Friday, November 27, 2015

Đọc Đối Mặt Của Nhà Tranh Đấu Vi Đức Hồi (Trần Bình Nam)





26/11/2015

Nhà xuất bản Người Việt vừa cho phát hành cuốn sách “Đối Mặt: đi trên con đường dân chủ” dày 544 trang của ông Vi Đức Hồi, một nhà đấu tranh cho dân chủ ở trong nước.

Bìa sách.

Ông Võ Văn Minh chủ biên mạng điện tử “Đối thoại” người đại diện chính thức ông Vi Đức Hồi cho tôi đọc bản thảo và yêu cầu viết lời giới thiệu . Đọc xong bản thảo, cảm mến tâm huyết tác giả tôi không ngần ngại nhận lời.

Ông Vi Đức Hồi, một đảng viên đảng Cộng sản Việt Nam, người từng là thành viên của Ủy ban Thường vụ Huyện ủy huyện Hữu Lũng thuộc tỉnh Lạng Sơn, Chủ tịch Ủy ban Tuyên truyền và Giám đốc trường Đảng cấp huyện đã âm thầm hỗ trợ phong trào kêu gọi tôn trọng nhân quyền và mở rộng dân chủ tại Việt Nam vào những năm 2005, 2006. Do quan điểm đối lập đó ông bị khai trừ khỏi Đảng.

Từ  đại hội 6 của đảng Cộng sản Việt Nam năm 1986 chủ trương “đổi mới” một số văn nghệ sĩ dọ dẫm viết một số sách nói về các mặt tiêu cực của chế độ, tiên phong là Dương Thu Hương và Trần Mạnh Hảo. Trước khí thế ủng hộ của nhân dân Đảng hoảng sợ chận lại. Nhưng sau khi Đông Âu và Liên bang Xô viết sụp đổ vào đầu thập niên 1990  Đảng không còn khả năng ngăn chận.

Một loạt tác phẩm viết từ trong nước và in tại hải ngoại ra đời:  “Hoa xuyên tuyết” của cựu đại tá Bùi Tín tị nạn tại Pháp; “Đêm giữa ban ngày” của Vũ Thư Hiên (1997); “Chuyện Kể Năm 2000” của  Bùi Ngọc Tấn (1999); “Hồi ký của một thằng hèn” của nhạc sĩ Tô Hải (2007); và mới đây hai tập “Đèn Cù” của Trần Đĩnh (2014) nếu chỉ kể  một số tác phẩm tượng trưng.

Hồi Ký “Đối Mặt” của Vi Đức Hồi  viết xong giữa năm 2009 đã được phổ biến trên hai mạng điện tử “Thông Luận” và “Đối thoại” và nay được in thành sách sẽ tham gia vào cái rừng tác phẩm viết về sự thối nát của chế độ Cộng sản và công cuộc đấu tranh cho tự do dân chủ và công bình xã hội trong lòng đảng Cộng sản Việt Nam.

Ông Vi Đức Hồi sinh năm 1957, năm nay 58 tuổi. Ông không phải là một nhà văn hay một nghệ sĩ như các nhà văn Vũ Thư Hiên, Bùi Ngọc Tấn, Tô Hải, Trần Đĩnh …, nên tác phẩm của ông đơn giản, mộc mạc. Và ông viết tập “Đối Mặt” năm 2009 trước khi vào tù nên nó cũng không phản ảnh toàn bộ những gì ông muốn viết. Ông bị bắt cuối năm 2010, lãnh án 5 năm tù giam, 3 năm quản chế  và mới vừa được tự do.

Tôi  không so sánh “Đối mặt” của ông Vi Đức Hồi với các tác phẩm có giá trị hơn về văn chương như “Đêm giữa ban ngày” hay “Đọc chuyện kể năm 2000”,  nhưng “Đối Mặt” có một giá trị riêng của nó mà nhiều tác phẩm không có.

Ông Vi Đức Hồi là một đảng viên đảng Cộng sản Việt Nam có chỗ đứng nhất định trong hàng ngũ lãnh đạo của tỉnh Lạng Sơn, nhưng ông đã can đảm từ bỏ quyền lực và quyền lợi để đối mặt với bộ máy khổng lồ của Đảng.  Ông biết “đối mặt” với Đảng là thân tàn ma dại, vợ con nheo nhóc, nhưng bao năm trăn trở và dày vò với nội tâm, ông biết ông không thể sống với giả dối.

Là một người Việt Nam gốc Tày, sinh sống tại Hữu Lũng, vùng thượng du tỉnh Lạng Sơn, lớn lên nhờ cha có chút thế lực trong Đảng, ông được đi học và sớm được giáo dục trong khuôn mẫu của Đảng. Ông được dạy rằng, Đảng có sức mạnh vô song, Đảng là người đầy tớ và là người ân nhân của nhân dân và ông tin sự giáo dục đó như tin một định đề toán học,  nhất là khi Đảng vừa chiến thắng Hoa Kỳ thống nhất đất nước. Nhờ phấn đấu, năm 23 tuổi ông được kết nạp Đảng. Ba năm sau, năm 1983 ông được gởi về Hà nội theo học trường đảng Nguyễn Ái Quốc hệ cao cấp.

Năm 1986 tốt nghiệp , lòng tin tưởng của ông vào Đảng càng mạnh hơn lúc nào hết, mặc dù quan sát quanh mình ông thoáng thấy sau 10 năm thống nhất, đất nước vẫn còn tụt hậu, nhân dân còn đói khổ, nạn cường hào ác bá do đảng viên lạm dụng quyền lực tạo nên càng ngày càng gay gắt. Đảng trấn an ông đó là hậu quả của chiến tranh và sự phá hoại của các thế lực phản động trên thế giới. Và ông tin rằng với tài lãnh đạo “tài tình” của Đảng cơn khó khăn sẽ đi qua và nhân dân sẽ là chủ nhân của đất nước Việt Nam tươi đẹp với sự tận tụy phục vụ của người “đầy tớ” trung thành là Đảng Cộng sản Việt Nam.

Nhưng càng ngày ông càng thấy cán bộ đảng viên thoái hóa, làm giàu bằng bán quyền, bán chức, xa rời và coi thường quần chúng, và sống giả dối có lúc đến độ khả ố. Ông Vi Đức Hồi thuật lại hai chuyện nhỏ đã tác động lớn vào tư duy của ông.

Ông viết: “Tôi nhớ có lần một lãnh đạo cấp tỉnh xuống cơ sở thăm và làm việc, đám trẻ con xúm vào ngắm nghía chiếc xe con của vị lãnh đạo địa phương, có vị thư ký gì đó ra bảo người tài xế với giọng gay gắt: Cậu phải chú ý, không để cho bọn trẻ con nó đến gần xe, kẻo nó nghịch,vẽ bậy lên xe bị xước sơn là hỏng xe. Người lái xe vâng dạ liên hồi. Rồi vẫn người cán bộ ấy quay lại dõng dạc với đám trẻ con: bọn nhóc chúng mày đi ra ngoài chơi, không được động vào xe ô tô nhé, đứa nào nghịch xe bố mẹ phải đền ốm, bán hết số trâu, bò của xã này còn chưa đền nổi chiếc xe này, chúng mày hiểu chưa?”       

Chuyện thứ hai ông ghi lại ông từng đi dự nhiều lần ngày nhớ ơn thương binh liệt sỹ được tổ chức hằng năm vào ngày 27-7. Ông ít thấy thương binh, gia đình liệt sĩ, mà chỉ thấy nhẵn mặt đại diện các ban ngành hội họp lại ăn nhậu. Và một hình ảnh đập vào mắt ông là một hôm có vị chủ tọa cấp cao của Đảng hứng chí phát biểu với giọng giễu cợt: “Theo tôi nên đề nghị Đảng, Nhà nước tách ra ngày thương binh riêng, ngày liệt sĩ riêng để anh em mình có nhiều dịp bù khú với nhau hơn. Rồi ông cười khà khà chẳng cần giữ ý tứ gì với mọi người xung quanh. Mọi người đồng thanh tán thưởng, cùng nhau nâng chén hô to: dô... dô.”

Thời gian sau khi Đông Âu và Liên bang Xô viết sụp đổ, Đảng mang bài bản “đổi mới” được tạm ngưng ra xài lại, và đảng viên cũng như quần chúng được học tập lối tư duy cởi mở. Nhưng ông Vi Đức Hồi nhận ra rằng Đảng đổi mới để cứu Đảng chứ không phải để cứu dân. Đổi mới kinh tế mang lại một đời sống vật chất thoải mái hơn và mồm miệng của dân ít bị kiểm soát hơn. Nhưng đảng viên có nhiều cơ hội vơ vét làm giàu hơn trước, và quần chúng phải hiểu rằng “làm gì thì làm, cứ ăn, cứ nói, cứ hưởng nhưng đừng đụng đến quyền lãnh đạo của Đảng”.

Cái khổ tâm của ông Vi Đức Hồi là ông không sống được với cái mâu thuẫn đầy dối trá như vậy. Và trong không khí đấu tranh cho tự do dân chủ và nhân quyền tại Hà nội với Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân và sự yểm trợ của truyền thông quốc tế ông Vi Đức Hồi quyết định đặt vấn đề với Đảng. Ông gia nhập Khối 8406, viết bài cho báo điện tử “Tổ Quốc”, một tờ báo đối lập với Đảng do nhà khoa học địa chất Nguyễn Thanh Giang làm chủ bút dưới nhiều bút hiệu khác nhau. Tháng 12 năm 2006 với bút hiệu  Hữu Hải ông Vi Đức Hồi viết sáu bài tham luận gởi đăng trên mạng điện tử “Đối Thoại” và Thông Luận  nội dung gồm:

“Hãy để cho nhân dân tự quyết định lấy người đại biểu của mình”, “Quốc hội Việt Nam, Dân bầu hay Đảng cử”,

“Sự ngạo mạn của Đảng cộng sản Việt Nam”

“Thần tượng Hồ Chí Minh có thể cứu cánh cho Đảng cộng sản Việt nam không?”,

“Các nhà đấu tranh dân chủ không vi phạm pháp luật Việt Nam”,     “Đấu tranh dân chủ trong tình hình mới”.

Tháng 3 năm 2007  trong lúc đang lên lớp cho lớp cán bộ chuẩn bị đảng viên tại huyện nhà ông được giấy mời trình diện đảng ủy tỉnh Lạng Sơn ngay. Công an đã biết Hữu Hải là ai và ngày “Đối Mặt” với Đảng bắt đầu. Ông chọn thái độ đối mặt trong hệ thống luật pháp của Đảng và của Nhà nước.

Trước sự chất vấn của lãnh đạo tỉnh vì lý do gì ông hoạt động chống Đảng, ông Vi Đức Hồi thẳng thắn trả lời: “Tôi thành thật xin lỗi Đảng vì trước đây tôi đã thề với Đảng là tuyệt đối trung thành với sự nghiệp của Đảng nhưng vì tôi thấy Đảng ta đã từ lâu không còn xứng đáng với vai trò lãnh đạo xã hội bởi những việc làm của Đảng trong suốt hơn nửa thế kỷ qua không đúng với mục đích, tôn chỉ của Đảng. Tôi cũng thành thật với Đảng rằng đã từ lâu tôi đã không còn xem mình là đảng viên của Đảng vì những đảng viên có chức, có quyền của Đảng đã làm tôi coi thường Đảng. Tôi đã tự quyết định cho mình ly khai trên mặt tinh thần với Đảng từ những năm đầu của thập niên 90. Một lần nữa tôi thành thật xin lỗi Đảng.”

Kết thúc buổi đối mặt với lãnh đạo tỉnh ông Vi Đức Hồi xác nhận ông vi phạm kỹ luật Đảng nhưng không vi phạm pháp luật quốc gia. Ông nhận hình thức xử phạt cao nhất của Đảng là “khai trừ”. Ông tự nguyện trả lại các chức vụ chính quyền ông đang giữ và chấm dứt chế độ công chức của ông. Nhưng ông xác định ông có quyền hưởng hưu bổng của một viên chức chính quyền hồi hưu và quyền làm những gì pháp luật không minh thị cấm như quyền tham gia các hoạt động đòi hỏi tự do dân chủ.

Sau khi bị khai trừ ra khỏi Đảng, ông Vi Đức Hồi bị Đảng cô lập. Bất cứ ai dù là bà con trong họ tộc đều bị khuấy nhiễu nếu đến thăm viếng hay thăm hỏi ông. Vợ ông, bà Hoàng Thị Tươi, đảng viên, giáo viên tiểu học, bị ép từ chức với lý do không làm tròn nhiệm vụ một đảng viên khuyên nhủ chồng trung thành với Đảng.

Dù vậy ông Vi Đức Hồi vẫn tìm cách có mặt trong những dịp biểu dương tinh thần đấu tranh tại Hà nội.Tháng 2 năm 2008 cụ Hoàng Minh Chính qua đời, công an phủ một tấm lưới toàn quốc ngăn cản những nhà đấu tranh về Hà Nội tham dự tang lễ. Ông Vi Đức Hồi vẫn lọt lưới tỉnh Lạng Sơn và có mặt trong tang lễ. Tháng Tư năm đó, dù bị đe dọa ông vẫn tìm cách trốn về Hà nội lần nữa cùng với anh chị em dân chủ và thành phần dân oan từ các tỉnh miền Bắc kéo tới hẹn tại chợ Đồng Xuân dăng biểu ngữ chống Trung quốc rước đuốc thế vận mùa hè qua thành phố Sàigòn, đồng thời phản đối Trung quốc sát nhập hành chánh hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam vào tỉnh Hải Nam cuối năm 2007. Ông Vi Đức Hồi đã thuật lại lần này công an sắc phục không tiện ra tay đã mặc thường phục giả làm thành phần xã hội đen đánh đập những người tham dự, một hình thức khủng bố làm cho Việt Nam đáng được Liên hiệp quốc ghi danh vào danh sách các nước khủng bố (state terrorism) trên thế giới.

Giọt nước làm đầy ly. Tháng 10 năm 2010 đảng Cộng sản Việt Nam ra lệnh bắt ông về tội phát tán tài liệu “Tuyên truyền chống nhà nước Xã hội Chủ nghĩa”sau khi ông cho phát hành trên các mạng điện tử tập sách “Đối Mặt” này. Tháng 4 năm 2011 tòa phúc thẩm Lạng Sơn kết thúc bản án phạt ông 5 năm tù và 3 năm quản chế.

Các tổ chức đấu tranh bất vụ lợi trên thế giới như  “Ủy Ban Bảo Vệ Ký Giả” (Committee to Protect Journalist),  “Tổ Chức Theo Dõi Nhân Quyền” (Human Right Watch), “Tổ chức Ân xá Quốc tế” (Amnesty International) đồng lọat lên tiếng yêu cầu đảng Cộng sản Việt Nam trả tự do cho ông. Năm 2011 “Tổ Chức Theo Dõi Nhân Quyền”  tặng ông giải Hellman/Hammett, một giải dành cho những nhà văn không bẻ cong ngoài bút trước áp lực chính trị. Đồng thời “Tổ chức Ân xá Quốc tế” ghi ông vào danh sách các tù nhân lương tâm của thế giới. Trước áp lực quốc tế, ngày 12/4/2014 đảng Cộng sản Việt Nam trả tự do cho ông, 18 tháng trước ngày mãn hạn tù.

Hôm nay, các bạn có trong tay cuốn sách do ông Vi Đức Hồi thuật lại quá trình chuyển biến tư duy và sự đối mặt của ông với đảng Cộng sản Việt Nam.  “Đối Mặt” không có tính văn chương như một số tác phẩm của các nhà văn đối lập khác. “Đối Mặt” khác biệt ở chỗ tác gỉả quyết tâm rời bỏ cỗ xe do chính mình góp công sức đóng nên tưởng là phương tiện mang lại công bình xã hội và no cơm ấm áo cho toàn dân đã trở thành cái ách đè đầu kẹp cổ nhân dân, và sự rời bỏ đó kéo theo sự từ bỏ vị trí trong Đảng, chức vụ trong chính quyền , sự an toàn của bản thân gia đình vợ con, và tù đày.

Một cuốn sách dễ đọc của một con người bất khuất có một nội tâm trong sáng, yêu đời, yêu người, yêu dân tộc. Tôi xin  trân trọng giới thiệu “Đối Mặt” với độc giả trong và ngoài nước.

Sách có thể mua online  qua một trong hai link:

Người Việt: http://www.nguoivietshop.com/x110-x1ED1-x1EB7-x1EDD-x1EE7/dp/1518640125

 Amazon: http://www.amazon.com/Doi-Mat-Tren-Duong-Vietnamese/dp/1518640125/ref=sr_1_1?ie=UTF8&qid=1447975436&sr=8-1&keywords=Doi+mat

Trần Bình Nam
California – Hoa Kỳ
Cuối Thu -2015
binhnam@sbcglobal.net
www.tranbinhnam.com

-------------------------------------

Vi Đức Hồi’s Blog





No comments:

Post a Comment