Wednesday, September 30, 2015

Tội phạm Ba Sàm, pháp luật ba xạo (Người Buôn Gió)





Thứ Hai, ngày 28 tháng 9 năm 2015

Ngày 6 tháng 2 năm 2015 Viện Kiểm Sát tối cao của nước CHXHCN Việt Nam đã ra bản cáo trạng số 05 đề nghị truy tố nhà báo tự do Nguyễn Hữu Vinh (tức Ba Sàm) cùng với người đồng phạm nữ là Nguyễn Thị Minh Thuý.

Bản cáo trạng kết luận căn cứ kết luận điều tra của cơ quan an ninh để truy tố hai người này vào điều 258 của bộ luật hình sự Việt Nam hiện nay.

Nhưng cho đến những ngay cuối cùng của tháng 9 năm 2105, tức 8 tháng sau khi có bản cáo trạng này. Phiên toà xét xử hai người trên vẫn chưa được tiến hành.

Nguyên nhân là do toà án trả hồ sơ đòi viện kiểm sát làm lại hồ sơ vụ án. Cũng như trước đó viện kiểm sát đã trả lại hồ sơ cho cơ quan an ninh điều tra. Việc trả đi, trả lại hồ sơ vụ án để bổ sung cứ diễn ra hết từ cấp này đến cấp khác, hết lần này đến lần khác. Dẫn đến là hai bị cáo này bị tạm giam đã 17 tháng mà chưa được xét xử.

Theo như cáo trạng thì anh Vinh và chị Thuý bị kết vào khoản 2 điều 258, có khung hình phạt từ 2 đến 7 năm. Đây là dạng tội phạm nghiêm trọng theo luật gọi. Điều 120 của luật tố tụng hình sự quy định về thời hạn tạm giam tối đa cho tội nghiêm trọng là.
–  Đối với tội phạm nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam hai lần, lần thứ nhất không quá hai tháng và lần thứ hai không quá một tháng;

Nếu như vậy thì tổng thời hạn tạm giam của vụ án này sẽ là 3 tháng đầu tiên, 2 tháng gia hạn lần thứ nhất, một tháng gia hạn lần thứ hai. Tổng thời hạn tạm giam sẽ là 6 tháng.

Nhưng đến nay hai người này đã bị tạm giam 17 tháng mà vẫn chưa xét xử,  gần gấp 3 lần thời gian mà điều 120 quy định.

Tất cả là vì sự nhùng nhằng trả đi, trả lại hồ sơ giữa các cơ quan tố tụng là toà án, viện kiểm sát, an ninh điều tra.

Sở dĩ pháp luật cần quy định thời hạn điều tra, truy tố, xét xử là để đảm bảo quyền lợi cho bị cáo. Tránh trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng không tìm được chứng cứ kết tội mà vẫn cứ giam bị cáo   vô tội vạ trong nhà tù. Hoặc hạn chế trường hợp khi  đưa ra xét xử mức án phán quyết của toà tuyên ít hơn thời giam bị cáo tạm giam.

Trong vụ án này thì thời gian của điều tra, truy tố, xét xử đều đã hết. Nhưng anh Vinh và chị Thuý vẫn bị tam giam và chưa có thông tin gì về số phận của họ.

Ai cũng biết chế độ cộng sản không cần đến luật,  chế độ có thể giam giữ con người trong nhà tù hàng chục năm với cái tên gọi là ” tập trung cải tạo ”. Có thể bịa ra chứng cứ, nhân chứng để mở phiên toà bất cứ lúc nào và khép bất cứ tội gì, tuyên mức án mà những người làm an ninh bảo vệ chế độ này muốn.

Tuy nhiên thì trong vụ án anh Vinh và chị Thuý, cơ quan an ninh lại muốn thể hiện mình làm đúng pháp luật nên đã ra lệnh bắt khẩn cấn, khởi tố, khám xét nhà một cách công khai, rùm beng để lấy tiếng trong dư luận. Và khi đã khởi đầu một cách hoành tráng như thế để lấy oai phong,  thì không thể   kết thúc một cách nhơ nhớp như chuyển sang tập trung cải tạo hoặc đưa ra xét xử một cách tù mù.

 Vì cơ quan an ninh đã khởi đầu quá hoàng tráng vụ án này, nên đã để lại gánh nặng cho toà án phải xử một cách hoàng tráng tiếp theo. Bây giờ toà án xử thế nào cho vang dội dư luận khi mà cả hai bị cáo đều không hề nhận tội. Nếu kết tội hai bị cáo là người tán phát bài viết nói xấu chế độ, vậy thì  tác giả của những bài viết ấy đâu, những tác giả ấy có phải ra hầu toà không.? Kết luận những bài viết ấy xâm hại đến lợi ích của thủ tướng , tổng bí thư …vậy mức độ thiệt hại khi bị xâm phạm là thế nào. Những người bị xâm hại này có ra toà để bảo vệ quyền lợi của họ không, hoặc cử người đại diện, hoặc phải có ý kiến cá nhân của mình về quyền lợi bị xâm phạm.

Cứ theo chứng cứ mà bản cáo trạng nêu, thì hai cha con nhà Nguyễn Tấn Dũng phải ra toà để làm rõ mình đã bị thiệt hại thế nào,  khi bị những bài viết có tên trong cáo trạng gây ra. Còn nếu hai cha con Nguyễn Tấn Dũng không có ý kiến cho rằng mình là người bị hại thì chứng cứ trong cáo trạng nêu là vô giá trị.

Nếu xét xử mà Viện kiểm sát Nhân Dân, Toà án Nhân Dân vừa xử tội phạm vừa đứng ra đại diện bảo vệ quyền lợi thay cho người bị hại thì khác nào vừa đá bóng vừa thổi còi. Khác nào Viện kiểm sát Nhân Dân và toà án Nhân Dân là của cha con ông Nguyễn Tấn Dũng. Hoặc là thân nhân, đại diện cho cha con nhà ông Nguyễn Tấn Dũng.

Để phiên toà hoành tráng như kiểu mở đầu của cơ quan an ninh điều tra, phiên toà cần có sự tham gia của luật sư hay đại diện chủ thể bị xâm hại. Dù chủ thể ấy là nhà nước, chế độ hay thủ tướng, tổng bí thư…những thiệt hại phải cụ thể không thể mơ hồ. Ví dụ về uy tín thì trước đây có bao nhiêu người dân tin ông Dũng, sau khi bị cáo đưa bài viết thì có bao người không tin ông Dũng. Và cái không tin ấy ảnh hưởng đến ông Dũng ra sao.? Ông Dũng bị trầm cảm phải vào viện chữa trị tâm lý, ông Dũng sắp được làm tổng bí thư nhưng vì những bài viết kia mà bị đình lại….

Thực tế là hiện nay vị thế ông Nguyễn Tấn Dũng nâng cao, trước kia ông bị tín nhiệm thấp, sau này tín nhiệm ông cao nhất trong bộ chính trị. Vậy ông Dũng không hề bị thiệt hại gì về uy tín do những bài viết mà các đối tượng đăng tải cả. Ông Dũng và con trai ông là Nguyễn Thanh Nghị trong suốt quá trình điều tra không hề có bút lục nào khẳng định mình là người bị hại trong vụ án này.

 Như thế có thể thấy rõ, chứng cứ mà bản cáo trạng đưa ra là bịa đặt, nói cách khác là ba xạo. Cần phải loại bỏ kết luận hành vi của các bị cáo trong cáo trạng là bôi nhọ cá nhân, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp cá nhân. Vì đơn giản,  là chẳng có cá nhân nào đứng ra nhận mình bị xâm phạm hay bôi nhọ trong vụ án này.

Có chăng chính những kẻ điều tra vụ án này đã cố tình lôi nhưng bài viết liên quan đến cha con nhà ông Nguyễn Tấn Dũng vào bản kết luận điều tra, với mục đích nhằm triệt hạ uy tín cha con nhà ông Nguyễn Tấn Dũng. Muốn đẩy viện kiểm sát nhân dân, toà án nhân dân phải đứng ra bảo vệ quyền lợi cá nhân cha con nhà ông này, nhằm nhục mạ hệ thống tư pháp ưu việt của chế độ CNXH.

Hoặc chính cha con nhà ông Nguyễn Tấn Dũng đã dàn cảnh tạo vụ án này để trả thù cá nhân vì bị các bài viết xúc phạm. Nhưng che giấu không dám đứng ra nhận là bị hại, ép buộc các cơ quan tố tụng phải trừng trị đối tượng để đe doạ những ai khác dám chỉ trích cha con nhà ông ta.

Dù sao thì thời hạn tạm giam, truy tố, xét xử đã hết. Phiên toà có xử theo kiểu viện kiểm sát, toà án bảo vệ quyền lợi cho người bị xâm hại là cha con ông Nguyễn Tấn Dũng hay là cha con ông Nguyễn Tấn Dũng ra toà, cử đại diện thay mình với tư cách người bj hại, hoặc cha con ông Dũng lờ đi không khẳng định mình là người bị hại. Thì cả ba yếu tố đó, yếu tố nào cũng biến phiên toà thành một trò cười thảm hại trong con mắt dư luận nhân dân trong nước và quốc tế.

Cách nào đi nữa thì vụ án xử tội phạm mang tên Ba Sàm cũng cho thấy pháp luật của chế độ Việt Nam ngày nay là ba xạo.










No comments:

Post a Comment