Nguyễn Văn Khanh
Thursday, September 24, 2015 7:48:31 PM
Không
biết thượng đỉnh Mỹ-Trung 2015 ở Tòa Bạch Ốc sáng nay (Thứ Sáu, 25 Tháng Chín)
sẽ kết thúc với kết quả như thế nào, chỉ biết ông Chủ Tịch Nước Trung Quốc Tập
Cận Bình no phình bụng vì được các lãnh đạo quốc gia chủ nhà mời ăn từ tối hôm
trước cho tới tối hôm sau.
Lịch trình do Tòa Bạch Ốc phổ biến cho thấy 5 giờ
chiều Thứ Năm ông Tập mới đến Washington D.C. - được Phó Tổng Thống Joseph
Biden đón ở sân bay, chỉ kịp thay bộ quần áo là đã tới giờ dùng cơm tối với Tổng
Thống Barack Obama ngay tại nhà khách chính phủ, Blair House. Sáng hôm sau vào
Tòa Bạch Ốc vừa ăn sáng vừa bàn chuyện đại cuộc với ông chủ nhà, buổi trưa ghé
Bộ Ngoại Giao dự tiệc do phó tổng thống Hoa Kỳ và Ngoại Trưởng John Kerry khoản
đãi. Ăn trưa xong, ông Tập lại vội vã thay quần áo để cùng phu nhân trở lại Tòa
Bạch Ốc dự quốc yến. Tổng cộng chỉ trong 24 giờ đồng hồ, ông Chủ Tịch Nhà Nước
Trung Quốc được mời ăn cả thảy 4 bữa, nhiều tới độ cánh nhà báo ở thủ đô phải
lên tiếng thắc mắc và được ông phát ngôn viên Josh Earnest của Tòa Bạch Ốc trả
lời “khi mời khách dùng bữa, tổng thống muốn có thêm thì giờ để bàn chuyện,” nhất
là thượng đỉnh “có rất nhiều chuyện phải bàn” và “tổng thống sẽ tận dụng những
cuộc gặp gỡ này để trao đổi, bàn bạc về những vấn đề quan trọng đối với hai nhà
lãnh đạo và với hai quốc gia.”
Bàn những gì thì chưa rõ, nhưng 2 chuyện được phía
Hoa Kỳ xem là quan trọng nhất là tin tặc và biển Ðông là những chuyện gần như
không giải quyết quyết được vì trước khi lên máy bay đến Washington D.C. phó hội,
ông khách Tập Cận Bình đã tỏ dấu hiệu cho ông chủ nhà Obama biết là “sẽ không
nhượng bộ.”
Trong cuộc phỏng vấn được đăng tải trên tờ The Wall
Street Journal hôm Thứ Hai đầu tuần này, ông Tập Cận Bình nói rõ chẳng riêng gì
Mỹ mà chính Trung Quốc cũng là nạn nhân của bọn tin tặc, gọi hành động của bọn
gian là “hành động của những kẻ phạm pháp” phải “đưa chúng ra xét xử bởi luật
pháp và những quy định của công ước quốc tế.” Về chuyện biển Ðông, người điều
khiển đảng và nhà nước Hoa Lục bảo những gì Trung Quốc đang làm ở Trường Sa
“không nhắm vào mục đích đe dọa bất kỳ nước nào” đồng thời được thực hiện trên
các đảo, bãi cạn “chủ quyền thuộc về Trung Quốc” chưa chẳng lấn đất của ai hết.
Khi trả lời câu hỏi này, ông Tập còn than thở chẳng hiểu tại sao cứ phải nói đi
nói lại chuyện biển Ðông, đã đến lúc cần chấm dứt “không nên tiếp tục ồn ào” chẳng
có lợi gì cả.
Trong 2 ngày ở Seattle - trước khi đến Washington
D.C., ông Tập tiếp tục bắn tín hiệu cho thấy ông sẽ không nhượng bộ. Trong bài
diễn văn - được Bắc Kinh báo trước là quan trọng về chính sách, ông Tập nói rằng
quan hệ tốt về kinh tế và thương mại là điều căn bản mà Hoa Kỳ và Trung Quốc
nên cùng nhắm tới, yêu cầu chính phủ Obama “tôn trọng cái nhìn khác biệt của
Trung Quốc về mặt chính trị.” Vẫn theo lời ông chủ tịch nhà nước Bắc Kinh, hai
nước nên hiểu “mục tiêu chiến lược” của nhau, đề nghị nên có một mô thức mới được
ông gọi là “mô thức quan hệ cường quốc,” xây dựng trên nền tảng cảm thông với
nhau hơn để giảm bớt những nghi kỵ.
Ông còn bảo nếu xung đột, đối đầu xảy ra “sẽ dẫn đến
tai họa cho cả 2 nước và cho toàn thế giới,” và thể hiện thiện chí muốn xây dựng
quan hệ tốt với Mỹ bằng giao kèo mua thêm 300 chiếc phi cơ do công ty Boeing chế
tạo (trị giá tới 38 tỷ dollars), hứa sẽ tiếp tục đổi mới kinh tế, mở rộng thị
trường “để các công ty Hoa Kỳ có thể bỏ vốn đầu tư ở nhiều lãnh vực khác nhau tại
Trung Quốc.”
Những điều ông Tập Cận Bình nêu ra trước thềm thượng
đỉnh đều là nhưng điều không được Hoa Kỳ chấp nhận.
Trong bài nói chuyện đọc hôm Thứ Hai vừa rồi ở Ðại Học
George Washington, bà Cố Vấn An Ninh Susan Rice nói rõ Hoa Kỳ đòi hỏi “chính phủ
Trung Quốc phải chấm dứt ngay những hành động hỗ trợ cho bọn tin tặc,” và khi
ngồi xuống thảo luận với nhà lãnh đạo Bắc Kinh “Tổng thống (Obama) sẽ khẳng định
quyền tự do hàng hải và hàng không ở vùng biển Ðông.” Trong cuộc họp báo thường
lệ trưa thứ Năm, ông phát ngôn viên Josh Earnest của Tòa Bạch Ốc cũng bảo
“chúng tôi (Hoa Kỳ) muốn họ (Trung Quốc) chứng tỏ bằng hành động chứ không phải
chỉ bằng lời nói suông,” đồng thời những viên chức Hội Ðồng An Ninh Quốc Gia
cũng tiết lộ cho báo chí biết Washington “có bằng chứng rõ rệt” về chuyện Bắc
Kinh tiếp tay cho bọn tin tặc, giúp chúng tiếp tục đánh phá, xâm nhập vào các
trang mạng của chính phủ Mỹ và của những công ty Mỹ để đánh cắp tài liệu. Một
viên chức Hội Ðồng An Ninh Quốc Gia còn bảo “đây không phải là chuyện đùa, ảnh
hưởng tới kinh tế và anh ninh của nước Mỹ, ảnh hưởng tới cả quan hệ giữa 2 nước.”
Viên chức này nói thêm nếu tình trạng này không chấm dứt, chúng tôi không biết
tương lai quan hệ giữa 2 nước sẽ như thế nào.”
Như vậy, thành quả của thượng đỉnh Mỹ-Trung sẽ gồm
những gì?
“Nhìn vào những gì ông Tập Cận Bình đưa ra, tôi e rằng
những điểm cốt lõi như tin tặc, an ninh mạng, hay chuyện biển Ðông sẽ không giải
quyết được” là nhận xét của chuyên gia Scott Kennedy đang làm việc cho Trung
Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược Quốc Tế CSIS. “Ông Tập cực lực bảo vệ những gì chính
phủ Trung Quốc đang làm, không nhận bất cứ lỗi lầm nào cả, đã thế, ông ta còn dồn
trách nhiệm (đổ lỗi) cho phía Hoa Kỳ (cố tình làm to chuyện),” ông Kennedy nói
thêm.
Ðiều đó báo trước “tranh cãi sẽ rất sôi nổi, có khi
căng thẳng” theo nhận định của chuyên gia Mark McMahon từng làm việc ở Hội Ðồng
Quan Hệ Ðối Ngoại, “nhưng sẽ không đem lại kết quả nào đáng kể.” Ông McMahon
xem những điều Chủ Tịch Tập Cận Bình nói trước khi đặt chân tới Washington D.C.
“là đòn đánh phủ đầu, mục đích bảo cho Tổng Thống Obama biết rằng Bắc Kinh sẽ
không nhượng bộ những đòi hỏi phía Hoa Kỳ sẽ nêu ra ở thượng đỉnh,” trước khi dự
đoán 2 quốc gia sẽ đạt được một số thỏa thuận chung chung, chẳng hạn như cùng hứa
hẹn đẩy mạnh chính sách về môi sinh, hứa cùng thúc đẩy Bắc Hàn trở lại bàn hội
nghị quốc tế, nhắc lại mục tiêu bán đảo Triều Tiên phải là vùng phi nguyên tử,
v.v... trong lúc chờ đợi một cơ hội thuận tiện nào đó để bàn cãi tiếp về những
điều không giải quyết xong tại thượng đỉnh 2015.
No comments:
Post a Comment