Wednesday, September 23, 2015

Đảng cộng sản “không chia quyền” vì không có ai để chia? (Việt Hoàng - Thông Luận)





Được đăng ngày Thứ ba, 22 Tháng 9 2015 04:25

Trong cuộc phỏng vấn mới đây của BBC, giáo sư Vũ Minh Giang, một nhà lý luận hàng đầu của đảng CSVN cho rằng “Đòi đảng chia quyền là không thực tế”.

Ông Vũ Minh Giang cho rằng “đặt ngay vấn đề chia sẻ quyền lực thì với góc nhìn nghiên cứu, tôi cũng không nhìn ra lực lượng nào mà đủ khả năng để nhận phần chia sẻ đó trong tình hình hiện nay. Vì vậy cho nên những ý kiến ấy tôi nghĩ rằng là nó không thực tế trong bối cảnh của Việt Nam bây giờ”.

Có mấy vấn đề cần làm rõ hơn trong câu nói trên của ông Vũ Minh Giang.

1. Ông Giang là “nhà nghiên cứu” cái gì?

Ông là giáo sư, tiến sĩ khoa học, phó giám đốc Đại học quốc gia Hà Nội đồng thời ông là “Ủy viên hội đồng lý luận trung ương”. Ngoài ra ông còn là thành viên của nhiều “hội đồng” quan trọng khác nữa.

Vì ông không nói rõ là “với góc nhìn nghiên cứu” nào nên căn cứ vào nội dung và thông điệp mà ông gửi đến độc giả thì có thể hiểu rằng ông đứng trên góc nhìn của một “nhà lý luận” của đảng CSVN. Đây không phải lần đầu tiên ông trả lời báo chí nước ngoài về chủ đề này. Như vậy, các ý kiến của ông đưa ra không thể đáp ứng được tiêu chuẩn của một “nhà nghiên cứu” vì nó không trung thực và không khách quan. Ông rất hùng biện và cũng rất ngụy biện. Chung qui lại thì cũng không có gì mới, rằng thì là mà đảng sẽ thay đổi, sẽ cải cách và chỉ có đảng cộng sản của ông mới làm được việc đó…

Ai cũng hiểu là “ăn cơm chúa thì phải múa tối ngày”. Nhưng với một người có thể xem là trí thức như ông, nên chăng tiếp tục cổ vũ, bao biện và chống chế cho một chế độ đã cầm quyền liên tục 70 năm qua và thực tế chứng minh là đã thất bại trên mọi lĩnh vực hay không?

Nếu thực lòng ông tin vào sự chính đáng và khả năng “không thể thay thế được” của đảng ông thì tại sao ông không đưa ra đề nghị với đảng là cứ chấp nhận chuyện đa nguyên đa đảng đi, vì đường nào cũng đâu có “lực lượng nào đủ khả năng” để cạnh tranh với đảng cộng sản?

2. Vì sao không có “lực lượng nào đủ khả năng để nhận phần chia sẻ đó trong tình hình hiện nay”?

Một người có kiến thức cao siêu như ông mà sao không thấy trả lời cho câu hỏi trên? Ông không biết hay là ông không dám trả lời? Có lẽ ông thừa biết câu nói mà ông Nguyễn Tấn Dũng đã nhắc đi nhắc lại nhiều lần rằng “kiên quyết không để nhen nhóm, hình thành các tổ chức chính trị đối lập”. Câu này có nghĩa là phải bóp chết từ trong trứng nước các mầm mống đối lập, tức là các “lực lượng khác”, như lời ông nói. Ông Nguyễn Phú Trọng cũng phán “đập chuột nhưng không được làm vỡ bình”. Ông Trương Tấn Sang cũng luôn miệng nhắc phải đề phòng các thế lực thù địch… Và trong dự thảo báo cáo chính trị của đại hội 12 các quan điểm và tư duy đó vẫn còn nguyên vẹn.

Với não trạng đó của đảng cộng sản thì hỏi ông các “lực lượng khác” làm gì có cơ hội hình thành để “chia sẻ quyền lực” với đảng của ông?

Việc không cho phép các “lực lượng khác” hoạt động chứng tỏ rằng đảng cộng sản hoặc là thiếu tự tin hoặc là xảo trá và áp đặt.

Ngoài ra ông Giang có thể cho người dân Việt Nam biết được “thế lực thù địch” của đảng là ai không? Và vì sao lại nhiều thế? Có cách nào khác để hóa giải sự thù địch đó không? Bao giờ thì đảng của ông mới biết đối thoại thay vì đối đầu với người dân Việt Nam và các “lực lượng khác”? Bao giờ thì ông và đảng của ông mới hiểu được rằng đất nước Việt Nam là của mọi người dân Việt Nam chứ không phải là của hồi môn hay phần thưởng cho “công lao” của đảng các ông?

Chúng tôi cho rằng các ông không bao giờ hiểu và không muốn hiểu những điều rất giản dị đó. Bản chất của các ông và của đảng cộng sản là “chuyên chính vô sản” và “đấu tranh giai cấp”. Chuyên chính vô sản là dùng bạo lực đè bẹp mọi phản kháng hay bất đồng (dù là chính kiến) của người dân và ngay cả với đa số các đảng viên cấp thấp. Chuyên chính vô sản không có chỗ cho yêu thương, hòa giải và bao dung.

Đấu tranh giai cấp là tiếng gọi của hận thù và khuyến khích con người tàn sát lẫn nhau. Xã hội nào cũng có chuyện phân chia giai cấp và trong xã hội văn minh thì các giai cấp khác nhau trong xã hội đều sống hòa bình với nhau. Có người chủ thì phải có người làm thuê, hà cớ gì mà phải tiêu diệt lẫn nhau?

3. Vì sao đến giờ Việt Nam vẫn chưa có một lực lượng nào khác xứng đáng để chia quyền?

Nếu cho rằng quyền lực là một thứ để chia chác thì đảng cộng sản sẽ không bao giờ buông và cũng không có lực lượng khác chân chính nào muốn nhận. Trong tư duy của những người cộng sản thì họ luôn xem “quyền lực” chính trị là một phần thưởng, là một chiếc bánh để chia nhau. Trong khi đó chúng ta cần hiểu rằng quyền lực chính trị là sự ủy quyền của người dân cho một tổ chức chính trị nào đó để quản trị đất nước một cách hợp lý nhất và đem lại quyền lợi cho nhiều người dân nhất.

Nếu hiểu như vậy thì không phải lúc nào quyền lực cũng là cái bánh để chia chác mà đó là một trách nhiệm nặng nề. Đó là một khế ước tự nguyện giữa người dân và chính quyền (thông qua một đảng phái chính trị). Quản trị đất nước không phải là một sứ mệnh bắt buộc mà ông trời trao cho đảng cộng sản mà đó là sự tin tưởng và ủy quyền của người dân Việt Nam, bằng lá phiếu của mình, thông qua một cuộc bầu cử dân chủ và minh bạch.

Tuy vậy vẫn phải cám ơn ông Vũ Minh Giang vì ông đã nói ra một sự thật mà chúng tôi đã nói rất nhiều lần mà vẫn chưa thuyết phục được giới trí thức tinh hoa Việt Nam, đó là nếu phong trào dân chủ Việt Nam không có một tập hợp hay một tổ chức chính trị hùng mạnh và có tầm vóc để làm đối trọng với đảng CSVN thì mãi mãi chúng ta chỉ là những kẻ đứng bên lề mọi diễn biến của đất nước.

Nếu trí thức Việt Nam hiểu được rằng đấu tranh là phải có tổ chức và nếu trí thức Việt Nam biết chung tay chung sức xây dựng cho Việt Nam một “lực lượng khác” ngoài đảng cộng sản thì giờ này ông Giang không thể mạnh miệng nói như vậy được.

4. Trí thức Việt Nam phải làm gì bây giờ?

Chúng tôi vẫn cho rằng “đảng là đảng, mà ta là ta”. Đảng CSVN và ông Giang có nói gì đi nữa thì đó là việc của họ. Chúng ta có việc của chúng ta. Việc chúng ta cần làm ngay bây giờ là phải thay đổi tư duy ngồi đợi và năn nỉ đảng tự thay đổi bằng tư duy mới rằng chúng ta sẽ chung tay góp phần xây dựng nên một “lực lượng chính trị khác ngoài đảng” thật hùng mạnh. Khi đó chúng ta sẽ đàng hoàng yêu cầu đảng CSVN “đối thoại” để tìm ra một con đường đúng đắn nhất cho đất nước và cho dân tộc Việt Nam.

Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên là một tổ chức chính trị dân chủ đối lập của Việt Nam. Chúng tôi hoạt động trên ba lập trường căn bản là “dân chủ đa nguyên, bất bạo động và hòa giải dân tộc”. Thông điệp chúng tôi muốn gửi đến đảng CSVN đó là chúng tôi không kêu gọi hận thù mà là kêu gọi tình thương và sự bao dung. Chúng tôi không có ý định xóa bỏ đảng CSVN mà chỉ kêu gọi cạnh tranh chính trị lành mạnh. Chúng tôi chấp nhận sự phán xét và quyết định của người dân thông qua một cuộc bầu cử dân chủ và minh bạch. Chúng tôi sẵn sàng làm một đối lập dân chủ đứng đắn và có trách nhiệm một khi đảng CSVN được người dân lựa chọn làm đảng cầm quyền. Chúng tôi không đòi “chia quyền” để mưu cầu danh lợi cho bản thân mình mà chỉ mong muốn đất nước được quản trị tốt hơn, hợp lý hơn. Chúng tôi sẵn sàng đối thoại và phản biện một cách sòng phẳng và công khai với đảng CSVN trên mọi lĩnh vực.

Chúng tôi nói ra điều này để ông Giang hiểu được rằng ngoài đảng cộng sản của ông ra vẫn còn những “lực lượng chính trị khác” sẵn sàng tham gia vào việc quản trị đất nước chứ không đòi phân chia quyền lực để kiếm quyền lợi như ông nghĩ. Nếu đảng của ông còn nghĩ đến tương lai của đất nước và chính mình cũng như nếu đảng của ông có thiện chí thì lúc nào chúng tôi cũng sẵn sàng đối thoại. Nếu đảng của ông không muốn và không dám đối thoại với chúng tôi thì từ nay xin ông đừng bao giờ nói theo kiểu “cả vú lấp miệng em” như vậy nữa.

Đối với tầng lớp trí thức Việt Nam thì chúng tôi mong muốn là mọi người hãy dành chút thời gian để đọc và nghiên cứu Dự Án Chính Trị 2015 của chúng tôi với tên gọi Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai. Cuốn sách này chứa đựng tất cả chương trình và kế hoạch hành động lẫn tư tưởng, nhận thức của chúng tôi về tình hình Việt Nam và thế giới. Tác phẩm này cũng trình bày một lộ trình cụ thể để phong trào đối lập có thể giành thắng lợi trong công cuộc dân chủ hóa đất nước, ngoài ra nó còn đề cập đến những việc làm cụ thể cho giai đoạn chuyển tiếp về dân chủ và công việc kiến thiết đất nước trong tương lai.

Chúng tôi hy vọng giới trí thức Việt Nam nói riêng và đa số người dân Việt Nam nói chung sẽ hiểu và ủng hộ cho chúng tôi. Chỉ khi nào chúng ta có một lực lượng và một đội ngũ hùng mạnh thì khi đó chúng ta mới có thực lực và vị thế để “nói chuyện” với chính quyền Việt Nam.

Việt Hoàng




No comments:

Post a Comment