30.08.2015
Không
ít người Mỹ gốc Việt đã về Việt Nam làm ăn. Có người thành công, nhưng đa số thất
bại. Thất bại không nói ra, nhưng thành công cũng không ai khoe vì không biết
có bền lâu hay không.
Tiến sĩ Alan Phan
trong buổi ra mắt sách ở San Jose hôm 23/8/15 (ảnh Bùi Văn Phú)
Tiến sĩ Alan Phan thì khác. Ông đã trải nghiệm mấy
chục năm trên thương trường quốc tế, từ châu Mỹ, châu Phi sang châu Á với thất
bại cũng như thành công. Những kinh nghiệm làm ăn đã được ông ghi lại qua mười
một đầu sách. Hai tác phẩm mới nhất là Doanh nhân Việt trong thế trận toàn cầu
(600 trang) và 42 năm làm ăn tại Mỹ và Trung Quốc (300 trang) – gồm nhiều bài
đã đăng trên Blog gocnhinalan.com – được ra mắt tại hội quán báo Thằng
Mõ ở San Jose vào trưa Chủ nhật 23/8.
Trên 100 khách đã đến tham dự, trong đó có nhiều
doanh nhân vùng Vịnh San Francisco như ông David Dương, Tổng giám đốc
California Waste Solution; ông Trần Hồng Phúc Chủ tịch Phòng Thương mại Việt
Nam Oakland; ông Đỗ Vẫn Trọn của Truyền hình Viên Thao; ông Nguyễn Xuân Nam của
TV và báo Calitoday; ông Huỳnh Lương Thiện của Tuần báo Mõ SF.
Ngoài ra còn có cựu phó thị trưởng Madison Nguyễn,
kĩ sư Đỗ Thành Công và ủy viên giáo dục Vân Lê, là ba ứng cử viên cho chức Dân
biểu Tiểu bang Địa hạt 27 vào năm tới.
Còn lại đa số là các bạn trẻ, trong đó có những sinh
viên du học đến từ Việt Nam.
Bài nói chuyện của Tiến sĩ Alan Phan xoay quanh thương trường Việt Nam và những cơ hội. Theo ông, đầu tư đòi hỏi sự chuyên nghiệp, kế hoạch và tùy thuộc nhiều vào nhà nước, trong khi kinh doanh là môi trường hoạt động thoáng hơn và dễ thành công hơn.
Ông mô tả: “Việt Nam là một môi trường giới hạn,
không phải muốn gì thì làm nấy. Tình hình còn mù mờ. Xã hội Việt Nam so với Mỹ
thì thật là bát nháo và hỉ nộ ái ố hơn. Không ở đâu buồn cười như ở Việt Nam. Mở
tờ báo ra đọc là thấy đính chính tôi không bị bắt. Như mới đây ông Trần Phương
Bình của Đông Á Ngân hàng phải lên tiếng. Rồi ông Đặng Thành Tâm cũng lên tiếng
đính chính là chưa bị bắt.”
Câu nói vui đùa của Tiến sĩ Alan: “Tôi cũng đính chính
với các bạn đây là tôi không bị bắt” đã đem đến cho khách dự một tràng tiếng cười.
Theo ông, nhiều người Việt hải ngoại về Việt Nam có
những lí do riêng, gái gú cũng có, kỉ niệm ngày xưa cũng có, thắng cảnh cũng
có. Quê hương cũ có một sự quyến rũ nào đó.
Nếu đó là một nơi có thể sống được, kiếm được tiền
thì rất thoải mái. Ở đó có những niềm vui và những điều tiêu cực. Nhưng nói
chuyện làm ăn là cần có sự may mắn và phải có quan hệ.
“Nếu về làm ăn tôi khuyên là người độc thân, về đó gặp
con cán bộ là kết hôn ngay vì quan hệ rất quan trọng trong làm ăn được thua ở
Việt Nam. Phải có người chống lưng, có gốc rễ.”
Ở Mỹ thì khách hàng là số một, còn ở Việt Nam, theo
quan sát của ông: “Khách hàng là quan chức nhà nước. Nếu mấy ông đó thích thì sẽ
bán được nhiều hàng, làm ăn lên rất lẹ. Nếu mấy ông không thích thì ô hô ôm
passport lo chạy về Mỹ.”
Nội bộ lãnh đạo với tranh giành phe nhóm cũng ảnh hưởng
lớn đến kinh doanh. Mình đứng về phiá thua thì coi như không còn gì.
Tiến sĩ Alan nhắc đến sự kiện ông Hà Văn Thắm là phe
của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, khi ông Hùng mất thế thì giá cổ phiếu
Ocean Group của công ti do ông Thắm điều hành đang từ 100 nghìn đồng rớt xuống
1 nghìn, ngân hàng bị nhà nước mua lại với giá coi như cho không.
Ông cũng tiết lộ nhà nước theo dõi một thương gia nước
ngoài về làm ăn rất lâu và rất sâu vì chính ông bị moi ra chuyện quan hệ với một
thiếu nữ Trung Quốc ông quen đã lâu, giờ không còn nhớ mà họ vẫn để ý.
Nói đến các khu vực kinh doanh có triển vọng, theo
nhận định của Tiến sĩ Alan thì đó là IT và nông nghiệp.
IT không cần hạ tầng cơ sở và thành phần trẻ có đam
mê và ao ước làm được cái gì đó tốt đẹp cho thương hiệu Việt Nam thay vì cứ sao
chép hay ăn cắp bản quyền.
Ông nói: “Phát triển IT vì quan cán bộ ngu lắm, email
không biết, software nói với mấy ông ấy như nói với vịt. Ít hạ tầng cơ sở nên mấy
ông ấy không kiếm tiền được.”
IT khó kiểm soát vì tài khoản có thể đặt ngoài Việt
Nam, tránh được bộ máy hành chánh chỉ đòi tiền. IT cần đột phá, sáng tạo, không
cần gia truyền hay cổ truyền, tư duy luỹ tre làng bị gạt qua một bên. Đây là
con đường mới cho giới trẻ, thời trang đối với Việt Nam nên họ rất hâm mộ.
Còn nông nghiệp, ngày nay không phải là sản xuất mà
là tìm kiếm được thị trường. Nông phu tranh nhau đi chăn nuôi, trồng trọt nhưng
tìm được thị trường rất khó vì nếu mình bán rẻ 10%, nước khác bán rẻ 20% hay
30% thì không thể cạnh tranh nổi.
Nhiều nước đã có sản xuất qui mô, công nghệ cao
trong khi Việt Nam chưa đạt tới trình độ đó thì cũng khó cạnh tranh. Để tìm được
thị trường cần có hàng đặc thù, trong khi nhà nước không giúp gì được vì chỉ lo
“hành dân là chính”, vì thế giới trí thức có thể làm được việc này. Sau đó phải
có trung gian tiếp thị, về mặt này người Việt ở hải ngoại đóng góp vai trò quan
trọng.
Như người Tàu họ có chuỗi dây phân phối rất hữu hiệu.
Nhưng nay với công nghệ thông tin, vai trò của người trung gian cũng đang giảm
đi, thông tin về mặt hàng có thể tìm thấy trên mạng.
Đó là những lí do tại sao Tiến sĩ Alan Phan nhấn mạnh
đến hai khu vực IT và nông nghiệp để Việt Nam có thể cạnh tranh và có những tiến
bộ hơn về kinh tế.
Vì sao lại là hai khu vực đó? Theo ông, với dân số
hơn 90 triệu, xã hội Việt Nam ngày nay gồm những nhóm sau:
1/ Những người của thế giới kỹ thuật số, họ sống xa
lánh hoàn toàn với thế giới bên ngoài, biết được những thứ mà dân thường không
biết, họ khao khát có tiến bộ cho đất nước. Số người này khoảng 6 triệu.
2/ Nông dân từ 30 đến 40 triệu, chỉ lo kiếm sống và
mong muốn đời sống được cải thiện một chút.
3/ Quan chức cán bộ, hơn 3 triệu. Đối với những người
này, cứ trả lương cho họ nằm nhà là tốt nhất cho dân.
4/ Thành phần còn lại là những người không làm mà vẫn
ăn, suốt ngày đi nhậu rồi về nhà đánh vợ, ù lì đến độ không còn chút hy vọng gì
vào đám người này.
Vì thế tạo cơ hội phát triển cho hai thành phần IT
và nông dân sẽ là những mũi nhọn đưa kinh tế Việt Nam đi lên.
Là người với nhiều kinh nghiệm làm ăn trên thương
trường quốc tế, ông cũng đã đầu tư vào Việt Nam 2 triệu đô-la và mất hết. Những
năm qua Tiến sĩ Alan Phan đã làm tham vấn hướng dẫn cho doanh nhân Việt biết
cách làm ăn theo lối Mỹ.
Tuy nhiên, trong nhiều cuộc phỏng vấn ông đã nói bạo
khiến quan chức nhà nước không vui: “Mình nhìn sao nói vậy nên có hơi sốc với
nhiều người nên bây giờ nhà nước không cho tôi có những phát biểu trực tuyến nữa.
VTV có phỏng vấn tôi 30 phút, sau khi cắt xén đi còn chừng 5 phút.”
Ông nói: “IT không cần nhiều cơ sở hạ tầng. Mấy ông
quan chức rất khôn lanh, xây cầu đường, tượng đài họ chia nhau được. Mức độ trù
phú của miếng bánh cắt riết mà cái bánh ngày càng nở ra. Người ta đang ăn ngon
thế này thì sao đòi được. Được cái mấy ông chỉ đi vay, rồi ăn bớt ăn xén cái
đó. Dân mình chịu nợ thôi. Mà tính quịt là muôn đời của người Việt Nam. 15 năm
sau có nước nào đòi nợ thì chỉ còn cái quần cụt thì không có gì để đòi được nữa.”
Ông kể, một quan chức cao cấp nói thằng nào ngu cho
vay thì mình cứ lấy tiền đó mình xài. Người dân họ không biết, cứ để cho dân uống
bia tự do là thoải mái rồi, họ không thắc mắc gì.
Về những người từ Mỹ về đầu tư, nhắc đến ông David
Dương, Tiến sĩ Alan Phan phát biểu: “Tôi nghe ông về xử lí rác thì tôi thích
thú lắm. Mong ông xử lí rác ở Ba Đình thì ông lại xử lí rác ở đâu Đa Phước.
Mong một ngày ông sẽ đưa Ba Đình vào đống rác của ông ấy”. Hội trường òa lên những
tiếng cười.
Tiến sĩ Alan Phan du học Mỹ từ năm 1963, năm 1968
ông về nước và đã làm chủ nhiều công ti thời Việt Nam Cộng hòa với số
công nhân lên đến 18 nghìn.
Năm 1975 ông ra nước ngoài, có lúc điều hành công ti
trên sàn chứng khoán với tài sản 700 trăm triệu đô-la. Cuộc đời nhiều thăng trầm
và nay đã 70 tuổi, với tài sản chắc cũng vài chục triệu đô-la. Nhưng nếu gặp
ông ngoài đường, qua trang phục ông mặc hôm ra mắt sách, với áo vét quần jean
thùng thình, không cà-vạt, đi giầy ba-ta, có ai biết ông là một doanh nhân triệu
phú.
Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
No comments:
Post a Comment