Friday, October 30, 2015

Hoa Kỳ hành động nghiêm chỉnh để bảo vệ quyền tự do hàng hải ở Biển Đông (Đàn Chim Việt)





03:00:am 28/10/15 | 


Vào lúc 6:40 giờ địa phương sáng ngày thứ Ba, 27 tháng 10, khu trục hạm USS Lassen của Hoa Kỳ đã tiến vào gần vào các đảo nhân tạo do Trung Quốc bồi đắp là Xu Bi (Subi Reef) và Vành Khăn (Mischief Reef). Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ cho biết là Khu Trục Hạm Lassen được một phi cơ trinh thám bay kèm theo. Công tác tuần tra để bảo vệ quyền tự do hàng hải trên Biển Đông theo đúng Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS 1982) đã được hoàn tất mà không xẩy ra một tai nạn nào.

Bộ Quốc Phòng Trung Quốc cho biết Trung Quốc đã cho khu trục hạm Lanzhou và tuần dương hạm Taizhoo theo dõi khu trục hạm Lassen từ một khoảng cách an toàn và đã báo động cho chiến hạm Hoa Kỳ phải rời vùng biển tranh chấp nhưng vô hiệu quả.

Một nhân viên Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ cho biết rằng Khu Trục Hạm Lanzhoo đã theo sát chiếc Lassen trong nhiều tuần lễ trước khi Hải Quân Hoa Kỳ khởi sự cuộc tuần tra Biển Đông. Nhân viên này cũng cho hay là Hải Quân Hoa Kỳ sẽ thường xuyên tuần tra Biển Đông và đây không phải là một hành động có tính cách khiêu khích. Vào năm 2012, Hoa Kỳ đã cho tầu Hải Quân đi vào trong giới hạn 12 hải lý của quần đảo Trường Sa (Spratly).

Hai khu đá ngầm Xu Bi và Vành Khăn hoàn toàn bị nước biển bao phủ vào lúc thủy triều lên trước khi Trung Quốc bồi đắp thành đảo nhân tạo vào 2014. Chiếu theo Công Ước của LHQ về Luật Biển, giới hạn 12 hải lý không áp dụng xung quanh đảo nhân tạo mà trước đó nằm dưới mực nước biển. Đối với những đá ngầm này, giới hạn an toàn cho tầu qua lại là 500m và không phải hỏi han hay xin phép ai.

Khoảng sáu tuần lễ trước đây, Trung Quốc đã cho chiến hạm của họ đi vào trong giới hạn 12 hải lý của đảo Aleutian của Hoa Kỳ.

Cuộc tuần tra mới nhất của Hoa Kỳ được thực hiện sau nhiều tháng suy tính. Trong cuộc gặp gỡ của Chủ Tịch Tập Cận Bình với Tổng Thống Barack Obama tại Washington vào tháng 9 vừa qua, Hoa Kỳ đã không thuyết phục được Trung Quốc bỏ chánh sách bành trướng ở Biển Đông. Nhà lãnh đạo Trung Quốc vẫn khẳng định rằng những hòn đảo ở Trường Sa là của Trung Quốc từ ngàn xưa. Do đó những nhà phân tách quốc tế cho rằng hành động của Hoa Kỳ không gây ngạc nhiên. Nó mang tính chất thận trọng nhưng cương quyết. Chấp nhận rủi ro có tính toán.

Phản ứng của Trung Quốc

Phát ngôn viên của Bộ Ngoại Giao Trung Quốc Lu Kang nói trong một cuộc họp báo thường lệ rằng Trung Quốc sẽ phản ứng mạnh mẽ đối với sự khiêu khích có chủ tâm này. Trung Quốc sẽ không bỏ qua bất cứ hành động nào làm phương hại đến an ninh của Trung Quốc. Nếu Hoa Kỳ tiếp tục gây rỗi, Trung Quốc sẽ đẩy mạnh hoạt động xây cất. Ô. Lu Kang tránh né không trả lời một câu hỏi của báo chí rằng liệu Trung Quốc có suy tính sử dụng võ lực để đối phó với Hoa Kỳ hay không. Ông nói rằng “Tôi sẽ không trả lời câu hỏi có tính cách giả định. Chúng tôi hi vọng rằng Hoa Kỳ sẽ không có những hành động đem lại kết quả ngược lại ý muốn.”

Đại sứ Hoa Kỳ Max Baucus tại Bắc Kinh đã được triệu tập đến Bộ Ngoại Giao Trung Quốc vào tối Thứ Ba, 27-10 để gặp Thứ Trưởng Ngoại Giao Zhang Yesui. Theo Đài Truyền Hình quốc gia CCTV, trong cuộc gặp gỡ này Hoa Kỳ được yêu cầu chấm dứt đe dọa chủ quyền quốc gia và quyền lợi an ninh của Trung Quốc. Việc tuần tra của Hoa Kỳ là bất hợp pháp và cực kỳ vô trách nhiệm.

Bộ Quốc Phòng Trung Quốc tuyên bố rằng quân đội sẽ thi hành những biện pháp cần thiết để bảo vệ an ninh quốc gia. Sau khi nghe tin tức loan báo rằng Hoa Kỳ đang chuẩn bị cuộc tuần tra ở Biển Đông vào đầu tháng này, một đô đốc Trung Quốc đã tuyên bố rằng Trung Quốc sẽ tấn công vào bất cứ quân đội nào vi phạm lãnh thổ Trung Quốc.

Phản ứng của thế giới

Tổng Thống Phi Luật Tân Benigno Aquino tuyên bố rằng tất cả mọi người tán thành sự cân bằng cán cân quyền lực và cuộc tuần tra của Hoa Kỳ không có vấn đề gì vì tuân theo luật lệ quốc tế. Nếu ủng hộ tự do hàng hải mà lại cản trở các tầu khác là không thích hợp.

Bà Bộ Trưởng Quốc Phòng Úc Marise Payne tuyên bố rằng Úc không tham dự vào hoạt động hải quân của Hoa Kỳ trong Biển Đông, nhưng Úc ủng hộ mạnh mẽ chính sách của Hoa Kỳ bảo vệ tự do hàng hải. Cần phải công nhận rằng tất cả các quốc gia đều có quyền tự do đi lại trên biển và tự do bay qua các vùng trời theo luật pháp quốc tế, bao gồm cả Biển Đông. Úc mạnh mẽ hỗ trợ những quyền này. Úc châu có quyền lợi chính đáng để duy trì hòa bình và sự ổn định, tôn trọng luật quốc tế, buôn bán không bị cản trở, tự do lưu thông trên biển và trong không gian tại Biển Đông. Khoảng 60% hàng hóa xuất cảng của Úc đi qua vùng biển này.

Thủ Tướng Nhật Bản đang viếng thăm Kazakhstan đã tuyên bố tại thủ đô Astana rằng ông ủng hộ khu trục hạm mang tên lửa Aegis đi ngang qua giới hạn 12 hải lý của các đảo nhân tạo bồi đắp bởi Trung Quốc tại Biển Đông. Thủ Tướng Abe cũng nhấn mạnh rằng những toan tính đơn phương nhằm thay đổi nguyên trạng và làm tăng căng thẳng là những mối lo ngại của cộng đồng quốc tế.

Cho đến nay chưa có một nhà lãnh đạo Việt Nam nào lên tiếng về việc Hải Quân Hoa Kỳ vừa thực hiện một cuộc tuần tra trong Biển Đông. Mặc dù cuộc viếng thăm Việt Nam của Chủ Tịch Tập Cận Bình chưa được công bố, nhưng người ta tiên đoán rằng cuộc viếng thăm này sẽ được thực hiện trong khoảng thời gian từ này đến cuối năm. Mặc dù Việt Nam là một quốc gia ở vùng Đông Nam Á bị Trung Quốc chấn áp nhiều nhất trong hơn ba thập niên qua với chính sách lấn đất lấn biển, những nhà lãnh đạo Việt Nam cam phận nhịn nhục tối đa. Trong khi đó Trung Quốc đã không hề bắt nạt được một quốc gia nào khác trong vùng kể cả Phi Luật Tân, Mã Lai, Nam Dương, Singapore, và Miến Điện.

Vì quyền lợi quốc gia, Việt Nam cần phải lên tiếng ủng hộ chính sách bảo vệ quyền tư do lưu thông ở Biển Đông và bảo vệ lãnh thổ lãnh hải.

Khu trục hạm mang tên lửa của Hải Quân Hoa Kỳ USS Lassen (hình của US Navy).

Nguyễn Quốc Khải tổng hợp
© Đàn Chim Việt







No comments:

Post a Comment