Sunday, November 1, 2015

ĐI TÌM "LỜI GIẢI" NHỮNG DÒNG LƯU BÚT CỦA NGÀI BAN KI MOON (Nguyễn Xuân Diện-Blog)





Chủ Nhật, ngày 01 tháng 11 năm 2015

Tìm 'lời giải' cho lưu bút của ông Ban Ki-moon tại nhà thờ dòng họ Phan Huy
Trinh Nguyễn
Báo Thanh Niên
01/11/2015 18:16 
.
(TNO) "Trong tên ông Ban Ki-moon, chữ Ban đó là âm Hàn Quốc, nhưng chữ Hán cũng là chữ Phan của mình".

Ông Ban Ki-moon nhận cuốn sách Lịch triều Hiến chương loại chí từ đại diện dòng họ Phan Huy tặng.  Ảnh: Lê Quân chụp lại

Việc tháng 5 vừa qua, Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon về thăm nhà thờ họ Phan Huy ở xã Sài Sơn, Quốc Oai, Hà Nội và ghi lưu bút, có đoạn "là một người con của dòng họ Phan...", khiến dư luận đặt câu hỏi liệu ông có phải là hậu duệ của dòng họ Phan Huy hay không?

Trao đổi với phóng viên Thanh Niên Online về mối hoài nghi trên, Tiến sĩ Lý Xuân Chung, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Hàn Quốc, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, cho biết: "Trong tên ông Ban Ki-moon, chữ Ban đó là âm Hàn Quốc, nhưng chữ Hán cũng là chữ Phan của mình. Và họ Phan ở Hàn Quốc cũng là một dòng họ lớn. Nhưng gốc gác thế nào thì phải nhờ các nhà nghiên cứu bên Hàn Quốc. Bên đó có một hội nghiên cứu về tộc phả. Người ta sẽ truy tìm. Chứ còn ông ấy ghi thế thì biết vậy. Thế cũng tự hào rồi, vui rồi vì rõ ràng là có sự tôn trọng dòng họ Phan. Có thể ông ấy chỉ nói chung chung là họ Phan thôi. Ở Hàn Quốc có một hội nghiên cứu gia phả rất mạnh. Vì thế, nếu muốn khẳng định gốc gác phải truy tìm bên đó. Và nếu có suôn sẻ cũng phải mất vài năm".

Để làm rõ thêm thông tin, Thanh Niên Online đã phỏng vấn Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Nhuận - người dịch gia phả dòng họ Phan Huy sang quốc ngữ. Ông Nhuận đã nghỉ hưu 10 năm nay, trước đây công tác tại Viện nghiên cứu Hán Nôm. Ông Nhuận cho biết: "Bản dịch gia phả khoảng vào chục trang, nói về mười mấy đời của dòng họ. Tôi đã dịch hết bản gia phả đó".

Trong bản gia phả ông dịch, có thông tin nào cho thấy có một người nào đó trong dòng họ có thể lưu lạc sang nước ngoài và lập nghiệp ở đó không, thưa ông? Hoặc giả, họ có nói đến người con nào mất tích không?

- Không, trong gia phả không thấy nói đến chuyện đó.

Nhà sử học, nhà bách khoa thư Phan Huy Chú, theo một số tài liệu thì cũng không phải là người được triều đình trọng dụng. Lý do là vì ông liên quan đến nhà Tây Sơn. Không rõ với lý lịch như thế thì có ai trong dòng họ, hay đời nào đó về sau bị ảnh hướng đến mức phải trốn đi, và không ghi trong gia phả không?

- Đời Phan Huy Ích thì theo Tây Sơn. Nhưng đến đời Nguyễn thì Phan Huy Vịnh, Phan Huy Chú cũng được đối xử bình thường. Dòng họ cũng có những ông làm quan, cũng đi sứ. Dòng họ đó đi sứ rất nhiều. Cũng có thơ văn với sứ giả nước ngoài.

Nhưng cũng có thể, trong dòng họ có ông bỏ đi vì sợ nhà Nguyễn sẽ trả thù. Thực tế là nhà Nguyễn có trả thù, nhưng với những nhân vật chính của triều Tây Sơn. Còn quan kiểu sĩ phu Bắc Hà dù sao cũng sử dụng. Thậm chí Nguyễn Gia Long còn cho Phan Huy Ích ra để hỏi về quan hệ bang giao giữa mình với triều Thanh. Dù sao, cũng có thể có người sợ bị trả thù, nên vẫn có thể có nhánh nào đó của dòng họ Phan Huy có người bí mật trốn đi. Nhưng cái này phải có tư liệu gia phả từ bên kia (Hàn Quốc - NV).

Dòng họ Phan Huy phát tích ở Hà Tĩnh, mà tổ là Phan Huy Cận. Sau đó, Phan Huy Chú khi đỗ đạt ra làm quan ở Thăng Long có phát triển một nhánh lên Quốc Oai, Sơn Tây. Chính ở Sơn Tây, Quốc Oai, ông Phan Huy Chú đã viết Lịch triều hiến chương loại chí trong suốt 10 năm.

Ở ta, không có tài liệu ghi việc các quan đi Triều Tiên. Nhưng lịch sử vẫn có thể có những bất ngờ không giải thích được. Lịch sử bang giao giữa thế kỷ từ 16 - 17, các sứ thần của ta từ thời cụ Phùng Khắc Khoan tới sau này vẫn gặp gỡ các sứ thần Triều Tiên và giao hảo tốt ở Bắc Kinh. Các sứ thần VN và Triều Tiên còn có thi tập đối qua đối lại với nhau.

Chuyện này có lẽ không giống với việc ông Lý Long Tường. Ông Ban Ki-moon nếu là hậu duệ của ông Phan Huy Chú thì chỉ có chuyện từ thế kỷ 17 trở lại đây thôi. Không có chuyện bị ngược đãi mà bỏ nước đi sang Cao Ly. Chỉ có là giao lưu hữu hảo thôi.

Theo tôi nghĩ, ông Ban Ki-moon có tới thăm nhà thờ họ Phan Huy cũng là sang trong quá trình tìm hiểu, chứ chưa khẳng định. 

PGS-TS Tạ Ngọc Liễn, Viện Sử học 
(người có nhiều nghiên cứu về nhà sử học Phan Huy Chú cũng như dòng họ Phan Huy).

Gia phả ghi kỹ lưỡng đến hàng chục đời hay không là tùy từng gia phả. Nhưng gia phả Phan Huy tại VN, tôi có đọc. Cho đến nay tôi đọc thì chưa có ghi chép nào ghi về việc có nhánh lưu lạc ở nước ngoài. Còn có thể là gia phả Phan Huy ở Hàn Quốc thế nào thì tôi không biết. Gia phả ở VN có thể không ghi, nhưng gia phả của bên kia ghi thì sao. 

Nhà nghiên cứu Hán Nôm Nguyễn Hùng Vĩ, 
ĐH KHXH-NV - ĐH Quốc gia Hà Nội.

Giả sử như có một ông họ Phan sang Cao Ly thì cũng chẳng có gì lạ cả. Từ xưa đến nay dòng họ nhà tôi đi sứ rất nhiều. 

TS Phan Huy Dục

-------------------------------








No comments:

Post a Comment