Saturday, November 28, 2015

Đằng Phương Nguyễn Ngọc Huy - Người viết anh hùng ca bất hủ (Vũ Uyên Giang & Hồ Nam)





Vũ Uyên Giang & Hồ Nam.

Cuối năm 1954 tôi làm việc trong tòa soạn nhật báo Tự Do  trụ sở đặt tại nhà in Long Giang  số 124 -126 đường Lê Lai quận 1 Saigon chung trụ sở với tuần báo Tự Quyết của nhóm Đại Việt Nguyễn Tôn Hoàn; do đó tôi thường uống cà phê mỗi sáng sớm chung một quán "cóc" với Bẩy Bốp [Phạm Thái Nguyễn Ngọc Tân tác giả Truyện Năm Chàng Thanh Niên từng được giải thưởng văn chương Tự Lực Văn Đoàn chung một năm với Tế Hanh] và Ba Xạo [Đằng Phương Nguyễn Ngọc Huy tác giả tập thơ Hồn Việt  có một số bài Thanh Tâm Tuyền hay lẩm bẩm đọc khi cao hứng như bài Ngày Tang Yên Bái chẳng hạn]

Trong không khí mát mẻ của buổi sáng sớm Saigon nơi con hẻm thông giữa hai đường Võ Tánh và Lê Lai, Ba Xạo thường vừa nhâm nhi ly cà phê đen nhỏ vừa đọc lướt qua tờ báo buổi sáng rồi lấy bút ra ghi chép nhanh gì đó. Tôi nhìn Ba Xạo vừa uống cà phê vừa làm việc bèn hỏi Bẩy Bốp:
- Đằng Phương đây sao?
- Ngạc nhiên lắm hả? Bây giờ  Đằng Phương thành Ba Xạo rồi đang sắp hoàn thành cuốn chủ nghĩa Duy Xạo luận đấy một cuốn sách phê phán chủ nghĩa Mác ai đọc cũng có thể ôm bụng tức cười.
- Đằng Phương viết anh hùng ca tuyệt vời lắm:
"Họ là những anh hùng không tên tuổi.
Sống âm thầm trong bóng tối mênh mông"
những câu thơ tuy  mộc mạc nhưng lại tuyệt vời lắm đấy.

Nghe tôi nói Ba Xạo Nguyễn Ngọc Huy đỏ mặt nhỏ nhẹ đáp

- Mình thơ phú gì đâu, chỉ nhặt chữ chấp vần thôi
- Cậu thấy chưa Ba Xạo lúc nào cũng chỉ nhận là người viết báo chứ không chịu là nhà báo; làm thơ thì lại nói là nhặt chữ chấp vần thôi, Ba Xạo chỉ nhận là thủ thư thư viện "con mọt sách" và chỉ thế thôi.

Năm 1954 qua đi tôi không làm báo Tự Do nữa sang làm báo Đời Mới của Trần Văn Ân; nhóm Tự Quyết bị chính phủ Ngô Đình Diệm truy bức gắt gao; Ba Xạo phải chạy sang Tây; Bẩy Bốp thì chạy lên Nam Vang, Lê Xuyên bị đẩy vô khám Chí Hòa. Năm 1964 Ba Xạo Nguyễn Ngọc Huy về nước trở lại với văn bằng Tiến sĩ  Chính trị học và làm Đổng lý văn phòng cho Phó Thủ tướng đặc trách Bình Định Nguyễn Tôn Hoàn. Tôi gặp Ba Xạo trong một buổi tiếp tân thấy ông có vẻ ngượng nghịu với bộ đồ lớn dù mới ở bên Tây về.

Trong lúc vui câu chuyện tôi nói cho Ba Xạo biết là có ít nhất hai cuốn sách "quốc văn" dành cho học sinh tiểu học trích cả chục bài thơ trong tập Hồn Việt của Đằng Phương để học sinh tiểu học từ vĩ tuyến 17 tới mũi Cà Mau tập đọc và học thuộc lòng đó là sách của nhà giáo Bảo Vân Bùi Văn Bảo và sách của các nhà giáo Trần Mộng Chu, Nguyễn Qúi Bình và Hoàng Đình Tuất... Ba Xạo nghe tôi nói thì  cười một nụ cười bẽn lẽn.

Ba Xạo làm quan chưa được bao lâu thì bị Tướng râu dê Nguyễn Khánh "tống xuất" đi lưu vong nhưng chỉ ít tháng sau thì Tướng râu dê Nguyễn Khánh cũng ôm cục đất đầy xi măng của phi trường Tân Sơn Nhất lưu vong luôn và Ba Xạo trở về lập đảng Tân Đại Việt  rồiø đạp xe đạp đi dạy đại học cùng với việc hoạt động chính trị.

Gặp lại Ba Xạo tôi hỏi anh có làm được bài thơ mới nào không anh cười nói với tôi rằng lúc này bận quá chỉ còn viết báo được thôi anh đang cùng Nguyễn Tường Bá, Phạm Tường lập Phong trào Quốc Gia Cấp Tiến với ý muốn tập hợp tầng lớp thấp và trí thức tiểu tư sản "đứng lên" làm lại lịch sử bởi vì đám đông đang có vấn đề nếu không tranh thủ họ để họ rơi vào những huyễn hoặc bạo lực của cộng sản đất nước này sẽ rơi vào những tấn thảm kịch liên hồi bất tận thê thảm lắm.

Với chiếc xe đạp cọc cạch Ba Xạo đã ngày đêm ngược xuôi làm cuộc vận động lịch sử phục hoạt và phát triển nền dân chủ truyền thống xã thôn.
Ba Xạo là người từng tham gia cuộc đàm phán ở Paris và nhìn rõ dã tâm của người Mỹ đối với VNCH đã cảnh báo anh em quốc gia là muốn tồn tại phải suy nghĩ bằng chính cái đầu của mình và đứng bằng đôi chân của mình đừng có "dựa dẫm" nữa.

Ba Xạo ngược xuôi khắp nơi với tâm huyết "còn nước còn tát" nên ngày 30 tháng tư 1975 ập tới, anh em "áp lực" Ba Xạo di tản;  Ba Xạo đãû cười và đọc những vần thơ Ba Xạo "thác" lời Nguyễn Thái Học  trả lời Đoàn Kiểm Điểm khi Đoàn Kiểm Điểm theo lệnh đảng bộ Viêt Nam Quốc Dân hải ngoại lần thứ ba về nước yêu cầu Nguyễn Thái Học "lưu vong" sang Tầu:
"Tôi đã từng cạn xét lẽ gần xa
Tôi không thể cam tâm rời đất Việt
Khi muôn dân quằn quại giữa đau thương
Tôi không thể đành lòng đi  trốn chết
Lúc anh em xông xáo chốn xa trường
Tôi không thể bỏ những người  tuấn kiệt
Trong ngục tù đã nát thịt tan xương
Thà ở lại xông pha trong khói đạn
Cho kiếm hờn uống máu kẻ thù ta
Và tranh đấu đến khi trong xán lạn
Giống Lạc Hồng vui hát khải hoàn ca
Hoặc lấy chết để tạ lòng những bạn
Đã vì tôi lăn lóc giữa phong ba
Thôi Kiểm Điểm anh hãy về thưa lại
Cùng những người đã chẳng ngại  xa xôi
Đã ba lượt sai anh qua biên ải
Vượt muôn trùng sông núi đến tìm tôi
Nguyễn Thái Học khó vâng lời chỉ dạy
Xin cảm ơn những bạn có khuyên mời"

Mặc dầu Ba Xạo quyết tâm ở lại "sống chết" với  anh em với dân tộc với đất nước nhưng cuối cùng nhà thơ của chúng ta cũng phải tuân theo mệnh lệnh của tập thể gạt nước mắt ra đi.
Tại nơi hải ngoại Ba Xạo đã làm việc "hết mình" đi xe buýt, ngủ nhà bạn rong ruổi khắp nơi để vận động cho một đất nước Việt Nam tự do dân chủ. Vì sống quá kham khổ; đã thế lại ăn uống đạm bạc, sức khỏe Ba Xạo ngày một suy sụp bác sĩ khuyên Ba Xạo nên  giữ sức khỏe làm việc ít một chút tạm thời ngưng di chuyển nghỉ ngơi một thời gian nhưng công việc không cho phép Ba Xạo được lơ là phải tiếp tục phấn đấu và cho đến khi bệnh ung thư  "ập" tới Ba Xạo vẫn không chịu nghỉ ngơi kết quả là người viết Anh hùng ca bất hủ của chúng ta đã thở hơi cuối cùng ngày 28 tháng 7 năm 1990 trong sự nuối tiếc của đồng bào, đồng chí và những người Việt Quốc gia chân chính sống lưu vong ở hải ngoại.
Hồ Nam

·         TRÍCH THƠ ĐẰNG PHƯƠNG

ANH HÙNG VÔ DANH
Tặng những chiến sĩ vô danh tranh đấu cho tổ quốc


Họ là những anh hùng không tên tuổi
Sống âm thầm trong bóng tối mênh mông
Không bao giờ được hưởng ánh quang vinh
Nhưng can đảm và tận tình giúp nước

Họ là kẻ tự nghìn muôn thủa trước
Đã phá rừng, xẻ núi, lấp đồng sâu
Và làm cho những đất cát hoang vu
Biến thành một sơn hà gấm vóc

Họ là kẻ không nề đường hiểm hóc
Không ngại xa hăng hái vượt trùng sơn
Để âm thầm chuẩn bị giữa cô đơn
Cuộc Nam Tiến mở giang sơn rộng lớn rộng

Họ là kẻ khi quê hương chuyển động
Dưới gót giầy của những kẻ xâm lăng
Đã xông vào khói lửa, quyết liều thân
Để bảo vệ Tự Do cho Tổ Quốc

Trong chiến đấu không nề muôn khó nhọc
Cười hiểm nguy bất chấp  nỗi gian nan
Người thất cơ đành thịt nát xương tan
Nhưng kẻ sống lòng son không biến chuyển

Và đến lúc nước nhà vui thoát hiểm
Quyết khước từ lạc lộc với vinh hoa
Họ buông gươm quay lại chốn quê nhà
Để sống lại cuộc đời  trong bóng tối

Họ là kẻ anh hùng không tên tuổi
Trong loạn ly như giữa lúc thanh bình
Bền một lòng dũng cảm, chí hi sinh
Dâng đất nước cả cuộc đời trong sạch

Tuy công nghiệp không ghi trong sổ sách
Tuy bảng vàng bia đá chẳng đề tên
Tuy mồ hoang phiêu dạt dưới trời quên
Không ai đến khấn nguyền dâng lễ vật

Nhưng máu họ đã len vào mạch đất
Thịt cùng xương trộn lẫn với non sông
Và anh hồn chung với tấm tình trung
Đã hòa hợp làm linh hồn giống Việt

ĐẰNG PHƯƠNG


·         Sưu Tầm và Tổng Hợp về GS.Nguyễn Ngọc Huy - Vũ Uyên Giang -

Lễ Giỗ Lần Thứ 16 Cố Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy (Trích Bản Tin trên báo Dân Luận, Úc)


SYDNEY: Chiều Chủ Nhật 30 tháng 7 năm 2006, tại Cabramatta Community Hall, Liên Minh Dân Chủ Việt Nam - Khu Bộ Úc Châu đã tổ chức "Lễ Giỗ Lần Thứ 16 Cố Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy" trong bầu không khí trang nghiêm, xúc động, thắm đượm tình thân hữu. Buổi Lễ đã hân hạnh được tiếp đón LS Võ Trí Dũng, Chủ tịch CĐNVTD/NSW, Chiến sĩ Võ Đại Tôn, đại diện Liên Minh Quang Phục Việt Nam, cùng quý vị đại diện các hội đoàn, đoàn thể, truyền thông, và hơn 100 quý đồng hương.
Sau nghi lễ chào quốc kỳ và phút mặc niệm, ông Mai Công Minh, đại diện cho Ban Tổ Chức đã ngỏ lời chào mừng quan khách và tuyên bố ý nghĩa của buổi lễ. Tiếp theo, ông Nguyễn Văn Thái, đại diện Liên Minh Dân Chủ VN - Khu Bộ Úc Châu, đã trình bầy phần tiểu sử của cố Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy, qua đó, mọi người biết được, GS Nguyễn Ngọc Huy là nhà giáo, nhà thơ, nhà biên khảo, nhà chính trị, đồng thời là lý thuyết gia,... đã bền bỉ và tận tụy cống hiến công sức, tâm huyết cho quê hương đất nước, dù ở bất cứ đâu, trong bất cứ hoàn cảnh nào. Ngay cả khi ra hải ngoại, trên bước đường bôn ba khắp nơi trên thế giới, Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy cũng đã miệt mài tranh đấu cho mục tiêu giải thể chế độ độc tài cộng sản, khôi phục nền độc lập của dân tộc Việt Nam. Sau khi thành lập Liên Minh Dân Chủ Việt Nam, Giáo Sư đã bôn ba khắp các quốc gia vận động các chính khách, các nhà lãnh đạo, các tướng lãnh, các nhà báo nổi tiếng để thành lập Ủy Ban Quốc Tế Yểm Trợ Việt Nam Tự Do hầu hỗ trợ cho công cuộc tranh đấu của người Việt trong và ngoài nước... Tiếc thay, giữa lúc công việc còn bề bộn, ngày 28 tháng 7 năm 1990, trong khi mọi người đang nhộn nhịp chuẩn bị cho lễ khai mạc Đại Hội Thế Giới Liên Minh Dân Chủ VN tại Hòa Lan, thì tại một căn phòng nhỏ ở Paris, GS Nguyễn Ngọc Huy đã trút hơi thở cuối cùng, để lại niềm tiếc thương chất ngất cho tất cả những người Việt yêu nước trên khắp thế giới...

Sau phần trình bầy tiểu sử GS Huy là phần nghi lễ dâng hương đầy thành kính và xúc động trước bàn thờ cố Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy. Đầu tiên, Ban Tổ Chức đã kính mời bà Đặng Kim Ngọc, ông Võ Đại Tôn và LS Võ Trí Dũng, đồng kính dâng hương. Tiếp đến là quý vị quan khách, đại diện các hội đoàn, đoàn thể, cùng tất cả quý đồng hương hiện diện, đều lần lượt kính cẩn dâng hương trước di ảnh của cố Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy.
Tiếp nối chương trình là phần phát biểu trình bầy những suy nghĩ, những kỷ niệm, cùng lòng quý trọng dành cho cố Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy, của bà Đặng Kim Ngọc, Luật Sư Võ Trí Dũng, và ông Võ Đại Tôn. Mỗi vị diễn giả, mỗi hoàn cảnh, với những suy nghĩ và kỷ niệm riêng biệt, đã giúp cho mọi người có được cơ hội hiểu rõ hơn cuộc đời đấu tranh tận tụy, hiến dâng cuộc sống cho quê hương đất nước đến phút cuối cùng của cuộc đời cố GS Nguyễn Ngọc Huy.
Cuối cùng, ông Trương Minh Hoàng, đại diện cho Liên Minh Dân Chủ Việt Nam cũng như Ban Tổ Chức đã lên ngỏ lời cảm ơn chân thành đến quý vị quan khách, đồng hương, và trân trọng kính mời mọi người dự bữa cơm thân mật cùng Ban Tổ Chức.

Trích bài diễn văn của ông Trương Minh Hoàng, đại diện Liên Minh Dân Chủ Việt Nam:

16 năm sau : Nhớ về Cố Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy

I . Một hiện tượng đặc biệt :

Cứ đến độ giữa hè vào dịp cuối tháng bảy , ở quốc nội và tại hải ngoại , âm thầm hoặc công khai đều có Lễ Tưởng Niệm Cố Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy . Như vậy tính đến nay đã tròn đúng 16 năm rồi . Một thời gian quá dài để thử thách mức độ thực lòng thương nhớ của quần chúng đến một nhà lãnh đạo đã nằm xuống . Sự ra đi vĩnh viễn của Giáo Sư Huy vào ngày 28 tháng 7 năm 1990 xảy ra đúng vào lúc thế lực cộng sản đang trên đà gục ngã tại Đông Âu . Bây giờ 16 năm sau nhìn lại toàn bộ thấy tiếc nuối đã mất một cơ hội hiếm có trong đời để xoay chuyển dân chủ hóa được cho VN . Rõ ràng lúc đó không có yếu tố cấp lãnh đạo uy tín và sáng suốt với tầm vóc cỡ Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy nên không đưa ra được kế hoạch hữu hiệu nào cả và để rồi tình thế thuận lợi vuột mất đi .
Vào đầu thập niên 80 , chúng tôi - gồm lớp người trẻ với lứa tuổi đôi mươi , vừa mới ra trại tỵ nạn hoặc vừa tốt nghiệp ra đại học trong lòng còn đầy nhiệt huyết - gặp gỡ Giáo Sư Huy và trực giác biết ngay đó là một con người tài đức vẹn toàn dám hy sinh trọn đời cho Việt Nam . Vì vậy chúng tôi quyết định đi theo Giáo Sư Huy hoạt động và nhờ đó có dịp tìm hiểu ghi lại đóng góp một vài sự kiện liên quan đến con người đặc biệt này .

II . Công trình sáng tác của Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy:

Giáo Sư Huy qua đời để lại một công trình sáng tác đồ sộ trải dài trên nhiều lãnh vực khác nhau , mà khi ấn bản tác phẩm cuối cùng " Tên Họ Người Việt Nam " Ký Giả Trần Minh Xuân kê khai ra rất đầy đủ . Điểm rất lạ là suốt đời Giáo Sư Huy hoạt động tranh đấu , lãnh đạo đoàn thể , đấu trí chống chỏi các thế lực độc tài , rồi lại bị bịnh ung thư kéo dài gần 10 năm , vậy mà vẫn có thể viết ra được quá nhiều những tác phẩm độc đáo .
Tìm hiểu thì thấy Giáo Sư Huy rất ham đọc sách, rất ham tìm hiểu . Thuở nhỏ ăn ở làm việc trong Thư Viện Quốc Gia tại Sàigòn, lớn lên làm luận án tiến sĩ tại Đại Học Paris, về già nghiên cứu tại Đại Học Harvard, toàn những nơi tàng trữ sách quý nên ông có cơ hội tìm tòi . Ngoài ra lại thông thạo 3 sinh ngữ quan trọng (Anh, Pháp, Hán) nên càng dễ dàng tham khảo . Vào ngày 4.8.1990 tại Austerlitz (Hoà Lan), Bác Sĩ Trần Ngọc Quang (Pháp) đã ca ngợi kiến thức uyên bác hầu như lãnh vực nào giáo sư Huy cũng thông suốt . Mà quả thực vậy, nhìn lại toàn bộ các tác phẩm của ông đã cho thấy rõ điều đó . Nội trong quyển ''Quốc Triều Hình Luật'' dầy 263 trang được dẫn chứng 478 lần rút từ trên 100 quyển sách . Quyển Perstroika (Anh, Pháp, Việt) dầy 497 trang với 639 dẫn chứng của trên 200 tác phẩm ngoại quốc . Cũng nhờ một kiến thức uyên bác như vậy, Giáo Sư Huy tạo được sự kính nể và dễ thuyết phục người đối diện .
Có lẽ nhờ kiến thức uyên bác , trí nhớ hiếm có , lối làm việc đam mê khác thường bất kể không gian và thời gian và nghị lực phi thường , Giáo Sư Huy viết được nhiều tác phẩm bất hủ như vậy . Ông còn rất nhiều dự định sáng tác, và khi ra đi ông còn để lại nhiều di cảo . Trong những năm cuối cùng ông thường tâm sự, nếu có thì giờ rảnh rỗi thì cứ mỗi tháng có thể viết xong một tác phẩm . Mặc dù trách nhiệm đè nặng trên đôi vai gầy, ông đã cố gắng viết được các tác phẩm giá trị tiêu biểu như sau:

Perestroika (Anh Ngữ, Pháp Ngữ và Việt Ngữ)
Quốc Triều Hình Luật (Anh Ngữ và Việt Ngữ)
Các Ẩn Số Chánh Trị Trong Tiểu Thuyết Kiếm Hiệp Kim Dung
Tập Thơ Hồn Việt
Một Chiến Lược Mới Bảo Vệ Thế Giới Tự Do Chống Cộng Sản Bành Trướng (Anh ngữ và Pháp ngữ)
Hàn Phi Tử
Lịch Sử Các Học Thuyết Chính Trị
Đề Tài Người Ưu Tú Trong Tư Tưởng Chính Trị Trung Quốc Cổ Thời
Dân Tộc Sinh Tồn, chủ nghĩa Quốc Gia Khoa Học
Tên Họ Người Việt Nam (di cảo được xuất bản năm 1998)
Thua Là Giặc (sẽ xuất bản)
Phê Bình Nhân Vật Trong Tam Quốc Chí - Tây Hán Chí - Đông Châu Liệt Quốc
Những Hành Động Phạm Pháp Trong Truyện Kiều xét theo Luật Pháp cổ truyền Việt Nam và Trung Hoa (sẽ xuất bản)
Lục Súc Tranh Công (Anh Ngữ, Việt Ngữ)
Lịch Sử Tranh Đấu cho Độc Lập và Tự Do Của Dân Tộc Việt Nam Từ Giữa Thế Kỷ Thứ 19. (sẽ xuất bản)

Trong đó có 6 tác phẩm được coi là đắc ý nhứt:

1.Thơ  Hồn Việt

Bao gồm những bài thơ đầy lòng ái quốc, thể hiện rỏ lý tưởng của giáo sư Huy từ lúc thiếu thời dấn thân vào con đường tranh đấu đến khi lìa đời . Những bài thơ "Anh Hùng Vô Danh", đã được chọn giảng dạy tại học đường và đã trở thành những vần thơ lịch sử của Dân Tộc Việt.

2. Dân Tộc Sinh Tồn, Chủ Nghĩa Quốc Gia Khoa Học
Qua kinh nghiệm đau thương, tổ chức bị phân tán khi lãnh tụ Trương Tử Anh bị thất tung, Giáo Sư Huy đã dụng tâm, suy nghĩ, điều chỉnh chủ thuyết lại để thâu nhận các nguyên tắc tự do và dân chủ hợp hiến, phù hợp với tiến trình nhân loại . Ông đã dứt khoát bác bỏ đường lối lãnh tụ chế, vì nhận thấy sẽ đưa đên thảm họa độc tài.

3. Đề Tài Người Ưu Tú Trong Tư Tưởng Chính Trị Trung Quốc Cổ Thời
Là luận án Tiến Sĩ của Giáo Sư Huy và được chấm xuất sắc nhất trong niên khóa 1962-1963 tại Viện Đại Học Paris . Đây là sở học căn bản của ông và nhờ đó ông đã nổi tiếng là chuyên viên về địa hạt này tại các Đại Học ở Quốc Nội cũng như Quốc Ngoại. Trong tất cả các sách, tài liệu chính trị về sau, ông đều trích dẫn rút ra từ tác phẩm căn bẳn đắc ý này.

4. Các Ẩn Số Chánh Trị Trong Tiểu Thuyết Võ Hiệp Kim Dung
Thoạt nhìn thì đây là quyển sách chỉ nhằm giải trí . Nhưng thực sự Giáo Sư đã dụng tâm lớn lao khi viết tác phẩm này . Ai cũng biết, nhờ hành văn kể chuyện đầy hấp dẫn và bố cục kết cấu tinh vi, truyện kiếm hiệp của Kim Dung đã lôi cuốn cả hàng tỷ đôc giả trên thế giới. Ngay tại Việt Nam hầu như đa số đã có thời say mê kiếm hiệp Kim Dung. Vì vậy lợi dụng qua đề tài hấp dẫn này Giáo Sư Huy muốn trình bày, giải thích lợi hại của đường lối chính trị (nhất là tai hại của chủ trương độc tài) và từ đó đưa ra thông điệp chính trị. Với đề nghị cụ thể nhằm đạt được mục tiêu mang lại yên vui hạnh phúc cho người dân. Tác phẩm này được ghi nhận bán chạy nhứt với xuất bản lần thứ ba tại Hoa Kỳ, Pháp và Úc.

5. Quốc Triều Hình Luật
Đây là bộ sách bách khoa bao gồm nhiều lãnh vực văn hóa lịch sử Việt Nam. Qua thời gian dài nghiên cứu, Giáo Sư Huy khám phá ra sự thực:
- Ai là tác giả của Bộ Luật Hồng Đức
- Từ triều đại nào phát sinh tinh thần giáo điều, mà đã làm một dân tộc Việt Nam thông minh, can đảm, quật cường nay phải chịu thảm cảnh đất nước tan nát nghèo đói?
Trong bài viết cuối cùng được đọc tại Hòa Lan vào ngày 4 tháng 8 năm 1990, giáo sư Nguyễn Ngọc Huy ước mong khi đất nước được thanh bình thì lập tức lui về quê nhà viết sách phân tích rõ ràng tại sao một dân tộc có lịch sử oai hùng mà lần lần lụn bại đến nỗi nay trở nên một trong vài quốc gia nghèo nhất thế giới .

6. Perestroika
Sự kiện lãnh tụ Liên Xô Gorbachev thay đổi chính sách làm đảo lộn tình hình thế giới . Điều này đã dẫn tới cuộc cách mạng tại các xứ cộng sản Đông Âu và chắc chắn sẽ làm chủ nghiã cộng sản độc tài tan biến trong tương lai để Việt Nam sẽ thoát khỏi gông cùm cộng sản . Giáo Sư Huy đã phân tích rõ ràng trong tác phẩm này dày 402 trang gồm 5 chương với dẫn chứng từ trên 200 tác phẩm. Theo lời ông Cao Thế Dung, đây là một tác phẩm rất quan trọng của Giáo Sư Huy. Tác phẩm này được xuất bản qua 3 thứ tiếng (Anh, Pháp, Việt) để góp vào diễn đàn tư tưởng chánh trị quốc tế.

III . Con Người Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy

Tình Yêu Tổ Quốc
Lớn lên với tâm tình nồng nhiệt cho quê hương, năm 21 tuổi ông đã dứt khoát gia nhập đảng cách mạng để tranh đấu tự do cho đất nước. Từ đó cho đến hơi thở cuối cùng, con người Nguyễn Ngọc Huy hiến dâng trọn vẹn cho Dân Tộc Việt Nam. Những vần thơ Hồn Việt đầy rung động đã được ông gởi gắm vào tâm tình nồng nàn ấy. Vì tình yêu tổ quốc, con người tài hoa lỗi lạc đó chọn một cuộc sống đạm bạc, đơn giản và đầy gian nan thử thách. Ông đã đi không ngừng, đi rất nhiều nơi, xuất hiện biết bao nhiêu lần trên diễn đàn và hội nghị quốc tế để bênh vực chính nghĩa người Việt Tự Do

Tình Yêu Gia Đình
Trong buổi lễ ra mắt tập thơ Hồn Việt tại California (Hoa Kỳ) có thính giả hỏi về bài thơ tặng bạn Ngọc Điệp phải chăng dành cho bạn gái. Giáo Sư Huy đã cho biết đó chỉ là người bạn cùng tranh đấu. Với giọng thổn thức đẩm lệ ông còn cho biết trong đời ông chỉ có một tình yêu cho người đàn bà. Đó là người vợ (nhũ danh Dương Thị Thu) đã qua đời vào năm 1974 (tai nạn tại bãi biển Vũng Tàu) và một tình yêu nữa là cho Tổ Quốc Việt Nam mà thôi. Khi bà Huy qua đời, mặc dù lúc đó còn ở tuổi trung niên đầy danh vọng và tài hoa, Giáo Sư Huy ở vậy nuôi con tôn thờ hình ảnh người vợ hiền cho đến chết. Thật là trường hợp hãn hữu. Đặc biệt hơn nữa, ông để lại ước nguyện được hoả táng để sau này tro tàn mang về Việt Nam thổ táng trộn cùng xương cốt của ngươì vợ hiền năm xưa .

Tình Nghĩa Thâm Sâu
Một điểm nổi bật nhất của Giáo Sư Huy là được mọi cộng sự viên kính nể và thương yêu thật sự. Thực là hiện tượng hiếm có trong thời đại đầy nhiễu nhương và đổ vỡ này. Tiền bạc, danh vọng, ông chả còn gì trong tay để lôi cuốn dẫn dụ người khác cả. Nhưng rất nhiều người đã hết lòng hết dạ hy sinh thời giờ, tiền bạc và hạnh phúc gia đình để đi theo ông. Có nhiều chủ quan khác nhau, nhưng chắc chắn một điều là họ đặt niềm tin thực sự vào con người Nguyễn Ngọc Huy. Một con người chân thành không hề chủ trương bá đạo, đặït tình yêu Tổ Quốc lên trên hết và luôn luôn có tình nghĩa thâm sâu với các cộng sự viên.

Tấm Lòng Quân Tử
Dù trong hoàn cảnh nào, Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy cũng luôn luôn giữ được nét mặt hòa nhã với nụ cười vui vẻ từ tấm lòng chân thành mà ra. Từ năm 1982 bị mắc bịnh ung thư, tuy vậy ông cố gắng kiềm chế không để tâm tình nóng nảy bộc lộ. Năm 1986 anh em bên Pháp có sự bất đồng nội bộ. Ngay đêm đó Giáo Sư Huy triệu tập một buổi họp trong vòng thân mật, rồi chỉ nhẹ nhàng trách khẽ những điều đáng tiếc đã xảy ra và ông tỏ vẻ đau đớn không còn thấy tình cảm thắm thiết sống chết có nhau như thuở xa xưa thời chống Pháp. Mọi người trong phiên họp đều yên lặng thắm thía trước lời khiển trách đó và cuộc tranh chấp được tự động hóa giải.

Cuối cùng, biết sức mình sắp tàn, Giáo Sư Huy đã ráo riết làm việc không ngừng, chạy đua với tử thần để cố ráng làm xong sứ mạng cứu dân cứu nước. Đến năm 1990, ông chuẩn bị mọi việc, viết sẵn dặn dò mọi điều cần thiết cho Đại Hội Thế Giới Kỳ 1 để phòng hờ khi ông lìa đời với hy vọng tổ chức của ông sẽ tránh thoát những khó khăn có thể đưa đến suy vong. Di sản chính trị của ông để lại bàng bạc trong các tác phẩm. Đặc biệt trong các tài liệu học tập. Giáo Sư Huy là người chủ trương tự do dân chủ thực sự, quyết liệt chống đường lối lãnh tụ chế, độc tài (dù là loại độc tài yêu nước mà các xứ chậm tiến như Việt Nam thường ca ngợi). Ông đã đưa ra bài học Bắc Mỹ và Nam Mỹ cũng được độc lập. Bắc Mỹ chọn con đường tự do dân chủ thực sự nên đã thành cường quốc, dân chúng sống hạnh phúc ấm no. Trong khi đó Nam Mỹ chủ trương độc tài yêu nước, rốt cuộc đến nay vẫn còn đầy đảo chánh hỗn loạn, dân chúng sống trong áp bức đói khổ.

Ngoài ra ông âu lo nhiều về tinh thần giáo điều đã thấm sâu vào huyết quản dân tộc Việt Nam, đưa đến nạn chia rẽ, kỳ thị (tôn giáo, địa phương, chủng tộc...) làm đất nước càng ngày càng suy vong.

Tuy vậy Giáo Sư Huy đặt rất nhiều hy vọng vào tương lai, vì nọc độc đó đã phát hiện được thì sẽ tuyệt trừ được. Trong buổi tiệc trà thân mật vào mùa hè 1989 tại thành phố Wiesbaden (Tây Đức), ông đã tâm sự tin chắc đất nước Việt Nam mai này sẽ được tự do dân chủ và thế hệ tương lai sẽ giỏi dắn hơn, xây dựng được một đất nước ấm no hơn thế hệ của ông.

Có lẽ đó chính là biểu tượng rõ ràng cho tinh thần Nguyễn Ngọc Huy, lúc nào cũng đầy quyết tâm và lạc quan hướng về tương lai dân tộc. Dù khen hay chê, phải khách quan nhìn nhận trong cùng hoàn cảnh thời đại này chưa ai dám chắc làm được nhiều việc tốt đẹp hơn ông. Một người đã dám sống tận tụy một tay chăm sóc mọi việc lớn nhỏ cho đến nỗi kiệt sức trút hơi thở cuối cùng. Thật không khác gì trường hợp Khổng Minh Gia Cát Lượng thời Tam Quốc vậy.
 (Trích: Diễn văn của ông Trần Phượng Hoàng, đại diện Liên Minh Dân Chủ Việt Nam)

TIỂU SỬ  VÀ CÁC CHỨC VỤ ĐÃ GIỮ:

(Trích trong Phần phụ lục của cuốn DÂN TỘC SINH TỒN - Chủ Nghiã Quốc Gia Khoa Học của GS.Nguyễn Ngọc Huy ký dưới bút hiệu HÙNG NGUYÊN)

Hình bìa sách

NGUYỄN NGỌC HUY sinh ngày 2 tháng 11 năm 1924 tại Chợ Lớn. Quê quán tại Làng Mỹ Lộc, Quận Tân Uyên, Tỉnh Biên Hoà (Miền Nam Việt Nam). Qua đời lúc 21 giờ 30 (giờ Paris) ngày 28 tháng 7 năm 1990 tại Paris, Pháp quốc.
Bút hiệu: ĐẰNG PHƯƠNG,  BA XẠO -  bí danh trong đảng Đại Việt và Tân Đại Việt: HÙNG NGUYÊN và một số  bút hiệu khác khi viết báo.
Học lực và các văn bằng đã có:
-  Tốt nghiệp Cao đẳng Tiểu học ở trường Trung học Pétrus Ký.
- Tự học và thi đậu Tú Tài.
- Tốt  nghiệp Viện Nghiên Cứu Chính Trị về Bang Giao Quốc Tế thuộc Viện Đại Học Paris, Pháp
- Cử nhân Luật khoa và Khoa học Kinh tế, Viện Đại Học Paris, Pháp năm 1959.
- Cao Học Chính Trị, Trường Đại Học Luật Khoa và Khoa Học Kinh Tế thuộc Viện Đại Học Paris, Pháp. Luận văn tốt nghiệp: "Lễ trong tư tưởng Chính Trị Trung Quốc cổ thời" năm 1960.
-  Tiến sĩ Chính Trị Học, Trường Đại Học Luật khoa và Khoa học Kinh tế thuộc Viện Đại Học Paris (Pháp). Luận án tốt nghiệp: "Đề Tài Người Ưu Tú Trong Tư Tưởng Chính Trị Trung Quốc Cổ Thời" năm 1963.

1. Các Chức vụ đã giữ:

Trong ngành giáo dục:
- 1965-1975: Giáo sư Chính trị học và Luật Hiến Pháp ở các Trường:
·    Học Viện Quốc Gia Hành Chánh
·    Trường Đại học Luật khoa và Khoa học Xã hội thuộc Viện Đại học Cần Thơ
·    Trường Đại học Sư phạm thuộc Viện Đại học Sàigòn
·    Trường Đại học Luật khoa thuộc Viện Đại học Huế
·    Các Trường Đại học tư như: Đà Lạt, Vạn Hạnh, Minh Đức, Minh Trí

·    Giảng viên ở Trường Cao Đẳng Quốc Phòng, Trường Chỉ Huy Tham Mưu và Trường Đại Học Chiến Tranh Chính Trị Đà Lạt.
- 1967-1968: Khoa trưởng Luật Khoa và Khoa học Xã hội, Viện Đại học Cần Thơ. Năm 1968 từ chức Khoa trưởng để tham dự phái đoàn VNCH trong Hoà Đàm Paris, Pháp.
- Từ 1976: Phụ khảo tại Trường Đại Học Luật khoa Havard thuộc Viện Đại học Havard.

Trong Chính Quyền VNCH:
- 1964: Đổng Lý Văn phòng Phủ Phó Thủ tướng đặc trách Bình Định Nguyễn Tôn Hoàn.
- 1967: Hội viên Hội Đồng Dân Quân.
- 1968-1970: Nhân viên Phái đoàn VNCH tham dự Hoà Đàm Paris, Pháp
- 1973: Nhân viên Phái đoàn VNCH tham dự cuộc thương thuyết ở La Celle Saint Cloud, Pháp.

2. Hoạt động chính trị, đảng phái:

- 1945-1964: Đảng viên Đại Việt Quốc Dân đảng, nhân viên thuộc Uûy ban Chấp Hành Trung Ương của Đảng từ 1948.
- 1964-1990: Cùng một số đồng chí đảng viên Đại Việt Quốc Dân Đảng Xứ Bộ Miền Nam thành lập Đảng Tân Đại Việt và là thủ lãnh của đảng Tân Đại Việt, cả thời gian lưu vong ở Hoa kỳ năm 1975 cho đến khi qua đời ở Pháp năm 1990.
- 1969-1975: Tổng Thư ký Phong Trào Quốc Gia Cấp Tiến.
- Từ 1981: Chủ tịch Uûy Ban Chấp Hành Trung Ương Liên Minh Dân Chủ Việt Nam.
- Từ 1986: Hội viên Ủy Ban  Danh Dự của Ủy Ban Quốc Tế Yểm Trợ Việt Nam Tự Do.
Những Khen Thưởng:
- Giải thưởng của Viện Đại học Paris, Pháp trao cho một trong những luận án Tiến sĩ xuất sắc nhất trong niên học 1963-1964.
- Who's Who đông bộ Hoa kỳ, ấn bản lần thứ 18 năm 1981-1982
Chuyên môn:
- Luật Hiến Pháp
- Chính trị học; tư tưởng chính trị, định chế chính trị, bang giao quốc tế
- Ngôn ngữ: Việt, Pháp, Anh, Hán văn.

3. Các tác phẩm đã xuất bản:

3A- SÁCH:
Tiếng Việt:
- BIỆN CHỨNG DUY XẠO LUẬN (Trào phúng)
- DÂN TỘC HAY GIAI CẤP
- NHẬN ĐỊNH TÌNH HÌNH THẾ GIỚI (4 tháng đầu năm 1990) do Mekong Tị Nạn, San Jose, California ấn hành năm 1990.
- QUỐC TRIỀU HÌNH LUẬT (Quyển A, trong trọn bộ 8 quyển), Việt Publisher, Canada ấn hành 1990
- CÁC ẨN SỐ CHÍNH TRỊ TRONG TIỂU THUYẾT VÕ HIỆP KIM DUNG, Thanh Phương Thư Quán, San Jose, California ấn hành năm 1985
- HÀN PHI TỬ, bản dịch ra Việt ngữ tác phẩm của Hàn Phi, nhà lý thuyết trứ danh của học phái Pháp Gia Trung Quốc (2 quyển), Lửa Thiêng, Sàigòn ấn hành năm 1974
- LỊCH SỬ CÁC HỌC THUYẾT CHÍNH TRỊ (2 quyển), Cấp Tiến, Sàigòn, 1970-1971
- ĐỀ TÀI NGƯỜI ƯU TÚ TRONG TƯ TƯỞNG CHÍNH TRỊ TRUNG QUỐC CỔ THỜI, bản dịch ra Việt ngữ từ Luận án Tiến sĩ viết bằng tiếng Pháp, Cấp Tiến, Sàigòn 1964.
- DÂN TỘC SINH TỒN, Chủ thuyết của Đại Việt Quốc Dân Đảng, được san định, bổ túc, biến cải, khai triêån, hệ thống hoá, phong phú hoá và thâu nhận các nguyên tắc tự do dân chủ hợp hiến (gồm 2 quyển), Đại Việt Quốc Dân Đảng Sàigòn, 1964.
(2 cuốn sau đây cùng viết chung với Trần Minh Xuân):
- Hiệu đính và chú thích LỤC SÚC TRANH CÔNG, đi tìm tác giả và dụng ý chính trị trong tác phẩm này; Mekong Tị Nạn, San Jose, California 1991
- HỒ CHÍ MINH: TỘI PHẠM NHÂN QUYỀN VIỆT NAM, Mekong Tị Nạn, San Jose, California 1992
Tiếng Pháp:
- POUR UNE NOUVELLE STRATÉGIE DE DÉFENSE DU MONDE LIBRE CONTRE L'EXPANSION COMMUNISTE, Alliance Pour La Démocratie Au Vietnam, Paris , 1985
Tiếng Anh:
- THE LÊ CODE: LAW IN TRADITIOANAL VIETNAM,  (viết chung với Tạ Văn Tài và Trần Văn Liêm) bản dịch sang tiếng Anh và chú thích boọ QUỐC TRIỀU HÌNH LUẬT hay còn gọi là LUẬT HỒNG ĐỨC CỦA NHÀ LÊ (1428-1788). Ohio University Press, Hoa kỳ 1987
- A NEW STRATEGY TO DEFEND THE FREE WORLD AGAINST COMMUNIST EXPANSION, Aliance For Democracy In Vietnam, 19855-5
- PERESTROIKA OR REVENGE OF MAEXISM OVER LENINISM, Việt Publisher, Canada, 1990
- UNDERSTANDING VIETNAM, do T.D.T Thomason xuất bản, The Displaced Persons Center Information Services, Bussum, The Netherlands (viết chung với Stephen B.Young)
- THE TRADITION OF HUMAN RIGHTS IN CHINA AND VIETNAM, Yale Southeast Asia Studies, The Lạc Việt Series, New Haven, CT, USA, 1990 (viết chung với Stephen B.Young)

3B- Sinh hoạt trong lãnh vực Báo chí:
- Nguyệt san Cấp Tiến, Sàigòn từ 1968

- Nhật báo Cấp Tiến, Sàigòn từ 1968

- Nguyệt san Tự Do Dân Bản, Hoa kỳ tứ 1981

4. Các di cảo còn để lại được in sau ngày GS.Nguyễn Ngọc Huy qua đời:

- Di cảo 1: VẬN ĐỘNG QUỐC TẾ YỂM TRỢ VIỆT NAM TỰ DO (được phát hành vào Ngày Truy Điệu cố Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy tại San Jose State  University, San Jose, California 26 tháng 8 năm 1990; do Mekong Tị Nạn, San Jose ấn hành.
- Di cảo 2: NHỮNG LỜI CUỐI CỦA GIÁO SƯ NGUYỄN NGỌC HUY (Phát hành nhân ngày giỗ đầu cố Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy 28/7/1991 tại San Jose, California và nhiều nơi khác trên thế giới) Mekong Tị Nạn, San Jose ấn hành
- Di cảo 3: TIẾN TRÌNH HÌNH THÀNH QUỐC KỲ VÀ QUỐC CA VIỆT NAM - VIỆT NAM VÀ GIẢI PHÁP TRUNG LẬP (Phát hành nhân ngày giỗ thứ 2 cố Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy, 28/7/1992) do Mekong Tị Nạn San Jose, California ấn hành 1992
- Di cảo 4: CHUNG QUANH VIỆC VIỆT NAM CỘNG HOÀ SỤP ĐỔ HỒI THÁNG 4/1975 (Phát hành nhân ngày giỗ thứ 3 cố Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy, 28/7/1993) do Mekong Tị Nạn, San Jose 1993
- Di cảo 5: BẢN CHẤT CỦA CỘNG SẢN VIỆT NAM VÀ VẤN ĐỀ XÃ THÔN TỰ TRỊ (Phát hành nhân ngày giỗ thứ 4 cố Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy. 28/7/1994) do Mekong Tị Nạn, San Jose phát hành 1994
- Di cảo 6: NHỮNG HÀNH ĐỘNG PHẠM PHÁP TRONG TRUYỆN KIỀU XÉT THEO LUẬT PHÁP CỔ VIỆT NAM VÀ TRUNG HOA (Phát hành nhân ngày giỗ thứ 6 cố Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy 28/7/1996) do Mekong Tị Nạn, San Jose phát hành 1996
- Di cảo 7: TÊN HỌ NGƯỜI VIỆT NAM (Phát hành nhân ngày giỗ thứ 8 cố GS.Nguyễn Ngọc Huy, 28/7/1998) do Mekong Tị Nạn, San Jose phát hành 1998.

·         5. Các bài viết đã đăng báo:
Tiếng Việt:
- 1947-1953: Các bài bình luận và thơ đăng trong các Tuần báo Đuốc Việt và Thanh Niên.
- 1963-1975: Các bài viết trong các Tạp Chí Đồng Nai Văn Tập, Nghiên Cứu Hành Chánh, Lửa Thiêng và Quốc Phòng.
- 1968-1975: Các bài bình luận về Tình Hình Thế Giới, Diễn Tiến Chính Trị VN, Tư Tưởng Chính Trị Trung Hoa và Việt Nam, các bài viết liên quan đến Luật Hiến Pháp đăng trên các báo Cấp Tiến, Dân Quyền.
- 1975-1990: Các bài Nhận Định Tình Hình Thế Giới và nhiều bài liên quan đến Văn Hoá, Chính Trị Việt Nam trên nhiều báo như Tự Do Dân Bản, Đường Mới và cũng được trích đăng trên các báo khác như Mekong Tị Nạn, Sàigòn, Thằng Mõ v.v

Tiếng Pháp:
- LA FRANCE ET LE VIETNAMIEN PARTISAN DE LA DÉMOCRATIE LIBÉRALE đăng trong Đường Mới ở Pháp số 4 năm 1985.
- LE CODE DES LÊ, nhận xét về bản dịch bộ luật nhà Lê ra tiếng Pháp của ông Deloustal và về niên biểu  ấn hành của bộ luật này đăng trong Bulletin de l' Eùcole Francaise D'extrême Orient, Quyển LXVII, Pháp 1980.
Tiếng Anh:
- THE VIETNAMESE LEGAL TEXTS (trong The Law of South-East Asia, Quyển 1, THE PRE-MODERN TEXTS do M.B. Hooker xuất bản, Butterworth & Co. 1986. (viết chung với Tạ Văn Tài)
- LIMITS ON STATE POWER IN TRADITIONAL CHINA AND VIETNAM trong THE VIETNAM FORUM, Ban Nghiên Cứu Đông Nam Á Châu thuộc Đại học Yale, Hoa kỳ, số 6, Hè - Thu 1985.
- THE MING CODE IN VIETNAMESE LEGAL HISTORY: ITS INFLUENCE ON THE VIETNAMESE DODES AND OTHER LEGAL DOCUMENTS,  trong MING STUDIES, số 19, Thu 1984.
- ON THE PROCESS OF CODIFICATION OF THE NATIONAL DYNASTY'S PENAL LAWS, trong THE VIETNAM FORUM, Ban Nghiên Cứu Đông Nam Á Châu  của Đại học Yale, Hoa Kỳ, số 1, Đông-Xuân  1983.   
- THE PENAL CODE OF VIETNAM'S LÊ DYNASTY, trong STATE AND LAW IN EAST ASIA, để kỷ niệm ngày ông Karl Bunger trí sĩ, do Dieter Eikemeier và Herber Franke xuất bản, Otto Harrassowitz, Weibaden 1981.

·         6. Các buổi Thuyết Trình:
- VAI TRÒ CỦA HỒ CHÍ MINH TRONG DIỄN TIẾN CỦA TÌNH TRẠNG NHÂN QUYỀN TẠI VIỆT NAM. Hội thảo về đề tài: "Con người và di sản của Hồ Chí Minh" do một số Đoàn thể  Việt Nam và Pháp toỏ chức tại điện Luxembourg (Trụ sở Thượng Nghị Viện Pháp) trong 2 ngày 25 và 26 tháng 5 năm 1990.
- CHÍNH SÁCH QUỐC PHÒNG CỦA CỘNG SẢN VIỆT NAM, Trường Đại học Không Quân Hoa Kỳ, Colorado Springs, Colorado ngày 12 tháng 4 năm 1988
- CỘNG SẢN VIỆT NAM VÀ NỀN AN NINH Á CHÂU, Viện Đại học Monash, Melbourne, Uùc Đại Lợi ngày 17/9/1987.
- LIÊN MINH LIÊN SÔ- CỘNG SẢN VIỆT NAM VÀ NỀN AN NINH CỦA ĐÔNG NAM Á CHÂU, Hội thảo bàn tròn do Hội International Security Council (Hội Đồng An Ninh Quoóc Tế) tổ chức ở Bangkok, Thailand từ ngày 6 đến 8/7/1986.
- TRẬN CHIẾN ĐẤU CUỐI CÙNG VÀ SỰ SỤP ĐỔ CỦA MIỀN NAM VIỆT NAM: 1973-1975, Hội thảo về đề tài Kinh Nghiệm Việt Nam 1945-1975 do Trường Đại học Glassboro tổ chức trong 2 ngày 7 và 8 tháng 4/1986.
- VIỆT NAM DƯỚI ÁCH CỘNG SẢN, Hội thảo về Đông Nam Á Châu trong Trung Tâm Nghiên Cứu Các Vấn Đề Quốc Tế thuộc Viện Đại Học Havard ngày 23/11/1981; sau đó được Viện Đại học George Mason đăng lại trong loạt bài nghiên cứu về VN.
- THỰC TRẠNG Ở VIỆT NAM VÀ CÁC NƯỚC ĐÔNG DƯƠNG. GIẢI PHÁP CHO CÁC VẤN ĐỀ DO CÁC NƯỚC ẤY GÂY RA do Trung Tâm Văn Hoá Á Mỹ thuộc Viện Đại học Minnesota tổ chức ngày 3/10/1981
- NGUYÊN NHÂN VÀ HẬU QUẢ CỦA VIỆC MIỀN NAM VIỆT NAM SỤP ĐỔ NĂM 1975 ở Đại Hội Toàn Quốc của Hiệp Hội Nghiên Cứu Mỹ Á về Á Châu và Thái Bình Dương tổ chức tại Viện Đại học Washington tại Seattle, tiển bang Washington năm 1980.
 Ước mơ cuối đời của Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy là được sống đời ẩn sĩ để viết sách, phân tích tại sao dân tộc Việt Nam quả cảm, thông minh, nhưng lại chịu quá nhiều bất hạnh; để giúp cho các thế hệ thanh niên tránh được những sai lầm tai hại trong quá khứ, ngõ hầu xây dựng một nền văn hóa lành mạnh, vững chắc và đặc thù dân tộc.

Tiếc thay, một đời tận tụy hy sinh gần nửa thế kỷ cho dân tộc, nhưng Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy chưa thực hiện được tâm nguyện đơn sơ, bình dị rất đáng yêu này. Ông tạ thế ngày 28 tháng 7 năm 1990 tại Paris, Pháp Quốc
...để lại phía sau một cuộc đời phục vụ tận tụy cho dân tộc Việt Nam... xứng đáng làm gương cho các thế hệ mai sau như lời chia buồn của Tổng Thống Hoa Kỳ George Bush sau khi hay tin Ông mất.





No comments:

Post a Comment