Sunday, November 1, 2015

CT Tập Cận Bình sẽ có bài phát biểu trước quốc hội Việt Nam (RFA)





RFA
2015-10-31

Trong chuyến công du Việt Nam trong hai ngày 5 và 6 tháng 11 tới Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ có bài phát biểu trước quốc hội Việt Nam.

Tin từ báo chí Việt Nam cho biết ông Tập Cận Bình ngoài việc gặp gỡ, hội đàm với các nhân vật cao cấp nhất của Việt Nam, trong lịch trình làm việc của ông còn có bài diễn văn đọc trước quốc hội Việt Nam.

Ông Lý Quân, trợ lý ban liên lạc đối ngoại của Trung Quốc cho biết nội dung chuyến đi của ông Tập Cận Bình là làm việc với phía Việt Nam về các lĩnh vực mà cả hai bên quan tâm, nhất là về vấn đề biển đảo. Ông Quân nói với báo chí tại Bắc Kinh rằng Trung Quốc luôn coi Việt Nam là láng giềng quan trọng và vì vậy việc tranh chấp sẽ được giải quyết song phương một cách hòa bình.

Giải quyết song phương là cách nói áp đặt của Trung Quốc trong khi Việt Nam chỉ chấp nhận giải pháp đa phương.

Qua tuyên bố trên giới quan sát đã biết phần nào nội dung chuyến viếng thăm này của ông Tập Cận Bình đó là tiếp tục khẳng định chủ quyền các bãi đá ngầm mà Trung Quốc bồi đắp như ông từng nói khi gặp mặt Tổng thống Hoa Kỳ rằng chúng thuộc về Trung Quốc từ thời cổ đại.

Việt Nam đã thất bại trong việc mời Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đến Hà Nội vào năm nay, nguyên nhân có lẽ do Hoa Kỳ không thích thú lắm khi đến Việt Nam chỉ cách chuyến thăm của ông Tập trước sau vài ngày.

-------------------
Tin, bài liên quan

RFA
2015-10-29

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ thăm Việt Nam từ ngày 5 đến 6 tháng 11, tức trong tuần tới. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng cho biết như vậy trong buổi họp báo thường kỳ tại Bắc Kinh vào hôm nay.

Sau chuyến thăm Việt Nam, ông Tập Cận Bình sẽ sang thăm Singapore từ ngày 6 đến 7 tháng 11.

Chuyến thăm của ông Tập Cận Bình đến Việt Nam diễn ra vào giữa lúc những căng thẳng trên biển Đông đang gia tăng sau khi Trung Quốc cho xây dựng các đảo nhân tạo tại Trường Sa khiến các nước láng giềng lo ngại.

Hồi năm ngoái, Trung Quốc đã cho triển khai một giàn khoan dầu lớn tại khu vực đặc quyền kinh tế của Việt nam và khiến cho mối quan hệ hai nước trở nên căng thẳng nhất kể từ sau chiến tranh biên giới giữa hai nước năm 1979.

Hiện Trung Quốc đòi chủ quyền đối với phần lớn khu vực biển Đông. Các nước Việt Nam, Philippines, Malaysia, Đài Loan, và Brunei cũng đòi chủ quyền toàn phần hoặc một phần tại khu vực này.






No comments:

Post a Comment