01.09.2015
Đầu
tháng 9 này, chắc chắn giới lãnh đạo và giới truyền thông Việt Nam sẽ làm ầm ĩ
về những thành tựu họ đã đạt được trong suốt 70 năm kể từ sau Cách mạng tháng
Tám năm 1945. Nhân dịp này, chúng ta cũng nên nhìn lại vấn đề công và tội của đảng
Cộng sản đối với đất nước.
Công lớn nhất và đáng kể nhất của đảng Cộng sản là
cuộc kháng chiến chống Pháp, kéo dài 9 năm, kết thúc với trận đánh oanh liệt tại
Điện Biên Phủ vào năm 1954, chấm dứt ách đô hộ kéo dài gần một thế kỷ của thực
dân Pháp. Dĩ nhiên, người ta có thể cho đó là thành tích của cả dân tộc chứ
không hẳn của riêng đảng Cộng sản. Người ta cũng có thể phản biện lại: ngay
trong điều gọi là công trạng này đã có mầm mống của tội ác qua việc đảng Cộng sản
loại trừ những người yêu nước không phải cộng sản hoặc chống lại cộng sản. Tuy
vậy, nhìn chung, chúng ta cũng không thể phủ nhận vai trò lãnh đạo của đảng Cộng
sản trong việc mang lại độc lập cho Việt Nam.
Điều đáng tiếc là công trạng vừa nêu cũng là công trạng
duy nhất mà đảng Cộng sản đã mang lại cho đất nước. Kể từ trận Điện Biên Phủ trở
đi, với tư cách đảng cầm quyền độc tôn ở miền Bắc, và sau đó, kể từ năm 1975,
trong cả nước, đảng Cộng sản vấp phải hết sai lầm này đến sai lầm khác, sai lầm
nào cũng đẫm máu, và vì tính chất đẫm máu ấy, sai lầm biến thành tội ác.
Trước hết, đảng Cộng sản hoàn toàn sai lầm trong việc
gây ra cuộc chiến tranh kéo dài 20 năm ở miền Nam. Đã đành mục tiêu khá chính
đáng: thống nhất đất nước. Nhưng, như lịch sử gần đây chứng minh, để thống nhất
đất nước, người ta không nhất thiết phải chọn biện pháp chiến tranh. Đông Đức
và Tây Đức, sau mấy chục năm phân hoá, đã được thống nhất một cách hoà bình.
Nam Hàn và Bắc Hàn không may mắn như vậy, cho đến nay, vẫn còn chia cắt, nhưng
sự chia cắt ấy cũng không phải là một bất hạnh bởi vì ít nhất một nửa nước, Nam
Hàn, cũng được sống một cách sung sướng và đầy tự hào với nền kinh tế phát triển
vượt bực. Đảng Cộng sản Việt Nam, do thiếu kiên nhẫn và phần nào, cũng do hiếu
chiến, đã chọn biện pháp bạo lực để thống nhất đất nước, dẫn đến hậu quả là một
cuộc chiến tranh kéo dài với khoảng ba triệu người, ở cả hai miền, bị giết chết
một cách thảm khốc và những chấn thương trong tâm lý, cho đến bây giờ, bốn mươi
năm sau, vẫn còn khiến nhiều người nhức nhối.
Sau năm 1975, khi chiến tranh kết thúc, đảng Cộng sản
lại vấp phải một sai lầm nghiêm trọng khác: Thay vì hoà hợp và hoà giải dân tộc,
xoá bỏ hận thù, hàn gắn các vết thương do cuộc chiến tranh kéo dài mang lại để
mọi người an tâm xây dựng lại đất nước, họ lại lập ra các trại cải tạo để giam
nhốt và hành hạ những người thuộc phe thua cuộc, hơn nữa, còn có những chính
sách kỳ thị nặng nề đối với dân chúng miền Nam, khiến cho đến nay, bốn mười năm
sau, các vết thương chia rẽ vẫn còn sâu hoắm.
Có thể kể thêm vô số các sai lầm khác của đảng Cộng
sản, trong đó, nổi bật nhất là các chính sách cải cách ruộng đất làm cả chục
ngàn người bị chết, các chính sách chống xét lại đẩy hàng ngàn người vào cảnh
tù đày, các chính sách đánh tư sản mại bản và ép dân đi kinh tế mới khiến hàng
chục ngàn người lâm vào cảnh khốn cùng. Tuy nhiên, hai sai lầm và cũng là tội ác lớn nhất của đảng
Cộng sản là: Một, làm nền kinh tế Việt Nam ngày càng kiệt quệ và hai, làm băng
hoại nền văn hoá truyền thống của Việt Nam.
Trước hết, về kinh tế, hầu như ai cũng biết, vào cuối
thập niên 1950 và đầu thập niên 1960, kinh tế Việt Nam, đặc biệt ở miền Nam,
khá cao so với các quốc gia trong khu vực. Dạo ấy, Sài Gòn vẫn được xem là “hòn
ngọc Viễn Đông”, niềm mơ ước của nhiều quốc gia khác. Vài năm sau 1975, khi chiến
tranh kết thúc, Việt Nam trở thành một trong những quốc gia nghèo đói nhất thế
giới. Hiện nay, tình trạng khá hơn một chút, nhưng Việt Nam vẫn chỉ thuộc quốc
gia có thu nhập vào loại trung bình thấp.
Mới đây, trong cuộc hội thảo về kinh tế do Bộ Kế hoạch
và Đầu tư Việt Nam tổ chức vào ngày 28 tháng 8, các chuyên gia đều thừa nhận Việt
Nam thua kém hẳn các quốc gia khác ở Châu Á. Với thu nhập bình quân trên đầu
người khoảng 2000 Mỹ kim hiện nay, Việt Nam chỉ bằng Philippines năm 2010,
Indonesia năm 2008, Thái Lan năm 1993, Malaysia năm 1988 và Hàn Quốc năm 1982.
Nói cách khác, “GDP bình quân đầu người của Việt Nam đang thụt lùi so
với Hàn Quốc khoảng 30-35 năm, Malaysia khoảng 25 năm, Thái Lan khoảng 20 năm,
Indonesia và Philippines khoảng 5-7 năm.” Người ta cũng tiên đoán nếu mức phát
triển kinh tế hiện nay không được cải thiện, khoảng cách nêu trên sẽ càng ngày
càng lớn. Hơn nữa, Việt Nam còn có nguy cơ bị Campuchia và Lào qua mặt.
Chuyện kinh tế và phát triển rất dễ thấy, tuy nhiên,
theo tôi, lầm lẫn - đúng hơn, tội ác - nghiêm trọng nhất của đảng Cộng sản là phá hoại văn hoá Việt
Nam, một yếu tố trừu tượng và mơ hồ, khó nhận biết, nhưng có ảnh hưởng
sâu sắc đến cách sống cũng như quan hệ giữa người với người. Các cuộc đấu tố
trong cải cách ruộng đất vào giữa thập niên 1950 làm phá nát quan hệ hàng xóm vốn
là một nét đẹp trong văn hoá truyền thống của dân tộc. Các cuộc phê bình và tự phê
bình làm cho không ai còn tin ai được nữa. Các nỗ lực phá hoại sự hình thành của
xã hội dân sự làm cho con người càng ngày càng trở thành vô cảm trước những nỗi
đau khổ của người khác. Các hành động trấn áp những người yêu nước, đặc biệt
trong các phong trào chống Trung Quốc, khiến mọi người đâm ra dửng dưng trước số
phận của đất nước. Hậu quả của tất cả của những điều vừa kể là con người càng
ngày càng trở nên ích kỷ, và hậu quả của sự ích kỷ này là con người càng ngày
càng độc ác hơn. Không phải ngẫu nhiên mà các tội ác trong xã hội càng lúc
càng trở thành phổ biến.
Những sự tụt hậu về kinh tế có thể được khắc phục nếu
không phải trong vài năm thì cũng vài chục năm, nhưng những sự đổ vỡ trong văn
hoá và đặc biệt trong đạo đức và quan hệ giữa người với người thì rất khó hàn gắn
và để lại rất nhiều di hại, làm ảnh hưởng đến tiến trình phát triển kinh tế
cũng như tiến trình dân chủ hoá của đất nước. Hơn nữa, nó cũng ảnh hưởng cả đến
những nỗ lực chống lại các âm mưu bành trướng của Trung Quốc. Đó mới chính là
điều đáng lo sợ nhất.
* Blog của Tiến sĩ
Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng
ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
No comments:
Post a Comment