S.T.T.D Tưởng Năng Tiến
Wed, 09/02/2015 - 09:50 —
tuongnangtien
Khi đơn phương chuyên quyết
tiến hành xây chuỗi 8 con đập khổng lồ Vân Nam là Trung Quốc đã phát
động một cuộc chiến tranh môi sinh không tuyên chiến với 5 nước hạ
nguồn sông Mekong.
*
Vào ngày 31 tháng 7 năm
2015, từ Đồng Bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL), ông Đinh Hưng đã gửi đến BBC một lời báo động ... muộn
màng:
“Các dòng sông Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long đang bị
xâm nhập mặn vào nội địa trên 70 km, và có chiều hướng tăng nhanh. Hiện một số
địa phuơng trong vùng ĐBSCL đã xuất hiện tình trạng thiếu nước ngọt trầm trọng.
Những tháng gần đây tại ĐBSCL, việc nước mặn tấn công ‘Chưa từng thấy’
làm ‘Đảo lộn cuộc sống’, không phải là bất ngờ mà là tất yếu theo dự đoán. Người
dân các tỉnh Cần Thơ, Hậu Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang đang phải ‘Chạy mặn’
từng ngày.
Các tiểu vùng nước ngọt quanh năm bị đảo lộn, bị mặn xâm nhập, đã đe dọa
cả trăm ngàn hecta đất nông nghiệp, nhiều vườn cây ăn trái nằm trên nguy cơ xóa
sổ, thủy sản nước ngọt bị tổn thất lớn. Tất cả nguy hại đang đổ trên đầu người
dân nơi đây.”
Hiện tượng ngập mặn ở
ĐBSCL – thực ra – đã được báo động lâu lắm rồi, từ hồi cuối
thế kỷ trước lận:
“… mười ngày trước Giáng Sinh, ngư phủ Nguyễn Văn Chơn và vợ cư ngụ tại
huyện Lấp Vò Tỉnh Đồng Tháp đã lưới được một con cá đuối khổng lồ trên sông Tiền,
đoạn giữa hai Xã Tân Mỹ và Tân Khánh Trung. Con cá đuối có chiều dài hơn 4 mét
ngang 2 mét và nặng tới 270 ký.
Cá đuối hay Selachian, tên khoa học là chondrichthyes, thuộc loài cá sụn
(cartilaginous fishes) gồm các giống cá mập, cá nhám, cá đuối và là cá nước mặn.
Đây cũng là lần đầu tiên ngư dân Đồng Bằng Sông Cửu Long lưới được một con cá
nước mặn lớn như vậy rất xa biển và trên một khúc sông nằm sâu trong đất liền…
Cho sẻ thịt bán ngay tại bến số tiền thu được lên tới ngót 2 triệu đồng
tính ra khoảng 140 đô la như món quà Giáng Sinh mà cả hai vợ chồng anh đã không
thể nào ngờ tới.
Nhưng ‘Có biết đâu niềm vui đã nằm trong thiên tai’ như lời thơ Nguyễn
Đình Toàn, bởi vì khi mà nước sông Cửu Long xuống mức thấp nhất so với 73 năm
trở lại đây và có nơi mực nước sông chưa được hai thước gây sạt lở hai bên bờ
làm thiệt hại nhà cửa và cả nhân mạng.
Nhiều chuyên gia Việt Nam ở ngoại quốc và cả trong nước đã lên tiếng báo
động về hiểm họa hạn hán với sông Cửu Long có thể cạn dòng do các công trình
xây đập ngăn nước của các quốc gia Thượng Nguồn Thái Lào và nhất là chuỗi tám
con đập bậc thềm khổng lồ Vân Nam Trung Hoa mà lâu nay chánh quyền Hà Nội vẫn
không hề lên tiếng phản đối...
Và khi một con cá đuối nước mặn lớn như vậy có thể vào tới Đồng Tháp thì
đó là báo hiệu nạn ngập mặn (salt intrusion) đã vào rất sâu trong vùng châu thổ,
nơi vốn là đất của ‘sữa và mật ngọt’ hay đúng hơn vùng đất của ‘phù sa, lúa gạo,
cây trái và tôm cá đầy đồng...’ (Ngô Thế Vinh. Cửu
Long Cạn Dòng Biển Đông Dậy Sóng. Văn Nghệ: California, 2000).
Mười lăm năm sau, sau khi tác
phẩm dẫn thượng được xuất bản, từ Vĩnh Long, ông Đinh Hưng lại tiếp tục
kêu than và kêu cứu ... trong vô vọng:
“Trong khi đó, một sự thật hiển nhiên đang đe dọa cư dân ĐBSCL là vấn đề
nhiễm mặn đang hủy diệt môi trường sống, lại chỉ nhận được sự thờ ơ của nhiều tầng
lớp xã hội, của truyền thông báo chí, không thấy sự lên tiếng đòi hỏi chính phủ
về trách nhiệm, kế hoạch và phương pháp hữu hiệu để giải quyết ‘thảm họa’, về
giá trị đầu tư phù hợp và hiệu quả cho giải pháp chống xâm nhập mặn - đang là mối
đe dọa hiện hữu đến kinh tế, đến an toàn lương thực và dân sinh khu vực, thậm
chí đe dọa đến số mệnh của cả quốc gia.”
Muốn biết sự vô cảm, và
tầm nhìn của những người lãnh đạo Việt Nam ra sao về “số mệnh của cả
quốc gia” thì chỉ cần nhìn vào địa chỉ Trụ Sở Văn Phòng Thường Trực
Ủy Ban Sông Mê Công Việt Nam: 23 Hàng Tre, Hoàn Kiếm, Hà Nội! Cũng còn may
là trụ sở này chưa đến nỗi đặt ở tỉnh ... Hà Giang!
Trụ sở Văn phòng Thường trực Ủy ban sông Mê Công Việt Nam: số 23 Hàng
Tre, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ảnh: vnmc
Còn muốn biết sự vô tâm
của giới truyền thông Việt Nam về “số mệnh của cả quốc gia” thì cứ xem
qua bộ phim Mê
Kông Ký Sự, và những lời xưng tụng (hết sức vô tình) của báo
chí trong nước:
“Bộ phim ký sự, thám hiểm đẫm chất văn học, phiêu lưu ‘Mê Kông ký sự’ do
Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh (HTV) sản xuất. Đây là bộ phim tài liệu dài nhất
trước nay: 75 tập (20 phút/tập) nội dung bao trùm 6 quốc gia...Xem Mê Kông ký sự,
người xem thú vị và ngạc nhiên với những cảnh quay đẹp, những nét văn hóa, những
câu chuyện đầy huyền thoại...”
Giới lãnh đạo Việt Nam đã
ký công hàm nhượng biển/đảo để “nước bạn” có cơ sở thực hiện âm mưu
Tây Tạng Hoá Biển Đông (Tibetization of South China Sea). Rồi đến giới
truyền thông làm phim chuẩn bị cho tham vọng Tây Tạng Hoá Dòng Sông
Cửu Long (Tibetization of Mekong River) bằng “những cảnh quay đẹp, những nét
văn hóa, những câu chuyện đầy huyền thoại” để cổ vũ cho một viễn ảnh về
một Trật Tự Trung Hoa trong an bình (Pax Sinica) hay nói rõ hơn là Hán
hoá tất cả những xứ sở ở hạ lưu của con sông này.
Hạn từ “Tibetization of
Mekong River” không phải là “sáng tác riêng,” phát xuất từ sự hoang
tưởng của kẻ đang viết những dòng chữ này đâu. Cứ nhìn cái bàn tay
lông lá của Trung Cộng đang cố luồn sâu vào mọi địa hạt – kinh
tế, văn hoá, chính trị... – của tất cả các quốc gia hạ nguồn (Miến
Điện, Thái, Lào và Việt Nam) sẽ thấy ngay ý đồ “Tây Tạng Hoá Dòng
Sông Cửu Long” của họ.
Tác hại nhãn tiền về môi
sinh không chỉ là hiện tượng khô hạn và nhiễm mặn mà còn là vô số
rác rưởi, cùng những chất thải kỹ độc hại – từ thượng nguồn thuộc
siêu cường Trung Hoa vĩ đại – ào ạt đổ xuống những lãnh thổ phía
dưới mà hai quốc gia ở cuối sông phải “lãnh đủ” là Cam Bốt và Việt
Nam.
Khi đến khảo sát Biển Hồ,
vào năm 2000, nhà văn Ngô Thế Vinh đã ghi nhận rằng: “Chưa bao giờ
mực nước cạn như những năm qua, trong mùa khô có nơi chỉ còn sâu chưa
tới nửa mét, nước thì quá nóng khiến loại cá trắng không sống nổi
chết nổi phều hoặc phải thoát xuống những sông hạ lưu.” (sđd, tr.
282).
Hơn một thập niên sau, vào
mùa khô năm 2015, chúng tôi mới có dịp đi ghe máy lòng vòng thăm vài làng
nổi của người Việt ở giữa Biển Hồ. Không thấy “cá trắng nổi
chết phều vì nước nóng” nhưng tôi lại nhìn ra một sự kiện cũng não
lòng không kém: ngư dân địa phương đang dần phải chuyển nghề. Họ nuôi
cá để ăn, và để bán, thay vì đánh bắt vì ngư sản mỗi lúc một càng
khan hiếm.
Cá lóc nuôi ở Biển Hồ.
Ảnh tư liệu của MIRO, chụp vào mùa
nước cạn năm 2015
Và khi ngư sản ở Biển Hồ
đã trở nên khan hiếm thì sông Tiền và sông Hậu, khi xuôi dòng về đến
Châu Thổ Sông Cửu Long, cũng sẽ chả còn cá mắm gì để làm quà tặng
cho hàng chục triệu người dân Việt ở nơi đây nữa.
Hồ nay thành Vũng. Ảnh tư
liệu của MIRO, chụp vào mùa nước
cạn năm 2015
Mực nước ở Biển Hồ mà
chúng tôi chứng kiến vào mùa khô vừa qua, nhiều nơi, không còn được
nửa mét như hồi năm 2000 nữa. Có chỗ đã biến thành vũng cho trẻ con
chơi đùa, hay hoá thành... sân chơi bóng chuyền rồi!
Sân bóng chuyền ở Biển Hồ. Ảnh tư liệu của MIRO, chụp vào
mùa nước cạn năm 2015
Bởi vậy, không có gì ngạc
nhiên khi thỉnh thoảng chúng tôi lại bị mắc cạn giữa Biển Hồ. Mọi
người phải nhẩy xuống nước cho ghe nhẹ bớt, rồi lôi nó ra những nơi
có mực nước sâu hơn để tiếp tục chuyến đi. Khi hì hục như thế tôi
chợt nhớ đến một câu nói một quen thuộc (“nước có thể nâng thuyền
và cũng có thể lật thuyền”) mà không khỏi cảm thấy ngậm ngùi, cùng
đôi chút đắng cay.
Thì ra không phải lúc nào
nước cũng có thể nâng thuyền hay lật thuyền được. Có những lúc, và
những nơi mà nước cạn đến mức trở nên hoàn toàn vô tác dụng. Đất
nước tôi, rất có thể, sẽ trở thành một nơi như vậy trong tương lai
gần – theo như tin loan (vào ngày 11 tháng 8 năm 2015) của báo Người
Lao Động:
“Dự thảo với hơn 1.000 loại phí và lệ phí về nông nghiệp vừa được trình lấy
ý kiến của Quốc hội làm cho bất cứ ai cũng phải giật mình. Con số này quả là
không tưởng nổi đối với một ngành nông nghiệp kém phát triển và mấy chục triệu
nông dân còn quá khó khăn như ở nước ta. Nếu cứ mạnh tay thu phí như thế này
thì người dân sẽ kiệt quệ và chẳng mấy lúc chẳng còn gì để thu.”
Cái “lúc người dân chẳng
còn gì để thu” và cũng không còn sức để nổi dậy nữa chính là thời
điểm mà Việt Nam bước vào ngưỡng cửa của sự diệt vong, nếu không rơi
vào vòng lệ thuộc!
Làng nổi Rạch Lộ Quýt ở
Biển Hồ.
Ảnh tư liệu của MIRO,
chụp vào mùa nước cạn năm 2015.
No comments:
Post a Comment