Sunday, August 2, 2015

Tại sao người Việt Nam lại trồng nhiều cần sa đến thế? (Michael L. Gray)





Michael L. Gray
Trà Mi dịch
Posted on July 30, 2015 by editor — 0 Comments

Vào đầu tháng 3 năm 2007, công an đã tìm thấy ma túy làm từ cần sa (cannabis) mọc ở nhiều khu vườn thuộc tỉnh Hà Tây, gần Hà Nội.

Những người buôn bán ma túy đã thuê nông dân trồng cần sa, và công an cho biết rằng chúng đã được trồng khá lâu rồi vì người dân địa phương không hiểu đó là loại cây gì. Người chủ của một vườn cần sa nghĩ rằng đây là một loại cây thuốc (và đúng vậy, nó là một loại thuốc), và nhìn chung thì nông dân rất ngạc nhiên khi biết rằng đó chính là một loại dược liệu bị cấm.

Có một số tài liệu, không nhiều, về lịch sử việc sử dụng cây cần sa ở miền Bắc Việt Nam. Ở đây nó không phổ biến như ở bên Lào hoặc một số nước láng giềng khác. Rượu và thuốc phiện (nay là Heroin) là những dược liệu được sử dụng theo cổ lệ. Tuy cần sa được trồng ở miền Nam trong thời kỳ chiến tranh, nhưng việc trồng cây này đã giảm rõ rệt sau khi lính Mỹ rút đi.

Vậy thì tại sao bây giờ nó trở lại? Người nước ngoài ở Hà Nội từ lâu đã than vãn về sự thiếu cần sa tốt ở địa phương, nhưng đây không chỉ là một sự tình cờ may mắn. Trong mười năm qua, những người Việt Nam buôn lậu ma túy đã trở thành nguồn cung cấp chính cần sa tinh chế cho thế giới. Sự lớn mạnh đột ngột của các vườn cần sa xung quanh Hà Nội chỉ là một trường hợp như “gà về chuồng để ngủ”.

Nhiều người trông cần sa là trẻ em

Ảnh minh họa nạn nhân của bọn buôn lậu cần sa và buôn người tại Anh Quốc. Nguồn: The Sunday Times, 25th August 2013

Nhưng làm thế nào và tại sao các băng đảng ở miền Bắc Việt Nam lại có thể biến cần sa thành một nguồn lợi của họ?

Câu chuyện chạy sang nước Anh, nơi mà vài năm gần đây cảnh sát đã bắt được một số kỷ lục những “vườn nước” trồng cần sa. Từ 2005-2007, ở London, nhà chức trách khám phá khoảng 1500 khu trồng cây cần sa, 500 vụ nhiều hơn 2 năm trước đó.

Có khoảng 75 phần trăm những người trồng cần sa này là người Việt Nam, và hầu hết họ là những người dân mới di cư gần đây. Tình trạng này đã xấu đến mức nhân viên di trú đã phải đi cùng với cảnh sát trong các cuộc truy bắt.

Rất nhiều công nhân trồng cần sa là trẻ em, đó là những trẻ bị những băng đảng buôn thuốc phiện dấu mang sang Anh Quốc, đặc biệt là để trồng cần sa. Trẻ em là đối tượng dễ dàng kiểm soát và có thể trả công rẻ mạt. Hơn nữa, chúng không thể bị buộc tội hình sự khi bị bắt, và như thế sau khi việc trồng cần sa bị đổ bể, những đứa trẻ có thể được đưa ra khỏi sự chăm nom của chính phủ và quay trở lại một nơi trồng cần sa khác. Nếu chúng bị ép phải trở về Việt Nam thì cũng không có gì có thể ngăn cản chúng khỏi bị dấu mang trở lại Anh quốc một lần nữa. (Một lỗ hổng trong Luật của Anh đã khiến cơ quan nhập cảnh không có trách nhiệm bảo an cho trẻ theo Đạo luật về Trẻ em năm 2004).

Món lợi khổng lồ. Một căn nhà trồng cần sa có thể kiếm được 500.000 đô la Mỹ một năm. Mười năm trước, 11% cần sa ở Anh là cần sa nội địa. Hiện nay số lượng này là 60%. Hơn nữa, một loại marijuana mạnh goi là skunk, có lượng thuốc nhiều gấp 10 đến 20 lần loại cần sa bình thường. Vườn trồng cần sa dùng những dụng cụ công nghệ cao giá lên tới 100,000 USD để gia tăng sản lượng và tránh sự dòm ngó của hàng xóm (mùi cây và độ nóng từ vườn cần sa rất cao, và phân bón hóa học rất độc).

Lý do trực tiếp cho sự gia tăng mức cung (và lợi nhuận) là do một thay đổi về mặt pháp luật năm 2004 đã giảm cần sa xuống dược liệu hạng C thay vì hạng B. Điều này có nghĩa rằng người tiêu thụ sẽ không bị buộc tội hình sự nếu như họ chỉ tích trữ một lượng nhỏ. Người ta hiểu rằng đây là một sự phi tội phạm hóa và do đó sản xuất cần sa nội địa cất cánh.

Miền Tây Canada, thiên đường của cần sa

Nhưng tại sao những băng đảng Việt Nam lại chuyên trồng cần sa? Tại sao không phải là những nhóm tội phạm khác?

Để trả lời cho vấn đề này, chúng ta hãy tiếp tục đi đến thành phố Vancouver tươi đẹp ở bờ
Tây đất nước Canada của tôi.

Từ giữa đến cuối những năm 1990, người Việt Nam hầu như chiếm lĩnh toàn bộ công nghiệp trồng cần sa ở Vancouver và các vùng lân cận ở tỉnh bang British Columbia. Đây không phải là một chiến công nhỏ, vì sản xuất marijuana quy mô lớn trước đó thuộc quyền cai quản củacâu lạc bộ xe máy Thiên thần Địa ngục (Hells Angels) khét tiếng với việc sử dụng bạo lực với đối thủ.

Bờ tây của Canada đã là một ổ cung cấp marijuana từ nhiều năm. Trong những năm 1960, những người Mỹ trốn quân dịch đã đến vùng núi của tỉnh Bristish Columbia và trồng cần sa như một nguồn để sinh nhai. Người Canada có thái độ thản nhiên với chất kích thích nhẹ, và nhiều người sống ở bờ Tây đã trồng cần sa trong vườn của họ. Nhưng đây là những người “thích” trồng để dùng hoặc để bán lại cho bạn bè. Nhóm Thiên thần Địa ngục bắt đầu sản xuất cần sa ở mức độ công nghiệp lớn để cung ứng cho thị trường lớn ở Mỹ. Và trong những năm 1990, các băng đảng Việt Nam bắt đầu chiếm lĩnh thị trường.

Nhóm Thiên thần Địa ngục có những vườn ươm lớn ở trong các chuồng súc vật ở vùng nông thôn. Khi một khu trồng “cỏ” bị phát giác, cả “vụ mùa” sẽ mất và rất khó để bắt đầu lại. Những băng đảng người Việt lại chú trọng biến những nhà trọ và những căn nhà nhỏ ở khu vực đô thị thành những nơi trồng trọt. Nếu bị phát giác, họ dễ dàng lập lại những vườn ươm ở những nơi khác. Một điều quan trọng là, cảnh sát có thái độ mềm mỏng đối với tội phạm, ít nhất là lúc bắt đầu, và người nào bị bắt vì trồng cần sa sẽ chỉ bị phạt hoặc là bị tuyên án treo (không phải ngồi tù).

Một báo cáo của cơ quan chống ma túy của Mỹ năm 2000 cho biết rằng năm 1998, có 2.351 trường hợp trồng cần sa bị phát giác ở tỉnh bang Bristish Columbia. Một năm sau, những trường hợp này tăng 30%, tức là 3.279 vụ. Năm 1994, khoảng 325 cân marijuana bị tịch thu khi đang vận chuyển qua biên giới British Columbia với Hoa Kỳ (tiểu bang Washington). Và vào năm 1998 cảnh sát tịch thu 2600 cân cần sa.

Marijuana phẩm chất cao được chế biến hoàn hảo ở British Columbia, nơi mà các cửa hàng công khai bán hạt giống, dụng cụ và sách dạy trồng cây trong nước. Những năm 1990 “BC Bud” là loại cần sa hảo hạng và người Mỹ rất thích loại này. Giá một cân (pound – cân Anh) khoảng từ 1,500 USD cho đến 2000 USD ở Vancouver, và cần sa đó được bán với giá 3000 USD một cân ở California và tới 8000 USD một cân ở New York (số liệu lấy từ Báo cáo năm 2000 của DEA). Những đánh giá gần đây cho biết rằng giá trị thương mại của cân sa khoảng 6,5 tỷ đô la Mỹ một năm cho tỉnh British Columbia, đứng thứ hai sau dầu mỏ và khí đốt.

Hải Phòng, như những thành phố cảng khác, có nhiều thành phần bất hảo

Con đường cần sa

Nhưng thế này mới chỉ là đặt phạm vi của vấn đề, nó vẫn không trả lời câu hỏi ban đầu của chúng ta là: Có nhiều nhóm dân di cư ở Vancouver, tại sao các băng đảng Việt Nam lại thống trị [thị trường cần sa] nhanh đến như vậy?

Để trả lời cho câu hỏi, tôi nghĩ là rất cần để xem lại câu chuyện cụ thể của việc di cư. Và cũng cần nói ngay cho rõ, những người Canada gốc Việt không liên quan gì đến câu chuyện này. Trong những năm sau 1975, Canada cũng như nhiều quốc gia phương Tây khác đón nhận hàng chục nghìn người Việt Nam tị nạn cộng sản. Những người tị nạn này đến từ miền Nam Việt Nam, phần lớn là chuyên viên có học vấn. Họ sinh sống ở những đô thị lớn ở Montreal, Ottawa và Toronto, và ít hơn ở những thành phố khác như Edmonton và Vancouver.

Nhìn chung, thế hệ những người tị nạn di cư đầu tiên này khá thành công ở Canada. Ottawa, quê tôi, là một trong số ít trong các thành phố Bắc Mỹ mà không có cái thực sự gọi là “khu phố Tầu”. Chúng tôi lại có khu phố Việt Nam, với đầy các cửa hàng, doanh nghiệp thương mại đa dạng (không chỉ là nhà hàng) do người Việt Nam hoặc người Việt gốc Hoa làm chủ. Ottawa là trung tâm của công nghiệp cao của Canada, và một vài năm trước tờ Ottawa Citizen đã đăng một câu chuyện tiêu biểu cho sự nổi bật của những kỹ sư Canada gốc Việt Nam ở trong khu vực kinh tế này.

Nói chung, đây là câu chuyện về người Canada gốc Việt khắp mọi nơi ở Canada, những chuyên viên có học vấn, thuộc đủ ngành nghề. Tuy nhiên khi nói đến Vancouver thì mọi thứ đã thay đổi đôi chút.

Vancouver là một điểm đến cho những người miền Bắc Việt Nam đã đi tị nạn ở Hồng Kông. Đây là những người tị nạn kinh tế [hay vì chính sách bài Hoa của đảng cộng sản] chạy khỏi Việt Nam khoảng giữa những năm 1980. Rất nhiều người trong số họ xuất thân bình thường, nhìn chung, hầu hết họ đến từ Hải Phòng và một số vùng nghèo khó ở vùng duyên hải miền Bắc. Hải Phòng, như những thành phố cảng khác, có nhiều thành phần bất hảo. Tôi được nghe kể rằng vào những năm 1980, Việt Nam ở giai đoạn tuyệt vọng đến nỗi cán bộ chính phủ bắt những tội phạm xấu xa nhất tống lên thuyền để đẩy đi Hồng Kông. Thế nào đi nữa thì trại tị nạn ở Hồng Kông cũng là một nơi khủng khiếp, người tị nạn bị bỏ quên hàng năm trời trong tình trạng hoang mang, dưới sự cai quản của những băng đảng phát triển tràn lan không bị chính quyền bên ngoài kiềm chế. Ngay cả nếu không có xu hướng pháp tội, sau khi tới ở đó, không ai có thể trách bạn có xu hướng này khi rời khỏi trại tị nạn ở Hong Kong.

Những người miền Bắc Việt Nam đến Canada vào những năm cuối 1980 và những năm 1990 thường đến Vancouver hoặc miền Tây Canada (Tôi không hiểu tại sao). Ở đó, họ có lẽ đã gặp những người Việt Nam đến từ miền Nam đã thật sự “hội nhập” hoặc ít nhất là sống một cách thành đạt như những người trung lưu ở Canada. Không có một cơ quan nào đón tiếp họ. Thiếu giáo dục và thiếu cơ hội, những người tị nạn di cư mới này trở thành nạn nhân phải làm việc cho các băng đảng trả nhiều tiền để họ làm những công việc không cần kinh nghiệm.

Tỉ lệ rủi ro/phần thưởng trong việc trồng cần sa vào những năm 1990 ở Vancouver gần như chỉ là phần thưởng với những rủi ro không đáng kể. Xã hội, kể cả cảnh sát, có một thái độ tương đối rộng lượng đối với những người di cư mới (tống giam hàng loạt những người di cư mới không phải là hành động chính trị thời thượng ở Canada). Hơn nữa, xã hội, kể cả cảnh sát, đã có một thái độ mềm mỏng với tội phạm ma túy (có sự phân biệt lớn ở Canada và Anh Quốc giữa ma túy “nhẹ” như marijuana và “nặng” như heroin). Khi việc trồng cần sa ở đô thị bị phát giác, kết quả là phạm nhân chỉ bị phạt chứ không bị tù. Đó là môt sự khác biệt lớn giữa Canada và Hoa Kỳ, và đây là lý do tại sao việc trồng cần sa không xẩy ra ở phía Nam biên giới – ít nhất là cho đến những lúc gần đây.

Như vậy, đối với những thành viên của các băng đảng đến Vancouver, thật là dễ dàng tuyển mộ những người Việt Nam để trồng cần sa. Họ chuyển lợi nhuận vào các tổ chức tội phạm khác, kể cả việc buôn lậu heroin. Chỉ trong vài năm, những băng đảng Việt Nam đã đuổi nhóm Thiên thần Địa ngục ra khỏi Vancouver, cảnh sát đã phải gọi họ là “những tội phạm tập trung ngoại hạng và gan lì nhất từ trước đến nay ở Canada.”

Sống trong nền kinh tế kế hoạch tập trung của những năm 1980 ở Việt Nam – nơi mà tất cả mọi người đều “vi phạm pháp luật” chỉ để sống còn – và cuộc di cư cực kỳ khó khăn đến trại tị nạn ở Hong Kong – nơi từng được so sánh với một ‘gulag’ ở Liên Xô – chắc chắn đã ảnh hưởng tới sự quyết tâm của họ để thành công ở Canada bằng mọi giá.

Từ bờ biển miền Tây của Canada, và từ những người trồng cần sa đến từ miền Bắc Việt Nam và những người Việt gốc Hoa, thương mại đã lan rộng. Họ xuyên qua Canada, kéo thêm những người di cư (miền Nam) Việt Nam và dân châu Á khác vào việc kinh doanh, không chỉ là những người trồng, mà còn sử dụng những ngươi mua bán địa ốc và những người khác có khả năng dễ mượn tiền thế chấp bất động sản sang trọng ở ngoại ô. Và vì mạng lưới của người tị nạn Việt Nam có tính quốc tế, với thành viên của cùng một gia đình hoặc dòng họ được các chính phủ khắp nơi cho đến cư trú, vì vậy cũng không có gì là lạ việc kinh doanh cần sa đã nhanh chóng chạy sang các nước khác, phần lớn là Anh Quốc, khi mà tỉ lệ rủi ro/phần thưởng ở đây trở nên thuận lợi hơn nữa.

Còn một cái ngoắt ngoéo cuối cùng của câu chuyện này. Hoa Kỳ trước kia không được chọn làm nơi sản xuất (cần sa) vì luật pháp không khoan nhượng (như ở Canada hay Anh Quốc): bị bắt có nghĩa là xộ khám đến 10 năm.

Tuy nhiên, sau vụ khủng bố ngày 11 tháng 9 năm 2001, an ninh biên giới đã được thắt chặt và số lượng ma túy bị tịch thu ở biên giới Canada – Hoa Kỳ tăng lên đáng kể. Vì thế, những người buôn lậu cần sa đã mở những cửa hàng ở Mỹ, cung cấp “dụng cụ làm vườn” và kiếm người buôn bán địa ốc trong cộng đồng người Việt có thể giúp họ mượn tiền thế chấp để mua bất động sản lớn ở vùng ngoại ô. Bạo lực đã gây rắc rối cho kinh doanh ở Vancouver, thất đáng buốn, cũng đã di chuyển xuống phía nam của đường biên giới.

Vào một lúc nào đó, có lẽ chỉ vài năm trước, các băng đảng Việt Nam đã quyết đinh rằng quê hương của họ ở đồng bằng sông Hồng sẽ là một điểm tốt để lập những vườn trồng cần sa (Có ai đã thử hàng ở Việt Nam chưa?) Điều này chắc chắn khiến cho chính phủ Việt Nam lo ngại, và họ đã bắt đầu có phản ứng: đầu năm 2007, sứ quán Anh và Canada đã giúp chính phủ Việt Nam thành lập một lực lượng đặc biệt chống rửa tiền đặc biệt là đống tiền cần sa. Với người Việt Nam bình thường, băng đảng kiếm được hàng triệu đô la ở nước ngoài có lẽ chỉ có một tác động đáng kể – tiền bán thuốc phiện hồi hương đang góp phần vào thị trường bất động sản vốn đã quá nóng.

Thế nào đi nữa, khi một món hàng xịn được những người nông dân ở đây phát giác, nó sẽ lan như lửa cháy rừng khô. Nếu trong tương lai marijuana được bán ở sàn chứng khoán Hà Nội thì tôi sẽ là người đầu tư.

Tác giả Michael L. Gray sống, không liên tục, ở Việt Nam từ năm 1995, phần lớn ở Hà Nội nhưng hiện ở Sai Gòn. Ông làm việc trong lĩnh vực truyền thông.

© 2015 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”

Nguồn: The Canadian Connection. Why do Vietnamese grow so much dope? © 2007 by Michael L. Gray.






No comments:

Post a Comment