Saturday, October 31, 2015

Trung Quốc tự rơi vào bẫy pháp lý khi tuyên bố bác bỏ thẩm quyền của Tòa Án Quốc Tế La Haye (FB Luật sư Lê Công Định)






Vừa mới đọc xong bản tóm tắt phán quyết của Toà án Trọng tài Thường trực tại La Haye vừa tuyên ngày 29/10/2015 về vụ kiện của Philippines đối với Trung Quốc. Các luận điểm pháp lý của Hội đồng tài phán (Tribunal) trong việc xác định thẩm quyền xét xử tranh chấp của chính Toà án trong vụ này có thể nói là hấp dẫn từ đầu đến cuối.

Tóm tắt, Philippines rất khôn ngoan không đặt vấn đề về nội dung, tức phân xử chủ quyền của bất cứ nước nào đối với các hòn đảo ở Trường Sa và xác định ranh giới trên biển của mỗi nước. Thay vào đó, Philippines chỉ nêu vấn đề về hình thức, tức Toà án Trọng tài Thường trực có thẩm quyền hay không để giải quyết 15 yêu cầu của mình.

Trung Quốc tự rơi vào bẫy pháp lý khi tuyên bố bác bỏ thẩm quyền của Toà án đó và không tham gia tiến trình tố tụng. Philippines nắm lấy cơ hội này, đặt vấn đề hình thức ra trước để đẩy Trung Quốc vào cái bẫy mà chính Trung Quốc tự giăng cho mình. Phải nói, các luật sư của Philippines quá lão luyện và thông minh.

Hội đồng tài phán đã nhận định rằng, tuyên tố bác bỏ thẩm quyền của Trung Quốc mặc nhiên tạo thành tài liệu hồi đáp yêu cầu khởi kiện của Philippines, và hành động từ chối không tham gia tố tụng không ngăn cản thẩm quyền của Hội đồng tài phán này. Nói cách khác, các thẩm phán đã có đầy đủ quan điểm của hai bên để đánh giá, phân tích và kết luận.

Khi trao cho mình thẩm quyền xét xử tranh chấp, Toà án sẽ tiến tới xét xử nội dung của 15 yêu cầu mà nguyên đơn là Philippines đặt ra, bất chấp bị đơn Trung Quốc phớt lờ tuân thủ phán quyết vừa tuyên. Với tư cách là nước lớn, lại tránh né thẩm quyền của toà án quốc tế, rồi không tuân thủ phán quyết của toà này, không biết Trung Quốc đặt danh dự của mình ở đâu giữa cộng đồng văn minh ngày nay?

Hiệp 1 Philippines đã thắng. Hãy chờ đến hiệp 2 vài tháng nữa. Các luật sư Việt Nam nên đọc phán quyết tuyệt hay này để trao dồi thêm kiến thức về luật pháp quốc tế và hiểu cách thức một toà án quốc tế giải quyết tranh chấp thế nào. Xin lưu ý, tiếng Anh sử dụng trong phán quyết đó khá đơn giản để theo dõi.






No comments:

Post a Comment