Tuesday, September 29, 2015

Việt Nam – Cuộc Chiến Leo Dốc (Trịnh Bình An giới thiệu)





Trịnh Bình An giới thiệu
Posted on September 26, 2015 by editor — 0 Comments

Cuộc Chiến Leo Dốc, là bản dịch cuốn “Uphill Battle” của Frank Scotton, do Tủ sách Tiếng Quê Hương (P.O. Box 4653, Falls Church, VA 22044, USA. Email: uyenthaodc@gmail.com )  xuất bản.

Nguồn: Texas Tech University Press / Ts Tiếng Quê Hương

“Uphill Battle: Reflections on Viet Nam Counterinsurgency” (Cuộc Chiến Leo Dốc: Suy nghiệm về Chiến tranh Chống du kích tại Việt Nam) là hồi ký của Frank Scotton. Ông đã đến làm việc tại Việt Nam từ năm 1962 đến 1975, hoạt động như một ký giả săn tin nhưng cũng nhận công tác biệt phái mỗi khi có yêu cầu của các cơ quan chính phủ Hoa Kỳ – như Phái Bộ Quân Viện MACV, Sở Tình Báo, Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ.

Frank Scotton đã đi khắp bốn vùng chiến thuật, tiếp xúc với người dân ở các thôn ấp, ngủ chung với Dân Vệ, vào các buôn làng Thượng để sinh hoạt với các dân tộc thiểu số. Nếu cảm thấy cần thiết, ông không ngần ngại tự lái xe đi qua những vùng không an ninh, hay nhảy trực thăng xuống một tiền đồn đang bị bao vây để tìm hiểu tình hình, có khi băng rừng qua những đường mòn không hề được vẽ trên bản đồ mà ở đó có thể bị chính “phe ta bắn lầm”.

Sách gồm 19 Chương: (1) Khởi đầu. (2) Thung lũng An Lão. (3) Tan rã. (4) Nền Đệ Nhất Cộng Hòa sụp đổ. (5) Thăm dò Ấp Long An. (6) Biệt kích nhân dân Quảng Ngãi. (7) Mở rộng và các vấn đề kiểm soát. (8) Nâng cấp các liên lạc Quận. (9) Viễn du từ Nhà đến Miền Trung. (10) Mâu thuẫn Bình Định. (11) Vai trò và Sứ mạng. (12) Hoạt động dân sự MACVCORDS. (13) Ở xa nhưng vẫn giữ liên lạc. (14) Borneo và trở lại Việt Nam. (15) Trụ sở trung ương MACVCORDS. (16) Những sự điều chỉnh. (17) Bầu cử, Cai quản & cuộc tấn công 1972 của Bắc Quân. (18) Điều đình, Ngưng bắn và Chiếm đất. (19) Nền Đệ Nhị Cộng Hòa tan rã và sụp đổ. Phụ Lục: Danh từ đặc biệt và chữ viết tắt.

Khác với nhiều người Mỹ đến làm việc tại Việt Nam, Frank cho rằng sự hãnh diện về khả năng và văn hóa của người Mỹ đã ngăn cản họ có cái nhìn đúng về người Việt Nam. Trước khi đặt chân đến Việt Nam, ông đã thuyết phục trung tâm quân sự Fort Bragg phải cho ông học tiếng Việt. Sau 3 năm ở Việt Nam, như tất cả mọi quân nhân Mỹ, Frank cảm thấy nhớ gia đình và bạn bè. Thế nhưng, ông không thể tưởng tượng được rằng vừa về đến Mỹ là ông lại đếm từng ngày để trở lại Việt Nam. Và ông đã phải gọi điện thoại cho một người bạn ở Hoa Thịnh Đốn để nhờ ông này gởi một điện tín về nhà yêu cầu Frank trở lại Việt Nam càng sớm càng tốt.

Theo tác giả, người Mỹ khi tham dự vào chiến trường Việt Nam đã chưa có suy nghĩ rõ rệt về đất nước này, cũng không ý thức được mức độ lớn lao của trách nhiệm họ nhận lãnh năm 1965 khi đưa quân vào Việt Nam. Người Mỹ đã không biết gì nhiều về đối phương, và những điều đã biết thì thường áp dụng… sai. Ví dụ như xử dụng danh từ “bình định” (pacification) của thực dân Pháp, rồi lại đổi bằng “tiến triển cách mạng”. Sự vụng về trong chữ nghĩa đã dẫn đến những hiểu lầm đáng tiếc [tác giả đề nghị chữ “phục hồi” – như trong trường hợp phục hồi một vùng do Mặt Trận Giải Phóng chiếm đóng trước đó]. Sai lầm này bắt nguồn tự sự ngần ngại đối phó với thượng cấp: một khi danh từ nào được chuẩn y từ cấp trên thì danh từ đó trở thành “thiêng liêng”!

Theo suy luận của Frank Scotton, người Mỹ (giữa thế kỷ 20) thường là những thợ mộc, thợ máy giỏi. Họ thích táy máy, thích sáng chế và thích cải thiện. Từ đó khi phải đối phó với du kích, nổi dậy… thì nghĩ rằng có thể giải quyết như với một cái máy. Đối với bạn đồng minh (Việt Nam Cộng Hòa), người Mỹ thường nản chí vì thấy họ thiếu khả năng hoặc không vui lòng áp dụng những điều được hướng dẫn. Người Mỹ cũng hân hoan ủng hộ những sáng kiến của bạn đồng minh, nhưng sau đó lại muốn chuyển đổi theo mô thức người Mỹ đưa ra.
Về sự sụp đổ của Nam Việt Nam, tác giả thẳng thắn bày tỏ:

“Mục đích của một cuộc chiến là bắt đối phương phải phục tòng ý mình. Mục đích của chúng ta ngay từ đầu là giữ vững miền Nam, không để miền Bắc thống nhất đất nước theo điều kiện Cộng sản. Sau nhiều năm chiến đấu, chúng ta đã ký một hiệp định cho phép quân đội miền Bắc hiện diện ở miền Nam. Chúng ta rút lui vì không còn ý chí. Chúng ta thua.”

Riêng đối với bạn đọc Việt Nam, Frank Scotton bày tỏ sự đắn đo khi quyết định cho dịch cuốn hồi ký qua tiếng Việt. Như một người thông thạo Việt ngữ, Frank hiểu chữ tiếng Việt thường có nhiều nghĩa khác nhau và khó nắm bắt với một vẻ “gần như lãng mạn”. Frank cũng hy vọng bạn đọc Việt sẽ không cảm thấy khó chịu vì những mô tả sự khiếm khuyết về phía Việt Nam vì ông cũng phê bình phía người Mỹ còn nặng nề hơn. Đối với ông, cách tốt nhất là thay vì đổ lỗi cho nhau thì nên cùng “tìm cách hiểu rõ bản thể bấp bênh của cuộc chiến, những lợi điểm của phía đối phương, và tất cả những điều chúng ta đã có thể làm hầu dẫn đến những kết quả tốt hơn”.

Về tác giả Frank Scotton | Đến Sài Gòn năm 1962 khi vừa 24 tuổi và mới gia nhập USIA (U.S. Information Agengy, cơ quan được thành lập năm 1953 với nhiệm vụ phổ biến các chương trình thông tin (USIS) ở các nước ngoài Hoa Kỳ nhằm chống lại thủ đoạn tuyên truyền của Cộng sản). Năm 1970, ông trở thành phụ tá điều hành của William Colby – Giám đốc chương trình CORDS (Civil Operations and Revolutionary Development Support). Hiện cư ngụ tại tiểu bang California.

Về dịch giả Phan Lê Dũng | Sinh năm 1963 tại Sài Gòn. Vượt biên 1978. Định cư Hoa Kỳ 1980. Đã viết bài cho báo Văn, Làng Văn (1985-1988), Hiệp Hội (1989-1997). Hiện cư ngụ tại tiểu bang Virginia. Các tác phẩm đã dịch và đăng báo: Trong Gọng Kềm Lịch Sử (In The Jaws of History – Bùi Diễm và David Chanoff) (1988); Nét Chấm Phá Của Bức Điêu Khắc Truyền Thần(The Chinese Mosaic – Betty Bao Lord) (1990).

Nếu đăng lại, xin đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”

Nguồn: Bài do tác giả gởi và đã đăng trên Tin Sách Số 14, http://vnlac.org . DCVOnlie biên tập, minh hoạ và phụ chú.

DCVOnline: Frank Scotton là nhân viên USIS tham gia sâu sát nhất trong chiến dịch Phụng Hoàng. Sau khi tốt nghiệp trường Cao đẳng Quan hệ Quốc tế của American University, Scotton được học bổng sau đại học của chính phủ Mỹ tại Trung tâm Đông-Tây ở Đại học Hawaii. Trong một cuộc phỏng vấn với Douglas Valentine, tác giả cuốn The Phoenix Program (1990, 2000), Scotton cho biết về Trung tâm Đông-Tây, do CIA tài trợ, như sau,
“Đó là một vỏ bọc cho một chương trình ở Hawaii huấn luyện những người vùng Đông Nam Á để trở lại hoạt động ở Việt Nam, Campuchia và Lào hầu tạo ra mạng lưới gián điệp.”

Sau khi đỗ kỳ sát hạch công tác ngoại giao, Scotton được cấp trên thuyết phục đi làm việc cho USIS, một cơ quan có “quan hệ với người,” không giống như Bộ Ngoại giao chỉ “quan sát từ xa”. (Nguồn: Douglas, Valentine, Interview with Frank Scotton, July 1986.)

Frank Scotton là cha đẻ của chương trình Đơn vị Trinh sát Tỉnh (Provincial Reconnaissance Units, PRUs), tiền thân của Chiến dịch Phụng Hoàng. Frank Scotton đã làm việc chặt chẽ trong nhiều năm với John Paul Vann, sĩ quan tuyên truyền nổi tiếng của CIA nhằm giảm uy tín của quân giải phóng miền Nam nói riêng và và các bài báo phản đối sự can thiệp của Mỹ trên báo chí Hoa Kỳ. (Nguồn: Ngo Vinh Long, “The CIA and the Vietnam Debacle” in Uncloaking the CIA, ed. Howard Frazier – New York: The Free Press, 1978, p. 72.)


---------------------

HOÀNG NHẤT PHƯƠNG         SEPTEMBER 15, 2015 00:00 CT
.                                
VATVOnline  phỏng vấn Phan Lê Dũng   Sep 29, 2015









No comments:

Post a Comment