Wednesday, September 2, 2015

Vấn nạn Giáo dục: Nguyên nhân và Hậu quả (Nguyễn Quang Dy - Viet Studies)





Nguyễn Quang Dy
Viet Studies  2-9-2015

“Người ta không thể giải quyết được vấn đề bằng chính tư duy đã tạo ra nó” (Albert Einstein)

Tôi dùng chữ “vấn nạn” cho dễ nghe, chứ các chuyên gia giáo dục lâu nay dùng chữ “khủng hoảng” để mô tả thực trạng giáo dục hiện nay. Thực ra câu chữ không quan trọng lắm, khi mọi người đã thấy rõ bức tranh toàn cảnh. Nếu vấn nạn giao thông, hay vấn nạn y tế, có thể gây ra “đột tử” cho hàng trăm sinh mạng, thì vấn nạn giáo dục có thể gây ra “đẳng tử” (chết từ từ) cho một thế hệ (về dân trí). Vậy cái chết nào nguy hiểm hơn?

Vòng tròn luẩn quẩn

Không có chủ đề nào được bàn luận nhiều và lâu như chủ đề giáo dục. Hàng năm, cứ đến mùa thi cử, như “đến hẹn lại lên”, cả nước lại ồn ào tranh cãi về thi cử và tuyển sinh, để rồi năm sau vẫn lặp lại như cũ, với một bức tranh đa dạng hơn, và tồi tệ hơn. Năm này qua năm khác, 5 năm, 10 năm, 20 năm, hay lâu hơn nữa, như một cái vòng tròn luẩn quẩn.

Năm nay có một cháu nhỏ 12 tuổi bạo mồm gọi giáo dục là “thối nát”, và một bạn trẻ bạo gan đeo biển “học sinh không phải là chuột bạch” đứng bên cổng Bộ Giáo Dục chụp ảnh để đưa lên mạng. Có người đòi thay bộ trưởng giáo dục, hoặc thay cục trưởng khảo thí. Thực ra thay bộ trưởng giáo dục nhiều lần rồi, ông nào lên cũng hứa hẹn và chém gió rất ghê, nhưng đâu lại vào đấy. Thay người mà không đổi mới cơ chế và tư duy thì cũng vô nghĩa.

Tôi nhớ cách đây lâu lắm rồi, có một vị lãnh đạo cao cấp (hình như là cố thủ tướng Phạm Văn Đồng đáng kính) đã có một nhận xét đầy ấn tượng là “chất lượng giáo dục nước ta rớt nhanh như nhảy dù”. Eo ôi! Không biết bây giờ dù đã rớt đến đâu? Việt Nam có rất nhiều trường đại học nhưng tại sao chẳng có lấy một trường nào lọt được vào danh sách được xếp hạng trong khu vực? Câu chuyện tụt hậu về kinh tế (bao nhiêu năm so với các nước khác) chẳng lẽ không liên quan gì đến tụt hậu về chất lượng giáo dục và đào tạo?

Câu chuyện bạo lực học đường, bạo lực xã hội, đâm chém nhau ngày càng man rợ như thời nguyên thủy, chẳng lẽ không liên quan gì đến dân trí và văn hóa, giáo dục? Tôi nhớ cách đây không lâu, các vị phụ huynh đáng kính đã đạp đổ cổng trường Thực nghiệm để xông vào xin học cho con. Hình ảnh độc đáo đó (không khác gì cảnh tấn công Cung điện Mùa đông thời cách mạng Nga) cần phải đưa vào Guinness Book of World Records. Đó là nhân quả.  

Tại sao nhiều sách có ích cho dân trí thì bị kiểm duyệt và cấm đoán, trong khi những sách nhảm nhí có hại (như dạy trẻ đi trên thủy tinh vỡ) thì được xuất bản? Nói đến giáo dục là nói đến dân trí, văn hóa, đạo đức, tinh thần. Suy thoái về kinh tế, tụt hậu về công nghệ (hard power) có thể phục hồi trong một hai chục năm, nhưng suy thoái về dân trí, văn hóa, đạo đức, tinh thần (soft power) thì phải mất một hai thế hệ (hoặc không bao giờ). Nhân nào thì quả ấy!

Bất cập và phân liệt

Không phải chỉ có ngành giáo dục, mà ngành nào cũng vậy, giống như hài kịch đầu năm khi “các táo quân” lên trời báo cáo thành tích (nói về vấn nạn của ngành mình). Nhưng chỉ kêu ca, phê phán và đổ lỗi cho nhau, thì không thể thay đổi được nguyên trạng. Một xã hội hay một nền kinh tế bất cập, chẳng ăn nhập gì với nhau, thì không thể hội nhập, mà chỉ phân liệt (dysfunctional). Năm nay, tại Diễn đàn Kinh tế Mùa thu, như “đến hẹn lại lên”, các chuyên gia kinh tế hàng đầu lại lên tiếng phê phán thực trạng đáng lo ngại của nền kinh tế, (xin trích dẫn):   
 “Không nên nói nguy cơ tụt hậu vì chúng ta đã tụt hậu rồi… Năng lực hội nhập rất là kém… Chỉ khoảng 30% doanh nghiệp hiểu đôi chút về hội nhập…” (Nguyễn Đình Cung)
“Người Việt Nam chém gió trong nước rất giỏi. Lãnh đạo còn chém gió giỏi hơn bọn tôi. Nhưng ra nước ngoài thì hầu hết là im hơi lặng tiếng…” (Võ Trí Thành)

“Thằng đàm phán cứ đàm phán, còn thằng ở nhà chẳng chuẩn bị gì cả…” (Trương Đình Tuyển).

“Chủ động hội nhập là nói cho vui thôi… Chỉ có doanh nghiệp nhỏ thì hạm đội thuyền thúng không thể nào ra khơi được… Một nền kinh tế bất ổn mà chúng ta cứ ham rẻ ôm lấy TQ tức là ôm lấy cái bất ổn…” (Trần Đình Thiên)

Nhưng có một điều nữa đáng buồn là các chuyên gia kinh tế chỉ phê phán sự bất ổn về thể chế (không sai), nhưng không đề cập đến bất ổn về nguồn nhân lực (không đủ). Với định hướng nhầm lẫn (bên trên), với dân trí thấp (bên dưới), với văn hóa chụp giật (của các nhóm lợi ích) thì lấy đâu ra nguồn nhân lực chất lượng cao để hội nhập quốc tế? Trung Quốc đã cất cánh về kinh tế vì cách đây hơn 20 năm, họ đã quyết liệt đầu tư lớn cho giáo dục đại học, đặc biệt là các trường đứng đầu (như Thanh Hoa, Bắc Kinh) để đạt đẳng cấp quốc tế (world class). Ngoài việc đổi mới thể chế, thì nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là yếu tố sống còn để phát triển.

Nói như vậy để thấy sự bất cập trong cơ chế quản trị đất nước. Thằng nào biết việc thằng ấy. Tao nói tao nghe, mày nói mày nghe. Chẳng ăn nhập gì với nhau. Có ông giáo dục nào đến dự Diễn đàn Kinh tế Mùa thu không? Các nhà kinh tế, các nhà hội nhập có “đặt hàng” với các nhà giáo dục không? Tại sao 40% sinh viên tốt nghiệp không có việc làm, hoặc không làm được việc? Chẳng lẽ suy thoái và tụt hậu về kinh tế không liên quan gì đến ngành giáo dục – đào tạo. Chẳng lẽ suy thoái và khủng hoảng về đạo đức và nhân cách, tình trạng vô cảm và bạo lực đến mức báo động hiện nay trong xã hội không liên quan gì đến ngành giáo dục, hay ngành văn hóa tư tưởng? Từng ngành đã yếu, sự phối hợp giữa các ngành lại càng yếu. Cơ chế quản trị nhà nước đã bất ổn, nhưng tình trạng dân trí càng bất ổn hơn. Ông Trần Đình Thiên phán, “hội nhập là nói cho vui thôi” (cũng đúng), vì chẳng có thằng nào nghiêm túc cả (trừ việc kiếm tiền cho mình). 

Hãy thử xem lại một ví dụ về “cải cách giáo dục” (như case study):  

Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020

Năm 2008, Bộ Giáo dục tổ chức đối thoại trực tuyến với thái độ rất cầu thị, thừa nhận sai lầm trong chương trình dạy ngoại ngữ lâu nay và hứa sẽ cải tổ. Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã ký quyết định số 1400/QĐ-TTg, ngày 30/9/2008, duyệt kinh phí 10,000 tỷ đồng (trời phật ơi!) cho “Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 – 2020” (gọi tắt là Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020). Chương trình này theo “khung chuẩn châu Âu” (tại sao?) để đến năm 2020 “đa số thanh niên Việt Nam có đủ năng lực ngoại ngữ, biến ngoại ngữ thành thế mạnh phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước…” (thật à?). Nếu quả đúng như vậy, thì Việt Nam sẽ vượt Singapore là cái chắc!

Trong khuôn khổ triển khai đề án quốc gia đó, các tỉnh tranh thủ “tát nước theo mưa”.  Ví dụ, Long An duyệt chi 437 tỉ đồng, Kon Tum duyệt chi 135 tỉ đồng, Đà Nẵng duyệt chi 140 tỉ đồng. Không biết vì sao lại cần ngần ấy kinh phí, chẳng khác gì phong trào xây tượng đài. Nghệ An đã đầu tư nhiều tỉ đồng cho 8 phòng học ngoại ngữ theo kiểu chuyên dụng (mà không thực sự cần). Sau 7 năm (kể từ khi ký duyệt) hay 5 năm kể từ khi bắt đầu triển khai giai đoạn hai (2011-2015), bức tranh toàn cảnh về đề án này dần dần lộ rõ, làm dư luận rất bức xúc về tính hiệu quả, thậm chí nhiều người đặt nghi vấn về động cơ và sự lãng phí khi triển khai đề án. Theo các chuyên gia,cách dạy và học ngoại ngữ của đề án này “không giống ai”, cả giáo viên lẫn học sinh đều không muốn tham gia chương trình thí điểm dạy và học tiếng Anh nhàm chán này. 

Trong khi đó, trẻ em người Mông ở Sa Pa học nói tiếng Anh nhanh hơn, có nhiều đứa nói lưu loát, mà không có lớp học, không có kinh phí, không có sách giáo khoa, không có giáo viên, mà chỉ học lỏm qua tiếp xúc với khách du lịch. Không phải chỉ có trẻ em, mà cả người lớn cũng học nói tiếng Anh để giao tiếp với khách quốc tế, và làm hướng dẫn du lịch. Nghe nói, người Mông hiện nay nói tiếng Anh sõi hơn là nói tiếng Kinh. Phải chăng người Mông đang hội nhập quốc tế nhanh hơn học sinh Hà Nội, mà chẳng cần Đề án Ngoại ngữ Quốc gia nào giúp.

Một ví dụ khác là bạn Võ Thị Mỹ Linh (sinh 1989). Để học tiếng Anh, Mỹ Linh đã đi du lịch (tới Nepal), để học qua thực tế cuộc sống (constructionism) và qua giao tiếp với người nước ngoài (international exposure). Mỹ Linh còn bạo gan gửi thư cho Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, để góp ý về cách dạy và học tiếng Anh. Cô gái trẻ nhận xét, “Để dạy học sinh Việt Nam hiểu tiếng Anh, các nhà soạn sách giáo khoa Việt Nam đã soạn ra những đoạn hội thoại chẳng có ý nghĩa gì và bắt học sinh học đoạn hội thoại đó để ứng dụng như một con vẹt…”

Mỹ Linh chia sẻ quan điểm, “Nhưng tôi không đổ lỗi tôi dốt tiếng Anh là tại Bộ trưởng hay tại giáo dục Việt Nam. Tôi không có thói quen đổ lỗi cho ai đó. Nếu có, tôi đổ lỗi cho chính mình trước… Các bạn muốn tiến bộ thì phải tự mình thay đổi bản thân. Các bạn muốn chỉ trích ai thì hãy chỉ trích mình trước. Các bạn muốn người ta thay đổi thì phải thay đổi bản thân mình trước. Đừng đỗ lỗi cho bất cứ ai, khi mà chính bạn không làm chủ được cuộc đời bạn…”

Người Mông ở miền ngược, và bạn Mỹ Linh ở miền xuôi là những ví dụ sống động về người dân biết thân biết phận, đang cố gắng làm chủ cuộc đời mình, bằng cách học tiếng Anh để kiếm sống và hội nhập quốc tế, mà chẳng cần đến Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020 của Bộ GD&ĐT. Những câu chuyện này chẳng ăn nhập gì cả. Có điều gì đó bất ổn.

Hãy thử đặt ra vài câu hỏi về đề án trị giá 10,000 tỷ đồng này:

  • Tại sao phải chi đến 10,000 tỷ đồng (gần 500 triệu USD)? Việc cải tổ cách dạy tiếng Anh là rất cần, nhưng có cần đến một kinh phí lớn như vậy không, khi VN còn nghèo và kinh tế đang khủng hoảng. Số tiền đó đủ để lập 5 trường đại học quốc tế (như Fulbright). Ông Lý Quang Diệu chắc cũng không dám chi như vậy, tuy ông ấy kêu gọi học tiếng Anh như là vấn đề số một để phát triển và Singapore là một nước giàu. Người ta có cảm tưởng tư duy về dự án này cũng giống như dự án làm tượng đài Cụ Hồ ở Sơn La.

  • Nhưng vấn đề không phải là mất bao nhiêu tiền, mà sẽ đạt được cái gì. Ai dám đảm bảo đề án này sẽ đạt được mục tiêu đề ra là cải tổ được cách dạy tiếng Anh, để có đủ nhân tài cho hội nhập quốc tế. Đề án đã đi được nửa đường, có đánh giá giữa kỳ không? (mid-term review), có thuê tư vấn độc lập (third-party independent) đánh giá không? Đã có ai tổng kết xem có bao nhiêu đề án cải cách giáo dục thành công, thất bại, và tại sao?  

  • Tại sao lại lấy “khung chuẩn châu Âu” cho dạy tiếng Anh? Chuẩn châu Âu là chuẩn gì? Tại sao dạy tiếng Anh không theo chuẩn Anh, Mỹ, Úc, Canada, mà lại theo chuẩn châu Âu? Tại sao lúc thì theo “mô hình Columbia”, lúc thì theo “chuẩn châu Âu”? Mấy cái chuẩn này ăn nhập thế nào với “chuẩn Việt Nam” và thực tế Viêt Nam? Hay lại “xôi hỏng bỏng không” và “tiền mất tật mang” (nhưng “tiền thày bỏ túi”)

  • Cuối cùng, ai sẽ chịu trách nhiệm về đề án này, nếu nó thất bại (như các đề án khác)? Ông Nguyễn Thiện Nhân là người ký duyệt, vậy ông ấy còn chịu trách nhiệm không, hay bây giờ chuyển sang phụ trách Mặt trận Tổ quốc thì hết trách nhiệm? Nếu thắng lợi thì chắc nhiều người nhận trách nhiệm, nhưng nếu thất bại thì ai chịu? Hay lại “kiểm điểm nghiêm túc để rút kinh nghiệm”, rồi đâu lại vào đấy, như một cái vòng luẩn quẩn. 

  • Nếu không thạo tiếng Anh, thì lấy cái gì để hội nhập quốc tế? Chẳng lẽ lấy “Hán Nôm” và “hạm đội thuyền thúng” để hội nhập? Làm cái gì (hoc tiếng Anh) là cần thiết, nhưng làm thế nào (how) và làm vì động cơ gì (motivation) còn quan trọng hơn.  

Nhân quả của vấn nạn giáo dục

Ai cũng hiểu giáo dục là vấn đề số một để phát triển (hay tụt hậu). Nước nào giáo dục cũng có vấn đề, cũng phải cải cách. Nước Mỹ dưới thời tổng thống Bill Clinton, nếu không cải cách giáo dục (vào nhiệm kỳ một) thì kinh tế không thể phát triển (vào nhiệm kỳ hai). Bill Clinton được người dân ủng hộ (mặc dù bê bối tình dục) một phần là do kinh tế phát triển tốt (nhờ hệ quả của cải cách giáo dục). Hillary Clinton đã có đóng góp đáng kể vào cải cách giáo dục (khi là đệ nhất phu nhân). Các nước Bắc Âu tuy nhỏ, nhưng kinh tế rất phát triển, văn hóa và phuc lợi xã hội rất cao, bởi vì cách đây hai thập niên họ đã cải cách giáo dục thành công.

Chỉ có điều là họ cải cách nghiêm túc (làm thật) nên đầu tư đúng chỗ và hiệu quả, còn chúng ta cải cách không nghiêm túc (làm trò), nên đầu tư thường sai chỗ và không hiệu quả. Dòng tiền đầu tư, cả ngân sách nhà nước lẫn vốn vay nước ngoài (ODA) không phải nhỏ, nhưng thất thoát quá nhiều (nay vẫn chưa bạch hóa được). Không biết người dân được thụ hưởng bao nhiêu từ các dự án, còn bao nhiêu chạy vào túi các nhóm lợi ích. Tham nhũng giáo dục là loại tham nhũng tồi tệ nhất, vì nó hủy hoại dân trí và tinh thần (là sức mạnh mềm) của dân tộc.

Không phải chỉ riêng ngành giáo dục phải chịu trách nhiệm, mà các ngành khác (stakeholders) và cả các nhà tài trợ quốc tế (donors) cũng phải chịu một phần trách nhiệm. Cuối cùng, người dân phải còng lưng đóng thuế, nhưng không được hưởng một nền giáo dục tử tế. Chỉ có các quan chức tham nhũng và các doanh nhân giàu có mới đủ tiền cho con đi học nước ngoài, hay học tại các trường quốc tế đắt tiền trong nước. Xóa đói giảm nghèo chỉ là khẩu hiệu. Trong khi ngân sách và tài trợ quốc tế được chi tiêu hoang phí cho các dự án vô bổ, thì trẻ em vùng cao vùng xa không đủ ăn, đủ mặc, và bị thất học. Khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn.

Sau nhiều chương trình cải cách ầm ỹ, và nhiều “đề án quốc gia” hoành tráng, được vẽ ra để lấy kinh phí, nhưng rồi “đầu voi đuôi chuột”, đâu lại hoàn đấy. Hàng năm, hơn 40% sinh viên tốt nghiệp đại học không có việc làm, hoặc không làm được việc, vì chất lượng đào tạo quá thấp và xa rời thực tế, không đáp ứng được yêu cầu thị trường. Kết cục, sinh viên tốt nghiệp thì thừa, mà các doanh nghiệp vẫn thiếu người làm. Vậy thì làm sao hội nhập được quốc tế, đáp ứng được các tiêu chí cơ bản của WTO hay TPP? Người Việt nổi tiếng thông minh, cần cù, hiếu học, lại đẻ nhiều (hơn 90 triệu dân). Một cái “mỏ người” quý như vậy mà chưa biết đường khai thác, 40 năm sau vẫn nghèo hèn, đi vay nợ, và đi làm cu li cho thiên hạ…

Chúng ta đã nói nhiều về cái ngọn của giáo dục (là hiện trạng) nhưng chưa nói đủ về cái gốc (là nguyên nhân).
Thứ nhất, nếu không thoát khỏi hệ tư tưởng lỗi thời (Mác-Lê-Mao) giáo điều và hủ nho, không tôn trọng trí thức, thì không thể nâng cao dân trí. Mọi cố gắng cải cách giáo dục chỉ chạy lòng vòng luẩn quẩn, như dậm chân tại chỗ.

Thứ hai, nếu không bỏ tư tưởng cực đoan, độc đoán và duy ý chí, thì không thể bỏ được độc quyền giáo dục. Độc quyền sách giáo khoa là một biểu hiện thao túng của nhóm lợi ích, được hệ thống độc quyền bảo kê. Không cởi trói được dân trí, để xây dựng một xã hội công dân, thì không thể nâng cao chất lượng giáo dục. “Xã hội hóa” chỉ là khẩu hiệu suông.

Thứ ba, không thể cải cách giáo dục, nếu không đổi mới tư duy. “Kiên cố hóa trường học” là một khẩu hiệu nhầm lẫn, vì cái lõi của giáo dục không phải là phần cứng (hardware) mà là phần mềm (software). Melinda Gates nói, “Chỉ trang bị cơ sở vật chất đơn thuần không giải quyết được những vấn đề giảng dạy…”. Còn cụ Socrates thì nói, “Giáo dục không phải là đổ đầy bình, mà là châm một ngọn lửa…

Những tia hy vọng

Về kinh tế, trong khi hàng trăm ngàn doanh nghiệp bị chết lâm sàng hay đóng cửa vì thua lỗ và phá sản, thì một số doanh nghiệp tư nhân vẫn lặng lẽ tồn tại, phát triển, và có thể hội nhập quốc tế, mà chẳng cần nhà nước hỗ trợ. Họ mua lại tài sản của các doanh nghiệp thua lỗ (M&A) và tái cấu trúc (restructuring) để biến lỗ thành lãi (turn around). Họ không trốn thuế mà đóng thuế đàng hoàng, thậm chí còn làm từ thiện vì trách nhiệm xã hội. Họ thành công không phải vì được đào tạo bài bản, hay nhờ trời gặp may, hay dựa được vào nhóm lợi ích nào, mà chủ yếu là tự học hỏi và biết đổi mới tư duy. Họ biết cách thoát khỏi “Biển Đỏ” (Red Ocean) và tìm đến “Biển Xanh” (Blue Ocean) để hóa giải cạnh tranh bằng đổi mới công nghệ và sản phẩm. Các nhà kinh tế cũng chẳng biết đến họ. CIEM hay VCCI cũng chẳng giúp gì cho họ. Đó là những điểm sáng le lói trong đám sương mù dày đặc của bức tranh kinh tế hiện nay.

Về giáo dục, dự án Đại học Fulbright hiện nay là một điểm sáng về giáo dục (center of excellence), dựa trên chương trình FETP (đào tạo sau đại học) làm nòng cốt. Đại học Fulbright là biểu tượng cho quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Mỹ-Việt (về giáo dục), được chính phủ 2 nước ủng hộ mạnh, cả về chính trị lẫn tài chính (mô hình đại học phi lợi nhuận). Chắc Bộ GD&ĐT còn nhớ đã suýt nữa xóa sổ chương trình FETP (bằng cách không gia hạn giấy phép) vì nó độc lập (cứng đầu), không chịu làm theo “kiểu VN” (đã thành lệ). Trong khi đó, Đại học RMIT (Australia), trường quốc tế UNIS (LHQ), trường quốc tế Yersin (France), là mô hình “nhập khẩu giáo dục” thì không bị Bộ GD&ĐT “quản lý hành chính”.  

Ngoài những trường quốc tế nói trên được các chính phủ và tổ chức quốc tế bảo trợ, còn có một số trường tư thục do các nhà đầu tư trong nước, hay liên doanh với nước ngoài lập ra, trong đó có một số trường có chất lượng tốt và thành công, như đại học Hoa Sen (Sài Gòn), đại học Thăng Long (Hà Nội), trường quốc tế Hà Nội,v.v. Một số dự án đại học đầy tham vọng khác, như đại học Tân Tạo (Long An) không thành công vì duy ý chí và nhầm lẫn về mô hình và định hướng. Ngoài ra, còn có một số trường “quốc tế dổm” (treo đầu dê, bán thịt chó) theo kiểu đánh quả. Việc cấp phép và mở trường tràn lan trong quá trình tư nhân hóa (hay “xã hội hóa giáo dục”) theo kinh tế thị trường, đã làm sân chơi giáo dục đông hơn, nhưng chất lượng giáo dục tụt hậu.

Một số dự án giáo dục phi lợi nhuận như nhóm “Cánh Buồm”, nghiên cứu làm sách giáo khoa phổ thông, theo hướng thí điểm để đổi mới giáo dục, trên tinh thần “xã hội hóa”, đóng góp cho một xã hội dân sự, thì gặp rất nhiều khó khăn về kinh phí và nguồn lực, chỉ có một số người và một số tổ chức hỗ trợ (rất hạn hẹp). Trong bức tranh ảm đạm của giáo dục hiện nay, những đốm sáng như trên thật đáng quý. Đừng nên bắt bẻ, chê bai, chèn ép họ, mà hãy cởi trói và mở cửa rộng hơn để giúp những dự án tử tế đóng góp một phần cho một xã hội tử tế hơn. 

NQD. 2/9/2015.

Tác giả gửi cho viet-studies ngày 2-9-15








No comments:

Post a Comment