Friday, September 25, 2015

Quy hoạch báo chí đến 2025 gây tranh cãi (BBC Tiếng Việt)





25-9-2015

Đề án Quy hoạch Phát triển và Quản lý Báo chí toàn quốc đến năm 2025 do Bộ Thông tin & truyền thông Việt Nam công bố hôm 25/9 tiếp tục gây tranh luận trong làng báo Việt Nam.

Hôm 25/9, báo VietnamNet tường thuật “giải pháp đổi mới mô hình tổ chức, quản lý theo hướng giảm số lượng cơ quan báo in nhưng mỗi cơ quan báo in có thể có nhiều ấn phẩm”.
Bên cạnh đó, “các cơ quan báo in sau khi được sắp xếp đều có cơ quan chủ quản trực tiếp là tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc trung ương, cơ quan cấp bộ, ngành cấp trung ương”.

Thứ trưởng Trương Minh Tuấn khẳng định: “Các cơ quan báo chí in được giao quyền tự chủ tài chính. Nhà nước tập trung đầu tư ngân sách cho một số cơ quan báo in chủ lực, thực hiện cơ chế đặt hàng đối với một số báo và tạp chí phục vụ nhiệm vụ chính trị”.

‘Bản điện tử phải đăng đúng nội dung của báo in’

Theo đề án, “tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước có thể có một cơ quan báo in”.
VietnamNet còn dẫn lời Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son: “Báo chí bảo đảm hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích, không chạy theo lợi nhuận thuần túy, không để tư nhân sở hữu báo chí, không để nhóm lợi ích chi phối báo chí”.

Một trong những điều gây tranh cãi là “Cơ quan, tổ chức được có cơ quan báo in thì được xuất bản báo điện tử. Các cơ quan tổ chức được xuất bản tạp chí in thì có thể có phiên bản điện tử (đăng đúng nội dung của tạp chí in). Quản lý chặt chẽ phiên bản điện tử của tạp chí in để không hoạt động như báo điện tử”.

Ngoài ra là chuyện hàng ngàn cán bộ, phóng viên, biên tập viên có thể mất việc vì theo quy hoạch, một loạt báo, tạp chí của các hội hiện nay sẽ không còn tồn tại.

‘Dắt tay nhau xuống mồ’

Hôm 25/9, trả lời phỏng vấn của BBC Tiếng Việt, một cựu tổng biên tập tại TP Hồ Chí Minh đề nghị không nêu tên, cho biết: “Đề án cho tập đoàn, tổng công ty nhà nước được ra báo ra báo còn tư nhân thì không, đó là phân biệt đối xử. Mặt khác, đề án không nhìn vào thực tế là nhiều tờ báo của hội đoàn đang hoạt động rất tốt, có bạn đọc và quảng cáo nhưng lại bị giải tán trong lúc báo nhà nước có khi không ai đọc”.

Hôm 25/9, đang ở Hoa Kỳ, ông Lê Quốc Vinh, CEO công ty Le Media JSC, bình luận với BBC:
“Bao nhiêu góp ý bị bỏ ngoài tai hết rồi. Họ đang đi ngược lại xu hướng phát triển báo chí thì sao thành công được. Quy hoạch rất duy ý chí, chả dựa trên xu hướng gì cả.

Riêng cái chuyện tạp chí điện tử phải giống y như tạp chí in là sai lầm rồi. Làm thế thì giết tạp chí in còn gì. Mỗi nền tảng, bản chất rất khác nhau, cách tiếp cận bạn đọc cũng khác nhau, làm giống nhau sao được. Ép buộc làm giống nhau nghĩa là ép họ cùng dắt tay nhau xuống mồ”.

---------------------







No comments:

Post a Comment