Wednesday, October 28, 2015

Mỹ tuần tra Biển Đông để trấn an đồng minh ? (Thụy My - RFI)





Thụy My  -  RFI
Đăng ngày 28-10-2015

Từ nhiều tháng qua, nhiều dân biểu, nghị sĩ và những tiếng nói « diều hâu » Mỹ đã cất lên thúc giục Tổng thống Barack Obama có phản ứng mạnh mẽ trước hành động thay đổi nguyên trạng Biển Đông một cách quy mô của Bắc Kinh, nhưng chừng như Nhà Trắng vẫn tỏ ra dè dặt. 

Hôm thứ Hai 26/10, trước sự ngạc nhiên đồng thời thở phào nhẹ nhõm của nhiều người, chiến hạm Mỹ đầu tiên đã tiến vào bên trong khu vực 12 hải lý xung quanh các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh ra sức đào đắp trong gần một năm qua ở quần đảo Trường Sa.

Chiếc USS Lassen sau đó thảnh thơi trở về căn cứ. Tàu Trung Quốc chỉ lếch thếch chạy theo sau. Và sau các động thái không thể không làm : triệu mời đại sứ, tuyên bố sẽ đáp trả…hôm nay thậm chí tờ báo cực đoan nhất của Bắc Kinh là Global Times cũng không thấy những lời lẽ hết sức hung hăng như thường lệ, tuy cũng có « lên gân » là « không sợ chiến tranh với Mỹ ».

Như vậy là sau một thời gian dài chờ đợi, Hoa Kỳ rốt cuộc cũng đã hành động. Vì sao Tổng thống Mỹ đến giờ này mới chịu giơ ra nắm đấm với nền kinh tế thứ nhì thế giới ?

Theo nhà báo Vincent Jauvert của tuần báo L’Obs, thì có nhiều lý do. Trước hết, đã nhiều năm qua Nhà Trắng tuyên bố lợi ích quốc gia của Hoa Kỳ là tại châu Á. Chính tại khu vực kinh tế đang tăng trưởng mạnh đồng thời căng thẳng địa chính trị gia tăng, ông Barack Obama bắt đầu tái triển khai lực lượng quân sự và tình báo. Một ngày nào đó, chính sách « xoay trục » quân sự được loan báo trước này nhất thiết phải trở nên hữu hình.

Biển Đông là không gian mang tính chiến lược của thế kỷ 21, 30% lượng hàng hóa trao đổi trên toàn cầu được vận chuyển qua đây. Vùng biển đang được nhiều quốc gia trong khu vực tranh chấp, trong đó có Việt Nam, lại là con đường hàng hải chủ yếu đối với Trung Quốc để nhập nguyên liệu và đưa hàng hóa đến các thị trường trên khắp thế giới. Ai kiểm soát được Biển Đông, sẽ kiểm soát được nền kinh tế toàn cầu trong tương lai.

Bắc Kinh đã ồ ạt xây dựng nhiều cơ sở kiên cố trên các rạn san hô, đảo đá ngầm mà về mặt luật pháp thì nằm tại hải phận quốc tế, trong khi Trung Quốc tự cho là của mình : phi đạo, hải cảng, hải đăng…thậm chí cho đặt cả các khẩu pháo. Chiến hạm USS Lassen đã áp sát một trong các đảo nhân tạo này, để chứng tỏ người Mỹ không chấp nhận áp đặt việc đã rồi.
Với động thái trên đây, ông Obama hy vọng làm giảm nhẹ những tiếng nói chỉ trích từ cánh diều hâu Mỹ, cũng như cánh hữu trong giới quân sự Nhật Bản đã đưa ra những tuyên bố gay gắt và chuẩn bị lao vào một cuộc chạy đua vũ khí.

Khi tiếp đón ông Tập Cận Bình mới đây, ông Barack Obama đã tuyên bố chính quyền Mỹ sẽ làm tất cả để đảm bảo tự do hàng hải tại Biển Đông. Theo những lời đồn đoán, thậm chí ông Obama còn gặp riêng ông Tập và vài cố vấn thân cận để khuyến dụ, nhưng chừng như không kết quả, chỉ đạt được những lời hứa chung chung.

Ra tay hành động ngay lúc này, Tổng thống Mỹ muốn chứng tỏ lời nói của ông đi đôi với việc làm. Chứng tỏ ông khác hẳn với hình ảnh một lãnh đạo thiếu quyết đoán trước đây trong hồ sơ Syria : khi chế độ Assad đã vượt qua « lằn ranh đỏ » là sử dụng vũ khí hóa học để giết người hàng loạt, ông Obama vẫn đẩy hồ sơ qua Quốc hội, gây thất vọng cho nhiều người và làm hụt hẫng một số đồng minh, đặc biệt là Pháp.

Theo tờ L’Obs, đây là lúc để ông Obama chứng minh quyết tâm trên trường quốc tế, vì trong các cuộc khủng hoảng gần đây Tổng thống Mỹ tỏ ra « lừng khừng » bất định. Nhất là từ khi quân đội Nga bất ngờ lao vào cuộc chiến tại Syria, gây lúng túng cho cộng đồng quốc tế.
Ông phải trấn an tất cả các đồng minh trong khu vực, đã từ lâu hết sức lo ngại trước sự hung hăng ngày càng tăng lên của Bắc Kinh. Không chỉ tại châu Á-Thái Bình Dương, mà còn đối với các quốc gia thành viên NATO, trước phản ứng được nhiều người cho là quá dè dặt của Washington sau vụ Matxcơva dùng vũ lực sáp nhập Crimée của Ukraina.

Tổng thống Mỹ biết rằng quân đội Trung Quốc chưa sẵn sàng để đối đầu với Hoa Kỳ vốn vượt rất xa về phương diện quân sự. Thực tế cho thấy, khác với các tuyên bố hiếu chiến trước đây, đến giờ này Bắc Kinh chỉ mới dừng lại ở « võ mồm ». Nhà Trắng tuy vậy vẫn muốn chừa phần nào thể diện cho Bắc Kinh, khi không chính thức long trọng tuyên bố về chuyến hải hành của USS Lassen.

Tình hình Biển Đông rồi sẽ đi đến đâu ? Hoa Kỳ đã có một chiến lược cụ thể nào, hay việc cho chiến hạm tuần tra chỉ là một biện pháp tình thế ? Liệu Bắc Kinh có nhân sự kiện này dấn lên thành lập « vùng nhận diện phòng không » trên Biển Đông, và như vậy Mỹ sẽ phản ứng ra sao ? Sẽ có dẫn đến xung đột vũ trang tại Biển Đông ? Hoặc ngược lại, tại sao Mỹ-Trung không bắt tay chia sẻ lợi ích ? Theo tác giả Jean-Paul Baquiast, giả thiết « hữu hảo »này khó xảy ra, và nếu có, chỉ là « một nền hòa bình vũ trang » mà thôi.

Cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các láng giềng nhỏ bé của người khổng lồ Trung Quốc vẫn đang chờ đợi các diễn tiến sắp tới xem sao.







No comments:

Post a Comment