Tuesday, November 24, 2015

Long An: Giám định pháp y cố ý ‘đẩy’ em Nguyễn Mai Trung Tuấn vào tù (Pv.GNsP)





Đăng ngày 24.11.2015 - 10:22am

Theo lịch, sáng nay 24.11.2015, Tòa án huyện Thạnh Hóa-Long An sẽ xét xử công khai em Nguyễn Mai Trung Tuấn (15 tuổi) về tội danh bị truy tố ‘cố ý gây thương tích’. Giám định pháp y kết luận tỷ lệ thương tích của người bị hại (công an Nguyễn Văn Thủy) là 35 %, căn cứ chính ‘đẩy’ em Tuấn vào tù .


TỶ LỆ THƯƠNG TÍCH 35%
Về luật pháp, khoản 2 Điều 12 Bộ luật Hình sự (“BLHS”) qui định: “Người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng”. Và khoản 3 Điều 8 qui định: “tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại rất lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến mười lăm năm tù”.
Như vậy, Nguyễn Mai Trung Tuấn chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự đối với hành vi ‘cố ý gây thương tích’ (nếu có) – trong trường hợp ‘để cản trở người thi hành công vụ’- khi gây thương tích, gây tổn hại sức khỏe cho người bị hại mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% theo khoản 3 Điều 104 Bộ luật Hình sự.
Bản Kết luận giám định pháp y về thương tích của Trung tâm pháp y (Sở Y tế Long An) (“Bản Giám định pháp y”) đã kết luận: “Tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên hiện tại là: 35% (ba mươi lăm phần trăm)”, một tỷ lệ ‘hợp pháp’ đủ để làm căn cứ truy tố buộc em Tuấn phải vào tù!

BẢN GIÁM ĐỊNH PHÁP Y NÀY CÓ LÀ CHỨNG CỨ?
Kết luận Giám định được xác định là chứng cứ, ‘dùng làm căn cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội cũng như những tình tiết khác cần thiết cho việc giải quyết đúng đắn vụ án’ nếu như nó ‘có thật, và được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật Tố tụng Hình sự quy định”.
Thế nhưng Bản Giám định pháp y lại không tuân thủ ‘trình tự, thủ tục’ Bộ luật TTHS, Luật Giám định Tư pháp, vi phạm những nguyên tắc ‘thực hiện giám định tư pháp là: 1. Tuân thủ pháp luật, tuân theo quy chuẩn chuyên môn. 2. Trung thực, chính xác, khách quan, vô tư, kịp thời…” được qui định tại Điều 3 Luật Giám định Tư pháp.
Điều này thể hiện rõ khi Luật sư Nguyễn Văn Miếng, tham gia bào chữa cho Tuấn, đã ‘yêu cầu triệu tập giám định viên’ do nhận thấy “Bản kết luận giám định pháp y về thương tích” số 95 TgT.15-PY ngày 02.06.2015 của Trung tâm Pháp Y – Sở Y tế Long An còn có một số vấn đề chưa rõ ràng…

“BẢN KẾT LUẬN GIÁM ĐỊNH PHÁP Y VỀ THƯƠNG TÍCH” KHÔNG KHÁCH QUAN, KHÔNG PHÙ HỢP QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT
Về hình thức, Bản Giám định pháp y được công an huyện Thạnh Hóa trưng cầu tổ chức giám định: Trung tâm pháp y (Sở Y tế Long An), việc giám định do tập thể (2 Giám định viên) và ‘nhiều người tham gia’ (1 bác sỹ, 1 y sĩ và 1 điều dưỡng) nhưng không có phân công, xác định ‘người chịu trách nhiệm điều phối’ là không phù hợp qui định điểm a khoản 2 Điều 24 Luật Giám định Tư pháp (“Luật GĐTP”). Tập thể giám định, nhưng chỉ có một giám định viên ký tên là trái với khoản 3 Điều 28 Luật GĐTP. Không có Biên bản giao nhận đối tượng, tài liệu giám định là không phù hợp qui định Điều 27 Luật GĐTP. Cần chú ý là Ông Phan Hồng Trường, tham gia với tư cách là giám định viên nhưng ông chỉ ký với tư cách là ‘người đứng đầu tổ chức’ theo qui định phải có, ký thay Giám đốc trung tâm và đóng dấu Trung tâm pháp y.
Kết luận điều tra, Cáo trạng và các lời khai của em Nguyễn Mai Trung Tuấn và chính lời khai của ‘bị hại’ Nguyễn Văn Thủy đều khẳng định: ‘bị tạt một giọt nước rất lớn, dài’ vào vùng lưng. Nhưng Giám định pháp y lại kết luận tổn thương ở cả “vùng mặt, má, cổ phải, cánh tay, cẳng tay, ngực, lưng, mu bàn chân…” cho đủ 35%. Đáng chú ý là kết luận các vùng thương tổn cũng không phù hợp với các tài liệu chứng cứ khác trong quá trình Nguyễn Văn Thủy điều trị tương tích tại Bệnh viện Chợ Rẫy như Giấy ra viện, Phiếu thanh toán, Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH…

ACID NỒNG ĐỘ 68% Ở ĐÂU RA?
Cáo trạng căn cứ: “Tại kết luận giám định số: 1065/C54B ngày 05.05.2015 của Phân viện khoa học hình sự tại Tp.HCM kết luận: Chất lỏng đựng trong ca nhựa màu xanh lá cây có chứa thành phần acid sulfuric, nồng độ 68%…”. Thế nhưng, Kết luận giám định số 1065/C54B cũng thể hiện ‘không phù hợp pháp luật’.
Tại các biên bản thu giữ tại hiện trường cho thấy, CQĐT chỉ thu giữ một số ca nhựa, một số chai thủy tinh có chứa chất lỏng… nhưng không đề cập đến việc có thu giữ được ‘ca nhựa có chứa chất lỏng’ nào. Ngay trong Quyết định trưng cầu giám định của công an gửi kèm theo ‘mẫu vật cần giám định’ cũng chỉ ghi nhận: “02 ca nhựa màu xanh lá cây và màu đỏ nhạt”; “01 ca nhựa màu xanh”. Thế nhưng, kết luận giám định số: 1065/C54B ngày 05.05.2015 của Phân viện khoa học hình sự tại Tp.HCM lại ghi nhận của công an gửi giám định: “02 ca nhựa… bỏ trong bịch ny long màu đen đều có dính vết chất lỏng”. Còn “01 ca nhựa màu xanh lá cây” thì “có chứa khoảng 100ml chất lỏng” và kết luận “chất lỏng đựng trong ca nhựa màu xanh lá cây này có chứa thành phần acid Sulfuric (H2SO4), nồng độ 68%, thể tích :100ml”.
Câu hỏi đặt ra là: Tuấn được xác định là cầm ca chất lỏng tạt, vậy thì khi thu giữ chỉ có thể thu được ca không còn chất lỏng (phù hợp biên bản thu giữ tại hiện trường). Như vậy 100ml acid nồng độ 68% ở đâu ra mà có trong ca nhựa màu xanh lá cây? Và nó được niêm phong, bảo quản như thế nào từ khi thu giữ tại hiện trường, chuyển đi giám định tại Tp.HCM? Và căn cứ nào khẳng định ca nhựa màu xanh lá cây với chất lỏng được giám định là của em Tuấn cầm và tạt vào người cán bộ Thủy?

TÓM TẮT VỤ ÁN
Xin được nhắc lại vào năm 2009, nhà cầm quyền thu hồi đất của hai gia đình là bà Mai Thị Kim Hương [mẹ của Nguyễn Mai Trung Tuấn] và bà Phùng Thị Ly với giá đền bù rẻ mạt. Cả hai gia đình không đồng ý, đã đi khiếu kiện nhiều nơi đến các cấp có thẩm quyền, nhưng không được đền bù một cách thỏa đáng. Đỉnh điểm của vụ việc xảy ra vào ngày 14.04.2015, khi nhà cầm quyền huyện Thạnh Hóa đem lực lượng công quyền đến cưỡng chế đất của hai gia đình này (cưỡng chế đất lần thứ ba). Thấy sự bất công, oan khiên mà cả hai gia đình bà Hương và bà Ly gánh chịu, nên họ hàng đã đồng hành ‘bảo vệ’ mảnh đất của hai gia đình. Còn Tuấn cũng tham gia phản kháng lại chuyện bất công này. Nhiều người đã bị bắt trong đó có Tuấn, sau đó Tuấn được bà ngoại và cậu bảo lãnh về nhà. Tuấn sống tại Bình Thuận và kiếm sống bằng nghề chăn vịt. Đến tháng 8.2015, Tuấn bị bắt lại theo lệnh truy nã. Hiện nay, Tuấn đang bị giam giữ tại trại giam Long An.
Hiện tại vào lúc 8 giờ sáng ngày 24.11.2015, TAND huyện Thạnh Hóa đang tiến hành xét xử sơ thẩm đối với em Nguyễn Mai Trung Tuấn.

Pv.GNsP









No comments:

Post a Comment