Saturday, October 3, 2015

Nhà văn Võ Phiến, người hồi sinh Nền Văn Học Miền Nam (Mặc Lâm - RFA)





Mặc Lâm, biên tập viên RFA
2015-10-03

Nhà văn Võ Phiến (1925 - 2015) . File photo

Nhà văn Võ Phiến vừa từ trần tại California hưởng thọ 90 tuổi để lại cho người yêu mến văn tài ông sự tiếc thương vô hạn. Khi còn minh mẫn ông là người dí dỏm nhưng rất ít khi xuất hiện trước công chúng. Nhiều tác phẩm mang đến cho ông hàng trăm ngàn người đọc, cộng với những tiếng cười thoải mái hay tiếng thở dài thườn thượt âm thầm theo chân ngòi bút với hơn 60 năm trong cái nghiệp văn chương chữ nghĩa. Kể từ khi thoát khỏi nhà tù của Việt Minh và sau đó dấn thân vào văn chương, Võ Phiến đã chấp nhận làm chứng nhân và viết lại một giai đoạn lịch sử bi thương của dân tộc

Mỗi tác phẩm làm người đọc ngạc nhiên một cách

Võ Phiến viết nhiều nhưng mỗi tác phẩm của ông lại làm người đọc ngạc nhiên một cách. Văn phong có tính biếm hoạt của người bình dân đã nhanh chóng thuyết phục người mua gánh bán bưng. Giới tiểu tư sản thành thị thấy ông là bạn đồng hành, giới cần lao lại nhìn ông dưới cái nhìn của người bạn thợ. Anh nhà quê không đọc thì thôi nếu được nghe ai đó đọc tùy bút Võ Phiến sẽ ngất ngư rung đùi cho rằng không ai hiểu người nhà quê hơn ông.

Những cảm xúc đa dạng làm văn phong Võ Phiến từng trải mà lại có sức sống của tuổi thanh xuân. Văn chương của ông không già, nó roi rói tiếng thở của từng thớ đất ban sáng trước sân nhà của Bình Định quê ông. Nó rậm rực khói xe, tiếng còi tàu của Sài Gòn hoa lệ nơi ông bám sát với tờ Bách Khoa để làm nên một khuôn phép báo chí lẫn văn chương của miền Nam. Nó là tiếng khua dao trên tấm thớt của chiếc xe hủ tíu miệt sông nước nhưng nó cũng trầm tư, phẫn uất lẫn xót xa của anh Bốn Thôi, hay anh Năm Hà những nhân vật làm cho ông lên tới nơi cao nhất của lâu đài mang tên văn học.

Nếu tùy bút Nguyễn Tuân lừng danh với con đường giang hồ gió bụi kéo theo sau món phở khiến người đọc nhớ mãi trong trạng thái lâng lâng thì Võ Phiến lại giới thiệu những cô gái quê, những chàng chân đất với các gánh nước mắm bán dạo đầy hình ảnh quê nhà. Tùy bút Võ Phiến không có cái tao nhã, thanh tú của Nguyễn Tuân nhưng nó lại âm ỉ, gây nhớ gây xót cho người đọc nếu họ từng có thời gian bỏ nơi chôn nhau cắt rốn ra đi. Mà đã là người Việt thì mấy ai không một lần di cư xa xứ vì vậy tùy bút của Võ Phiến nói theo lời nhà phê  bình văn học Đặng Tiến thì Võ Phiến hay hơn Nguyễn Tuân ở chỗ tùy bút của ông đậm đà đất đai dân tộc hơn Nguyễn Tuân.

Võ Phiến tên thật Đoàn Thế Nhơn và bút hiệu Võ Phiến chỉ là viết ngược lại tên của người vợ theo ông suốt cả cuộc đời: Viễn Phố. Ông còn có bút hiệu Tràng Thiên trên nhiều tác phẩm khác nhưng đứa con tinh thần mà ông bỏ nhiều thời gian, công sức nhất lại là một tác phẩm đồ sộ tập trung giới thiệu các tác giả, tác phẩm kéo dài từ năm 1954 tới năm 1975 của gần như tất cả các cây viết miền Nam Việt Nam.

Sản phẩm đầy công sức ấy mang tên Văn học Miền Nam Tổng quan được ông viết sau khi ông sang Mỹ định cư một thời gian ngắn. Nền văn học miền Nam gần như hồi sinh sau khi Văn học Miền Nam Tổng quan ra đời. Từng trang sách, từng tác giả xuất hiện trong đó làm người đọc hiểu thêm giá trị văn học sau khi nó vĩnh viễn bị mất đi. Về lĩnh vực này công đầu thuộc về Võ Phiến mà không ai tranh cãi.

Nhà văn Phạm Phú Minh là người thân thiết với gia đình Võ Phiến chia sẻ cái nhìn của ông về công trình này:

“Công tác mà tôi cho là đáng ca ngợi của ông Võ Phiến nhất trong thời gian ở nước ngoài sau 75 là xây dựng bộ Tổng quan văn học miền Nam. Bời vì mình biết rằng từ năm 1975 người Cộng sản khi vào miền Nam thì ra sức tiêu diệt cái nền văn học cũ của miền Nam. Chuyện đốt sách chuyện cắm đoán thì ai cũng biết cả rồi nhưng có một người ở hải ngoại lặng lẽ, cặm cụi trong rất nhiều năm xây dụng lại hình ảnh của nền văn học đó thì tôi cho rằng Võ Phiến là người duy nhất làm được việc đó và đó là công việc đáng khâm phục và đáng cho chúng ta biết ơn ông về những cố gắng giữ gìn, tái tạo lại một nền văn học mà bị làn sóng đỏ quét qua và có nguy cơ không còn ai biết tới nữa.”

Trong một lần nói chuyện với chúng tôi vào năm 2008 nhà văn chia sẻ:

“Tôi có trong cái bài mở đầu trước khi vô sách (thì) tôi có phân trần rồi. Tôi cũng nói mình sống ở Việt Nam 20 năm dưới chế độ đấy, đã ai có cái nhìn tổng quát chưa? Mà mình đi ra ngoài thì sách cũng không có, làm sao mình mang được gì đâu. Tài liệu đâu có.
Qua bên D.C. vô thư viện trung ương mà họ cũng chưa phân loại nữa, họ cũng còn để dưới hầm chớ họ cũng chưa đưa ra, có đâu mà mình viết. Thành ra trong cái điều kiện được tới đâu thì mình làm tới đó thôi, bởi vì càng để chậm thì hồi đó mình nghĩ là nó càng khó tìm. Thành ra cái đó thì những người trong giới với nhau thì dễ thông cảm thì phải.”

Nói tới nhà văn Võ Phiến không thể không nhắc tới sự quan tâm của nhà phê bình văn học Nguyễn Hưng Quốc, cái nhìn của một chuyên gia nghiên cứu văn học Việt Nam về tác phẩm Văn Học Miền Nam Tổng quan như sau:

“Sau năm 1975 ở hải ngoại Võ Phiến viết nhiều thể loại khác nhau. Ông viết truyện dài, truyện ngắn, tùy bút, tạp bút thậm chí ông làm thơ nữa! Theo tôi thành tựu lớn nhất của Võ Phiến sau năm 1975 ở hải ngoại chính là bộ Văn Học Miền Nam, trong đó bao gồm nhiều tập mà tập anh vừa nêu là tập đầu tiên, giới thiệu toàn bộ bối cảnh sinh hoạt văn học miền Nam trước năm 75 cũng như những thành tựu, những xu hướng, trường phái khác nhau trong 20 năm văn học miền Nam. Tuy nhiên sau đó ông xuất bản thêm khá nhiều tập khác, có mấy tập chuyên về thơ, về tiều thuyết, tùy bút, kịch…
Nói chung đó không những là thành tựu lớn nhất của Võ Phiến sau 1975 mà thậm chí đó là thành tựu lớn nhất của cả hải ngoại nói chung về văn học miền Nam trước 75. Cho tới bây giờ chưa có người nào viết về văn học miền Nam một cách đầy đủ, sắc sảo, tinh tế đến như vậy anh ạ.
Cho đến bây giờ khi đọc lại cuốn Văn học Miền Nam Tổng quan của Võ Phiến cũng như những bài nhận xét của Võ Phiến về một số nhà thơ, nhà văn miền Nam thì tôi nghĩ người ta sẽ hiểu hơn một nền văn học bị trù dập, bị âm mưu xóa bỏ sau 1975.”

“Tiền đồn chống cộng”

Người ta có thể cho là ông chống cộng. Các cây viết phê bình văn học nhà nước sẽ nhanh chóng đồng ý với kết luận này và họ chỉ cần nêu vài chi tiết trong tác phẩm của ông là đủ xác quyết niếm tin ấy. Tuy nhiên đối với nhiều người lại không dễ dàng đồng ý với kết luận hời hợt như vậy, trong đó có nhà phê bình văn học Đặng Tiến:

“Tôi là người quen thân với ông Võ Phiến. Khoảng năm 1960 có thể tôi là người đầu tiên viết về Võ Phiến. Năm 1962 tôi giới thiệu cuốn Quê Nhà và từ đó anh em thân thiết với nhau. Anh Võ Phiến lớn hơn tôi 15 tuổi nhưng vẫn đối xử như bạn bè.
Ông Võ Phiến không phải là người chuyên môn về chính trị, ông ấy chỉ nói lên ý tưởng của mình trong một giai đoạn nào đó, nhất là giai đoạn ở miền Nam có thể nói là tao loạn. Khoảng 67-68 tùy bút gây tiếng vang của Võ Phiến về chính trị là “Bắt trẻ đồng xanh” đăng trên báo Bách Khoa cuối năm 1968. Trước đó ông bị Việt Minh bắt bỏ tù vào năm 1952-1954 tuy nhiên những bài viết đầu tiên của ông chỉ tả cảnh tù tội, hay là nói về các khía cạnh xã hội của cuộc chiến tranh thôi.”

“Tiền đồn chống cộng” mỉa mai thay lại là nhận xét của người con ruột của nhà văn Võ Phiến. Thu Tứ là bút hiệu của Đoàn Thế Phúc người con trai trong gia đình được ông ủy quyền cho in mọi tác phẩm sau khi ông mất. Người ta không hiểu vì nguyên do gì mà Thu Tứ viết bài trên tờ báo Đảng lên án cha ông là một ngòi viết chống cộng hạng nhất! nhà phê bình văn học Đặng Tiến nhận xét:

“Tại sao con của ông Võ Phiến lại làm cái việc như vậy thì mình cũng không nắm vững. Cái tinh thần nó làm sao thì mình không biết nhưng dù sao thì việc ấy cũng không hay. Con mà tố cha là không hay rồi. Nó đăng trên báo mà đặc biệt là báo Sài gòn Giải phóng, những bài đăng trên báo này tự nó có nghĩa gì thì mình biết rồi. Lý luận của ông Thu Tứ người đưa ra cái bài đó cũng không vững. Trên cơ bản ổng trình bày ông Võ Phiến là một tiền đồn chống cộng thì sự thật nó không phải như vậy.
Nói ổng là tiền đồn chống cộng thì quá đáng vì hai lý do, một là ông Võ Phiến bản chất là con người hoài nghi, tôi nhấn mạnh chữ “hoài nghi”. Khi đã hoài nghi thì anh không chống điều gì cả. Đã hoài nghi rồi thì không thể quá khích. Hai nữa do hoàn cảnh nó đưa đẩy, người này người kia cứ nói ông ấy chống cộng rồi cuối cùng thì ông cũng nhận vậy thôi. Về sau này trong văn chương của Võ Phiến lâu lâu cũng có một câu mang tính chất chống cộng. Nhưng lối viết lâu lâu đá một câu chống cộng thì nhiều người viết lắm chứ không phải một mình Võ Phiến.”

Qua sự vận động của Thu Tứ, nhà nước cho phép tác phẩm của Võ Phiến được in lại sau khi đã chỉnh sửa hầu hết các câu chữ “chống cộng” và quan trọng hơn hết cái tên trên bìa sách không phải là Võ Phiến mà là Tràng Thiên. Ông Đặng Tiến đưa nhận xét:

“Nhà nước vẫn cấm Võ Phiến mà in lại sách của Võ Phiến với tên Tràng Thiên do người con trai của ổng nó làm thì không biết dưới tinh thần gì. Trong giai đoạn đó tâm trí ổng không còn vững vàng nữa, hơi lẫn rồi nhưng mà ông Võ Phiến là người rất muốn tác phẩm của mình đi đến quần chúng một cách rộng rãi.
In sách ký tên Võ Phiến thì ông ấy rất vui thôi nhưng nhà nước thì vẫn kị ông Võ Phiến, cũng như nhiều người khác. Kị ông Võ Phiến nên không cho in sách đã đành rồi còn không cho người ta nhắc tới cái tên  Võ Phiến nữa. Người nào viết bình luận chính trị, bình luận văn học hay bất cứ bình luận gì mà nhắc tới Võ Phiến thì tờ báo đó hay nhà xuất bản hay người biên tập phải bôi cái tên Võ Phiến đi, phải cắt cái câu đó đi.”

Theo nhà thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh thì nhà xuất bản Nhã Nam nơi in và phát hành tùy bút Quê Hương Tôi của Tràng Thiên có in thêm 100 bản đặc biệt cho nhà văn ký tặng với tên Võ Phiến. Điều khó hiểu này có lẽ cũng không bao lâu sẽ bày ra ánh sáng vì theo GS Hoàng Ngọc Tuấn chủ trang Tiền Vệ thì nhà văn Võ Phiến không còn minh mẫn trong nhiều năm qua:

“Trong vòng 5-6 năm trở lại đây bác đã yếu lắm rồi và không còn suy nghĩ minh mẫn được nữa và cũng không còn nhớ được lâu nữa. Ký ức của bác chỉ còn ở khoảng 5 tới 10 phút và bác không thể viết gì được nữa nhưng mỗi lần gặp bác luôn luôn thích nói chuyện văn chương, văn học. Bác là một người đam mê văn học văn chương cho tới tuổi già và tới lúc cuối cùng sắp ra đi cũng vậy.”

Nhà văn đã về thiên cổ và lịch sử mỉm cười với ông, bởi dù sao ông cũng làm được điều mà hàng trăm nhà văn khác ao ước nhưng không làm được: đem ánh sáng soi rọi vào nền văn học của Miền Nam nơi người ta tin rằng sẽ không bao giờ hồi sinh được nữa.

------------------------------
Tin, bài liên quan








No comments:

Post a Comment