Wednesday, September 23, 2015

Vì sao Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vẫn ‘quyết liệt’ ủng hộ Formosa Hà Tĩnh? (Lê Anh Hùng)





22.09.2015

Thủ tướng Việt Nam dự lễ cắt băng khánh thành một tổ máy đốt than của nhà máy nhiệt điện Formosa ngày 17/9

Formosa Hà Tĩnh, do tập đoàn Formosa đầu tư tại Hà Tĩnh, một tỉnh nghèo nằm ở phía bắc miền Trung, là một dự án đầy tai tiếng và mờ ám, khiến dư luận hết sức bức xúc và bất an suốt mấy năm qua:

Một doanh nghiệp Trung Quốc[i] được giao một phần lãnh thổ lên tới 3.300ha (bằng 1,2 lần diện tích Macao), bao gồm cả cảng nước sâu Sơn Dương, ở dưới chân Đèo Ngang, một vị trí cực kỳ xung yếu về an ninh – quốc phòng; [ii]

Hai văn bản quyết định đưa đến sự ra đời của dự án này đều do Phó Thủ tướng gốc Tàu Hoàng Trung Hải thay mặt Thủ tướng ký: Công văn số 323/TTg-QHQT ngày 4/3/2008 “đồng ý chủ trương cho Tập đoàn công nghiệp nặng Formosa - Đài Loan lập Dự án đầu tư nhà máy liên hợp luyện thép và cảng nước sâu Sơn Dương tại Khu kinh tế Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh” và Công văn số 869/TTg-QHQT ngày 6/6/2008 “đồng ý việc Tập đoàn công nghiệp nặng Formosa thực hiện dự án đầu tư xây dựng khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương tại Khu Kinh tế Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh”;

Formosa Plastic Group, chủ đầu tư dự án Formosa Hà Tĩnh, là một tập đoàn Đài Loan - Trung Quốc chưa hề có kinh nghiệm gì về sản xuất gang thép.

Formosa Hà Tĩnh là dự án đầu tư nước ngoài được cả chính phủ trung ương lẫn chính quyền địa phương dành cho sự ưu đãi “vô tiền khoáng hậu”:  thời hạn thuê đất là 70 năm, vượt quá 20 năm so với quy định của Luật Đất đai năm 2003; miễn tiền thuê đất trong thời hạn 15 năm và chỉ thu tiền thuê đất trong thời hạn 55 năm với giá rẻ mạt (80 đồng/m2/năm, giá thuê mặt nước là 10 triệu đồng/km2/năm); miễn thuế đối với các mặt hàng tạm nhập tái xuất; miễn thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng tạo tài sản cố định; được Thủ tướng Chính phủ cho phép hưởng thuế thu nhập doanh nghiệp ở mức ưu đãi cao nhất: chỉ 10% trong suốt thời gian thực hiện dự án (thuế suất thuế TNDN năm 2008 là 28%), miễn bốn năm đầu và giảm 50% trong chín năm tiếp theo; được nâng giới hạn cấp tín dụng lên 4 lần vốn tự có (coi như là được kinh doanh bằng vốn của Việt Nam); (…);

Formosa Hà Tĩnh đã cho xây dựng những công trình đáng ngờ nhưhầm ngầm hay cả toà nhà đúc bằng bê tông cực kỳ kiên cố, không có lấy một viên gạch nào;

PTT Hoàng Trung Hải đã cho phép Formosa Hà Tĩnh hoàn tất các thủ tục theo quy định để thực hiện đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân và hộ gia đình công nhân thuê hoặc mua; còn Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thì đồng ý cấp cho Hà Tĩnh gần 300 tỷ đồng từ ngân sách trung ương để hỗ trợ dự án xây nhà ở cho công nhân, đặc biệt là hàng nghìn công nhân Trung Quốc, của BQL Khu kinh tế Vũng Áng.

Nhiều chuyên gia kinh tế đã lên tiếng cảnh báo về sự biệt đãi mà chính phủ Việt Nam dành cho Formosa Hà Tĩnh, một dự án như bao nhà máy khác của ngành công nghiệp thép vốn đang dư thừa công suất ở Việt Nam, tức là chỉ cán thép chứ không phải là luyện kim, khâu khó nhất trong ngành thép mà VN đang thiếu. Một khi Formosa Hà Tĩnh đi vào hoạt động thì hàng loạt doanh nghiệp thép trong nước đứng trước nguy cơ bị khai tử vì phải cạnh tranh trên một sân chơi không bình đẳng.

Bất chấp phản ứng gay gắt của dư luận trên cả báo chí “lề đảng” lẫn “lề dân”, cả PTT Hoàng Trung Hải lẫn Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đều tiếp tục thể hiện sự ủng hộ trước sau như một của họ đối với dự án Formosa Hà Tĩnh.

Mặc dù Thanh tra Chính phủ đã kết luận rằng việc chính quyền Hà Tĩnh cho Formosa Hà Tĩnh thuê đất trong thời hạn 70 năm là trái quy định của pháp luật, song Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vẫn đồng ý bảo lưu, không xét lại việc chính quyền địa phương nâng thời hạn giấy phép từ 50 năm lên 70 năm một cách trái pháp luật.

Theo VTV, trong chuyến thăm Formosa Hà Tĩnh ngày 17/9 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã “khẳng định sự ủng hộ của Chính phủ đối với việc Tập đoàn này xây dựng một nhà máy lọc hóa dầu có công suất tới 16 triệu tấn, với vốn đầu tư trên 12 tỷ USD tại Khu kinh tế Vũng Áng, cũng nhưtiếp tục tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để Khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương Formosa thành công”.

Chưa hết, cho dù bận trăm công ngàn việc “quốc gia đại sự” trên cương vị đứng đầu bộ máy hành pháp của một quốc gia 90 triệu dân, song dường như để thể hiện sự ủng hộ quyết liệt của mình, ngài Thủ tướng Việt Nam vẫn dành thời gian thân chinh tới dự lễ… khánh thành một tổ máy đốt than của Nhà máy Nhiệt điện Formosa, một “biểu tượng” cho tinh thần “độc lập - tự chủ” của “đặc khu Trung Quốc” mang tên Formosa Hà Tĩnh.

Với những gì nêu trên và đặc biệt là trong bối cảnh Trung Quốc đang ngày càng tỏ rõ tham vọng bành trướng vốn đã kìm nén bấy lâu (như việc đưa giàn khoan HD-981 vào sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, không ngừng bồi đắp các đảo đá mà họ xâm chiếm của VN ở Trường Sa, biến chúng thành những căn cứ quân sự liên hoàn, v.v.), dư luận hoàn toàn có quyền đặt câu hỏi: Vì sao Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vẫn “quyết liệt” ủng hộ một dự án đầy tai tiếng và mờ ám như Formosa Hà Tĩnh?
______________

Ghi chú:

[i] Chính phủ Việt Nam vẫn coi Đài Loan là một vùng lãnh thổ thuộc Trung Quốc. Ngoài ra, theo chuyên trang Steel First ngày 4/10/2013 thì cả 4 công ty con của Formsa Plastic Group tham gia góp vốn vào dự án Formosa Hà Tĩnh – Formosa Plastics Corp, Nan Ya Plastics Corp, Formosa Chemicals & Fibre Corp và Formosa Petrochemical Corp – đều đã quyết định giảm cổ phần tại Formsa Hà Tĩnh từ 21.25% mỗi công ty xuống còn 14.75%. Trang mạng này còn đưa tin là một quan chức của Formosa Hà Tĩnh đã cho họ biết: “Mọi cán bộ công nhân viên của Formosa Hà Tĩnh đều bị cấm đưa ra bất kỳ bình luận nào với công chúng về việc chuyển nhượng cổ phần”. Họ đã và sẽ tiếp tục chuyển nhượng cho ai thì có Trời mới biết.

[ii] Vũng Áng nằm ngay dưới chân Đèo Ngang, nơi có địa hình vừa hiểm trở vừa gần như hẹp nhất Việt Nam, chỉ cần một lực lượng quân sự nhỏ là đủ sức chia cắt đất nước thành hai phần. Đặc biệt, cảng nước sâu Sơn Dương được coi là một trong 4 yếu huyệt của Việt Nam trên Biển Đông, cùng với Cam Ranh, Nam Du và Côn Đảo. Một khi có biến, với căn cứ quân sự trá hình của Trung Quốc ở Vũng Áng và căn cứ quân sự Tam Á trên đảo Hải Nam cách đấy không xa, Việt Nam dễ dàng bị chia cắt cả về đường bộ lẫn đường biển tại vị trí yết hầu này.

*Bài liên quan:
  1. Trung Nam Hải đang toan tính gì với con bài Nguyễn Tấn Dũng? (VOA)
  2. Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân và hiểm họa mất nước (VOA)

----------------------------------
*Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.




No comments:

Post a Comment