Saturday, September 26, 2015

Mỹ, Trung Quốc đồng ý không thực hiện hay hỗ trợ hoạt động tin tặc (VOA Tiếng Việt)





VOA
26.09.2015

Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đồng ý với nhau rằng chính phủ hai nước sẽ không thực hiện hoặc “cố tình” hỗ trợ việc đánh cắp trên mạng những tài sản trí thức hay bí mật thương mại, một vấn đề đã là một nguồn gây căng thẳng trong những năm qua.

Trong cuộc họp báo chung sau cuộc thảo luận với ông Tập Cận Bình tại Tòa Bạch Ốc hôm thứ sáu, ông Obama nói thoả thuận này là một sự tiến bộ, “nhưng tôi phải khẳng định là công việc của chúng tôi vẫn chưa hoàn tất.”

Ông Tập Cận Bình nói với báo chí rằng đôi bên đạt được đồng thuận về vấn đề này và nhấn mạnh rằng Bắc Kinh chống đối mọi hình thức đánh cắp trên mạng. “Trung Quốc mạnh mẽ chống đối tin tặc nhưng chúng ta cần phải ngưng đối đầu và không chính trị hoá,” ông nói.
Một thông cáo của Tòa Bạch Ốc cho biết đôi bên đồng ý thiết lập “một cơ chế đối thoại chung cấp cao về phòng chống tội phạm mạng và các vấn đề liên hệ.”

Hoa Kỳ tố cáo Trung Quốc là thủ phạm của một loạt những vụ tấn công mạng qui mô lớn nhắm vào chính phủ và doanh nghiệp Mỹ trong những năm gần đây. Một vụ gây nhiều chấn động đã xảy ra đầu năm nay, khi tin tặc xâm nhập máy tính của Văn phòng Quản lý Nhân viên và đánh cắp thông tin cá nhân của hơn 21 triệu công chức liên bang Mỹ.

Các giới chức Mỹ nghi thủ phạm là tin tặc Trung Quốc, tuy chính phủ của Tổng thống Obama không công khai quy trách nhiệm cho Bắc Kinh.

Biển Đông

Một lãnh vực bất đồng khác giữa hai nước là những yêu sách chủ quyền gây tranh cãi của Trung Quốc ở Biển Đông.

Tại cuộc họp báo chung hôm thứ sáu, ông Tập Cận Bình bênh vực cho yêu sách của Trung Quốc và nói rằng hoạt động xây dựng trên những hòn đảo nhân tạo không nhắm vào bất kỳ quốc gia nào và nhấn mạnh rằng Trung Quốc “không có ý định theo đuổi mục tiêu quân sự hoá.”

Những hoạt động xây đảo nhân tạo của Trung Quốc diễn ra trên quần đảo Trường Sa, nơi Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan cũng có những yêu sách chủ quyền chống chéo nhau.

Hoa Kỳ đã nhiều lần yêu cầu Trung Quốc ngưng các hoạt động mà Washington cho là không phù hợp với các tiêu chuẩn hành xử quốc tế và có thể làm bùng ra những vụ xung đột ở Biển Đông.

Biến đổi khí hậu

Một lãnh vực hợp tác chính được ông Tập Cận Bình và ông Obama nêu bật hôm thứ sáu là biến đổi khí hậu, với việc nhà lãnh đạo Trung Quốc trình bày một chương trình định mức trần và mua bán (cap and trade) nhằm giảm thiểu lượng khí thải của Trung Quốc, nước gây ô nhiễm nhiều nhất thế giới.

Ông Obama nói: “Tôi muốn tán dương Trung Quốc về việc loan báo sẽ bắt đầu một hệ thống định mức trần và mua bán để hạn chế khí thải.”

Trong chuyến công du của Tổng thống Barack Obama đến Trung Quốc hồi năm ngoái, hai nước đã đồng ý giảm thiểu lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính trong một diễn tiến được xem là có tính chất dấu mốc đối với hai nước gây ô nhiễm hàng đầu thế giới.

Thông cáo của Tòa Bạch Ốc hôm thứ sáu cho biết ông Obama và ông Tập Cận Bình tái khẳng định sự tin tưởng chung là “biến đổi khí hậu là một trong những thách thức lớn nhất của nhân loại và hai nước có một vai trò vô cùng quan trọng để giải quyết vấn đề này.”

Nhân quyền

Đối với một vấn đề gai góc giữa hai nước là vấn đề nhân quyền, ông Obama cho biết ông đã có một cuộc thảo luận “thẳng thắn” với ông Tập Cận Bình.

Ông nói “Với những từ ngữ thẳng thắn, tôi đã bày tỏ quan điểm mạnh mẽ của chúng tôi là ngăn không cho các nhà báo, các luật sư, các tổ chức phi chính phủ và những tổ chức xã hội dân sự được hoạt động một cách tự do hoặc đóng cửa nhà thờ và tước đoạt quyền được đối xử bình đẳng của các nhóm thiểu số là có vấn đề” và điều đó “thật sự làm cho Trung Quốc và nhân dân của họ không thể thể hiện đầy đủ tiềm năng của mình.”

Ông Tập Cận Bình nói rằng hai nước có “những tiến trình lịch sử và thực tế” khác nhau nhưng Trung Quốc sẵn sàng đối thoại với Mỹ về các vấn đề nhân quyền.

Trước cuộc họp thượng đỉnh hôm thứ sáu, nhiều tổ chức nhân quyền kêu gọi ông Obama nêu ra vấn đề nhân quyền trong cuộc gặp gỡ với ông Tập Cận Bình.

Bà Sophie Richardson, giám đốc bộ phận Trung Quốc của tổ chức Human Rights Watch, nói “Đây là một mối quan hệ lớn và phức tạp. Điều này tuyệt đối chính xác. Và do đó, có rất nhiều đề tài cần lưu ý. Nhưng chúng tôi nghĩ rằng sự xuống cấp của tình hình nhân quyền ở Trung Quốc dưới sự cai trị của ông Tập Cận Bình là một việc cần đặc biệt lưu tâm.”

Quốc yến

Tối thứ sáu, ông Tập Cận Bình được ông Obama chiêu đãi tại Tòa Bạch Ốc với một buổi quốc yến, qui tụ hơn 200 nhân vật nổi tiếng trong giới điện ảnh, ngoại giao và thương gia.

Sau bữa tiệc, ông Tập Cận Bình lên đường đi New York. Ngày hôm nay ông sẽ đọc một bài diễn văn tại Hội nghị Thượng đỉnh Liên Hiệp Quốc về Phát triển Bền vững.

*
Tin liên hệ



----------------------------------------

Đăng ngày 26-09-2015 18:45

Trong cuộc họp thượng đỉnh Mỹ-Trung ngày 25/09/2015 tại Nhà Trắng, Tổng thống Barack Obama đã tỏ thái độ cứng rắn trên hồ sơ Biển Đông trước việc Bắc Kinh đẩy mạnh bồi đắp và quân sự hóa các đảo đang tranh chấp ở khu vực Trường Sa, nhưng Chủ tịch Tập Cận Bình cũng dứt khoát không nhân nhượng trên hồ sơ này.

Hoa Kỳ sẽ có phản ứng như thế nào trong thời gian tới là tùy thuộc vào việc Bắc Kinh sẽ gây khó khăn cho lưu thông hàng hải và hàng không ở vùng này hay không. Cũng như Washington sẽ xem Bắc Kinh thực hiện như thế nào lời cam kết chấm các vụ tấn công tin học, một hồ sơ khác vẫn gây căng thẳng giữa hai nước.

Từ Washington, nhà báo Phạm Trần nhận định về kết quả cuộc họp thượng đỉnh Mỹ-Trung:

NGHE :  Nhà báo Phạm Trần - Washington - 26/09/2015

 -------------------------
Trọng Nghĩa  -  RFI   25-09-2015





No comments:

Post a Comment