Thursday, October 1, 2015

Võ Phiến, cuối cùng tôi được gặp (Luân Hoán)





19 Aôut 2006

  Trong văn giới của Việt Nam Cộng Hòa có hai người tôi rất ngưỡng mộ, kính phục: nhà văn Nguyễn Văn Xuân và  nhà văn Võ Phiến. Với ông “Quảng Nam Học” (1), tôi được may mắn gặp mặt nhiều lần. Ngược lại,  với ngài “Biệt Kích Văn Hóa” (1), tôi hụt nhiều cơ hội đối diện.


          Được gặp mặt, được bắt tay, được ngồi nghe những câu nói gởi trực tiếp đến với mình, từ một người danh tiếng, quả thật là một kỳ thú, một hãnh diện. Tuy không cố tình săn đuổi những cơ hội này, nhưng nếu hữu duyên có được sự hội ngộ, tôi sẽ rất phơi phới trong lòng. Bằng hữu, dù là đàn anh, đàn chị, đàn em, đàn…cháu,  vẫn quí báu như nhau. Không được là bằng hữu, chỉ tương kính xã giao cũng vô vàn sung sướng.
          Với nhà văn Võ Phiến, được quen biết ông, được gặp mặt ông,  kể như có thêm một hạnh phúc. Chắc chắn nhiều bạn sẽ nhăn mặt, cho rằng tôi có phần tâng bốc, ra chiều nịnh bợ. Không sao. Đây là niềm vui tôi tìm thấy, khi cảm nhận mình được hưởng ké cái rực rỡ của một nhân tài, bất cứ họ hoạt động ở lãnh vực nào.
          Sự tâng bốc của tôi dành cho nhà văn Võ Phiến nếu có, cũng là chuyện bình thường, bởi những gì ông đã dành cho nền văn học Việt Nam không nhỏ chút nào. Để xác định điều này, chúng ta thử ghé qua từng trang đời của ông, một cách vắn tắt.

          Nhà văn Võ Phiến ra đời vào  ngày 13 tháng 9 năm Ất Sửu, nhằm ngày 30 tháng 10 năm 1925. Nhưng trong khai sinh ghi sụt mất 7 ngày. Có lẽ đây là ngày làm giấy khai sinh ? Địa danh nhà văn chính thức đến với cuộc sống được ghi rõ: làng Trà Bình, tổng Trung Bình, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định. Ông mang tên gọi Đoàn Thế Nhơn, bởi thân phụ ông là Đoàn Thế Cần, một  lưu dân làm ăn tại miền Rạch Giá, Nam kỳ, chỉ gặp mặt con khi cậu đã lên 7. Thân mẫu ông, bà Ngô Thị Cương cũng bỏ ông lại quê nhà để theo chồng vào năm 1934.  Cả hai bậc sinh thành, đều đã qua đời (ông đi trước bà theo sau, vào 30-3-1983 và 06-11-1989). Võ Phiến đã theo học tại Qui Nhơn đến năm 1941 và tại Huế đến năm 1943. Năm 1944 ông được học giả Đào Duy Anh đưa ra Hà Nội nuôi ăn học.  Năm 1945, trở về Bình Định để thi hành nghĩa vụ thanh niên trong đơn vị tuyên truyền xung phong. Năm 1946 lại trở ra nhà cụ Đào, rồi lại trở về Bình Định, dạy các lớp bình dân học vụ và làm việc trong ngành thuế quan. Ông gặp bà Viễn Phố rồi cùng bà chắp cánh thong dong  một đời kể từ năm 1948. Vợ sinh con, cuối năm 1948, ông dạy học, cùng lúc bắt đầu chống đối chủ thuyết cộng sản, nên bị bắt ngày 17-10-1952. Tòa án liên khu V xử 5 năm tù, giam tại Phú Nhiêu. Nhờ hiệp định Genève, ông được phóng thích vào tháng 9-1954. Cuối năm 1954, ông ra Huế làm việc cho Nha Thông Tin Trung Việt. Đầu năm 1955, ông được thuyên chuyển làm Trưởng Ty Thông Tin Quảng Trị. Sau đó làm Trưởng Ty Thông Tin Bình Định từ 1955 đến 1959. Giữa khoảng thời gian này, năm 1956, ông gặp lại cha mẹ ở Trà Vinh, ông đưa cả nhà về đoàn tụ tại Bình Định. Cuối năm 1959, ông cùng gia đình vào Sài Gòn. Ông làm việc tại Bộ Thông Tin cho đến ngày ra xứ người, vào ngày 22 tháng 4 năm 1975. Ông tỵ nạn tại trại Pennsylvania cho đến ngày 03-9-1975. Trên lãnh thổ Hoa Kỳ, gia đình ông cư ngụ tại Minneapolis, Minnesota rồi dời đếnSanta Monica, Los Angeles (kể từ 07-4-1977). Hiện nay, sau khi hồi hưu vào năm 1994, ông cùng gia đình, định cư tại Hightland Park, Los Angeles California, trong một căn nhà yên tĩnh với cây lá xanh tươi quanh vườn. Mặc dù  đã qua hai lần mổ tim tại Hoa Kỳ (ngày 05-10-1985 và 01-4-1992), sức khoẻ của nhà văn Võ Phiến vẫn rất khả quan.


Về văn nghiệp, nhà văn Võ Phiến bắt đầu bằng những bài tùy bút đăng trên các báo Trung Bắc, Chủ Nhật tại Hà Nội vào năm 1943. Ông viết cho tờ Mùa Lúa Mới năm 1955. Rồi cộng tác với Bách Khoa, Sáng Tạo cùng nhiều tạp chí khác tại thủ đô Sài Gòn. Ông được trao giải Văn chương toàn quốc năm 1960 với tác phẩm Mưa Đêm Cuối Năm. Ông là một trong những vị giám khảo của giải Văn Học Nghệ Thuật hàng năm của Việt Nam Cộng Hòa (từ 1961 đến 1974). Năm 1962 ông thành lập nhà xuất bản Thời Mới. Từ năm 1970 đến 1974 ông có mặt trong Hội Đồng Văn Hóa Giáo Dục của Việt Nam Cộng Hòa. Năm 1978, sau khi đã định cư tại Hoa Kỳ, ông chủ trương tạp chí Văn Học Nghệ Thuật. Báo ra được 13 số, kể từ tháng 4-1978 đến tháng 12-1979. Năm 1985 ông cùng các nhà văn Nguyễn Mộng Giác,
Lê Tất Điều cho tục bản tạp chí Văn Học Nghệ Thuật, phát hành từ tháng 5-1985 đến tháng 1-1986, sau đó, ông giao trách nhiệm lại cho nhà văn Nguyễn Mộng Giác, để chú tâm vào việc sáng tác, biên khảo. Gia tài tác phẩm của ông thật đồ sộ gồm: 4 tiểu thuyết, 7 tập truyện ngắn, 9 tập tùy bút, 9 tập tiểu luận, 8 tập phê bình, 5 tập truyện dịch được ký dưới bút hiệu Tràng Thiên, 1 tập thơ. Trong thời gian gần đây, những tác phẩm của ông được cho tái bản dưới tên Võ Phiến toàn tập, gồm: tùy bút 1, tùy bút 2, tạp bút, tiểu luận , tạp luận , truyện ngắn 1, truyện ngắn 2, tiểu thuyết 1, tiểu thuyết 2, tổng cộng 3247 trang.
                                                               
          Sáng tác của Võ Phiến không những dồi dào số lượng, mà ở bất cứ  bộ môn nào, dưới ngọn bút của ông, cũng có một giá trị đặc biệt, thu phục người đọc. Vì thế, sau khi thưởng ngoạn tác phẩm của ông, nhiều người cầm bút muốn bày tỏ những nhận xét, những tán thưởng của mình. Số lượng những bài viết về Võ Phiến mỗi ngày một nhiều. Có người viết nguyên một cuốn sách như nhà phê bình Nguyễn Hưng Quốc với cuốn “Võ Phiến”. Như John C. Schafer, một tác giả ngoại quốc, với cuốn “Võ Phiến And The Sadness of Exile”. Những tên tuổi liệt kê dưới đây đã đóng góp mỗi người một bài hoặc hai ba bài, tùy theo sự cảm nhận và tùy hứng riêng: Đặng Tiến, Vũ Hạnh, Cao Huy Khanh, Doãn Quốc Sỹ, Nguyễn Mộng Giác, Phan Lạc Phúc, Mai Thảo, Đỗ Tấn, Huỳnh Phan Anh, Viên Linh, Nguyễn Quốc Trụ, Nguyễn Đình Toàn, Nguyễn Hữu Nghĩa, Võ Đình, Thế Uyên, Ngô Nguyên Dũng, Hồ Trường An, Phan Lạc Tiếp, Lê Tất Điều, Trần Long Hồ, Hà Thúc Sinh, Trúc Chi, Nguyễn Ngọc Tuấn (bút hiệu khác của Nguyễn Hưng Quốc), Bùi Bảo Trúc, Bùi Vĩnh Phúc, Hoàng Khởi Phong, Lockhart Greg, Nam Chi (bút hiệu khác của Đặng Tiến), Nguyễn Thị Sông Hương, Thụy Khuê, Trần Hữu Thục (tên thật của Trần Doãn Nho), Nguyễn Hoàng Văn, Lê Minh Hà, Hoàng Nga, Nguyễn Hữu Lê, Minh Nguyệt, Hoàng Xuân Sơn, Nguyễn Vy Khanh, Tạ Chí Đại Trường, Quỳnh Dao (ca sĩ), Ngự Thuyết, Trần Văn Nam, Triều Hoa Đại…Lẩm cẩm lên danh sách này, tôi không có ý mơ mộng, mai sau tên mình cũng được đứng chung trong đội ngũ đọc và viết về Võ Phiến. Bởi giản dị, tôi hoàn toàn không có khả năng biên khảo, cũng như thực sự không muốn làm một người thông dịch ý tưởng, tình cảm người khác. Hơn nữa, tôi luôn luôn là một bạn đọc tài tử với bất kỳ một tác giả nào, dù tôi đã làm quen với cái tên gọi Võ Phiến từ những năm 1962, 1963…
        

 Trở lại với sinh hoạt chữ nghĩa của miền Nam tự do, trong giai đoạn đầu thập niên 60 đến tháng 4 năm 1975, tuy chỉ hời hợt theo dõi, tôi cũng có thể đoan chắc, miền Nam Việt Nam có một nền văn học sung mãn về nhân tài và tác phẩm. Những công trình tim óc, đa số có giá trị văn học, nghệ thuật.. Không khí sinh hoạt cởi mở, hào hứng, tuy có sự ngấm ngầm phân chia cánh miền Bắc, cánh miền Nam, cánh miền Trung, nhưng không có sự kỳ thị rõ nét. Sự cạnh tranh giữa những “thế lực văn học” chính là sự tranh đua cần thiết để phát triển nghề nghiệp một cách tốt đẹp hơn. Nhà văn Võ Phiến là một trong những người  đứng  hàng đầu của giới cầm bút tại miền Nam Việt Nam thời bấy giờ. Ngưỡng mộ ông, tôi càng muốn được quen biết với ông. Nhưng đến tòa soạn để tìm gặp tác giả, không phải là một việc tôi cho phép tôi thực hiện . Tôi chưa làm điều này với bất cứ tác giả nào. Nhớ có lần ghé Bình Định chơi, tôi có hỏi một anh bạn, người địa phương, nhà tác giả Chữ Tình ở đâu ? Hỏi chỉ cho có chuyện vậy thôi. Bởi tôi biết, ông đang sinh sống, làm việc tại Sài Gòn. Cho dù ông đang có mặt tại Bình Định, tôi cũng không đủ bạo dạn để đường đột ra mắt ông. Nếu không có biến cố lịch sử 1975, và nếu không bôn tẩu ra hải ngoại, có lẽ tôi không bao giờ có cơ hội gọi là quen biết nhà văn Võ Phiến.

          Tình bằng hữu chỉ có được bởi những thân tình. Những thân tình này chẳng lẽ chỉ hạn chế, dành riêng cho những sự gặp gỡ, thù tạc, đối ẩm, bàn luận, tán dóc ?…Giữa tôi và nhà văn Võ Phiến chưa một lần gặp mặt, nhưng đối với nhau không có quá nhiều xa lạ, ít nhất là với chủ quan của riêng tôi, cho riêng tôi. Ông hơn tôi nhiều mặt. Ông là bực đàn anh. Tôi kính trọng, ngưỡng mộ, thán phục ông. Dĩ nhiên ngoài tôi, còn có hàng vạn người quí mến, kính nể ông. Dù vậy, tôi thật sự  băn khoăn không biết có nên dựa vào thân thế sự nghiệp hoành tráng của ông để vẽ bùa cho cái tôi quá nhỏ nhoi của mình ? Chọn ông để cố viết “đôi dòng chẳng đáng chi” có lẽ tôi đã vô lễ, thất kính với ông, với cả tôi. Nhưng buông bút, bỏ qua lại thấy tiếc, thấy thiếu thiếu, lại thấy không thành thật với dụng ý muốn dựa hơi của chính mình, do đó, tôi đã cố gắng hết sức để viêt cho chính mình bài tạp hồi ký này.

          Tháng 7 năm 1985, tôi nhờ nhà thơ Thái Tú Hạp chuyển đến nhà văn Võ Phiến một ít tư liệu vắn tắt về năm bảy người cầm bút tại miền Trung mà ông Võ Phiến hỏi xin qua trung gian Thái Tú Hạp. Những tư liệu vụn này ông dùng bổ sung cho phần phụ lục cuốn Văn Học Miền Nam, tổng quan của ông. Ngày 17 tháng 7 năm 1985, tôi nhận được thư đầu tiên của ông.  Thư viết tay trên giấy có in sẵn tên và địa chỉ  tạp chí ông đang chăm sóc, tờ Văn Học Nghệ Thuật. Ngoài vài dòng cảm ơn, nhà văn còn nhờ tôi cho biết thêm “chi tiết về các nạn nhân của chế độ cộng sản tại Việt Nam”. Ông ghi rõ từng dòng những điểm cần thiết và để những dấu chấm lửng dành cho tôi. Nét chữ ông viết thuộc dạng chữ nghiêng, một dạng chữ, theo tôi, rất thông dụng của những người thuộc thế hệ 30 trở về trước.  Chữ ông viết dễ đọc, có thể gọi là đẹp. Chữ ký rất bay bướm. Dĩ nhiên sau đó, tôi còn được đôi lần nhận thư ông. Một ít thơ của tôi viết sau 1975 được ông cho đi trên Văn Học Nghệ Thuật rồi Văn Học do ông điều hành. Cái tình giữa những người cầm bút với nhau phát triển khá nhanh trong sự cởi mở, thân mật, như ông đã viết… “xa xôi, chưa từng gặp nhau mà đã mến nhau! Cái duyên văn nghệ thật quí hoá” (thư 9-1995).

          Cơ hội thứ nhất tôi có thể nhìn tận dung nhan nhà văn Võ Phiến vào năm 1989, khi ông
đến thăm thành phố Montréal, nơi tôi đang cư ngụ. Vào thời điểm này, giới cầm bút người Việt tại  Montréal đang tổ chức đại hội Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại. Nhà văn Võ Phiến hình như không phải là người đi phó hội. Tôi không có mặt tại những địa điểm diễn ra sinh hoạt này, nên không rõ có sự hiện diện của ông Võ Phiến tại những hội trường đó không. Theo nhà thơ Lưu Nguyễn, tác giả Thương Hoài Ngàn Năm… được một nhóm bạn văn từToronto lên, đưa đi thăm những nơi nổi tiếng của thành phố Montréal. Biết ông đến, nhưng không rõ chỗ tạm trú của ông nên tôi đành bỏ qua một dịp tốt để trình diện ông. Thật tiếc.
          Cơ hội thứ hai, có khoảng cách xa xôi hơn. Năm 1995, nhà văn Võ Phiến được các bạn văn, bạn đọc: Phó Ngọc Văn, Trần Long Hồ, Đinh Cường… tại thủ đô Washington Hoa Kỳ tổ chức một đêm vinh danh, có tên gọi Đêm Võ Phiến, tương tự như Đêm Mai Thảo đã được tổ chức trước đó mấy năm. Dĩ nhiên tác giả Người Tù…phải có mặt. Những bạn văn từ các vùng Virginia, New Jersey…  nao nức đến thăm viếng, tri ân ông. Cánh viết lách lăng nhăng của chúng tôi ở Montréal cũng dự định lên đường. Riêng tôi rất háo hức nghĩ đến cái phút được hưởng ké cái hương danh của ông. Nhưng rủi, vào phút chót, không hiểu sao chuyến đi của anh em Montréal trở thành một buổi gặp mặt tại quán cà phê Van Houtte, để ký tên. Một cáicravate trang nhã, khiêm nhường đi kèm với một tấm thiệp chúc mừng đơn giản, mang chữ ký của Hồ Đình Nghiêm, Trang Châu, Lưu Nguyễn, Hoàng Xuân Sơn, Song Thao, Phạm Nhuận, Luân Hoán được giao cho nhà văn Trang Châu mang sang Hoa Kỳ, đệ trình ông. Chút tình bé mọn, ngay sau đó đã giúp tôi nhận thêm mấy câu của tác giả Thư Gửi Bạn: “ Anh chắc đã có cái thiệp con, gửi anh Trang Châu chuyển hộ, để tỏ chút lòng biết ơn anh em Canada…”
         
          Nhiều năm tiếp theo tôi cũng chưa có cái cơ hội để được ngồi nghe người cha đẻ của những nhân vật Chị Bốn Chìa Vôi, chị Lộc, chị Lê,  các anh Hữu, anh Bốn Thôi, anh Nam Hà, anh Thập Tam… kể lể tỉ mi chuyện “Về Một Xóm Quê”,   hay miên man dựng lại những cái rất nhàm của cuộc sống, mà người nghe, người đọc vẫn không chán chút nào. Khoảng cách địa lý giữa nơi tôi và bậc đàn anh tôi trọng vọng thật là lớn. Mỗi ngày như một rộng thêm ra bởi tình trạng sức khoẻ, kinh tế lẫn bản tính ngại đi xa của tôi. Giữa lúc tôi dần quên đi cái mong muốn gặp cho biết, gặp để chụp hình chung cho oai… thì tạp chí Văn Học nhen lại trong tôi một “mưu toan” mới. Không được gặp nhà văn, thì cũng nên góp lời tán thưởng ông.

          Dự định của nhà văn Nguyễn Mộng Giác, thực hiện một số đặc biệt về Võ Phiến, được tạp chí Văn Học thông báo. Tôi mở cờ trong bụng, định viết một cái gì. “Cái gì” của tôi dĩ nhiên vẫn là bổn cũ soạn lại: mấy câu văn vần ! Chuyện tưởng khá dễ, nhưng cầm bút lên, tôi mới biết thật sự quá sức mình. Viết văn vần cho nên thơ không phải là chuyện đùa. Và rủi ro hơn, không hiểu sao, những gì tôi cảm, tôi nghĩ về người chồng của bà Viễn Phố đi đâu mất hết. Tôi chợt nghiệm ra, làm thơ ngợi ca (đương nhiên phải ca ngợi) một người nào đó là một chuyện vô cùng khó khăn, nhất là người đó chưa quá vãng. Khó có thể nói dóc, nói láo về một người đang sống, đang ở trong thời kỳ sinh hoạt sung sức nhất. Làm thơ huê tình tán gái, làm thơ suy tư lẩm cẩm hay làm thơ tỏ tình cùng cỏ cây, đất đá, quê hương, dễ hơn nhiều. Có lẽ đây cũng là lý do nhà thơ Hoàng Lộc từng từ chối đề nghị, khi tôi nhờ anh viết về một vài người bạn chung.
         Không có ý, không có hứng,  nhưng tôi cũng liều mạng cuồng, viết. Rất may nhà văn Nguyễn Mộng Giác và nhóm chủ biên Văn Học kịp thời phát hiện cái dở của bài thơ và loại bỏ. Số đặc biệt về Võ Phiến rơi vào số 150 và 151 dành cho hai tháng 10, 11 năm 1998 thật phong phú, qui tụ các bài viết của Nguyễn Hưng Quốc, Võ Đình,  Trần Hữu Thục,  Trần Doãn Nho, Nguyễn Hoàng Văn, Lê Minh Hà,  Nguyễn Hữu Lê, Trúc Chi, Minh Nguyệt, Hoàng Nga, Tạ Chí Đại Trường, Quỳnh Dao, Ngự Thuyết, Trần Long Hồ, Hoàng Xuân Sơn, Ngô Nguyên Dũng, Trần Văn Nam, Trần Hoài Thư, Nguyễn Vy Khanh… về thơ có Huệ Thu, Hà Thượng Nhân, Sử Mặc (bút hiệu khác của Hoàng Xuân Sơn). Bài thơ của tôi có tên: Tìm Trăng, không có duyên. Nhưng vì tiếc nuối một “chút tình văn một chiều” (xin đừng hiểu nhầm đồng tình luyến ái) với tác giả Phù Thế, Ảo Ảnh, Giã Từ, Nguyên Vẹn… tôi giữ lại, và cầm lòng không đậu nên cho in vào tập “Sông Núi Cùng Người Thơm Ngát Thơ” phát hành năm 2002. Bây giờ, lại xin can đảm một lần nữa ghi đầy đủ dưới đây:

        

          Tìm Trăng

                    tặng một nhà văn Việt Nam

          xách cái tâm thơ vào Bình Định
          ngoài con đường nắng, chẳng quen ai
          ở đâu hương sắc đầm Đạm Thủy ?
          La Tính trôi thơm lọn tóc dài ?

          lơ lửng một mình qua phố biển
          Trà Vinh, Phù Mỹ chỗ nào đây ?
          cỏ hoa nào đỡ bàn tay viết ?
          chữ thắm thịt da vỗ cánh bay

          có phải chỗ này người đứng ngắm
          sóng mênh mang trải khúc Hoan Ca ?
          con còng ngậm gió lang thang mộng
          lòng thả văn ra mở cánh hoa

          đâu chỉ con người là nhân vật
          bụi, rêu, hương, phấn... rủ nhau vui
          tha thiết, tinh vi nguồn máu tiếp
          chữ mọc chân qua thế giới người

          xách cái tâm thơ vào Bình Định
          tôi tìm dòm lén một lần chơi
          Chữ Tình, Ảo Ảnh hay Phù Thế ?
          Tạp Bút xanh thơm một góc trời

          Viễn phố mươi lần tôi với nắng
          đi về nặng túi xách vô duyên
          chợt nghe đời trở mình trong sách
          cùng lúc trăng vào ấm mái hiên
                               (Sông Núi Cùng Người Thơm Ngát Thơ -  trang 95)

          Vì bài thơ không đứng được trong số đặc biệt của Văn Học, nên đến nay chắc chắn nhà văn Võ Phiến  vẫn chưa cơ hội bực mình lẫn ái ngại cho cái liều mạng đáng xấu hổ của tôi. Hú hồn. Nếu sau này, ông có tình cờ đọc, xin lượng tình bỏ lỗi.

          Sau chuyện làm thơ cầu thân không thành, cái cơ hội tìm thăm nhà văn Võ Phiến của tôi càng mịt mờ. Tuy vậy tôi vẫn theo dõi những sinh hoạt thật ngoạn mục của ông. Ngoài truyện ngắn, tùy bút, tạp bút… ông còn cho phát hành một tập thơ năm 1997. Những biên khảo về văn học của ông được đánh giá cao (nói theo kiểu quốc nội ngày nay), được ghi nhận rất cần thiết, đã góp sức làm sống lại một nền văn học đích thực có giá trị, đã và vẫn đang có ý đồ bỏ qua, vì đố kỵ, mặc cảm thua sút của chính phủ đương quyền Việt Nam.
          Chẳng thể đưa ra những những nhận xét, đánh giá về văn tài Võ Phiến, cũng không trích dẫn đoạn văn nào của ông, tôi xin chép một bài trong thể loại, ông ít chuyên nhất, mời bạn đọc thưởng lãm. Sự trích đăng ở đây không có mục đích dẫn chứng một điều gì. Nó chỉ có ý nghĩa mang cái hồn của ông đến, để làm ấm, làm thơm một chút cho bài viết này:
         
          một ngày một ngày lại một ngày
          chân cứ đều chân lòng man mác
          trước mặt mây bay trời bát ngát
          cúi đầu bước tới, ngày lại ngày

          dưới đống lá khô có ai hay
          những con bọ nhỏ còn lúc nhúc
          dăm tiếng khóc nhỏ còn tấm tức
          lấp vùi dưới những tháng năm xưa
          lấp vùi những tự buổi ngây thơ
          dăm tiếng cười vui còn rúc rích
          như tia nắng lọt qua khe vách
          qua khe hở một thập niên xa
          có đôi ánh mắt còn thiết tha
          gửi đến ngày nay tia nhấp nháy
          khởi bước ra đi từ buổi ấy
          một thân dầu dãi mấy phong trần
          mỏi mê nghĩ đến lúc dừng chân
          ngẩng mặt, mây bay trời bát ngát
          ta vỗ lên cái thi thể sắp lạnh của một đời người mà hát:
          “thời gian ơi thời gian”
                                                  
                                          (Thời Gian – trong thi phẩm Thơ Thẩn- Võ Phiến)

          Hẳn nhiên không phải ai cũng tán thưởng Võ Phiến. Ông có chừng vài phần trăm những người chỉ trích ông. Theo nhận xét của nhà phê bình Nguyễn Hưng Quốc:
        … “ Sau 1975, lên đại học, tôi ngạc nhiên thấy nhiều thầy giáo của mình từ miền Bắc vào - phần lớn đều là những người viết lách ít nhiều – khen Võ Phiến nức nở hoặc chửi bới Võ Phiến thậm tệ. Trong cả lời khen lẫn tiếng chê, tôi đều thấy thấp thoáng có chút gì như thán phục. Vì thán phục nên mới nghĩ là ông nguy hiểm, mới phong cho ông cái chức là “tên biệt kích văn nghệ hàng đầu”…”
                                                                                       (Đến với Võ Phiến - Nguyễn Hưng Quốc)

          Tại hải ngoại, nhà văn Võ Phiến bị “đánh”  khi cho phát hành bộ sách Văn Học Miền Nam, cuốn đặc biệt biên khảo về thi ca. Sách dày 534 trang, giới thiệu 32 người, đã đem đến cho ông ít nhiều xúc cảm khi đọc thơ. Với số lượng này, nhiều nhà thơ thành danh của miền Nam, trước 1975 bị ông bỏ sót. Đây có thể là một trong những lý do.
          Dù được khen, dù bị chê, nhà văn Võ Phiến vẫn thản nhiên tiếp tục công việc của mình. Phần tôi, tự biết thiếu quá nhiều điều kiện cần thiết, sự mong muốn được gặp mặt ông giảm đi rất nhiều. Tuy vậy nếu có cơ hội, tôi thực hiện ý muốn của mình ngay. Cơ hội đó bất ngờ đến với tôi trong tháng 7 năm 2006.
          Chuyện đến thăm Sài Gòn Nhỏ ở quận Cam California lâu nay đối với tôi không có gì tha thiết. Trước đây tôi đã từ chối lòng tốt của nhiều người bạn có nhã ý, bao ăn ở, bao cả vé máy bay, cho tôi đi thăm sinh hoạt của người Việt nói chung, của anh em cầm bút nói riêng, tại thủ đô người tị nạn Việt Nam. Tôi từ chối, chẳng phải vì không ham đến cái địa danh đã trở nên nổi tiếng, thân quen này. Mà tôi muốn luôn được tưởng tượng về miền đất ấy với những gì sinh động, tốt đẹp nhất. Dĩ nhiên không thiếu những ngụy biện ở đây. Và với một chút không thật tình này đã phủi tôi ra khỏi cái lý do không thuyết phục được ai. Tôi cùng gia đình đến khu Phước Lộc Thọ trong chuyến đi qua 6 tiểu bang (Idaho, Utah, Nevada, California, Arizona, Montana) của Hoa Kỳ vào mùa vợ tôi nghỉ hè  năm 2006. Đến Westminster, đến Los Angeles, không thể không tạt qua dòm mặt mũi của một số bạn văn. Nhà văn Võ Phiến, đương nhiên là mục tiêu tôi có chấm trong chương trình vui chơi của mình.

          Tôi đến nhà ông bà Võ Phiến vào buổi xế trưa ngày 20 tháng 7 năm 2006 trong sự tiến dẫn của hai cặp vợ chồng Thái Tú Hạp - Ái Cầm, Thành Tôn -Trinh. Theo chân tôi còn có cô nhân tình thâm niên chăn gối Trần Thị Lý (một người thường tỏ ý bất mãn với cái tên của mình vì thiếu một chữ lót). Chưa ra khỏi chiếc Mercedes Benz cáu cạnh của Hạp (bè bạn ở đây gọi Hạp là ông nhà giàu), tôi đã thấy ông Võ Phiến đứng đón ở đầu hiên, trong khi bà đang vội vã mở cửa cổng vào.


 Ngay trong cái bắt tay đầu tiên cả tôi lẫn ông nhà văn đàn anh, hình như không có sự bỡ ngỡ, xa lạ nào. Với một bàn tay nắm khá chặt tay tôi, bàn tay còn lại, ông vỗ vỗ, nhè nhẹ lên lưng bàn tay tôi đang được ông nắm: “Khoẻ, khỏe luôn chứ ?”. Tất cả chúng tôi đều gọi ông bà bằng anh chị và xưng tôi.


          Ông Võ Phiến có da thịt, tuy không được căng hồng lắm, nhưng gần như không có những nốt tàn nhang, dấu ấn của thời gian. Tóc ông chải gọn ra sau, ít sợi bạc, số lượng vừa đủ giữ nét đẹp cho cái góc thứ hai của con người. Mũi thẳng, đầu sống mũi hơi chồm về phía trước một chút, kín. Trán cao, rộng, không có tì vết nào của năm tháng. Cả hai hàm răng còn gần đầy đủ. Hai cánh chân mày cân đối với hai vành tai đều và lớn vừa phải. Cái thước đo tuổi thọ hình như ở đây, không rõ đúng hay sai. Với cặp mắt như muốn cười lẫn muốn thở ra, thỉnh thoảng lóe lên những thăm dò, đánh giá, cân nhắc mọi hình thể đang diễn ra chung quanh. Tất cả những đơn vị riêng rẽ đó tập họp trên khuôn mặt ông những nét hiền hòa dung dị, thư thái và rất thông minh dù tuổi tác đã phần nào dìm đi nét tinh nhuệ, phán đoán. Ông Võ Phiến không cao lắm, hoặc chiều dài cuộc sống đã làm co đùn lại. Ông mặc quần tây màu mỡ gà nhạt, áo sơ mi tay dài, xanh có ô ra rô trắng, bỏ ngoài quần, nhưng không luộm thuộm. Ở vào cái tuổi 81 ông vẫn minh mẫn. Nghe, nhìn, nói, cười, đi, ngồi… đều rất bình thường, khoan thai. Ông cho biết trí nhớ rất tốt về những chuyện xa xưa, nhưng lại chóng quên những sự việc mới gặp hôm qua, hôm kia hoặc vừa cách một vài giờ. Tình trạng này hình như số đông người có tuổi cao đều mắc phải.
          Chúng tôi ngồi trong phòng khách rộng thoáng. Vách tường được dán giấy có vân hoa, màu hồng nhạt, mát mắt, lưu giữ mốt trang trí hơi có tuổi. Trên một vách, treo hơi cao một họa phẩm của họa sĩ Võ Đình tặng ông. Bộ salon gồm hai bàn, hai sofa, và một đèn để bàn đều làm bằng mây tre, đã lên nước vàng óng, bóng ngời. Ghế được  trải nệm bọc vải hoa. Ông Võ Phiến tiếp ba chúng tôi tại bộ ghế ngồi này. Trong khi bà Võ Phiến rỉ rả tâm sự cùng ba ả đều mê chồng làm thơ.
          Như thói quen, câu chuyện của những người sính văn chương, sau khi những thăm hỏi sức khỏe xã giao đều quay trở lại đề tài bất biến: viết và đọc. Biết cả ba chúng tôi đều là dân Quảng Nam chính tông, ông Võ Phiến kể lại thời vàng son của ông khi sinh hoạt cùng nhà văn Nguyễn Văn Xuân. Ông khen tác giả Dịch Cát một cách chân thật. Ông thăm hỏi về cái chết của nhà văn Phan Du sau 1975. Và cả thời kỳ Mùa Lúa Mới, Nhân Loại… chợt xốn xang trong đôi mắt ông. Những đường gân máu ẩn bên trong vầng trán hình như chao động. Tôi kín đáo quan sát và chụp bắt được ít nhiều những tiếc nhớ ông vừa vuốt ve. Giọng nói của ông có vẻ như hối hả, sợ không theo kịp nhịp chân của trí nhớ. Từ cao, nhanh đến đều đều, liền mạch, lành lặn như một giọng ru. Tôi ngồi đầu một sofa, ông ngồi đầu một sofa khác, giao nhau thành một góc vuông. Khoảng cách giữa hai chúng tôi không quá một với tay. Tôi nghe rất rõ, vài lần, nhịp hụt hơi của ông khi nói một câu quá dài. Ông đã rất chân tình giữ vai một ông anh lớn, khi căn dặn chúng tôi cố gắng sáng tác. Viết nhanh, viết khỏe khi thời gian còn cho phép. Được ông tặng cho mấy chữ “hãy còn trẻ”, cá nhân tôi chợt cảm thấy vui vui. Trong phút chốc như quên đi cái 65 mùa xuân của mình. Và hình như, thật sự tôi vẫn còn rất trung niên, sung sức ở cả mọi sinh hoạt đấy chứ. Lai rai nhức đầu sổ mũi chỉ là bệnh thời khí thân quen. Tôi thầm so sánh sức khỏe mình với ông mà quên đi tôi ở sau lưng ông đến những 16 năm dài. Tuổi 81 rồi sẽ tới, ngày đó tôi có được như ông anh của tôi bây giờ ? Khó.
          Hạp chợt hỏi về tác phẩm của John C. Schafer viết về ông. Ông cười mỉm, nhẹ nhàng vào phòng trong. Khi ông trở ra, hai tay chừng như trĩu nặng cuốn Võ Phiến And The Sadness of Exile. Tôi đỡ cuốn sách từ tay ông. Phát hiện trọng lượng không phải từ độ dày mấy trăm trang chữ đầy mà ở sự cung kính, trang trọng của người nhận xét và hết lòng viết về ông, về những đứa con tinh thần của ông. Dù giỏi bình thản thế nào, chúng tôi cũng tìm thấy, hiểu ra niểm hãnh diện ông đang có, nỗi vui sướng trong phút giây. Chúng tôi cũng thật sự hãnh diện về ông, một người anh đức độ, lẫn tài năng.
          Trong lúc chúng tôi lan man trong chuyện sách báo, bà Võ Phiên tâm sự cùng ba ả phu nhân của chúng tôi. Sau này, Lý cho tôi biết các quí tử của ông bà Võ Phiến đã thành tài, ra riêng. Căn nhà khang trang chỉ còn lại hai ông bà. Bà Võ Phiến có số tuổi đời thấp hơn người bạn tình của mình, nhưng thỉnh thoảng vẫn âu lo rất dễ thương. Bà ngại nếu chẳng may bà nhanh chân hơn trong chuyến tàu cuối cùng, ai sẽ là người chăm sóc cho nhà văn, một người bà đã từng ngưỡng mộ, từng mê, từng kính phục và yêu thương suốt đời.
          Giữa những tiếng trò chuyện ấm áp của cả hai nhóm chúng tôi, chợt vang lên tiếng va chạm giữa xâu chìa khóa của chị Ái Cầm với sàn nhà, kéo theo tiếng đàn cò trên gác. Ba ả phu nhân tức thì theo chị Võ Phiến lên chỗ đang phát ra những giai điệu rất cổ xưa nhưng rất quen thuộc của người Tàu. Tối về khách sạn, Lý cho tôi biết anh chị Võ Phiến được bè bạn tặng cho một bộ hình tượng người Tàu để trang trí. Nếu có tiếng động vừa đủ mạnh hình tượng đó sẽ phát ra những điệu nhạc được gài sẵn bên trong. Lý rất thích, cô nàng đã hỏi bà Viễn Phố nơi bán, nên ngay sáng hôm sau, chúng tôi ra khu Phước Lộc Thọ mua về một tượng giống y chang tượng ông bà Võ Phiến đang có.
          Chúng tôi rời nhà anh chị Võ Phiến vào khoảng 4 giờ chiều. Vài hôm sau, chúng tôi rời Westminster. Từ giã Sài Gòn Nhỏ, từ giã các anh bạn văn Nguyễn Mộng Giác, Lữ Quỳnh, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp, Thành Tôn, Trần Văn Nam, Đạm Thạch, Bé Ký, Hồ Thành Đức, Đặng Hiền, Ái Cầm, Hạ Quốc Huy, Rừng-Nguyễn Tuấn Khanh, Phạm Phú Minh, Nguyễn Nam An, Hà Nguyên Du, Trần Yên Hòa… và những người tôi chưa kịp nhớ tên, đã cho tôi được gặp gỡ trong vài tiếng đồng hồ thân quí. Cảm ơn quận Cam Cali, nơi cho tôi thấy những ngọn chuối xanh mướt, những giàn hoa giấy rực rỡ hương sắc Việt Nam ngoài bờ giậu. Cảm ơn chuyến đi tình cờ, vội vã.
          Sau khi tôi đã có mặt tại Montréal, cuốn Dựa Hơi Bè Bạn tập 1 của tôi đã in xong. Lê Hân săn sóc tận tình, sách in rất đẹp. Đặc biệt là cái bìa, do chính tôi liều mạng trình bày, Họa sĩ Đinh Cường, nhận được sách đã gởi ngay email: … “Trông bìa thấy bạn đứng như James Dean…Thật lẫm liệt là bạn tôi…Bạn nói Dựa Hơi Bạn Bè, nói vậy mà không phải vậy.DC” (Sat.9 sep.2006. 16:24:46 EDT, From: Cuongnhung@aol.com)

          Vui nhưng chợt giật mình. Còn một số kỷ niệm thân tình nữa chưa viết được. Chẳng ai thèm đòi, nhưng rõ ràng tôi đang nợ. Nghỉ ngơi một thời gian, ngồi gõ lại có phần hơi khó. Bắt đầu từ nhân vật nào ? Tôi ghi ra giấy hơn hai mươi cái tên. Đọc thầm từng tên một và đánh hơi cái thân thiết với từng người. Nghĩ, nhớ miên man. Tôi chợt chọn một người có ít kỷ niệm với mình nhất đi đầu tiên cho loạt bài mới. Nhà văn Võ Phiến. Đây là một lựa chọn nằm ngoài danh sách dự trù, hơi liều mạng, bởi văn nghiệp của ông Võ Phiến quá lớn. Tầm vóc của ông không thể để tôi mang ra dựa hơi. Nhưng suy đi ngẫm lại cái chân tình của ông dành cho tuy đơn sơ nhưng không thiếu ấm áp, tôi khuyến khích tôi. Để bắt đầu, tôi tìm đọc lại những gì ông viết. Thật đáng tiếc tôi không có nhiều tác phẩm của ông. Những bài viết về ông rất nhiều nhưng chẳng có bài nào tôi đọc trọn vẹn, kể cả những bài của những tay viết phê bình nhận định tài hoa Nguyễn Hưng Quốc, Thụy Khuê. Viết được một bài na ná như bài tập làm văn thời trung học đã hơi khó. Tôi không dại gì chơi những đề tài, đã thử đặt ra: Những đặc biệt trong văn phong Võ Phiến, Lắng nghe hơi thở nhân vật của Võ Phiến, Sự thay đổi giữa Võ Phiến quốc nội và Võ Phiến hải ngoại, vân vân… Tôi trung thành với lối kể chuyện tầm phào. Và để bài viết có chút xíu hơi hám văn học, tôi xin đạo văn của chính Võ Phiến đã viết về nhà văn Nguyễn Tuân, mạn phép sửa lại cái tên cùng thêm vào chút đỉnh, để làm câu kết cho bài này:

         “ Võ Phiến (nguyên bản là Nguyễn Tuân) là một nhà văn lỗi lạc; khen ông không lo bị hố. Có nhiều người khen, có nhiều cách khen…” Tôi không chỉ khen ông là một nhà văn có tài. Ông còn là một nhà văn có tâm. Cái tâm đó ông dành trọn vẹn cho văn học Việt Nam. Tôi biết, để được quyền khen ông, không phải là chuyện dễ. Nhưng đã lỡ tay rồi, kính xin ông và bạn đọc lượng thứ. Ngày trước thi sĩ Bùi Giáng đã viết: “Yêu em ta rất có quyền / ngồi trên bãi cò quàng xiêng vẽ hình…/ tôi xin nhại lại: “Mê văn tôi hẳn có quyền / ba hoa ăn ké làm duyên cho mình”.     
          Chịu hay không chịu đành chịu !

Ghi chú : (1) chữ dùng của nhà cầm quyền VN đương thời tặng cho hai nhà văn.        


Luân Hoán  
19 Aôut 2006






No comments:

Post a Comment