Thursday, October 1, 2015

Tìm hiểu thế giới nhân vật của Võ Phiến (Nguyễn Mộng Giác)






Nguồn: Văn Học số 19 
Nhân dịp tái bản tập TRUYỆN NGẮN I của Võ Phiến

"Ngót hai mươi năm trời rồi, gần như hồi nào anh cũng phải cầm vũ khí trong tay: anh né viên đạn của bên này, tránh viên đạn của bên kia, đỡ ngọn roi của bên nọ... và anh cũng lại đánh trả nữa. Và nét mặt anh thì lúc nào tuồng như cũng rầu rầu, nguội lạnh như một người ngoại cuộc.

Vậy mà những hoạt động của anh đã làm ra tình hình của xứ sở. Ở Hoa Thịnh Đốn, ở Mạc Tư Khoa, ở Bắc Kinh, Tân Đề Ly, Vọng Các, Ba Lê... ở khắp các nơi trên thế giới người ta theo dõi anh, bàn tán về anh. Người ta đem anh ra so sánh với người dân Ðức ở Bá Linh, người dân Lào ở Vạn Tượng... người ta dòm ngó, dò xét cử chỉ của anh, cân nhắc, đánh giá sự can đảm của anh, tài nghệ của anh. Xung quanh hành động anh chắc chắn có những cuộc mặc cả, những trù hoạch bố trí, những mưu mô âm thầm giữa nước này nước nọ. Và cũng có cả những lời hô hào, cổ võ, những tuyên bố lớn tiếng về nhiều vấn đề quan trọng, lý tưởng cao đẹp."
(Thư Nhà)

Đấy, cuộc đời của Bốn Thôi. nhân vật tiêu biểu nhất của Võ Phiến. Người nông dân cục mịch có nét mặt buồn hiu lạnh lẽo. thiếu hẳn sự vồ vập mãnh liệt. nhưng trong lòng, chất chứa không biết bao nhiêu khát vọng tội nghiệp. Người nông dân ấy không có cái bề ngoài coi được. Anh xấu trai, nghèo nàn, chậm chạp, vụng về. Thú vui độc nhất cho cả một kiếp đời dài là trưa trưa, tìm một chỗ dừng chân thật tịch mịch, nghếch mũi lên không mơ màng mằn mò nhổ từng sợi lông mũi. Bao nhièu người đàn bà ghé tạm, cùng anh đi chung một đoạn đường. Họ đã bỏ đi vội. Anh không oán, không trách. Anh đều đặn, cần mẫn thăm nom lo lắng cho gia đình nhà vợ cũ, trong khi vẫn âm thầm quờ quạng tìm lấy một chút tình thân mới. Anh đi tìm hoài, lòng xao động khắc khoải, hồn lo âu hối hả mà nét mặt vẫn "rầu rầu, nguội lạnh như người ngoại cuộc". Thế mới kỳ! Trừ chị Lộc chịu khó ở lại với anh, chịu khó lấy dầu rái âu yếm quét vào các vết nứt tê thấp trên bàn chân anh (vết nứt chai lại lành hẳn nhưng cái chết của chị để lại một vết nứt còn sâu còn thảm trên cuộc đời anh hơn nhiều) còn những người vợ khác tò mò mà đến, rồi lặng lẽ bí mật bỏ đi. Nếu không có chị đàn bà góa ham ăn thịt ếch lỡ mồm lỡ miệng, không ai biết anh mang chứng bất lực về sinh lý. Bấy giờ người ta mới hiểu anh, thương hại cho anh, mới hiểu thái độ nôn nả chạy đôn chạy đáo đi tìm những hình bóng đàn bà quanh quất, với nét mặt ơ hờ. Tâm lý học gọi anh là một kẻ ẩn ức. Anh bất thường. Cuộc đời đáng lẽ chảy xuôi theo một dòng, từ ngọn suối cao đổ xuống sông dài xuôi êm ra bể, đột nhiên bị chặn lại. Nước uất - Mặt nước lặng nhưng dưới đáy sâu cuồn cuộn biết bao sóng xoáy, vung phá, xói lở. Chính nguồn sóng nội tại ấy hướng dẫn cuộc đời Bốn Thôi, giúp anh kiên nhẫn liên tục chạy theo cái bóng hạnh phúc phất phơ đâu đó, khéo léo né viên đạn bên này, tránh ngọn roi bên kia. Sóng ngầm sai khiến anh, xúi giục anh. Vẫn với nét mặt rầu rầu, anh vâng theo. Người đọc theo dõi cuộc đời Bốn Thôi lấy làm ngạc nhiên. Nhưng quanh anh còn có cả một thế giới. Một tiểu thế giới "đặc biệt" chẳng khác nào tiểu thế giới của Don Camillo.

Bốn Thôi có nhiều bạn, người nào cũng có nét mặt "rầu rầu, nguội lạnh như một người ngoại cuộc" nhưng bên trong, sâu tận hố thẳm của tiềm thức mù mịt, luôn luôn có nguồn sóng bạo tàn thúc giục, réo gọi.

Đó là tiếng sóng dậy ở nơi xa, rất xa, ám ảnh nhân vật chính trong truyện Lỡ làng:

"Hồi còn nhỏ, nằm ngủ với mẹ, nhiều đêm thức giấc giữa khuya, y nghe tiếng vịt cựa trong chuồng, kêu lít chít nho nhỏ. Và nghe tiếng ì ầm, y ngạc nhiên hết sức. Làm sao nghe được tiếng sóng? Nhà y ở chân núi, cách bể ít ra cũng mười lăm cây số, làm sao y nghe được tiếng sóng vỗ giữa đêm khuya yên tịch không có tý gió? Không biết. Y rụt rè e ngại sẽ lay mẹ dậy hỏi: Cái gì đó mẹ? Mẹ y bảo: Ðộng trời rồi. Sóng dậy đó con ạ."

Ðó là tiếng thét "Ải ải, quan hầu nhập yết nhập yết" của người ông trong Về một xóm quê, tự dưng mà nổi lên, bùng vỡ cơn giận cùng nỗi sợ hãi không gian trống trải vắng vẻ cứ bám riết lấy đời sống ông già, không chịu cho ông bay bổng như ý. Và cũng giống như Bốn Thôi, người ông thét lên "ải ải" với một gương mặt rầu rầu bình thản:

"Giọng thét dồn dập đầy nộ khí vang lên trong một ngôi nhà vắng lặng, bỗng dưng phát lên rồi bỗng dưng dứt hẳn, làm cho chung quanh tưng hửng sững sờ. Chúng tôi lại càng thấy cảnh nhà vắng vẻ và trống trải thêm. Có khi một lát sau nghe tiếng guốc lẹp kẹp của ông tôi bước xuống. Tôi rụt rè ngửng đầu lên thì thấy nét mặt ông tôi lại bình thản, đôi khi có một vẻ lạnh tanh ngao ngán, chẳng còn đâu là dấu vết của cái nộ khí bừng lên trong giọng hát vừa rồi."
(Về một xóm quê).

Âm thanh cuồng nộ huyền bí ấy đã từng khiến Bốn Thôi không ngớt khổ công trì chí chạy theo đám vợ con để tìm hơi ấm gia đình, rồi cũng chính âm thanh ấy đẩy Trần Kỳ Vỹ chạy theo cái rạo rực xác thịt tưởng tượng (Người Tù), xúi ông Bốn Tản bỏ nhà ân nhân chạy theo lũ cháu bơ vơ (Lẽ Sống). Giữa khung cảnh lạnh lẽo xơ xác, nghèo khó trơ trọi, những người bạn cũ! Bốn Thôi mang bộ mặt lạnh lùng rầu rầu. Ngưởi ta tưởng họ hiền lành, chất phác. Hoặc như một từ ngữ địa phương nơi quê hương Bốn Thôi, người ta tưởng họ "thàng". Không - Đừng lầm. Họ đều dữ. Họ đều bạo. Nguy hiểm hơn nữa, họ dữ, bạo một cách bất ngờ, vào những lúc không đề phòng, với nét mặt thản nhiên. Họ bạo tàn theo một lối không giống ai. Như Bốn Thôi đã làm.

"Cứ mỗi lần nào có da khô ở gan bàn chân, anh lại lựa những lúc ngồi gần vợ để tước xé mảnh da ra. Anh gây đau đớn cho mình, kinh hãi cho người vợ. Và anh thưởng thức một thứ sung sướng tinh quái. Những tiếng kêu bối rối "Á! Ghê quá. Ái. Dễ sợ chưa" phá vỡ sự cô đơn. Và kiếp nhân sinh lại có một thứ ý vị kỳ quặc nữa."
(Thu Nhà).

Người mẹ vợ ông Ba Thê phá vỡ cô đơn và mối thù hận bằng cách truyền thụ tất cả phong thái cư xử con nhà dòng dõi cho đứa con gái nhỏ là vợ ông Ba Thê (Giã Từ). Toàn dồn tất cả phẫn nộ bất mãn lên trên mấy tấm danh thiếp bắt đầu bằng hai chữ "cher ami" của cha.
(Giã Từ).

Dù là cậu bé hay ông già luống tuổi, dù là người đàn bà tàn tật hay cô gái mười sáu dậy thì, họ có một lối tàn bạo riêng. Tàn bạo lặng lẽ. Như một hình thức khổ dâm. Người ta bảo Bốn Thôi bị bất lực sinh lý. Bảo Trần Kỳ Vỹ, Bốn Tản, Ba Thê, Bái Công, Ba Càng Cua, Sáu Ty v.v... là những nhân vật kỳ quặt, bất thường. Đời họ không xuôi dòng. Cuộc sống của họ như sóng ngầm. Lặng lẽ, bất trắc, quá khích, hiu hắt đến ngao ngán.

Chẳng những đời sống nội tâm của họ mất quân bình, mà cả đến gương mặt của họ, cử chỉ hành động của họ cũng mất cả cân đối. Không có nhân vật nào của Võ Phiến có một gương mặt bình thường, “coi được". Hoặc đôi mắt lộ quá. Hoặc cái đầu hói quá. Hoặc gò má cao quá. Hoặc bộ răng hô quá. Thân hình ốm yếu quá. Nước da tái quá. Nếu họ đủ ăn mập mạp, thì cách ăn mặc lại dơ dáy cẩu thả quá. Nếu ăn mặc đàng hoàng thì lối nói, lối cười, lối chắp, lối nuốt thô tục quá. Nếu không thô tục thì lại tủn mủn chi li quá, mất cả vẻ hào hoa phóng khoáng. Cả đến cô Hạnh hiền thục, nàng tiên chờn vờn mê hoặc trong truyện Tâm Hồn, tuy khuôn mặt bầu bĩnh, mắt sáng đa tình, mỗi khi làm duyên thường cắn môi dưới, e lệ cúi đầu, vẫn cứ có "màu da tai tái và cái trán hơi dồ".

Trời hỡi! Vì sao đám bạn bè của Bốn Thôi phải bị đày đọa truân chuyên như vậy? Qua mười lăm năm lưu lạc, Vương Thúy Kiều vẫn còn quá đẹp và dù đời sống có trôi nổi bập bềnh, vẫn có một góc nhỏ trong tâm hồn mà nàng còn nguyên vẹn là nàng, góc nhỏ của niềm hy vọng. Dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng. Của tin còn một chút này làm ghi. Trong góc nhỏ quý giá ấy.. Thúy Kiều ăn nói mạnh dạn, đi đứng đàng hoàng, ăn nói tự tin. Bạn bè của Bốn Thôi không được như vậy. Họ hẩm hiu hơn nhiều, quá nhiều.

Họ ít nói. Hoặc cuộc sống của họ phẳng lặng, vô vị quá, không có gì vĩ đại, quan trọng để nói ra. Cả trong tình yêu, "chàng và "nàng" chỉ nói cộc lốc, nói gióng một.

"- Nóng nực quá.

Một lát sau, tôi hỏi tiếp:

- Tới lâu chưa ?

Cô ta vẫn cúi đầu, gác cằm lên đầu gối :

- Vừa tới.

- Ði một mình ?

Cô ta mỉm cười không trả lời. Tôi lại hỏi :

- Trọ ở gần đây, phải không ?

- Tại sao biết ?

- Không lẽ đi xa mà không có nón ?

- Giỏi !"

(Ðêm Trăng - Phù Thế)

Hoặc họ bị tước đoạt quyền lên tiếng. Họ bị nghẹn, âm thanh dồn nơi cuống lưỡi. Do đó mà đám bạn bè của Bốn Thôi chỉ ậm ừ khó hiểu. Họ nhìn nhau, trong lặng lẽ, người nọ thấy người kia chẳng khác nào những hình bóng múa may, cử động kỳ dị vô nghĩa như trên một cuốn-phim-nói bị hỏng âm thanh. Chính bằng cái nhìn lo ngại, đầy sự sợ hãi ấy mà Toàn đã quan sát các “cher ami" của cha trong Giã Từ. Toàn thấy người “bạn hữu thân ái "nào của ông Ba Thê cũng có điệu bộ lố lăng, ti tiện. Ði lóm thóm, cười nham nhở. Huơ tay múa chân vô nghĩa. Giống y các hình nộm cử động do tài điều khiển của một tay làm trò xiếc hạng tồi.

Thành thử nhân vật Võ Phiến lặng lẽ âm thầm, đi đứng ngại ngùng. Không được nói, họ chỉ còn biết "nhìn". Không đủ lòng tự tin tối thiểu của Thúy Kiều, đám bạn của Bốn Thôi đành phải "nhìn lấm lét". Không có chút gì thái quá nếu chúng ta bảo nhân vật của Võ Phiến, những người bè bạn của Bốn Thôi đã dồn tất cả sinh lực vào thị giác. Họ lặng lẽ, vụng về. Họ rụt rè, do dự. Nhưng mắt họ luôn mở lớn. Gan lì thì họ nhìn lom lom như kẻ trước mình là thức ăn hợp khẩu hay một hiện tượng lạ mắt. Rụt rè thì họ nhìn lấm lét trong nỗi lo sợ bị bắt gặp. Nếu muốn tìm một điểm “nhất dĩ quán chi "cho toàn thể văn nghiệp Võ Phiến, thì điểm nhất quán ấy là cái nhìn xoi mói của nhân vật.

Võ Phiến đã từng đổi thay khung cảnh và điều kiện sinh hoạt của nhân vật. Trước tập Giã Từ, chúng ta gặp những người nông dân nghèo khổ bệnh hoạn ở một miền trơ trọi xơ xác của Trung Việt, miền đất bị bỏ quên của Thượng đế, gần bên sườn núi cằn cỗi và cách xa bờ biển động. Sau tập Giã Từ, nhân vật của Võ Phiến là những chàng công chức cạo giấy các nha sở thủ đô, bi chìm trong cuộc sống huyên náo vô tình.

Thái độ, quan niệm trước cuộc đời của ông cũng đổi thay. Trước, ông dùng giọng châm biếm mai mỉa. Sau, ông băn khoăn trầm tư. Sự thay đổi quan niệm nhân sinh đưa đến đổi thay của bút pháp: từ truyện kể, Võ Phiến chuyển sang đoản văn (Ảo Ảnh, Phù thế). Duy chỉ có cái nhìn của nhân vật là bất biến.

Từ ban đầu, ông đã thất vọng về cái tầm thường của hình hài con người. Chỉ trừ có đôi mắt:

"Thực tình vừa nghĩ tới cặp mắt hôm nọ, tôi thấy còn một cảm tình đặc biệt với cặp sinh vật bé bỏng, rụt rè và tha thiết ấy - nhưng hôm nay tiếp xúc với con người tầm thường của hắn thì hết cả."
(Dung - Bách Khoa số 11).

Ðôi mắt tách ra khỏi thân thể của nhân vật, trở thành một "cặp sinh vật bé bỏng, rụt rè và tha thiết"- Cái nhìn trở thành độc lập, sống đời sống riêng. Vì thế bạn bè của Bốn Thôi đối đãi với nhau, giao tiếp với nhau không bằng lời nói, mà bằng những cái nhìn, khi len lén, khi dớn dác, thiếu hẳn lòng tự tin. - Ngay trong tình vợ chồng, nhân vật vẫn nhìn nhau với tất cả e ngại, rụt rè:

"- Sắp xong rồi.

Nhà tôi mỉm cười không nói. Như thế tự nhiên lại xác nhận cảm tưởng của tôi là hiển nhiên. Tôi lắng nghe lại cái dư vang của ba tiếng tôi vừa thốt ra, và lấy làm ngạc nhiên. Thoạt tiên, nó có cái giọng reo vui, thế mà sau khi tôi để ý đến sự yên lặng xác nhận của nhà tôi thì ba tiếng "sắp xong rồi" lại như có giọng phân vân nghi vấn. Có gì đâu. Công việc giật vải bạch bạch sắp xong rồi, tôi sắp được đi dạo dưới trăng, chuyện giản dị rõ ràng như thế, có gì mà tôi phải nêu lên chờ một sự xác nhận mới vững lòng.

Tôi mỉm cười về sự e ngại ngộ nghĩnh của mình. Lần này, đến lược nhà tôi lén nhìn tôi ngờ vực. "
(Lẽ Sống).

Ðôi mắt người chồng đưa về phía vợ vờ vịt thản nhiên nhưng thật ra là rình rập nghi nan, và đôi mắt của người vợ nhìn chồng cũng hồ nghi lén lút. Liên hệ giữa người với người thành ra khó khăn. Ngay cả cách tự mình nhìn mình, chàng công chức tên Thảo tự nhìn chân dung của mình qua cuộc phiêu lưu tình ái vặt, một chiều mưa đạp xe đạp từ Huế về Dương Nỗ, cũng có nhiều điểm khác thường, khó khăn quá! Mặt mày nhăn nhíu đến khổ sở. Và quả nhiên, cuộc sống méo mó, biến dạng:

"Mà không những chỉ nhìn thấy târn trạng mình. Thảo như còn đang trông thấy bao quát được cả cuộc đời mình, từ những chi tiết vô nghĩa như những món thuốc ngừa cảm mà anh sẽ đòi uống đêm nay, sự săn sóc chộn rộn của Liên xung quanh anh đêm nay, cho đến cảnh sống bao nhiêu năm đã trôi qua, và bao nhiêu năm sắp đến. Anh trông thấy tất cả như thế, vẫn thản nhiên và hơi khinh bỉ như là chứng kiến cuộc đời của ai đâu xa lạ, và trong trí anh cũng nghĩ rằng đáng lẽ đó không phải là cuộc đời anh."
(Tâm Hồn).

Kẻ nhìn đi ngơ ngác hoảng hốt. Kẻ nhìn lại nghi ngờ theo dõi. Bạn bè quê mùa của Bốn Thôi không ngớt làm cho cuộc đời mình trở thành bất trắc gian lao bằng cái nhìn của nhau. Rồi bẵng đi gần mười năm, những biến đổi của thời thế chồng chất. Thế sự điên đảo. Lớp này tản cư về thành. Lớp kia kẻ chết kẻ lên núi. Thế lực này vừa ngã xuống, thì cũng vươn lên một thế lực khác. Một buổi chiều đẹp trời nhìn mây ngũ sắc biến đổi trên nền trời phía sau làng xóm quê cha, nhân vật chính của truyện Về một xóm quê liên tưởng đến kiếp phù vân. Mười năm sau. những người bạn thị thành của Bốn Thôi ăn mặc khác, ở nhà cửa khác, bận tâm với những vấn đề khác. Nhưng họ cứ ngay ngáy bất an trước cái nhìn của nhau:

- Có gi đâu! Chỉ nhìn thôi, kẻ khác đã khiến ta bất an. Xã hội mỗi ngày mỗi đông đảo, sự gặp gỡ tiếp xúc đụng chạm với đồng loại mỗi ngày mỗi nhiều, mỗi chặt chẽ. Ai nấy luôn luôn bất an."
(Lúc dùng chân. Phù Thế)

Cô gái xa lạ suýt bị hai người lính cỡi xe gắn máy tông ở một ngã tư. Cô ta rùng mình. nhưng chỉ dám liếc mắt nhìn xiêng xuống chiếc bánh xe hung hăng để trách móc. Vì sao vậy? Cô sợ cái nhìn của kẻ khác. Một nữ sinh định leo lên một chiếc xe lam đã chật, thất vọng trụt xuống đứng bên đường, đưa tay che miệng khẽ ho. Cô bé đâu có ho thật. Giả vờ đấy! Cô bé cố làm một cái gì, bất cứ cái gì, để che giấu cảm giác khó chịu, vì cô bé biết khách trên xe lam đang chú ý nhìn mình. Như vậy thì tia nhìn của chốn thị thành này đan thành chiếc lưới lớn, chụp lên cuộc đời ta, bó chặt thân thể ta. Cô gái ở ngã tư đèn xanh đèn đỏ, cô bé hụt chuyến xe lam, hai người bạn nhỏ thị thành của Bốn Thôi, họ cũng cùng chung một nỗi khổ tâm với người bạn lớn quê mùa chất phát. Cuối cùng, vào một đêm trăng, nhân vật của Võ Phiến khám phá được lối thoát: hãy xa hẳn mọi liên hệ ràng buộc của người, và trở về với cái cô độc lạnh lẽo mà an toàn của vô tri:

"Ủa? Khu phố của chàng đây sao? Nó đấy ư? Quanh năm chàng quen thấy nó hừng hực, nhễ nhại, nó say mê thiết tha, nó chán chường phờ phạc. Đêm nay, nó vụt lột cởi hết mọi tình người: Gỗ đá còn trơ gỗ đá thôi, xi măng, hắc ín, ngói, vôi... hiện nguyên hình. Và chàng cảm thấy an lành thoải mái bên cạnh vật vô tri. "
(Lúc dừng chân - Phù Thế)

Cuộc đời các nhân vật Võ Phiến sao mà lạnh lẽo, tội nghiệp. Họ không được quyền đẹp đẽ. Không được quyền ăn nói vung vít. Nhất là không được quyền tự tín. Tìm những từ ngữ cho họ, ta chỉ thấy: mon men, ngại ngùng, lấm lét, dớn dác, rầu rĩ, thấp thỏm. Và lạc loài, dù ở bất cứ hoàn cảnh nào.

Bốn Thôi và tất cả bạn bè của anh luôn luôn "rầu rầu nguội lạnh như một người ngoại cuộc lạnh lẽo dửng dưng, rụt rè lỏm thỏm như những người khách trọ. Họ trải qua hơn mười lăm năm lưu lạc, và cũng đã nếm bao nhiêu nỗi nhục nhằn đoạn trường chẳng thua gì Vương Thúy Kiều. Họ không tìm được vườn Thúy rồi từ đó về sau chỉ biết:

Vui là vui gượng kẻo là
Ai tri âm đó mặn mà với ai.

Hãy trở lại con đường lưu lạc của họ từ đầu. Tiếng sấm động ì ầm ở một nơi xa thật xa trong kỷ niệm nhân vật chính của truyện Lỡ làng báo hiệu các biến động dồn dập của tiếng sấm huyền bí ấy. Lớn lên, cặu bị ném vào cơn lốc của cách mạng. Bạn bè của Bốn Thôi cũng vậy, ngỡ ngàng chưa quen với vận hội mới. Cách mạng có nhiều điều mới lạ quá.

“Cô Bốn tôi chạy về mách với bà tôi nửa kiêu hãnh nửa ngượng ngùng rằng cô đã hóa thành bà quân sự rồi. Chao ôi! Thực là mầu nhiệm. Nếu không có cách mạng đố ai biết được dượng Bốn tôi có tài thao lược để đảm nhiệm chức ủy viên ngoại giao. Cứ thế mỗi làng đều có đủ ủy viên văn hóa, ủy viên xã hội...".
(Về một xóm quê)

Suốt chín năm dồn dập biến cố, tình tiết rói rắm, thế sự thăng trầm đến nỗi ai nấy đều bi quay cuồng điên đảo. Họ không hiểu mình đang làm gì, gào thét đập phá trong lúc bên tai không ngớt oang oang các từ ngữ lớn. Nhưng vào những lúc tĩnh lặng, một mình nhìn lại chính mình, họ giật mình. Giữa bộ máy lý trí đồ sộ, họ thấy cái phức tạp huyền nhiệm của tình cảm. Giữa những mơ ước phi thường, họ mon men tìm lại nét đẹp bình dị. Những xúc động vụn vặt, những mơ mộng yếu mềm ấy đủ làm cho người chiến sĩ Cộng Sản tên Lung lạc loài.

"Y nhớ mùi thơm cay cay nồng nồng trên ngực áo Cúc. Cúc mà y đã ôm trong tay, đã xô y ra, nhưng nhất định sẽ là của y nếu y không bị bắt sau lần gặp gỡ thứ ba. Y băn khoăn tự hỏi: y đã đến chở Cúc với cái tâm trạng của kẻ đến chờ phương tiện để thỏa mãn một nhu cầu, còn Cúc đến với y với ý nghĩ gì? Thân thể của Cúc có lúc mềm yếu đi vì rung động hay vì phục tùng nhiệm vụ? Dù sao thì ở Cúc cũng có cái gì phức tạp hơn những ý nghĩ hăm hở và đơn giản của Lung lúc ấy, ý nghĩ cộc lốc như một nhu cầu... Trên mười đầu ngón tay của Lung như còn cái cảm giác trơn trơn êm dịu của lúc áp trên lần áo lụa. Y nghĩ đến sự đau khổ của Ngọc, đến sự lầm lộn tình cờ, đến con kiến len lỏi trên cánh tay Cúc, giữa những sợi lông vàng óng ánh... Sao đến lúc này y mới thấy tha thiết đến cuộc sống tầm thường, đến những tình cờ, những chi tiết nhỏ nhặt của cuộc đời đến thế "
(Mưa đêm cuối năm)

Nhân vật của Võ Phiến, trong suốt thời kháng chiến, chứng nghiệm được ý nghĩa của những cái vụn vặt, tầm thường, tình cờ, bình dị. Chứng nghiệm được ý nghĩa của cuộc sống, và quyền được sống với những cái vụn vặt, tình cờ, bình thường. Họ thức giấc, nên trở thành kẻ nguy hiểm cho chế độ. Nhiều người bị sỉ nhục, bi bêu giễu, bị tù tội. Nhiều người bị khai trừ - Họ thành kẻ lạ, kẻ ở trọ.

Kịp đến khi hiệp định Genève được ký kết, họ thở phào mừng rỡ, vội vã lén lút trốn vào vùng quốc gia kiểm soát. Họ tự nhận là "những người thiện chí", từ anh chàng Thông mặc bộ đồ bà ba mầu xám tro, ông già Đỗ Mạnh Kỳ mặc quần đen vải tám và cái áo xa tanh đen rất cũ đã thủng ở cùi chỏ, cho đến ông già Hoàng Gia Lộc vận quần sọt ka ki vàng và sơ mi vải ta nhuộm đà, Phùng Văn Nước mặc pyjama cũ do người bạn làm bồi tặng lại (xem truyện Lỡ Làng). Họ tưởng đi gặp được “anh em". tìm được hoàn cảnh lý tưởng để "làm việc với nhau." Ăn nhờ, ở đậu, họ vẫn hăng hái bàn soạn kế hoạch, kiểm soát sơ đồ tổ chức, từ hạ tầng cơ sở đến thượng tầng kiến trúc. Nhưng một lần nữa, những "người thiện chí" mau chóng thấy mình là kẻ "lỡ làng" . Một người trong đám bạn bè của Bốn Thôi đã tự thú:

"Còn tôi, tôi không thể kể lại những rối ren trong tám chín năm của tôi cho ông tư nghe được. Thái độ hưởng lạc vô tư thản nhiên của ông ta, thái độ hờ hững đó như một cách lăng mạ nặng nề tàn nhẫn. Lúc đó tôi mới thấy rằng trong cái xã hội xao động dữ dội này vẫn còn có những chỗ lặng yên một cách ghê sợ phũ phàng, tôi thấy rằng mình đã bị đày đi xa cảnh thái bình an lạc và lạc mất đường về "
(Thác đổ sau nhà)

Và một lần nữa, đám nhân vật tội nghiệp của Võ Phiến trở thành người khách trọ - Họ tiếp tục mon men, lấm lét, dáo dác, rầu rĩ. Tiếp tục thấp thỏm. Tiếp tục lạc loài. Cái nhìn kẻ khác tiếp tục tra khảo họ, úp chụp lên đời họ. Thất vọng làm mờ đôi mắt họ. Họ chỉ biết nhìn hau háu để tìm đề tài chế diễu, hài hước. Họ nhắm mắt để trầm tư, hoặc chỉ dám lặng lẽ đối diện với cung trăng. "thao thức tay đôi trong vắng vẻ, đối diện im lìm không nồng nàn "(Phù Thế) cứ thế tiếp tục, tiếp tục, một ngày qua, một ngày khác... đến lúc: “Nước mưa thấm vào đất, âm thầm len lỏi qua nhiều lớp đất, như một cái phin vĩ đại, cuối cùng đến mặt áo quan. Nó dừng lại một chút, lưỡng lự, ngập ngừng, thăm dò. Nhưng áo quan đã mục: nó được phép. Bèn có những giọt nhỏ xuống: một giọt bên phải, một giọt bên trái, một giọt. Thôi. Đúng rồi! Ðúng vừa nơi trước kia vốn là trái tim của chàng. Chàng tê buốt cả người, rồi tinh thần tỉnh táo như vừa mới tiếp nhận sinh khí. Đã lâu. mòn mỏi đợi chờ, mới lại được tiếp xúc với một chút lọt từ trên kia xuống, một chút trần gian."
(Giọt cà phê. Ảo ảnh)

Nhưng đã quá muộn rồi! Chút trần gian mòn mỏi chờ đợi ấy, không thể ở kiếp này cho Bốn Thôi và đám bạn bè của anh, "Tiểu thế giới" của Bốn Thôi, sao mà buồn quá đỗi!

Nguyễn Mộng Giác






No comments:

Post a Comment