Friday, October 2, 2015

Hội nghị tự do tôn giáo khu vực Đông Nam Á (Gia Minh - RFA)





Gia Minh, biên tập viên RFA, Bangkok
2015-10-01

Tiến sĩ Heiner Beilefeldt, báo cáo viên đặc biệt Liên hiệp quốc về Tự do Tôn giáo- Tín ngưỡng (bên trái) và Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, tổng giám đốc kiêm chủ tịch BPSOS (giữa) phát biểu tại Hội Nghị ngày 1 tháng 10, 2015.   Photo icj.org

Hội nghị khu vực Đông Nam Á về tự do tôn giáo-tín ngưỡng vừa kết thúc ba ngày làm việc từ 29/9 đến 1/10 tại thủ đô Bangkok, Thái Lan.
Vào tối ngày 1 tháng 10 cuộc họp báo về kỳ đại hội được tiến hành tại Câu lạc bộ báo chí quốc tế. Biên tập viên Gia Minh tham dự và tường trình.

Báo cáo về hội nghị

Đó là phát biểu của báo cáo viên đặc biệt Liên hiệp quốc về Tự do Tôn giáo- Tín ngưỡng, tiến sĩ Heiner Beilefeldt tại cuộc họp báo. Ông cho biết ba lĩnh vực được đề cập đến trong bài nói chuyện kéo dài 30 phút của mình. Trước hết ông định nghĩa lại thế nào là tự do tôn giáo. Và theo ông tự do tôn giáo là nhân quyền. Tuy nhiên tại một quốc gia như Việt Nam thì chính quyền Việt Nam lại buộc các tôn giáo phải đăng ký để được công nhận.

Trong phần hai ông phân tích một số tình trạng như chính trị hóa tôn giáo; mà tại những quốc gia toàn trị như Việt Nam chính quyền luôn áp đặt quyền kiểm soát và sợ công khai thảo luận về niềm tin. Trong phần này ông nhắc lại chuyến thăm chính thức Việt Nam vào năm ngoái với ví dụ về đạo Cao Đài khi mà chính quyền nại ra lý do an ninh để kiểm soát một hội thánh như thế.

Phần thứ ba theo báo cáo viên đặc biệt của Liên hiệp quốc là những nhiệm vụ phải làm trong thời gian tới nhằm có thể bảo đảm quyền tự do tôn giáo đúng nghĩa. Theo ông này trước hết phải cải cách luật pháp như luật báng bổ của một số nước, hay cần phải thay đổi qui định tôn giáo phải đăng ký để được công nhận.

Vấn đề này là điều mà theo tiến sĩ Heiner Beilefeldt ông đã đề nghị với phía Việt Nam sau chuyến làm việc chính thức hồi năm ngoái. Thế nhưng phản hồi là không được tích cực; tuy vậy ông bày tỏ vẫn rất hy vọng.

Theo đánh giá của ban tổ chức hội nghị đưa ra thì gần đây tại khu vực Đông Nam Á có những vụ việc điển hình về tình trạng quyền tự do tôn giáo/tín ngưỡng ngày càng bị khước từ và đe dọa. Trong một số trường hợp chính luật pháp mang tính phân biệt và trì trệ được lập ra để bảo vệ lợi ích của những nhóm đặc biệt nào đó hoặc nhằm kiểm soát chặt chẽ tôn giáo. Trong những trường hợp khác thì đó lại là sự diễn giải một cách cực đoan về tôn giáo/tín ngưỡng và việc nhắm vào những nhóm sắc dân thiểu số và những giáo phái.

Tình trạng như thế khiến cho các nhóm tôn giáo thiểu số bị tác động nhiều và nếu như luật pháp, chính sách và sự diễn giải cực đoan có vấn đề như thế tiếp tục được vận dụng thì môi trường bất dung tôn giáo trong khu vực được tin chắc sẽ kéo dài thêm nữa.

Vấn đề tự do tôn giáo tại khu vực Đông Nam Á hết sức bức thiết thế nhưng lâu nay hiếm khi được đưa ra bàn thảo một cách công khai; mặc dù theo đánh giá của tiến sĩ Heiner Beilefeldt thì khu vực Đông Nam Á là một khu vực có sự đa dạng độc đáo về tôn giáo.

Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, tổng giám đốc kiêm chủ tịch BPSOS, một trong ba đơn vị tổ chức hội nghị tôn giáo khu vực Đông Nam Á cho biết một số đánh giá và thông tin về hội nghị như sau:

“ Trước hết là tinh thần rất đoàn kết, rất nhiều thành phần từ các tôn giáo khác nhau đến và nhiều nơi khác nhau ở trong vùng Đông Nam Á, cũng như trên thế giới. để nêu lên nhu cầu cần phải rà soát lại tình trạng tôn giáo trong vùng Đông Nam Á, nhất là trong bối cảnh mà Cộng đồng ASEAN sắp sửa hình thành chính thức vào ngày 1 tháng 1 năm 2016; trong đó có những cơ hội nào và những thử thách gì mà cần phải có nổ lực chung để phát huy tự do tôn giáo toàn vùng và đặc biệt chú ý đến những nơi mà bị trấn áp, khống chế và bị đàn áp nặng nề nhất như ở Việt Nam hoặc một số nơi như Miến Điện, người Rohyngia theo Đạo Hồi. Và bước thứ ba là phải có can thiệp cho từng trường hợp cụ thể trong khi mà tình trạng tự do tôn giáo chưa được cải thiện. Đó là ba chủ đề chính và hôm nay có tuyên bố chung, quyết tâm chung của các tổ chức trong toàn vùng.”

Ý kiến người tham dự hội nghị đến từ Việt Nam

Như tin Đài Á Châu Tự Do đã loan, một đại diện của Hội đồng Liên tôn Việt Nam là chánh trị sự Hứa Phi được mời sang Bangkok tham dự hội nghị tự do tôn giáo khu vực Đông Nam Á đã bị cơ quan an ninh Việt Nam không cho xuất cảnh tại phi trường Tân Sơn Nhất hôm ngày 28 tháng 9 vừa qua.

Tuy nhiên có một số người vẫn đến được hội nghị, và một đại diện của Khối Nhơn Sanh Đạo Cao Đài, cho biết điều mà ông này trình bày với tiến sĩ Heiner Beilefeldt tại kỳ hội nghị:

“ Tôi có nói nhỏ với ông Heiner Beilefeldt rằng nếu ông có điều chi không hài lòng mấy với cấp lãnh đạo của nhà nước chúng tôi, nhưng chúng tôi có được tự do tôn giáo nhằm chúng tôi có thể thực hiện đại hội nhơn sanh một ngày gần đây và sớm nhất. Chúng tôi đã không ngại khó qua đến đây. Và nguyện ước của chúng tôi là sớm mở đại hội nhơn sanh tại Tòa Thánh Tây Ninh trước sự chứng kiến của đặc phái viên Liên hiệp quốc và các tổ chức nhân quyền và tự do tôn giáo.”cũng nghĩ đến tôn giáo của chúng tôi, nhìn về  Việt Nam để giúp đỡ.”

Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng cũng có một số nhận xét về các đoàn Việt Nam tham gia hội nghị tự do tôn giáo khu vực trong ba ngày 29,30/9 và 1 tháng 10 như sau:

“ Tôi nhận xét thấy sự tiếp xúc của họ đối với các đoàn khác trong ba ngày thì sự hiểu biết và tầm nhìn được nâng lên. Họ có nhiều lần được tiếp xúc với báo cáo viên đặc biệt của Liên hiệp quốc về tự do tôn giáo/tín ngưỡng.”

Xin được nhắc lại hội nghị tự do tôn giáo khu vực Đông Nam Á do ba tổ chứ là Diễn Đàn Á Châu về Nhân quyền và Phát triển ( Asia Forum), Ủy ban Luật gia quốc tế ( ICJ) và BPSOS đồng tổ chức.

Ngoài sự có mặt của báo cáo viên đặc biệt Liên hiệp quốc về tự do tôn giáo/tín ngưỡng, tiến sĩ Heiner Beilefeldt, còn có chừng 70 người gồm các chức sắc tôn giáo, những nhà bảo vệ nhân quyền, thành viên của các nhóm tôn giáo, Ủy ban Liên chính phủ ASEAN về nhân quyền, Ủy ban ASEAN về Cổ xúy và Bảo vệ Quyền Phụ nữ- Trẻ em, các viện nhân quyền quốc gia, các tổ chức chính phủ tham dự.

Cụ thể các nước Indonesia, Miến Điện, Thái Lan, Philippines, Malaysia, Thái Lan, đều có đại diện tại hội nghị. Ban tổ chức cho biết có mời Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ Việt Nam đến tham dự hội nghị, thế nhưng họ không nhận được trả lời. Đại sứ Thụy Điển, Australia và Liên Minh Châu Âu tại Thái Lan cũng có đại diện đến tham dự.

Thành viên các tổ chức tôn giáo và xã hội dân sự có mặt tại hội nghị đến từ 10 nước ASEAN và một số nước khác như Anh, Pháp, Đức, Hoa Kỳ, Ái Nhĩ Lan.

Gia Minh tường trình từ Bangkok, Thái Lan.

-----------------------
Tin, bài liên quan






No comments:

Post a Comment