên Bộ Ngoại giao không ai biết mà TP.Hà Nội cũng chẳng ai hay. Chỉ anh em tôi biết thôi”, ông Huân nói.
Về việc liệu ông Ban Ki-moon có quay lại không, ông Huân cho biết: “Ai mà dám hẹn. Sao mà hẹn được”.

TS Lý Xuân Chung, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Hàn Quốc, Viện Hàn lâm khoa học xã hội VN, cho rằng không thể đánh giá cuộc viếng thăm này như một động thái ngoại giao được. “Nếu là động thái ngoại giao thì đã có sự chủ động đưa tin, chụp ảnh. Ông ấy về đây chỉ như một người hành hương bình thường, với lòng thành kính với họ Phan”.

Ông Chung cũng cho rằng không nên cố tình hiểu sự việc theo hướng ông Ban Ki-moon là hậu duệ của dòng họ Phan Huy.
 “Tôi nghĩ chỉ nên hiểu chắc chắn ông ấy tôn trọng và thành kính với dòng họ Phan. Mà họ Ban (viết cùng một chữ Hán với họ Phan) ở Hàn Quốc cũng là một dòng họ lớn”, ông Chung nói.

Gia phả họ Phan Huy có nhiều dị bản

Theo TS Nguyễn Ngọc Nhuận, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm, cho tới giờ phút này gia phả họ Phan Huy không hề ghi nhận bất cứ thông tin nào về việc có thể có một nhánh lưu lạc ở nước ngoài. Tuy nhiên, có tới 4 dị bản gia phả của dòng họ này. Khi nghiên cứu, ông Nhuận đã dịch bản Phan gia công phả và tham khảo cả ba bản còn lại.
Phan gia công phả được ông Nhuận đánh giá là cuốn gia phả quý, được biên soạn theo một thể thức khá chuẩn mực. Tuy nhiên, cây gia phả (nếu vẽ ra) cũng có những nhánh trống. “Gia phả cũng có những bản ghi không được hết. Có thể, nếu có ai đi thì ở đoạn đó”, ông Nhuận nói.

Ông Nhuận cho biết thêm: “Có thể có ông bỏ đi vì sợ nhà Nguyễn sẽ trả thù. Phan Huy Ích trước có theo nhà Tây Sơn. Nhưng họ chỉ trả thù nhân vật chính của triều Tây Sơn, chứ còn quan kiểu sĩ phu Bắc Hà dù sao cũng sử dụng. Thậm chí vua Gia Long còn gọi Phan Huy Ích ra để hỏi về quan hệ bang giao giữa nhà Nguyễn với triều Thanh vì Phan Huy Ích quen với việc bang giao rồi”.

Cũng theo ông Nhuận, nếu có việc phải trốn đi để không bị trả thù thì người ghi gia phả sẽ không ghi nhánh đó để tránh chuyện không hay.
Nếu chuyện đó có thật thì có thể sẽ có tư liệu từ phía Hàn Quốc”, ông nói.

Về chuyến thăm của ông Ban Ki-moon, ông Nhuận cho rằng: “Có lẽ cùng lắm chỉ nên hiểu đó là ông ấy đang đi tìm tư liệu về dòng họ Phan thôi”.

Về khả năng tìm tư liệu từ phía Hàn Quốc, TS Chung cho biết nước này có một hội nghiên cứu về tộc phả hoạt động rất mạnh. Tuy nhiên, “Các dòng tộc nhỏ thì phải nghiên cứu lâu, có khi phải mất mấy năm. Trường hợp của họ Lý cũng mất nhiều năm mới có kết luận khoa học”, ông Chung nói.

*
*
“Khi ông Ban Ki-moon đến thăm nhà thờ của họ Phan Huy, chắc chắn là có ý. Tôi xin lưu ý là việc viếng thăm này không nằm trong chương trình làm việc của ông Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc trong 2 ngày ở VN. Đây là việc riêng, việc cá nhân thuộc về đời tư của ông ấy. Vì vậy mà tôi cũng như ông tộc trưởng và con cháu họ Phan Huy không ai đưa tin này. Tuy tôi không có mặt ở đó, không trực tiếp đón tiếp ông ấy nhưng tôi biết rất rõ về việc này. Tôi khẳng định những bức ảnh ông Ban Ki-moon thăm nhà thờ họ Phan Huy ở Sài Sơn (Quốc Oai, Hà Nội), thắp hương, gặp con cháu họ Phan Huy, bút tích lưu niệm là thật, tuyệt đối không có gì phải hoài nghi hay cần xác minh.

Trong bút tích lưu niệm, ông Ban Ki-moon viết rõ ông là thành viên của họ Phan. Ông kính cẩn thắp hương trước bàn thờ Phan Huy Chú và tổ tiên họ Phan Huy. Trong trao đổi ông nói là hậu duệ của họ Phan Huy và cụ thể hơn là hậu duệ của Phan Huy Chú. Tôi rất kính trọng ông Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc và tin rằng bút tích, lời nói, việc làm của ông ấy đều được cân nhắc một cách thận trọng. Nhưng quan hệ đó như thế nào thì cho đến nay, trong 2 ngày ở VN và trong thời gian đi thăm nhà thờ họ Phan Huy, ông chưa nói cho ai biết cả. Cũng có thể ông đã có đủ chứng cứ, tư liệu, nhưng cũng có thể ông mới có một số thông tin nào đó và cần về tận nơi để thăm viếng, tìm hiểu thêm. Có người cho rằng ông Ban Ki-moon, tên chữ Hán là Phan Cơ Văn, viếng thăm họ Phan theo ý nghĩa tộc họ rộng lớn và chung chung đó. Riêng tôi, tôi không nghĩ như vậy. Ở VN hiện nay có nhiều dòng họ Phan, sao ông lại tìm về dòng họ Phan Huy ở Sài Sơn? Trong các gia phả dòng họ Phan Huy ở VN, tôi chưa tìm thấy một tư liệu nào trực tiếp hay gián tiếp chứng tỏ có một chi ở Hàn Quốc. Còn Phan Huy Chú (1782-1840) có hai lần đi sứ nhà Thanh (Trung Quốc) năm 1824, 1830 và một lần đi sứ Batavia (Jakarta, Indonesia) năm 1832 - 1833, nhưng không thấy có một tư liệu nào về mối quan hệ của ông với Triều Tiên lúc bấy giờ. Về phương diện khoa học, tôi tin ông Ban Ki-moon nhưng cho đến nay, tôi chưa có tư liệu nào cho phép lý giải mối quan hệ giữa họ Phan của ông với Phan Huy Chú hay họ Phan Huy ở VN”.

GS PHAN HUY LÊ, Chủ tịch Hội Khoa học - Lịch sử VN

*
*
Ông Ban Ki-moon sinh ngày 13.6.1944. Ông là một chính khách rất nổi tiếng ở Hàn Quốc và hiện là Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc. Trước khi trở thành Tổng thư ký thứ 8 của Liên Hiệp Quốc, ông Ban từng là một nhà ngoại giao lão luyện của Bộ Ngoại giao Hàn Quốc.

Ông từng đảm nhiệm vị trí Ngoại trưởng Hàn Quốc từ tháng 1.2004 đến tháng 11.2006. Tháng 2.2006, ông bắt đầu chiến dịch tranh cử cho chức Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc. Ban đầu, ông không được đánh giá là người thích hợp nhất cho chức vụ này. Tuy nhiên, với vai trò là Ngoại trưởng Hàn Quốc, ông có dịp được đi công cán đến toàn bộ các quốc gia thuộc Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và điều này đã giúp ông trở thành ứng viên tiềm năng. Vào ngày 13.10.2006, ông được Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc bầu làm Tổng thư ký. Đến ngày 1.1.2007, ông chính thức kế vị ông Kofi Annan.

Tháng đầu tiên đảm nhận nhiệm vụ mới, ông Ban được cho là đã rất chật vật để thích nghi với văn hóa của Liên Hiệp Quốc, nhưng sau đó đã nhanh chóng khẳng định được khả năng và đã thông qua nhiều cải cách quan trọng đối với hoạt động gìn giữ hòa bình và tuyển dụng nhân sự tại tổ chức này.

Về mặt ngoại giao, vị Tổng thư ký người Hàn Quốc đặc biệt có quan điểm mạnh mẽ về biến đổi khí hậu khi liên tục cùng cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush lên tiếng về vấn đề này. Ông cũng là người đã giúp thuyết phục Tổng thống Sudan Omar al-Bashir cho phép lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc hoạt động tại nước này.

Ông Ban cũng từng được tạp chí uy tín Forbes (Mỹ) bình chọn là nhân vật quyền lực thứ 32 thế giới trong năm 2013. Đây là thứ hạng cao nhất mà người Hàn Quốc từng có được trong danh sách xếp hạng của Forbes.

Trang Wikipedia bản tiếng Việt hiện đã cập nhật thông tin về cá nhân ông, theo đó cho biết ông Ban là hậu duệ của cụ Phan Huy Chú. Tiểu sử của ông trong Wikipedia bản tiếng Anh lại chưa có thông tin này.
Hoàng Uy









No comments:

Post a Comment