Friday, October 2, 2015

Đấu đá nội bộ CSVN qua vụ án gián điệp Trung Quốc (Người Việt)





Friday, October 2, 2015 3:36:03 PM 

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) - Các phe cánh khác nhau trong giới lãnh đạo đảng CSVN có những quyết định đối chọi nhau được giới phân tích thời sự tình hình chính trị Việt Nam nhìn thấy qua một phiên tòa xử tội gián điệp.

Bị cáo Hà Huy Hoàng bị bắt từ tháng 10/2014, xử tội gián điệp ngày 30/9/2015. Phòng xử không có ai ngoài công an. (Hình: Tuổi Trẻ)

Ngày 30 Tháng Chín vừa qua, tòa án tại Hà Nội đưa ra xử bị cáo Hà Huy Hoàng, 55 tuổi, với cáo buộc làm gián điệp cho Trung Quốc. Phiên tòa chỉ kéo dài trong một ngày và ông bị kết án sơ thẩm 6 năm tù, theo điều 80 của Bộ Luật Hình sự sau khi bị bắt ngày 15 Tháng Mười, 2014, tức gần một năm trước. Ông là phóng viên của báo Thế Giới và Việt Nam trực thuộc Bộ Ngoại Giao CSVN, với bút hiệu Hà Hoàng.

Theo cáo trạng, ông Hà Huy Hoàng đã thăm Trung Quốc một số lần sau khi gặp một nữ giáo viên Trung Quốc tên Tôn Văn Quế trên đường xe khách từ Lạng Sơn về Hà Nội. Cô này giới thiệu cho ông một người bạn và là nhà báo tên Nhạc Xuân, phóng viên tạp chí Cầu Thị “để tìm hiểu thông tin phục vụ công việc”.

Cáo trạng nói rằng “...giữa năm 2009 đến Tháng Sáu, 2011 Hà Huy Hoàng đã cung cấp cho Nhạc Xuân tin tức, tài liệu về Việt Nam gồm: thông tin quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; thông tin kỳ họp Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng; thông tin kỳ họp Quốc Hội khóa XIII...”

Bản tin VNExpress kể như vậy và viết tiếp rang: “Cuối Tháng Sáu, 2011, theo điều tra, Hà Huy Hoàng được Nhạc Xuân đề nghị tìm hiểu để cung cấp thông tin bí mật nhà nước, thông tin không được công bố hoặc chưa được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng. Cơ quan điều tra cho rằng qua trao đổi với Nhạc Xuân, từ Tháng Sáu, 2011 đến Tháng Năm, 2014, Hà Huy Hoàng nhận thức người này là tình báo Trung Quốc hoạt động thu thập tin tức tình báo dưới danh nghĩa phóng viên nhưng vẫn tiếp tục quan hệ và cung cấp thông tin.”
Theo đó, ông còn “cung cấp cho Nhạc Xuân thông tin về hoạt động của thanh niên, sinh viên Việt Nam hướng về biển đảo; Việt Nam tìm kiếm máy bay MH370 của Malaysia bị mất tích; chủ trương xử lý của Việt Nam đối với vụ việc lợi dụng biểu tình phản đối Trung Quốc để gây rối hòa bình ở Bình Dương...”

VNExpress kể lại: “Từ năm 2009 đến Tháng Bảy, 2013 Tôn Văn Quế và Nhạc Xuân tổng cộng đã 8 lần mời Hà Huy Hoàng sang Trung Quốc tham quan các địa danh nổi tiếng. Trong số này, Nhạc Xuân chi trả toàn bộ chi phí hai chuyến cùng quà tặng.”

Luật Sư Hà Huy Sơn biện hộ cho ông nói rằng một vài món quà mà ông Hoàng nhận chỉ “mang tính chất xã giao chứ không có tính chất trả công cho việc cung cấp thông tin". Ông Hoàng cũng phủ nhận cung cấp thông tin cho một nữ gián điệp Trung Quốc tên Nhạc Xuân là “chống lại nhà nước Việt Nam”. 

Có hai tờ báo tại Việt Nam, Tuổi Trẻ và VNExpress, đưa tin về phiên tòa xử Hà Huy Hoàng. Các phiên tòa xử gián điệp cho ngoại quốc nói chung và xử người Việt Nam làm gián điệp cho Trung Quốc nói riêng là vấn đề nhậy cảm chính trị trong mối quan hệ “16 chữ vàng” và “4 tốt” của hai nước Cộng Sản anh em “núi liền núi, sông liền sông”.

Nhưng chỉ vài giờ sau khi xuất hiện, cả hai bản tin trên Tuổi Trẻ và VNExpress đều bị gỡ bỏ, không có một lời giản thích. Các tờ báo điện tử ở Việt Nam thường có thói quen này khi có lệnh “ở trên”.

Nhiều năm qua, người ta không hề thấy báo chí tại Việt Nam tường thuật những phiên tòa như vậy. Một số tù nhân chính trị tại Việt Nam khi mãn tù đều cho hay, họ bị giam chung với các tù gián điệp cho Trung Quốc. Những người này chấp nhập làm “ăng ten” cho công an để đổi lại sẽ được giảm án hay được ban cho các ân huệ khác.

Trên trang web VNExpress, trong phần bối cảnh của bản tin tường thuật phiên tòa nói trên, nguồn tin này nói Nhạc Xuân “còn liên quan một vụ án gián điệp khác khi cùng một nhân viên cơ quan tình báo Trung Quốc chỉ đạo Nguyễn Đức Tiến hoạt động gián điệp. Năm 2013, ông Tiến bị tòa án Lạng Sơn xử phạt 6 năm tù.”

Không thấy VNExpress cho biết nhân thân của Nguyễn Đức Tiến và những chi tiết liên quan đến vụ án này.

Bản tin của VNExress về phiên tòa xử Hà Huy Hoàng bị gỡ bỏ. (Hình: VOA)

Giáo Sư Carl Thayer của Học Viện Quốc Phòng Hoàng Gia Úc tại Canberra, đưa ra nhận xét qua điện thoại khi được hãng tin Bloomberg phỏng vấn :  “Một số lãnh đạo chóp bu của Việt Nam muốn quan hệ thân cận hơn với Hoa Kỳ vì họ lo sợ Trung Quốc. Những người đó cho phép một số tờ báo đưa tin. Nhưng sau khi những tin đó dược tung ra, phe cánh sợ gây tổn hại đến mối quan hệ với Trung Quốc đã áp lực để lấy những bản tin đó xuống.”

Vụ xứ án gián điệp cho Trung Quốc diễn ra chỉ hai ngày sau khi Chủ Tịch Nước Trương Tấn Sang, bên lề cuộc họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, bình luận ngược lại của Chủ Tịch Tập Cận Bình cho rằng Trường Sa “thuộc về Trung Quốc từ thời xa xưa”.

Trong cuộc phỏng vấn của hãng thông tấn AP, ông Sang nói rằng Hoàng Sa và Trường Sa “thực sự thuộc về tổ quốc Việt Nam của chúng tôi”. Dịp này, ông còn tố cáo rằng “Trung Quốc bồi lấp, xây dựng trái phép đảo nhân tạo ở biển Đông là vi phạm luật pháp quốc tế, đe dọa an ninh hàng hải.”

Tin tức cho hay vào những ngày cuối năm nay, Hà Nội nhiều phần sẽ tiếp đón hai lãnh tụ hai cường quốc mạnh nhất hành tinh về cả kinh tế và quân sự là Hoa Kỳ và Trung Quốc. Tổng thống Barack Obama có thể đến Việt Nam vào dịp ông đến khu vực dự hội nghị thượng đỉnh APEC tại Manila vào các ngày 18 và 19 Tháng Mười Một.

Giữa Tháng Bảy, báo chí tại Việt Nam tường thuật cuộc viếng thăm của ông Trương Cao Lệ, phó thủ tướng Trung Quốc, tới Hà Nội để chuẩn bị cho cuộc thăm viếng Việt Nam của Chủ Tịch Tập Cận Bình, không thấy tiết lộ ngày giờ nhưng cũng vào dịp cuối năm nay.

Cuộc thăm viếng của ông Tập Cận Bình trước khi đảng CSVN mở đại hội đảng đầu năm 2016 bầu những chức vụ hàng đầu trong đảng và nhà nước, được nhận định là sẽ mang thông điệp về điều Bắc Kinh mong muốn về nhân sự chóp bu và hướng đi của đảng CSVN, trong mối quan hệ giữa hai nước và cả với Hoa Kỳ.

Tờ Channel News Asia của Singapore ngày 16 Tháng Bảy cũng lưu ý rằng, việc ông Trương Cao Lệ đi thăm Việt Nam ngay sau khi tổng bí thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng kết thúc chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ là “có dụng ý”.

Việc đưa một nhà báo bị cáo buộc làm gián điệp cho Trung Quốc ở thời điểm này hiển nhiên có chủ ý tính toán của Hà Nội kiểu “một mũi tên bắn hai con nhạn” trong chính sách ngoại giao đu dây từng bị tờ Hoàn Cầu Thời Báo ở Bắc Kinh nguyền rủa là sẽ vật ngược lại kẻ chủ xướng. (TN)






No comments:

Post a Comment